TỔ NGHIỆP




Ông già chừng đã bước qua tuổi tám mươi nhưng dáng dấp còn sõi sàng, ngồi nhâm nhi tách nước trà như muốn thưởng thức từng ngụm nước nhỏ trong buổi sáng nhà hàng thưa thớt khách. Mắt ông xa vắng đưa hồn về chỗ dĩ vãng xa xăm nào đó đương chập chờn ẩn hiện trong ký ức. Tôi liếc trộm ông thiệt lâu, ông già nầy lạ, ngồi yên lặng, chưa nói chuyện với mình, nhưng cử chỉ của ông đã toát ra vẽ gì đó thiệt là thoải mái thân thiện khiến mình nao nức muốn làm quen liền.

Người bạn tôi nói nhỏ:
“Đó là nghệ sĩ lừng danh Tuấn Đạt, người từng làm mưa làm gió trên các sân khấu cải lương ở Miền Nam hơn nửa thế kỷ trước. Bây giờ thời thế bắt ông xa nghề bỏ nghiệp, nói chuyện với ông ta mình biết được nhiều điều hay ho về sinh hoạt cải lương, về tình đời, về những điều cười ra nước mắt trong nội tình các gánh hát sau cuộc đổi đời.”
Bốn người chúng tôi đồng ý cử anh bạn thổ công nầy mời người nghệ sĩ già sang bàn mình. Được mời, ông đứng dậy liền, không khách sáo, tay nầy xách bình trà, tay kia nưng tách nước. Tôi có cảm tình với ông khi nhìn cử chỉ xăng xái nầy vì tôi biết ông là chủ nhân của quán – do quán mang tên nghệ sĩ của ông- chỉ cần đứng dậy thì nhân viên phục vụ đã biết ý mà bưng bình trà qua rồi.

Không cần giới thiệu hai bên, cũng không có những cái bắt tay khách sáo vồn vã chẳng cần thiết, ông nói liền:
“Anh em có biết không, tôi biết viết chữ Tàu đó.”
Cả bọn đưa mắt ngó nhau. Nhập đề hơi lạ à nhe! Quá ấn tượng! Ai khảo đâu mà xưng?
Ông móc ra tờ giấy trắng tuy nhàu nát nhưng được xếp để sẵn trong túi áo sơ-mi, nghiêng mình rút cây viết được mắc trong túi quần, hí hoáy viết hai chữ Hán, đẩy ra giữa bàn. Mắt các bạn chiếu tướng tôi. Tôi nói:
“Tổ Nghiệp” Anh Đạt có ý gì khi viết hai chữ nầy?”
Nghệ sĩ già cười hiền:
“Ý mẹ ý con gì đâu? Quọt quẹt có trần xì hai chữ nầy thôi. Còn ngoài ra trớt quớt hết. Chú tôi dạy khi tôi mới vô nghề, mới bắt đầu học tuồng, đóng vai Quách Hải Thọ. Học để kính trọng tổ đó mà, để khỏi làm bậy mang tiếng tổ nghiệp! Cái lạ của ổng là không dạy mình ca hát, chẳng nói gì tới chuyện diễn xuất mà dạy mình phải trọng tổ và không được làm chuyện gì nhục tổ, ô danh. Tổ không cần phải là khúc cây đẽo hình đứa nhỏ như trong gánh hát bội. Tổ của chú tôi truyền lại cho tôi là hai chữ huyền diệu nầy. Ông bắt viết đi viết lại như là tôi phải học chữ Nho để đi thi Cử Nhơn, Tiến Sĩ Hán Học không bằng. Chán chết được. Trời đất ông địa ơi, con trai mới 12, 13 tuổi còn ham trửng giỡn, còn ham leo trèo nhảy nhót mà ổng bắt viết hai chữ rồng rắn nầy mỗi ngày gần hết cuốn tập 100 trương xích lô máy. Như là cực hình! Mấy anh biết không, mình không dám chống lại ổng, cũng không có ý nghĩ chống lại nên ổng biểu tập là tập thôi. Ngày đêm, lúc nào rảnh rỗi, lúc nào cái lưng nó muốn cúp xuống, đứng lên quay mạnh nó kêu răn rắc mới thôi. Hơn sáu chục năm rồi mà tôi còn nhớ được là nhờ thỉnh thoảng cũng có dịp viết hai chữ nầy để treo lên khi cúng kiếng cho đoàn.”

Tôi dòm sơ qua tờ giấy lần nữa. Nét chữ chân phương tầm thường, có thể nói là còn non nớt nhưng nhằm nhò gì, thầy dạy chắc có ý gì đó khi cố gắng đưa hai chữ nầy vô trí học trò.

“Mấy anh biết đó mà, gánh hát lưu động hoài, ở chỗ thị tứ thì ít mà chỗ xa xôi hẻo lánh chó ăn đá gà ăn muối thì thường. Mang khuôn kiếng đi sợ nó bể, mất công quá, tôi sáng trí bày ra chuyện viết trên giấy cạt-tông thùng sữa con chim. Tức cười là có nhiều chỗ mấy ông già bà lão tưởng tôi biết chữ Nho năn nỉ viết nầy kia để thờ. Phải từ chối trối chết. Cha mẹ ơi, họ lại tưởng tôi làm cao, nằn nì mời về nhà, đãi đằng gà vịt ăn tràn họng, lại còn được con gái, cháu gái họ mắt liếc đưa tình với mình nữa.”

Người nghệ sĩ rót cho mình tách nước đầy, sóng sánh bọt, đưa lên môi thổi nhè nhẹ. Mắt mơ màng.

“Từ lúc thằng nhỏ chưa biết mùi đời chú nó đã răn đe là nên trọng tổ nghiệp. Không phải là cúng vái tổ để được giọng mùi, tiếng thanh, hát hay, hơi dài, diễn xuất ăn khách, cũng không phải biết cách luyến láy, chẻ chữ, bẻ câu cho mê mẩn người nghe, mà trọng tổ nghiệp là không lợi dụng tiếng tăm của mình xí gạt người nầy người nọ để lấy tiền lập gánh hay cất vô túi để xài bậy bạ như là bao gái, đốt khói phù dung hay canh bài lá bạc. Chú tôi oai hùng lắm, ngày trước là bạn cùng đóng tuồng với kép đẹp Từ Anh, cùng ca chung với Cô Tư Sạn. Chú nói đời chú trong ba mươi năm theo hát thì nắm vững cái khí tiết của kẻ cương trực khi chưa nổi tiếng, chưa lập được gánh. Khi có chút tiếng tăm, làm được bầu gánh rồi thì tập lòng trống trải, không ganh ghét ai cũng chẳng mưu cầu lợi dụng ai. Chú tôi là nhà Nho lỡ thời, học trò của ông Đặng Thúc Liêng, ông Lương Khắc Ninh, ông Nguyễn Chánh Sắt nên Nho ổng xổ ngon ơ.”

Tuấn Đạt ngồi thẳng lưng, dựa vô ghế lim dim ngâm nho nhỏ, hơi thiệt là ấm, giọng ngang tàng như một kiếm khách lẫn chút bất cần cuộc đời huyễn ảo của một nhà sư:
Vị xuất thổ thời tiên hữu… tiết…
Đáo lăng vân xứ dã hư… tâm… [1]
Ngâm sĩ chồm tới sát bàn ăn hơn, nói tiếp:
“Dạy cách ở đời thì vậy, còn dạy về phụ nữ thì răn cấm đem giọng kèn tiếng quyển lợi dụng đàn bà, con gái người ta. Mỗi lần ổng nói tới chuyện gái trai thì tôi mắc cở muốn chết luôn, ước sức độn thổ được tôi cũng độn. Mới nứt mắt, biết đách khô gì. Con gái trổ mã, dậy vú đứng gần hay nắm tay nắm chưn tôi cũng tỉnh queo, nhiều khi còn cự nự nữa là đằng khác. Vậy đó mà ông cứ chận đầu trước hoài khiến mình đỏ mặt bừng tai. Ổng thí dụ về một hai nghệ nhân trong đoàn, anh thì mèo đàng chó điếm, anh thì hoa thơm nhổ cả cụm, bẻ một lượt hai cành hoa chị em của một nhà nọ, ông già mấy cổ hay được xách rựa rượt thanh niên cả đoàn chạy trối chết khiến chú phải đứng ra dàn xếp trần ai khoai củ, tốn cả bình nước miếng và nước mấy sông để rửa nhục.”

Tôi thay đổi đề tài để khỏi nghe thêm những chi tiết xấu xa xưa cũ vốn không ích lợi gì cho ai, yêu cầu:
“Anh Đạt! Tiếc là nơi đây không có Tam hùng để làm bộ ba Năm Cơ đàn sến, Văn Vĩ đàn guitar, Bảy Bá đờn tranh như ngày xưa, nhưng thôi, mình giả sử như vậy đi, anh làm ơn ca chừng hai câu bài vọng cổ tuyệt chiêu của anh để bốn anh em chúng tôi bay ngược thời gian trở về hơn bốn mươi năm trước. Cũng là món quà quí giá anh tặng cho người tới từ xa vì cái thanh danh lẫy lừng của anh….”
Người nghệ sĩ trầm ngâm, nuốt nước miếng, chậm rãi. Tôi tưởng ông sẽ cất tiếng ca, nhưng không, ông triết lý:
“Bài tuyệt chiêu đó nghe! Nhiều người có: Út Trà Ôn trước khi đất nước chia hai có Tôn Tẩn Giả Điên, Út Bạch Lan có Hoa Lan Trắng, Ngọc Giàu có Áo Tình Đắp Mộ Người Yêu, Út Trà Ôn sau nầy có Tình Anh Bán Chiếu, Lệ Thủy có Bạch Thu Hà, Thanh Nga có Lắng Tiếng Chuông Chùa… Đó là chưa kể trước nữa, các đàn anh như Thanh Tao, Năm Phồi, Năm Nghĩa, Bảy Cao, Bửu Tài… mỗi người đều chuyên trị một vài bài ruột, nhứt là Năm Nghĩa với bài Văng Vẳng Tiếng Chuông Chùa nghe mà muốn đứt ruột đứt gan.
Ngừng một lúc ông khiêm nhường:
“Nói nầy nghe nhe! Tôi không dám nói mình có bài nào tuyệt chiêu hay ruột hoặc là vua của bài nào cho nên xin được cáo lỗi mấy anh. Với lại ở chỗ nhà hàng ăn uống tạp nhạp xin phép không ca, hôm nào anh em mình huỡn huỡn tổ chức một buổi hội ngộ ở nhà tôi, tôi sẽ đem hết tâm trí ca mấy bài vọng cổ cho anh em thưởng thức…”

Biết nghệ nhơn từ chối khéo, chúng tôi đành thúc thủ ngồi im, quan sát nhà hàng. Cũng đông bộn, cũng có người ngoại quốc ra vô. Chắc chắn là do tài của nhà bếp chớ không phải vì tò mò do cái tên của nhà hàng như bọn chúng tôi…

Một thiếu phụ xuýt xoát sáu mươi nhưng còn mướt lắm, đi vòng quanh bàn chúng tôi một vòng rồi ngừng ngay chỗ Tuấn Đạt, tự tin để tay mình lên vai ông, giọng thân thiết:
“Anh còn nhớ em không?”
Tuấn Đạt nheo mắt, nhìn tới nhìn lui thiếu phụ một hồi lâu ớn mới chậm rãi:
“Sao không kêu bằng chú nữa mà kêu bằng anh. Bỏ hát rồi làm gì?”
Thiếu phụ cười xẻn lẻn:
“Lấy chồng! Ngừng một lúc chị nói thân mật hơn. “Già rồi anh ơi, đâu còn nhóc như hồi đó mà chú chú cháu cháu nữa.” Day qua chúng tôi, chị phân bua: “Hồi đó tôi yêu ảnh quá trời quá đất. Yêu chết được vì giọng ca ảnh hớp hồn tôi, vai của ảnh vừa anh hùng vừa lãng mạn khiến cho mình chỉ muốn được làm người yêu thiệt của ảnh ngoài đời.” Rồi chợt nhớ ra mình đã nói hơi nhiều, chị thắng liền: “Cũng cám ơn ảnh tỉnh táo từ chối sự bồng bột tuổi trẻ của tôi cho nên bây giờ gia đình tôi mới hạnh phúc. Thôi cho xin kiếu mấy anh. Ông xã tôi chắc đương chờ ở tiệm băng nhạc đằng kia, ảnh mở phòng mạch cách đây chừng 5 giờ lái xe, thỉnh thoảng chúng tôi về vùng nầy vì nhớ không khí quán hàng Việt Nam. Tôi sẽ ghé thăm anh Tuấn Đạt thiệt lâu khi có dịp về lại trong vài tháng tới. Gặp nhau ở quê người là hạnh ngộ rồi, đâu để mất liên lạc cho đành. Hồi nãy tôi chỉ vô đây cầu âu khi đọc cái tên nhà hàng…”

Người nghệ sĩ già đứng dậy, bối rối. Một cái hôn được đặt lên má ông, một cái ôm thắm thiết quá hơn tình quen biết cũ tiếp theo đó.
Người đàn bà bước đi coi bộ không vững, chậm chạp. Tuấn Đạt ngồi xuống lại, không đợi người đẹp khuất bóng ở cánh cửa ngoài.
Không khí bàn chúng tôi yên lặng, ai cũng đưa trí mình vào những suy đoán nầy nọ. Tách nước trước mặt người nghệ sĩ già lại được châm đầy, nước tràn qua dĩa loang trên khăn bàn, tay người rót run run…
“Chuyện gặp lại nầy tôi không ngờ nhe! Cũng chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ kể về chuyện cô ấy với ai hết, để bụng cho riêng mình, đó là hành trang đặc biệt của tuổi trung niên. Nhưng mấy anh đã thấy, đã hiểu phần nào nên xin nói lại cho rõ….
Năm đó tôi đã ly dị cô vợ thứ nhứt được đâu hơn một năm rồi. Đời độc thân có phần bê bối về quần áo, cơm nước và đặc biệt là giờ giấc mấy anh biết đó. Tôi hơi xuống trong nghề, nhưng cũng chưa đến nỗi nào. Đoàn hát đương ở quận Ô Môn của tỉnh Cần Thơ. Hát một tuồng của chú Bảy Bá mà vai cô ta yêu thầm vai của tôi, và tôi không chịu, có cảnh cô ta té xỉu, tôi phải đở dậy. Tôi xuống câu vọng cổ, đèn màu bựt lên, trong khi khán giả vỗ tay muốn bể rạp thì cổ nói nhỏ:

“Chú ôm cháu mạnh hơn đi, ôm sát nó, cháu thích như vậy. Hun cũng được. Vừa nói cô ta vừa choàng tay qua cổ tôi, kéo đầu tôi sát vô ngực mình, tôi lật đật gỡ ra và nói, đừng làm vậy…. Cô ta mới 17, nhỏ hơn tôi cả hai chục tuổi, tôi không ngờ lại bạo gan quá chừng, phải nói là gan cùng mình, chỗ nào cũng có. Ôm cứng ngắc. Cực khổ trần ai khoai củ mới gỡ được tay ra, sau khi ôm thiệt mùi theo ý của cô ta. Khán giả lại vỗ tay thiếu điều bung cửa, tiếng huýt sáo, tiếng đập ghế điếc lỗ tai mọi người.

Vãn hát cô ta tươi tỉnh, nhỏng nhảnh rủ chú Tuấn Đạt chở xe lên Quận ăn cháo khuya thưởng cho hồi nãy đóng mùi quá, không sượng. Đào kép có mặt ai cũng ngó tôi hoặc là ganh ghét, hoặc là xầm xì. Tôi hẹn rồi lầm lì xuống gầm sân khấu giăng mùng, nằm xảy tay chưn trên ghế bố không chịu ra. Cái tội lỗi ngọt ngào lảng vảng mời gọi làm tôi cả đêm không ngủ được. Tức cho mình đã vô lý, lo sợ viễn vông, trốn tránh cái gọi là sự thử thách của tổ nghiệp, một thứ gì đó mơ hồ, trong khi món quà của trần gian thơm tho hết biết. Rồi tôi lại khen mình đã biết nói không, can đảm lắc đầu trước cám dỗ. Muốn lắm mà từ chối, nó làm mình cao hơn, có giá trị hơn. Thấy mình sắp sai trái để mà đứng lại kịp lúc.”

Người quản lý tiệm bất ngờ xăm xăm tới bàn nói nhỏ với Tuấn Đạt gì đó, ông bình thản nói lớn như ra lịnh:
“Kệ cha nó, tụi nầy không cung cấp thì kiếm tụi khác. Đừng lo. Để đó tao.”
Quản lý bước đi. Nghệ sĩ tươi cười hơn:
“Một chút xíu đó mà sợ cho tụi nó lờn mặt.”
Chúng tôi chẳng hiểu gì, lại ngó nhau. Ông tiếp:
“Có gì đâu, hôm qua tôi làm giặc với tụi whole sale cung cấp cá thịt khi thấy có trứng sên trong một hai vỉ cá. Tụi nó nói là chỉ có một hay hai vỉ là cùng, sẽ đền bù ¼ số lượng cá order lần nầy. Tôi nói tao không cần đền bù, tao cần trả lại hết lô cá không đúng chuẩn lần nầy. Bây giờ tụi nó nói là khó quá thì kiếm nhà whole sale khác cung cấp, trước hết phải thanh toán tiền còn thiếu trước đây. Tụi nầy quen thói làm ăn trời ơi đất hỡi ở ChợLớn, HongKong, không phải đàng hoàng như bọn Mỹ. Coi thấy tức cười không? Tụi nó đâu biết là tôi đã từng tập phải suy nghĩ tới cái không làm hại cho người khác trước khi nghĩ tới cái lợi cho riêng mình. Mình trách thầm người Việt Nam nghèo ở gần biên giới phía Bắc rủ nhau đi mua thịt heo, thịt bò, thịt gà vịt thúi ướp lại bằng hóa chất đem về miền xuôi bán kiếm lời. Tụi chủ nhà hàng thích loại thịt nầy vì vốn một lời 5, 7 thì tại sao mình hám lợi xài thứ cá có thể có sên bán cho khách của mình? Họ đâu có tội tình gì mà mình hại họ bằng cách cấy sinh tử phù vô óc, vô gan họ. Hai hành động ở hai nơi tuy nhỏ lớn khác nhau nhưng có khác gì nhau đâu nè?”
Tôi  chồm tới bắt tay ông để tỏ cử chỉ khâm phục:
“Từ chối dầu lòng rất muốn là làm cho con người mình lớn lên, là làm cho đất nước cùng dân tộc mình hưng thạnh lên. Xin được hổn hào để khen ngợi anh điều đó.”
Người nghệ sĩ già gục gặt đầu:
“Cũng là tổ nghiệp thôi. Trọng nghiệp tổ thì không làm bậy. Tổ nghề ca hát, tổ nghề buôn bán hay tổ của cả nước, tức là tổ quốc có khác gì nhau đâu?”

Tôi nghe mình mát ruột. Cái câu xướng ca vô loại người xưa nói đáng xổ toẹt ở trường hợp người nghệ sĩ nầy, ông ta ngày xưa đã ru hồn tôi bằng bài vọng cổ Tiếng Trống Tàn Canh và ngày nay qua những tâm tình móc ruột phơi gan cũng có giá trị luân lý không kém những bài tập đọc trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư là mấy. Điều đáng tiếc là người được nghe chẳng có bao nhiêu và người thực hành theo tôn chỉ tổ nghiệp, hữu tiết, hư tâm mà ông truyền thừa chắc cũng chỉ chép đầy lá mít là cùng. Tôi cảm thấy lòng mình nao nao buồn và hình như quanh tôi, bốn người cùng bàn đều lần lượt buông tiếng thở dài dầu mới nghe được một câu nói rất đáng đồng tiền bát gạo.

Thầy Nguyễn Văn Sâm
San Jose, CA, cuối Aug. 2012
(Khởi thảo tại nhà N.T. Khanh)

 
ĐỒNG HƯƠNG © 2012 - Xây dựng bởi Blog Thiết Kế – Hỗ trợ bởi Người Áo Lam - Giao diện Rumah Dijual