SỨC KHỎE LÀ VÀNG -PHẦN 1



Sau vài diễn đàn bàn về cách duy trì sức khỏe của các đồng môn Hoàng Diệu tuần rồi, tôi xin mạn phép chia sẻ vài ý nghĩ về sự quan tâm sức khỏe của người Việt mình cũng như vài nguyên tắc cần áp dụng trong đời sống hằng ngày để có sức khỏe tốt.


Một chị bạn đồng môn chúng tôi cho rằng « Tôi thì còn nghi ngờ khoa học hiện đại lắm. Tuy là có một ít chữ nghĩa trong bụng, nhưng khi nói ra thì như người dốt đặc cán mai, vì tôi tin tưởng vào số mạng lắm. Hồi ở VN, thiên hạ chung quanh tôi chết như ruồi, vì bệnh tật và súng đạn. Khi sang Mỹ thì những người bạn "có tiền, có học, có địa vị, và có đức hạnh, cũng ngủm đi từ từ. Họ bị những chứng bệnh rất thông thường, mà bác sĩ đang "cổ vỏ" họ đi khám, đi chích ngừa hàng năm, thế mà củng không thánh khỏi. Tôi thì 10 năm nay chưa dám đi "check up" vì ông bác sĩ của tôi chẩn bệnh "sai" một lần, 17 năm về trước. Họ không cần nghỉ đến sự cảm xúc của bệnh nhân và chỉ nghĩ đến việc mổ xẻ ì xèo. Họ làm tôi tởn gà tới bây giờ. Từ đó, tôi chỉ ăn uống điều độ, đi bộ hàng ngày, ngủ cho đủ giấc, và tránh xa các sự việc làm tâm thần bị căng thẳng ».
Hoặc có ý kiến khác cho rằng :
« Trên TV Việt ngữ, các bác sĩ nói rất đông người Mỹ gốc Việt bị viêm gan B tại Little Saigon. Do đâu mà ra? Mỹ gốc Việt về Việt nam mà ăn uống không kiểm soát, nước uống không tinh khiết. Chợ Việt tại Little Saigon bán các loại mắm nhập từ VN. Các nhà hàng Việt là nơi gặp nhau, chén bát và đũa có trụng nước sôi không? Tôi có thể sai, nhưng đó là sự thật...tùy nghi suy nghĩ... ».

Thực ra, những suy luận này đều đúng cả vì người cho ý kiến đã thu thập dữ kiện bằng nhãn quan. Tôi rất tôn trọng những ý kiến. Tuy nhiên ngm nghĩ lại nếu để phó mặt sức khỏe mình cho số mạng khi nào bệnh sẽ hay thì hơi nguy đấy… Tôi e rằng ngày nào đó dù mình không muốn hờ hững với cuộc đời này chắc cũng không còn kịp trở tay nữa… Thà chịu khó bỏ ít thì giờ mỗi năm đi làm check up và xin ý kiến BS để yên tâm ăn uống bồi dưỡng cho trọn niềm vui mỗi ngày, thật trọn vẹn. Chúng ta đã đội trên đầu hơn nửa thế kỷ tuổi đời rồi, với một quá khứ đầy vinh nhục qua nhiều thăng trầm thì không thể một sớm một chiều mà có thể thay đổi quan niệm sống cho thích hợp với môi trường mới, xã hội mới.

Tôi không làm việc trong ngành sức khỏe. Tuy nhiên qua các tham khảo y khoa thì biết được một vài yếu tố về nguồn gốc cũng như cách đề phòng và chữa trị về căn bệnh thông thường mà người Việt nói riêng hay Á châu nói chung hay mắc phải. Đó là bệnh viêm gan B mà ngay ở Việt Nam ngày xưa cũng như ngày nay đều mắc phải. Ngày xưa bà con hàng xóm hể bị bệnh mất đi thì người ta cho là bị “trúng gió”. Chứ thực ra nguyên nhân những trường hợp tử thương như thế có thể do viêm gan mà ra. Chúng ta sống ở hải ngoại quá lâu và quen với vấn đề vệ sinh ăn uống. Khi về lại Việt Nam và nhìn cách sống mới, chúng ta cảm thấy bị sốc về cách ăn uống của dân giao chỉ ngày nay. Thói quen ăn uống của dân địa phương ở Việt Nam vẫn không thay đổi. Có thay đổi chăng là cách nhận thức của chúng ta về môi trường mới tại Việt Nam. Ở hải ngoại dư luận báo chí rất có nhiều chỉ trích về môi trường ô nhiễm tại xã hội Việt Nam ngày nay, nào ăn uống không vệ sinh, sinh sống dơ bẩn, vv... Nhưng đó văn hóa của dân giao chỉ. Không phải một ngày một tháng hay một năm mà thay đổi được cái văn hóa lâu đời đã ăn sâu vào đầu nhiều thế hệ. Cách đây không lâu các em tôi từ Sài Gòn sang Mỹ và Canada du lịch. Chúng tôi đưa các em tham quan cách sinh hoạt và ăn uống ở những thành phố lớn như New York, San Francisco, Montreal, Quebec, v.v…. Khi về lại Việt Nam các em có phương tiện sửa chữa lại nhà cửa và cách ăn uống cũng thay đổi hẳn. Ngay khi tôi về Sài Gòn thăm các em gần đây, cảm thấy ngạc nhiên vì các em cấm không cho tôi đi ăn “vặt” trong chợ Bến Thành hay mua bất cứ thức ăn nào bán ngoài đường. Các em đã thấy cách sống văn minh ở hải ngoại và các em muốn bắt chước theo. Người Mỹ nói là “seeing is believing” (thấy mới tin) hay “voir c’est croire” trong tục ngữ Pháp. Nếu có nhiều người tin tưởng và truyền bá văn minh tương tự như thế cho 80 triệu dân Việt đấy mới là ý kiến xây dựng. Chứ dư luận ngồi ở hải ngoại chê bai bà con dòng họ mình ở Việt Nam ăn ở dơ bẩn là một chuyện ai cũng có thể nói được. Nói chung người Việt mình ít để ý đến vấn đề vệ sinh thức ăn một cách tuyệt đối. Tôi có quen vài người bạn du học những năm 70, là gia đình giàu có ở Sài gòn ngày xưa và khi sang Canada họ ăn uống rất sạch sẽ như dân Canadian, song vẫn bị viêm gan Hepatitis-B như thường. Tức nhiên họ có thể đã bị di truyền hay viêm gan đã bộc phát từ lâu mà họ không biết. Chứ không phải tại vì cách sống ngày nay mà người Á châu mình mới mắc phải bệnh Viêm gan. Cách rửa ráy thức ăn cũng như chất bảo quản trong thức ăn làm cho gan làm việc quá tải (overloaded). Gan làm việc như cái filter và nó lọc những đồ dơ bẩn (junk) từ bên ngoài được đưa vào cơ thể mình. Chúng ta phải tội nghiệp cho cái gan vì nó làm việc 24/7 mà không complaint gì cả. Trung bình gan là cơ quan (organ) nặng nhất trong cơ thể con người (Adult) (4 kí lô và 800 grams) (gần bằng cây súng trường Garant M1 thời WWII).

Hiện nay, có rất ít nghiên cứu về viêm gan B và người Á Châu cũng ít quan tâm về các vấn đề y tế cho lắm. Trong nước các cơ quan chính quyền cũng như dư luận toàn quốc không quan tâm đến, vì những cuộc nghiên cứu y khoa tại Mỹ hay Âu Châu thường chỉ có sự tham dự của người da trắng. Vì người da trắng ít bị viêm gan và ung thư gan, đây không phải là quan tâm hàng đầu của họ. Người Á Châu thì hoặc không biết hay không quan tâm đến và thờ ơ không muốn biết, nếu chính họ chưa bị mắc phải.

Hơn nữa người Á Châu còn có khuynh hướng sợ sệt hay bảo thủ, không muốn tham gia vào các cuộc nghiên cứu để tìm hiểu thêm về bệnh, hay các phương pháp chẩn bệnh, trị liệu mới. Do đó, nếu người da trắng không tìm hiểu hay nghiên cứu thì chúng ta cũng đành bó tay vậy. Những cách suy nghĩ và thái độ tiêu cực này cần được thay đổi, càng sớm càng tốt.

Theo Hội Hepatitis B Foundation – Cause for a cure thì viêm gan loại B (HBV) là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với người Việt và những nhóm người Á Châu khác. Viêm gan loại B kinh niên là một chứng nhiễm trùng gan hiểm nghèo ảnh hưởng đến hàng triệu người Việt trên khắp thế giới. Bệnh này có thể làm hư gan dẫn đến ung thư gan. Xin chia sẻ các kinh nghiệm trong bài này với các bạn để ngăn chận tình trạng lan truyền viêm gan loại B trong cộng đồng.

Tuy viêm gan loại B có thể nhiễm bất cứ người nào, người Á Châu có tỷ lệ bị nhiễm viêm gan loại B cao nhất trong số tất cả các nhóm chủng tộc. Theo Trung Tâm Gan Á Châu tại Viện Ðại Học Stanford, hai phần ba trong số 400 triệu người mang HBV kinh niên trong người là sống tại Á Châu. Ðiều này có nghĩa là có 260 triệu người mang siêu vi khuẩn kinh niên trong người đang sống tại Á Châu. Tại nhiều quốc gia Á Châu, khoảng 10% dân số bị nhiễm viêm gan loại B kinh niên. Tại Hoa Kỳ, hơn phân nửa số 1.25 triệu người mang HBV kinh niên trong người đều thuộc gốc Á Châu. Tuy viêm gan loại B rất thường thấy tại Việt Nam, bệnh này cũng lan tràn trong số Người Mỹ gốc Việt sống tại Hoa Kỳ. Siêu vi khuẩn này thường lây nhất trong những người Á Châu là từ người mẹ bị nhiễm vô tình lây sang con khi sinh. Siêu vi khuẩn này cũng có thể lây từ thuở bé khi tiếp xúc với máu của một trẻ khác hoặc người lớn bị nhiễm kinh niên. Ða số người Á Châu bị nhiễm viêm gan loại B kinh niên không biết là mình bị nhiễm và có thể vô tình lây sang người khác. Vì thế, viêm gan loại B có thể ảnh hưởng đến cả gia đình trong nhiều thế hệ.
Viêm gan loại B là một căn bệnh truyền nhiễm do một loại siêu vi khuẩn lan truyền qua máu gây ra. Bệnh này không lan truyền khi tiếp xúc bình thường. Quý vị không thể bị nhiễm viêm gan loại B trong không khí, ôm nhau, đụng chạm, nhảy mũi, ho, ghế bồn cầu hoặc nắm đấm cửa. Dưới đây là những cách thông thường nhất để viêm gan loại B lây sang người khác:
■ Tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc chất dịch cơ thể bị nhiễm
■ Làm tình không bảo vệ với người bạn tình bị nhiễm
■ Dùng chung hoặc dùng lại kim chích (chẳng hạn như dùng chung kim chích các loại ma túy bất hợp pháp hoặc dùng lại kim không được khử trùng đúng mức để châm cứu, xâm mình, hoặc xuyên tai/thân thể)
■ Từ người mẹ bị nhiễm lây sang cho con khi sinh (đây là cách lây thông thường nhất ở những người Á Châu).

Ðiều thật quan trọng mà người Á Châu mình cần phải biết là viêm gan loại B không phải là bệnh "di truyền" - mà là một căn bệnh truyền nhiễm do một loại siêu vi khuẩn gây ra. Các gia đình người Việt có thể phá vỡ vòng nhiễm khuẩn này bằng cách đi thử nghiệm, chủng ngừa, và điều trị viêm gan loại B kinh niên.

Viêm gan loại B nguy hiểm là vì đây là một "căn bệnh thầm lặng" có thể nhiễm mà không ai biết. Ða số những người bị nhiễm viêm gan loại B đều không biết là mình bị nhiễm và có thể vô tình lây sang người khác qua máu của họ. Ðối với những người bị nhiễm kinh niên, tức là siêu vi khuẩn này có thể tồn tại trong gan họ lâu hơn 6 tháng, thì có nhiều nguy cơ hơn là sẽ bị bệnh gan hiểm nghèo sau này trong đời. Siêu vi khuẩn này có thể thầm lặng tấn công gan liên tục trong nhiều năm mà không bị phát hiện.

Ðể giúp chận đứng viêm gan loại B trong cộng đồng người Việt, các bạn nên đi check up đều đặn để thử nghiệm, chủng ngừa hoặc điều trị cho kịp thời.



*****
Tôi nhớ có một nhà khoa học Pháp đã nói “nghệ thuật tăng tuổi thọ đó là nghệ thuật tránh làm giảm tuổi thọ”. Theo các nghiên cứu khoa học thì người có sức khỏe tốt cần sự quan tâm về sự đề phòng nhiều hơn là luôn nghĩ đến cách chữa bệnh. Muốn phòng bệnh chúng ta nên thay đổi quan niệm cũ một cách kỷ luật cá nhân. Chúng ta may mắn đang sống trong một xã hội văn minh có đủ phương tiện truyền thông và kiến thức cần thiết để nhận diện thế nào là duy trì tốt sức khỏe.

Người ta cho rằng có bốn nguyên tắc mà chúng ta nên áp dụng để có thể sống khỏe khi về già:

v      Ăn uống hợp lý
v         Thể dục đều đặn
v         Cai thuốc bớt rượu và
v         Tâm trí ổn định

Chúng ta sẽ tìm hiểu trong đời sống hàng ngày có những gì cần thiết phải làm để xem có thể áp dụng được 4 nguyên tắc này không.

Nguyễn Hồng Phúc

Mời xem tiếp phần 2

 
ĐỒNG HƯƠNG © 2012 - Xây dựng bởi Blog Thiết Kế – Hỗ trợ bởi Người Áo Lam - Giao diện Rumah Dijual