Gọi rau cần dày lá hay rau tần dày lá để phân biệt với
cần tàu. Ðây là loại rau thơm, cao vài tấc, thân chia nhiều nhánh, với lá to
hơn lá rau má, nhưng dày hơn và mặt trên có nhiều lông tơ nhỏ. Rau có mùi thơm
hăn hăn the the, mà hầu hết người Việt mình thưòng dùng cho vào nồi canh chua,
cùng với lá quế, ngò om, ngò gai... Rau khá dễ trồng, chỉ cần cắt nhánh dăm
xuống đất, nhưng nó chỉ sống và phát triển tốt trong các xứ vùng nhiệt đới hay
trong muà nắng nóng. Ðến mùa đông lạnh bên Âu Mỹ, lá tàn rụi, nhưng cọng vẫn
còn xanh đợi đến mùa xuân sau lại đâm chồi... Ðây cũng là “cây thuốc” để trị
cảm ho khá hiệu nghiệm, khi bị cảm ho khan, hái năm bảy lá nhai với chút muối
sẽ hết ngay. Ngày nay định cư tại Mỹ, sau mấy lần “dọn ra, dọn vào”, nơi nào
tôi luôn trồng các loại rau cần nước, rau đắng, mồng tơi, dùng nấu canh, nếu
được lại trồng giàn bầu, khổ qua, bụi mía hay to tát hơn là bụi chuối... Đặc
biệt, húng quế và rau tần dùng bỏ vào nồi canh chua, thì không bao giờ thiếu
vắng, không phải mua. Thật ra, mua cũng không đắt và khó khăn gì, vì ngày nay
người Việt mình sống tràn lan tại vùng Nam Ca li. Thêm nữa, siêu thị bán hàng
hóa Á Đông và Việt Nam dẫy đầy, rau thơm bó sẵn mua về ăn hay làm giống
trong chậu bán ê hề. Gian hàng và tiệm ăn Việt Nam quá nhiều, dường như
mức cung hơn cầu hay sao mà từng lúc phải cạnh tranh bằng cách “ốp” từ 40 đến
50 phần trăm. Người viết không cố ý “làm phóng sự” nên miễn tìm và ghi con số
thống kê. Từ cá nhân mình suy rộng ra, cùng những lần”đi khảo sát âm thầm” thì
dường như nhà nào là “nhà hao”(house) trong vuông rào lấp ló bụi chuối, cây
mía, cây ổi-sau nầy thêm mấy tượt thanh long- thì “chém chết” chín mươi phần
trăm là nhà của Việt Nam mình. Những gia đình thuộc thành phần “lô in com”,
không có đất thì luôn trồng vài bụi sả, hành, mớ rau thơm, và thường nhứt
là vài cây quế, rau tần dày lá để nấu canh chua. Như đã nói, rau tần thì dễ
trồng, ngò gai và ngò om thì chịu thua. Tôi cũng nghe lời bà con mình
chỉ ”bí quyết” trồng ngò om, phải lấy ny long bọc úm lại, tưới nước vừa phải...
ôi thôi mệt xác. Bản thân mình vào lứa tuổi ”bảy mí” lo thân không xong, lại
phải lo o bế ngò om thì... mệt muốn chết. Thôi thì tốn năm ba đồng, ra
siêu thị rinh về một chậu cho khỏe thân. Đồng thời cũng là một hình thức
nâng đỡ một ngành trồng trọt chuyên nghiệp của một số ít bà con chuyên sống về
nghề trồng ngò om và cần nước bỏ mối cho các siêu thị. Nhưng mà, theo một khía
cạnh tâm tình, ta thấy bà con mình đa số chăm chút từng cọng rau vừa kể,
dường như đây là một hình thức nuôi dưỡng hương vị quê nhà ngay tại nơi mình ở.
Mà thật vậy, không phải chỉ tại Mỹ, nơi các quốc gia khác, nơi nào có
người Việt là có rau
răm, rau quế, rau tần mà tôi muốn ghi lại coi như chút
hương vị quê nhà luôn phảng phất đâu đây trong lòng chúng ta.
Riêng cá nhân tôi, hình ảnh những cọng rau đã
luôn đậm nét, khởi đi từ năm 1945. Lúc đó mới vừa hai tuổi và “cách mạng mùa
thu” gì đó nổi lên, lại thêm nạn “cáp duồn” tại vùng Sóc Trăng, gia đình tôi
phải “chạy giặc”, qua tuốt miệt cù lao Dung là vùng “giải phóng”. Đây là nơi
hoang vu, trên bờ muổi mồng và chim, khỉ, chồn, rắn mặc tình sinh
sôi nẩy nở; dưới nước bất cứ chỗ nào có nước là cá tôm tự do sinh đẻ, chẳng
biết “kế hoạch” hay “hạn chế sinh đẻ” là gì.! Cá tôm nhiều, ôi thôi vô số, ngay
cả cái ao sau nhà, khi mưa xuống nước đục, cá chốt và tép đất nổi
đầu quơ râu thấy mà ham, tôi chỉ ngồi trên mé cầm rổ hớt cũng dư ăn cả
ngày... Khi tình hình tạm êm, ông nội lén về “thành” (tức chợ Quận) tìm mua
miệng chài thì... lại là “tai hoạ” cho cả nhà. Gọi tai hoạ,
vì từ khi có miệng chài, ba và nội tôi lại đi chài, mỗi lần cá
tôm các loại vài ba chục ký là thường, ăn sao hết lại phải xẻ phơi khô, làm mắm. Làm thét, bà tôi và các cô mỏi cả tay và thiếu cả hủ để đựng, mà
lu hủ là thứ khó kiếm còn phải ưu tiên chứa nước mưa để uống. Cù lao Dung là
vùng đất hoang vu do phù sa sông Cửu Long tạo thành mà bao năm hầu như chưa ai
khai phá trồng trọt nên phì nhiêu vô cùng, trồng thứ gì cũng xanh tốt... Chẳng
biết lấy giống từ đâu mà bà tôi trồng đủ thứ rau, trong đó rau ngò om, ngò gai
cây quế và cây cần dày lá nhiều nhứt để nấu món canh chua. Canh chua là món dễ
tạo sự ngon miệng, thường nấu với cá lóc ký (nặng cả ký), cá trê gừa trắng, cá
lăng hay cá ngát, cùng bần chín, trái giác, vì me mua từ thành về đôi khi không
đủ xài. Nấu với thứ nào cũng được, nhưng phải đủ rau mùi trong đó có rau cần.
Rồi theo dòng thời gian, hình ảnh ”cách mạng mùa thu”
gì đó cũng héo úa như chiếc lá mùa thu rơi rụng, riêng tại miền Nam hầu hết mọi
nơi được “tái giải phóng”, thoát khỏi sự kềm kẹp của “quân giải phóng”,
đời sống người dân bình yên, no ấm, dễ thở hơn... Vào khoản 1951, đại gia
đình tôi “trốn” giải phóng, về thành phố vùng “quốc gia”... Gia đình về thành,
sống nơi chợ Quận, lên tỉnh, lại lên Sài Gòn, hai cô lập gia đình, phần tôi đi
học, đi làm quan, đi vào vòng xoáy cuộc đời, đi tù, đi mãi theo vòng xoáy cuộc
đời... đến ngày 75 đen tối ập đến, biết bao đoạn trường ngăn cách phân
ly. Người cô theo bên chồng định cư tại Pháp, phần tôi theo tiếng gọi của “Ủy
ban quân quản”, được tạm “định cư” nơi trại tù vùng Việt bắc .! Cô cháu chúng
tôi xa cách cũng gần 20 năm mới được “đoàn tụ” tại hải ngoại., “đoàn tụ”qua
những cuộc điện đàm. Trong cuộc điện đàm năm trước, cô tôi bỗng bật khóc: ”Con
à, con có ý định qua thăm cô thì nhanh lên, kẻo không kịp con ơi...” Câu
hối thúc ngắn ngủi như một mệnh lệnh, thật vô cùng xúc động và tôi không thể
chần chờ nữa. Thú thật, từ thuở nhỏ, khi bắt đầu học đếm “on, đơ, troa. “,
được nghe nói về nưóc Pháp với tháp Eiffel hùng vĩ, với dòng sông Seine
trữ tình, với cung điện nguy nga., tôi luôn mơ ước có một ngày.” đi Tây chơi”.
Nay mơ ước đã thành, từ Mỹ qua thăm bà con bên Pháp có cái sưóng là ”Việt kiều
đi thăm Việt kiều”, không quá “đau đầu” lo chuyện quà cáp, chỉ hơi “mệt”,
phải lo ôn lại một số tiếng Pháp mà trên 40 năm rôì không xài tới, chúng đã
trốn chạy mất tiêu !!!.
Thời gian từ Cali đi Pháp không lâu lắm, chỉ sau
khoảng hơn 10 giờ bay, phi trường Charles De Gaule đã xuất hiện bên dưới
chiếc Airbus. Thủ tục quan thuế khá nhanh gọn, tôi chỉ có dịp trổ tài nói tiếng
“merci”(cảm ơn) cùng “búa xua” (bonjour- chào) đứa em rể, nhưng sau
vài tiếng thăm hỏi là... “ngọng” luôn. Thật nhanh trí, tôi liền vừa “xổ” tiếng
Anh và... tiếng “quơ tay” đến mệt nghỉ, đứa em rể cũng dùng tiếng Anh.
May mắn vô cùng, tôi nói tiếng Anh giọng Pháp, cũng như đứa em rể là người Pháp
nói tiếng Anh giọng Pháp, nên rất cùng tần số, thoải mái và dễ dàng hiểu
nhau... Về đến nhà đứa em, cô tôi đã chờ sẵn. Niềm vui hội ngộ nào mà
không nước mắt. Cô tôi ôm hôn vợ tôi và... tôi :
-“Cô mừng quá con ơi! Thiệt tình cô không dám mong có
ngày cô cháu mình gặp lại nhau. Ngày cô ra đi, thì con đang trong tù... “
Tôi chỉ im lặng, chẳng biết nói gì hơn, mặc cho những
giọt nước mắt trực chờ tuôn rơi. Sống bên Pháp, chuyện ôm hôn người thân rất
phổ thông, nhưng riêng tôi cảm thấy ấm áp vô cùng. Và cũng thấy mình phút chốc
trở thành bé thơ, dù tuổi đời đã trên sáu mươi lăm... Hôm ấy cô với gương
mặt rạng rỡ tràn ngập niềm vui, ân cần nhìn đứa cháu thân thương:
-“ Con mở bánh ăn đi, cô mua ... đãi con đó. Ðây là
petit beurre hiệu L.U, nhớ hồi xưa, con rất thích ăn loại bánh nầy”
- “Dạ, cảm ơn cô. Bên Mỹ bánh kẹo sô cô la đủ thứ,
“petit beurre”cũng có, nhưng hiếm lắm, và ít có chính hiệu”
Thú thật, đôi lúc cũng phải... ba xạo, như trong
trường hợp nầy, để cô vui. Bên Mỹ, bây giờ các loại. sản phẩm của Pháp nỗi
tiếng bán ê hề... như bơ “Bờ rờ ten”, phô mai ”Con Bò Cười”, tàu vị yểu
“Ma gi”... Miệng nói, nhưng tôi vẫn mở gói, nhâm nhi vài cái. Mọi người
tíu tít trò chuyện, xem hình, riêng tôi, liếc nhìn cái chậu đặt trên bệ sát cửa
sổ. Sao thấy hơi quen quen. Cây nhiều cành gồm những cọng to chừng thân chiếc
đủa với lá xanh lợt, tròn to hơn đồng xu... Tò mò, bước đến nhìn kỹ:
-“Hình như đây là rau cần... phải không cô”. Tôi buột
miệng hỏi:
-“Ờ, đúng rồi. Ðây là chậu rau duy nhứt cô có được. Cô
đặt nơi cửa sổ, mùa hè nóng, lá cũng khá xanh. Nay trời lạnh, ít khi mở cửa,
nên trông nó èo uột, lá nhỏ xíu.
Rồi cô bỏ lửng, vẻ mặt hơi buồn, tiếp:
... Cô định bỏ chậu rau, nhưng... con biết
không... lâu lâu lại thèm món canh chua..., hái vài lá bỏ vô cho có
mùi... Từ đây đi Paris hơn 50 cây số, cô không muốn làm phiền con. Vả lại, bên
nầy mùa lạnh thường bị ho, ngắt vài lá nhai với muối... đỡ lắm“
Ðể phụ hoạ, tôi nhanh miệng tiếp lời:
-“ Con nhớ rồi, hồi đó mỗi khi bị cảm ho, cô bắt con
nhai lá rau cần nầy và... đè con ra cạo gió đau... muốn chết”
Cô lại cười tươi:
-“Vậy mà ... hết đó con...”
Rồi cô bắt đầu quay lại cuốn phim hơn 60 năm về
trước, khởi đi từ những ngày cực khổ bên vùng cù lao... Thật cũng không lạ gì,
là người lớn tuổi gần kề hàng tám, thường sống bằng quá khứ, cũng như tôi đây... biết bao hình ảnh xưa còn nhớ mãi...
Và rồi, suốt thời gian “Tây du”, hầu như luôn
phải vật lộn với thời gian, vì được hướng dẩn thăm nhiều nơi, vài nhà bà con
bản sở cách gần nửa thế kỷ trước, nhưng có lẽ kỷ niệm nhứt vẫn là những lần
được cô hướng dẫn đi bằng xe điện. Thật tội nghiệp và thương cảm làm
sao. Hình ảnh một bà lão gần tám mươi, lưng hơi còng, tay cầm gậy, hướng
dẩn chúng tôi lên xuống các trạm xe điện chằng chịt hay giữa phố
phưòng nhộn nhịp nơi ánh sáng thành đô Paris, khiến tôi không khỏi ái
ngại... Bên Pháp, ngay tại thủ đô và cả vùng ngoại ô, nhiều khu chung cư
(bâtiment) cao trên hai mươi tầng, với vài trăm căn hộ, diện tích căn hộ thay
đổi, từ hai mươi đến năm sáu mươi mét vuông... Lần đến nhà người bà con mãi tận
lầu thứ 15, cũng thuộc hàng khá giả, người nầy qua định cư sớm, có dịp mua cả
hai căn liền nhau, đục tường thông thương, biến thành căn nhà với cả 6 phòng,
đủ cho các con... Là chỗ cùng quê, cô cùng các vị ấy chuyện trò rối rít... phần
tôi, đến bên cửa, thích thú nhìn Paris từ trên cao. Từ tầng cao, trông Paris
đẹp thật, với tháp Effel, nhưng sao có cả những cọng rau cần... À, thì ra
một chậu rau cần kê bên kệ cửa sổ xen vào tầm nhìn. Tôi, tay cầm một nhánh cau
tần, nhìn chủ nhà, pha trò cho vui:
-“ Dạ, cháu đoán chắc hai chú thím thích
món canh chua... “
-“A, à. thì cũng thích. Thỉnh thoảng nấu chút canh,
không có dịp đi phố hái vài lá bỏ vào cũng có mùi...“
Ngưòi chủ nhà vui vẻ trả lời sau vài giây ngờ ngợ vì
câu hỏi hơi lạc quẻ của tôi. Liền đó, bà chủ tươi cười tiếp lời:
-“Bên nầy giống rau canh chua hơi hiếm, có mấy
Super-Marché Tàu Việt (siêu thị), nhưng ít bán rau canh chua, thì cũng cô Tám đây
cho mấy nhánh rau cần làm giống “
Rồi như để tìm” đồng minh”, bà ấy quay sang cô tôi:
-“ mà cô Tám biết... rau cần trị ho hay
thiệt... nhứt là mùa nầy, dễ bị cảm ho, hái vài lá. . “
Lần đến nhà em chồng của cô, sống một mình
ở mãi trên tầng 18, chúng tôi phải chia ra 2 tốp, mỗi tốp 2 người chờ lên
thang máy. Trong các khu chung cư bên Pháp, thang máy hẹp, thật hẹp, nhỏ
con xen vô một lượt chỉ hai hay ba người... Không như các chung cư tại Nam Cali
đa số dưới đất đi lại ra vào dễ dàng. Bên Pháp căn chung cư na ná như chuồng
cu, chỉ có cửa sổ ít khi có cửa trổ ra một “ban cong” nho nhỏ. Để có chút
“không gian sinh tồn”, một miếng bợ bằng lưới de ra, trên đố đặt vài chậu nhỏ.
Tôi để ý nhìn thấy chỉ toàn các loại rau như quê, rau tần và đặc biệt một chậu
khá to với dây bí rợ dây leo chằng chịt, với năm bảy trái tròn như trái chanh...
Cô ấy được dịp khoe, mặc dù chậu rau cần nầy cũng không khác gì nơi nhà cô tôi,
với những nhánh nho nhỏ, èo uột mà lá chỉ lớn hơn đồng xu, màu xanh nhòn nhợt.
Thật dễ hiểu, rau xanh miền nhiệt đới đầy nắng ấm và nóng, nay trồng trong chậu
nơi cao gần 20 tầng, với vài tia nắng hiếm hoi, làm sao có thể xanh tốt. Cũng
như, những người Việt tha hương, dù là nơi “nắng ấm” Cali, dễ gì có
được đủ hơi nắng ấm lòng như chốn quê xưa!. Bất giác, trong tôi bỗng gợn
lên những triết lý vụn vặt. Các vị lớn tuổi, sống đơn độc nơi xứ người, như dây
bí rợ trong chậu nhỏ, cũng ra trái, nhưng sao đậu trái và phát triển, rau tần
thì với những nhánh èo uột, lá bằng đồng xu nhờn nhợt... Còn sống đã là may
rồi.
Sau đó, vợ chồng tôi đến với gia đình anh bạn, là dân
cùng trưòng H.C đang cư ngụ tại Marseilles. Từ Paris, sử dụng xe TGV (Train à
Grande Vitesse), tốc độ trung bình 300 km/giờ, nên chỉ cần đúng 3 giờ
chạy là đến nơi. Dọc đưòng, những thành phố xa xa, những làng quê
trải dài, có nơi chỉ vài mươi căn nhà, đa số lợp ngói đỏ và những “cây “rơm cỏ
chi đó chắc để làm thức ăn cho gia súc. Ôi, trông sao hơi giống quê mình... Vừa đến sân ga, đã thấy vợ chồng anh bạn đứng đón, khỏi phải tả cảnh,
nổi mừng vui” tha hương ngộ cố tri” đầy xúc động thế nào rồi. Từ sau 75,
chúng tôi đi tù, gặp nhau tại Sài Gòn, tiếp theo kẻ trước người sau bị cơn lốc
xoáy của thời cuộc ném vút ra khỏi mảnh đất quê hương. Nay gặp lại trên 15 năm
xa cách biết bao đổi thay mà thời gian như không bao giờ quên sử dụng quyền uy
tuyệt đối và hung bạo, khắc những vết hằn sâu dĩ vãng
mà tụi tôi đã nhận ra của nhau trên từng gương mặt... Về tới nhà,
sau vài phút, món bánh cuốn được dọn ra. Bánh và chả lụa thật nhiều, nhưng le
que vài cọng rau quế, hún cây xắc mịn nhỏ, nhỏ như không thể còn nhỏ hơn... Tại thành phố cảng nầy, ngưòi “mình” không đông lắm, có vài siêu thị bán
gần như đủ các món Việt Nam... Nhà anh bạn chỉ ở lầu 3, sau khi no bụng, bưóc
ra nhìn xuống phố và nhìn quanh quan sát, bên kia đưòng là một tiệm cà phê với
những bàn ghế bên mái hiên. Pháp và Việt Nam cũng giống nhau phần nào, phố thị
có cửa hàng, thực phẩm hàng hoá được bày ra trước hàng hiên, cùng những quán cà
phê nho nhỏ theo lê đường. Trời chiều dần xuống, không khí thành phố cảng se
lạnh, những ngưòi khách địa phương vẫn thoải mái an nhiên ngồi thưởng thức cà
phê. Rồi tôi lại nhìn quanh khoảng “balcon” nho nhỏ, nhận ra các chậu cây kiểng
gì đó, được che phủ khá kín Lại đến gần, nhìn xem thử và... đúng rồi,
lại một chậu rau cần nằm xen lẫn vài chậu khác.
-“ Tưởng chỉ mình bên Mỹ có trồng thứ rau nầy (rau
cần). Qua đây, đến mấy nhà “người mình” đều thấy ...” Tôi mở lời và anh bạn cười
ha hả:
-“ Phải có thứ nầy mới được... Không có thứ nầy là
chịu thua. Lâu lâu lại thèm canh chua... Ở đây hầu như cái gì cũng có, nhưng
rau
răm và rau canh chua hiếm lắm, nhứt là vào mùa lạnh... Lúc nầy lạnh vừa
vừa, mai mốt mang nó vô nhà, để gần bên lò sưỏi” úm” kẻo nó cảm lạnh, chết...
“
Chúng tôi cũng đến thăm vài ngưòi bà con khác tại khu
vực ngoai ô Paris. Người mình, đa số chọn nơi xa xa vì nhà cửa dễ tìm và tương
đối rẻ hơn... Du lịch qua Pháp, biết bao nhiêu điều cần viết thành phóng
sự, như là giá sinh hoạt, và hiện tượng ”người Việt gốc Hoa”. Cụ thể giá
thực phẩm mắc hơn bên Mỹ khoảng 50 phần trăm, thí dụ giá một con vịt Bắc Kinh
quay là 18 “ơ rô”(Euro) Lại Bắc Kinh, lại liên quan đến... Tàu nữa. Thú thiệt,
từ lâu tôi hận thù bọn Trung Cộng “đại hán” ngang ngược, không bao giờ muốn
nhìn bọn chúng… Tôi hoàn toàn không hận thù ngưòi Trung Hoa, nhưng... khổ
nổi, chỗ nào cũng thấy người Trung Hoa nhan nhãn, bực bội !!! Bên Pháp,
cụ thể tại khu vực Quận 13, từ siêu thị, các tiệm buôn ngoài chữ Pháp có thêm
chữ Việt, hay cả Việt và Tàu. Nhìn kỹ và ước lượng rõ ràng người Tàu nhiều hơn
Việt, dù họ nói tiếng Việt khá rành. Có thể nói một “Chai na thao” (China Town)
đã hiện hữu tại Paris từ lâu. Như tại Quận Cam, tiếng là siêu thị Việt Nam,
nhưng xem kỹ ra chủ nhân đa số là Tàu cả, cái “Phưóc Lộc Tho” to đùng là của
“chú” QTP chứ nào phải Việt đâu... Riêng tại vùng Los và San Francisco khu phố
Tàu đã rõ nét từ lâu và đã chánh thức mang tên. Còn nhiều, và nhiều chuyện khá
lạ nữa, rất tiếc không thể ghi lại trong bút ký nầy.
Tiếp theo, chúng tôi cũng được vợ chồng cô em họ chở
qua Bỉ, Hoà Lan và Ðức chơi cùng thăm bà con. Tôi có đứa em họ sống tại vùng
quê, cách thủ đô Amsterdam (Hoà Lan) vài chục cây số. Từ ngày thành một khối Âu
châu, biên giới các nước hầu như không còn nữa. Thật vậy, ngay biên giới chỉ là
trạm ghi mấy dòng, vài bảng mủi tên chỉ hướng, hoàn toàn không một bóng dáng
ngưòi lính “biên phòng” nào cả, và tôi chẳng phải có sẵn trong túi tờ ”visa’ như
khi về thăm quê Mẹ thân yêu. Một niềm tái tê đau nhói và buồn tủi, tại sao
Trung Cộng sang Việt Nam một tháng ( hay đang tràn sang “làm ông làm cha” dân
mình), không cần Visa, mình là” khúc ruột ngàn dậm”, về thăm nhà lại phải
visa ?... Tại sao đến bây giờ, quê hương “dấu yêu” của tôi vẫn tồn tại
muôn ngàn, điều ”không hiểu nỗi”. Tại sao ???
Trở lại với Hòa Lan với nhiều nét độc đáo, trong đó dễ
nhận và dễ thương nhứt là rất nhiều ngưòi dùng xe đạp. Loại xe đạp vòng
bánh hơi to và”bình đẳng “với xe hơi, vì tôi để ý thấy hầu như nơi nào xe đạp
cũng tự do, không bị cấm cản. Hình ảnh độc đáo kế tiếp của Hoà Lan là ngay
trung tâm thủ đô, có nơi cách vài chục mét là con kinh đào không rộng lắm với
nước trong xanh và sạch vô cùng. Lại so sánh, ôi thôi. Tại vùng quê rải rác nằm
im lìm những cối xay gió với cánh quạt to hàng khoản vài chục mét, nghe nói chỉ
là hình ảnh kỷ niệm, vì nay dùng cối xay gió không ”kinh tế” chút nào cả. Hình
ảnh “đặc trưng” khác của thủ đô Amsterdam là “khu vui vẻ” công khai dành cho
quí ông. Xin miễn đi vào chi tiết, quí ông nào muốn biết thì ráng năn nỉ bà xã
cho đi một lần. Nét dễ thương dung dị khác của Hòa Lan là dọc theo đường quê
nhiều đám bắp khoảng năm bảy công, (năm bảy ngàn mét vuông) đàn bò vài chục con,
không vĩ đại như bên Mỷ, nhìn hao hao sao giống Việt Nam mình. . .
Ðến nhà đứa em, sau những giây phút “tình cảm lê
thê”, cô em lôi trong tủ lạnh ra một đùi thịt bò khiến tôi ngạc nhiên không ít.
Vừa chủ khách gồm tám người mà đống thịt khoản hai chục ký, không kể phần
xương thịt chi đó trong nồi súp to gần bằng cái nồi dùng nấu bánh tét. Như để
xóa tan ngạc nhiên của chúng tôi, cô em cười tở mở:
-“Ở đây, thịt bò rẻ mà. Mua nguyên một đùi, ăn cho...
đả. Lâu lâu có anh bên Mỹ qua. “
Tôi cưòi giả lả:
-“ Cảm ơn... mà thịt bò tươi quá “. Cảm ơn nhưng trong... bụng thấy tức cưòi, bên Mỹ đâu thiếu thịt bò, chỉ khác thịt bò
nơi nầy tươi, vì là vùng quê., nghe nói xẻ thịt bán liền.
... Suốt chặng đưòng từ Paris qua, bụng đói, mọi ngưòi
thưởng thức món phở thật no nê và ngon lành. Không ngon sao được, từ nồi súp
ngậy mùi xương thơm ngọt, những lát thịt tươi tươm màu... máu ! hành trần và
một mớ rau quế, ngò mua từ Pháp. Cô em tươi cưòi hớn hở, vừa ăn vừa “giải bày
tâm sự” :
-“ Sau nhà còn cây quế, nhưng để dành, mùa lạnh tới,
càng hiếm hơn. Mớ rau cần dì Tám cho, nhân giống ra hai chậu cũng còn... Phải
để dành nấu canh chua… Mà phải che thật kỹ, bên nầy lạnh lắm, lát nữa ra coi
cái nhà kính.”
Cái “nhà kính”
chỉ nhỏ như môt chuồng gà, khoảng hai mét vuông, che chắn khá kỹ, bên trong,
khoảng mươi chậu bông hoa cùng quế thơm và rau cần. Rồi hôm sau, chúng tôi men
theo đường biên giới nước Ðức và đứa em rể lại lạc vào xứ sở của ông trùm
Hitler mà không hay. Lại lật bản đồ và hỏi thăm đưòng đi đến thành phố khác để
thăm ngưòi bà con bên chồng cô tôi nơi vùng quê, xung quanh nhiều thửa hoa mầu
chạy thẳng tấp. Nhà bên Hoà Lan, nhưng họ làm việc bên Ðức, chỉ cách nhau năm
bảy cây số. Ðiều đáng nói ngay vùng quê, tôi chưa bao giờ thấy một đống rác hay
vũng lầy... Vì có hẹn trước nên khi vào nhà thấy ngay bàn ăn chuẩn bị sẵn.. Hôm
nay, chủ nhà đãi món gà xé phai có rau răm đầy đủ, lẩu hải sản và vài món khác
thật giống như tại quê mình ngày xưa. Ðây là vùng quê, nghe nói chỉ vài gia
đình Việt Nam lạc lòai đến đây, vì dễ tìm việc làm bên Ðức, vì vậy có bà con từ
xa đến, ôi thôi mừng mừng tủi tủi, trò chuyện râm ran không dứt ra được… Phần tôi thưòng lại thích ra vườn sau nhà, tò mò xem cây trái ra
sao, có giống như bên Mỹ không. Trong nhà, lại nhìn thấy chậu rau cần bên cửa
sổ cùng một bình thủy tinh khá to, không phải trưng bông mà là mà rau
răm. Tôi
được nhìn tận mắt cách trồng rau răm hơi mới lạ... Một chút ngạc nhiên, tôi nhận
ra một mớ rau răm to bằng bắp chuối khá xanh tốt, bên dưới tua tủa rể
trắng xoá... Bà chủ nhà cũng khoảng trên bảy mươi, gọi cô tôi bằng “chế “
(chị), không phải đợi hỏi, đã bộc bạch:
-“Lúc nầy vậy
chớ chừng tháng nữa, tuyết rơi lạnh lắm. Mấy năm rồi, rau răm đựơc trồng trong
bình bông, ăn gà xé phai có nó mới thơm, còn rau cần thì nấu canh và trị ho,
tại vùng nầy không có mấy loại của mình“.
… Không rõ các
xứ khác thế nào, riêng tại Mỹ ngày nay nơi nào có người Việt và thời tiết cho
phép, như tại vùng Nam California, ta thường thấy đó đây những giàn bầu
mướp, bụi chuối, cây ổi. hiên ngang vươn cao vượt khỏi bờ rào và chắc
chắn chủ nhân là “người mình”. Riêng các loại rau thơm, rau cần hay rau đắng
thường trong chậu đặt sau nhà ít trông thấy nhưng hầu như nhà người
Việt nào cũng có.
Sau mấy mươi
năm, hương vị quê nhà Việt Nam lan tỏa mọi nơi có người mình sinh sống, qua
những siêu thị, tiệm ăn mì phở, bánh cuốn, bún bò… Nhưng là con người, đâu phải
chỉ nhớ quê qua những món ăn., hương vị và hình ảnh quê hương còn là những con
diều biếc, là dòng sông nhỏ, là con đò sớm chiều đưa khách sang sông, là những
câu vọng cổ mùi mẫn và... cũng có thể là chùm khế ngọt. Than ôi, làm sao tìm
thấy nơi xứ xa nầy con đò nhỏ ven sông, cũng như tại quê nhà chùm khế ngọt chắc
chắn không còn đâu, vì người ta chẳng những trèo hái mỗi ngày mà thẳng tay đốn cả
cây, lặt sạch sành sanh mớ trái cả rồi. Giờ đây, nơi xứ xa nầy, hình ảnh gợi
nhớ quê hương thật dung dị làm sao. Đó chỉ là “bụi chuối, bụi mía hay là
rau đắng sau hè”, chậu rau cần dày lá... Chậu rau mà mươi năm rồi tôi
luôn nâng niu chăm chút... Mới hôm rồi tôi đã mang nó đặt khuất
vào góc hiên sau, chiều xuống lại ra lấy thùng giấy to úp che hầu tránh cơn rét
ùn ùn kéo đến bủa vây… Hồi xưa, nơi quê nhà thuốc men dùng trị bênh hơi hiếm,
rau tần dùng nấu canh chua và trị ho. Nay thuốc trị bệnh ê hề và công hiệu hơn
nhiều, nhưng không thể nào trị được bệnh...nhớ quê hương... Biết đến bao giờ
nhìn thấy từng nhánh rau cần vươn lên xanh tốt khi đông về. Và “nếu chỉ
còn một ngày để sống”, tôi vẫn khao khát đợi mong. Ngày đó sẽ không còn mùi thù
hận, mùi độc ác dã man vô cảm, mùi dối gian người và chính mình, mùi ngăn cách
phân chia,
“Quê hương mình ai không nhớ không thương
Phải xa cách là đoạn trường cay đắng .
Người Việt Nam
tôi phải đắng cay biết đến bao giờ...
Viết đến đây,
tự nhiên nước mắt tôi ứa ra. Một đắng cay đến xé lòng vì đã hết rồi hương vị
quê nhà. Hết thật rồi, người Việt chúng ta hoàn toàn không tìm thấy đâu
hương vị quê nhà nữa rồi. Mùi xì dầu, mùi hôi hám của luồng gió cực độc “đại
hãn” đã lan tỏa từ các tỉnh phía bắc, từ mỏ bauxite ở Đà Lạt, Đắc Nông,
từ phố Đông Đô gì đó ở Bình Dương và hàng chục hàng trăm “khu tô giới” khác
chắc chắn sẽ mọc lên khắp cả. Ôi, còn đâu Việt Nam tôi.