Men theo ký ức đã mù mờ
do năm tháng và những đổi thay của khung cảnh đường phố, tôi đến chỗ con rạch
nhỏ gần một nghĩa trang bề thế ở ven châu thành Bến Tre, vô quán nước hỏi đường
đến tư gia nhà văn Trang Thế Hy. Năm sáu cao bồi vườn xồn xồn đương hội
họp nhâm nhi bia sớm hững hờ về cái tên xa lạ. Vài người lơ đãng nhúng môi vô
ly tiếp tục chầu vui. Sắp thất vọng trở ra thì tiếng một cô gái lui cui bỏ dừa
vô bao cà-ròn cách đó không xa hỏi vọng
lại “Phải chăng bác hỏi Ông Ba nhà
văn?”. Tôi gật đầu cầu may và được chỉ đi dọc theo con kinh vào chừng 100 thước.
Cô gái còn mách lẻo thêm ông Ba trong dịp Tết nầy mới lãnh giải thưởng văn nghệ
cao cấp của tỉnh nhà. Mừng thầm cho nhà
văn mình mến mộ, ít ra giải thưởng cũng đem lại chút ít vật chất cho người có
công với văn nghệ khi về già, cũng như đem lại phần nào sự hãnh diện cho xứ sở
đã sanh thành ra ông. Nhớ lại khi tôi
còn rất trẻ đã đọc tác phẩm của ông, và những người nổi tiếng đồng thời như Lưu
Nghi, Khổng Nghi... trên những số báo Nhân Loại in tại một nhà in trên đường Bến
Chương Dương mà tôi nao nức đón đợi từng số một từ vài ngày trước khi số báo mới
được phát hành. Sau nầy lớn hơn một chút, thỉnh thoảng đọc ông trên tạp chí
Bách Khoa, cái rộn ràng chờ mong của thời mới lớn không còn nhiều nhưng sự
thích thú thưởng thức không hề suy giảm. Ông viết ít nhưng mỗi bài đưa ra một
vài vấn đề vang dội trong tâm trí người đọc.
Truyện có dư vị đăng đắng, không ở trạng huống bi thảm trên số phận của
nhân vật mà ở những cách thế suy nghĩ, ở thái độ hành xử đặc biệt của nhân vật.
Tất cả đều bước ra ngoài sự bình thường
đơn điệu hằng cửu, khác xa với những
phản ứng thường nhật thấy ở con người tiêu biểu, chung chung.
Với tôi, truyện của ông
nặng về lý trí hơn tình cảm, không dễ đọc một
mạch để cho ta biết cốt
lõi của vấn đề, truyện ông kén người thưởng thức, nhưng khi người đọc đã chịu
thì ông là một tác giả không thể quên trong bao nhiêu người viết mà mình từng
hâm mộ.
Vào tới cửa ngõ nhà
ông, nhìn khu vườn không nhiều chăm sóc, cỏ phủ kín khoảng sân và hàng ba lót gạch
tàu mốc rêu xanh dờn. Mấy con chó sủa
vang dội. Một phụ nữ trung niên ra mở
cái cổng khép hờ, la đàn chó và mời khách vào.
Chúng tôi được mời vào căn chái bên hông nhà, có lẽ đó là nơi tiếp khách
tươm tất nhất của chủ nhơn với chậu vạn thọ trong góc hè còn vương màu Tết. Ra tiếp chúng tôi với cặp mắt già nhấp nháy
nhìn khách, ông cố lôi trong trí nhớ coi khách là ai. Dáng chậm chạp từ tốn pha trà, thong thả đặt
khay mứt còn lèo tèo mấy miếng mứt gừng, mấy cục thèo lèo xanh đỏ lên bàn mời
khách như để kéo dài thời giờ đào sâu trong ký ức về một hình ảnh đã nhạt
nhòa. Sau những câu thăm hỏi xã giao, chủ
khách đã phá tan được lớp băng giá e dè khi nhà văn nhớ lại khách đã đến đây
hàn huyên vài lần, câu chuyện trở nên thân tình hơn, vào trong tâm sự hơn khi
khách nhắc đến vài bạn văn xưa đương thời với ông.
Nhà văn năm nay đã 86
tuổi, đương sanh sống trên mảnh vườn nhỏ với hai người con cũng xấp xỉ 60, với
chút ít huê lợi cây trái đắp đổi qua ngày, sức khỏe có suy nhược do tuổi già
nhưng trí nhớ thì rất phi thường. Bập bập một hơi thuốc theo thói quen, ông chậm
rãi kể chuyện xưa, chuyện nay, thỉnh thoảng trầm ngâm về dĩ vãng, nhớ lại những
biến cố trong đời hay những nhận định có nhiều giá trị. “.... Tôi vào rừng Tây Ninh giữa năm
1963. Bị người tố cáo nên sau khi ở tù
ra thì đi liền. Vào đó cùng sinh hoạt chặt
chẽ với anh Lý Văn Sâm. Anh Sâm người hiền
từ, ốm như tôi, lớn hơn tôi 4 tuổi, chúng tôi coi nhau là bạn văn, chia sẻ những
suy nghĩ văn nghệ. Sau nầy về Sàigòn,
chúng tôi vẫn còn thân thiết. Điều lạ là
ở trong đó tên tôi là Tư Sâm. Tại sao hả?
Tình cờ thôi, đặt là đặt vậy, không có lý do gì trong cái thứ và cái tên. Anh Lý Văn Sâm vào đó trước tôi sau khi phá
khám, Dương Tử Giang bị chết trong vụ nầy ...” Hoặc vài chi tiết vui vui: “Năm 1989 tôi được Hội Nhà Văn đề cử đi Liên
Xô cùng với một người nữa, đi 10 ngày, mà xứ sở của người ta minh mông quá xá
nên mình cũng chẳng thấy được bao nhiêu. Đời sống lúc đó chưa ổn định, cái áo
veston thì mượn của Lý Văn Sâm, cái quần thì mượn của người khác. Lúc đó...”.
Nhà văn ngừng ngang,
không nói hết ý, vài phút sau mới tiếp. “Bây giờ anh Lý Văn Sâm nằm ở nghĩa trang Thành phố, mả đá hoa cương rất
đẹp...”
Tôi tìm trong ánh mắt
nhà văn một tình cảm gì đó khi nói mấy
chữ sau cùng, thoáng ao ước hay khen tặng… Cặp mắt ông như xa vắng sau làn khói
thuốc mỏng.
Người nghe ghi nhớ những
chi tiết cần thiết, những chi tiết không phải dễ được nghe từ người có dính
dáng đến những nhân vật thế thời.. Cuộc chiến vừa qua đã cuốn lôi bi thiết biết
bao nhiêu người vào cuộc. Kẻ đúng người
sai trong sự lựa chọn, kẻ tự nguyện kẻ
bị dòng đời đẩy xô vào, nhưng tấm lòng vì nước của từng
người, từng trường hợp cho đến giờ vẫn chưa
được đánh giá đúng mức.
Tôi nhìn lại nhà văn, móm mém chậm chạp, phong trần theo dấu thời gian
tuy nét thanh nhã xưa vẫn còn có thể nhìn thấy phưởng phất trong ánh mắt thiệt
hiền từ và trong sáng.
Tôi nhắc về bức họa
chân dung rất có thần treo trên vách mà mình thấy lần trước cách đây mấy năm, ông xác nhận chân dung đó do danh họa Nguyễn Trung, trong nhóm Họa
Sĩ Trẻ của Sàigòn thập niên 60, vẽ tặng. Nguyễn Trung ít vẽ chân dung nam, dường
như là chỉ vẽ có hai người thôi, còn đều vẽ chân dung phụ nữ. Tôi nghĩ lơ mơ về chỗ dựng xứng đáng của bức tranh nầy khi nhà văn nằm
xuống, như bức tranh chân dung nhà văn Sơn Nam, chiếm một vị trí trang trọng ở
nhà lưu niệm Sơn Nam nơi cống Bảo Định Tiền Giang, do họa sĩ thời danh Nhốp múa
cọ...
Nhắc đến số lượng truyện ngắn của hai người, về những
sáng tác gần đây, tôi phàn nàn rằng mình mất quá nhiều thời giờ cho
những bài biên khảo và chuyện phiên âm chữ Nôm nên phần văn nghệ thuần túy
không được phong phú như ý muốn, ông lý giải rất thuyết phục về sự đa dạng của
văn chương. Có loại làm người đọc động lòng, có loại khiến độc giả động não. Loại
nào cũng thể hiện được bản lĩnh của người
cầm bút.
Nhận định sâu sắc của nhà văn khiến tôi nhớ đến một
truyện ngắn mà ông đăng trên tạp chí Nhân Loại ngày xưa, trong đó nhân vật
chánh, một cô xẩm trẻ đã chê nhà văn nhát gan khi không dám cho nhân vật mình
chết khi đáng chết.
Tôi bắt gặp ánh mắt trầm tư của nhà văn, vừa xa vắng vừa
mỉm cười hóm hỉnh: “Truyện đó mang tình cảm sâu đậm của tôi. Sự thật trong truyện đó thiệt là nhiều. Cô xẩm trẻ sau đó chịu chết cháy vì không muốn
làm đồ chơi cho một trọc phú đã đặt mua cô ngay khi cô tuổi mới 12, 13.” Tôi không dám trơ trẽn hỏi về sự thật liên hệ
giữa nhà văn và nhân vật nữ nầy ở ngoài
đời. Có những điều bạn
đọc, bạn viết muốn hỏi nhà văn lắm nhưng phải cố dằn lòng bỏ qua dầu biết
rằng chi tiết đó sẽ đem lại một cái nhìn rõ ràng hơn về tác phẩm nào đó của nhà
văn.
Hình như nhắc đến truyện ngắn nầy nhà văn nhớ đến chuyện
tình yêu, ông đề nghị hai người chúng tôi, mỗi người đọc cho ông nghe về một
bài thơ của Tagore mà ông đã dịch từ một bản Pháp ngữ mới in trong tập thơ mỏng Đắng và Ngọt.
Tôi đọc, cố rõ từng chữ một vì là lần đầu tiên mình đọc
bài thơ nầy. Bài thơ như đa số những bài
khác của Tagore, thuộc loại ẩn dụ, không dễ gì thông hiểu khi chưa có nhiều thời
giờ suy nghĩ: “Em đã xếp tôi vào chỗ dành cho những người thua trận/ Tôi biết rằng
quyền chiến thắng cũng như quyền rút ra khỏi cuộc chiến không thuộc về tôi/ Tôi
lao xuống vực thẳm, quyết chạm cho được
cái đáy của vực thẳm ấy/ Tôi chơi canh bạc của người thua trận/
Tôi ném vào canh bạc ấy tất cả những gì tôi có, và khi đã mất tất cả mọi thứ rồi,
tôi sẽ ném luôn vào đó tấm hình hài xương thịt của tôi....”
Nhà văn góp ý:
“Kẻ thua bạc nầy đã đặt tới số
vốn cuối cùng của đời mình. Đó là hình hài mình. Không còn diễn tả nào cặn
kẽ hơn, tận cùng hơn về hình ảnh kẻ thua.
Tận cùng!. Nhà văn thốt ra hai tiếng ngắn gọn và lại trầm ngâm trong tư
tưởng gợi ý từ lần nghe mới. Tôi thông
hiểu tâm trạng đó. Bài thơ tuyệt phẩm là bài thơ khiến ta mỗi lần đọc lại khám
phá ra thêm ý mới và dễ kéo ta vào những suy tư bất tận mới. Lâu lắm ông mới lên tiếng. “Bài thơ đưa ẩn dụ
về tình yêu. Kẻ thua cuộc là kẻ không được
yêu lại nhưng vẫn hết mình đối với tình yêu đó, kể cả cái chết. Yêu là vậy!”
Nhìn ông già móm mém hom hem bàn luận về chuyện yêu
đương, về thơ ca diễm tuyệt, tôi thấy mình thật may mắn, thật hạnh phúc khi lắng
nghe:
Đời người không phải dễ có những phút giây như vậy. Duyên văn nghệ chăng, cơ may chăng? Cao hứng
tôi xin phép đọc bài thơ mình vừa khai bút đầu Xuân mấy hôm trước, tặng bạn văn
già:
Sảy chân lạc bước xuống đời, / Xin chào thế giới bằng
lời u-oa./ Lưng còng mắt kém, sần da, / Tay run gậy trúc, trí dần dà quên./ Thở
hơi không nổi nằm tênh. /Bao nhiêu chủng
tử lềnh bềnh phổi gan./ Uổng công nắm bắt thời gian, / Sá gì dẫu có triệu ngàn
kiếp sanh /Ta bà vây khổn quanh mình, /An nhiên tự tại rẻ khinh mọi điều.”
Nhà văn nhắc lại hai câu cuối và chép miệng. “An nhiên tự tại không phải dễ gì. Rẻ khinh mọi điều còn khó hơn.” Trước khi từ giã, tôi đề nghị chụp một bức
hình lưu niệm. Ông đứng sát vô tôi, nhỏ
nhoi, nhẹ hỏng, nói như dặn dò nghiêm nghị:
“Tốt khoe xấu che nha, hình chụp làm kỷ niệm nha, không nên đưa ra công
chúng lúc nầy.”
Tôi hiểu lời dặn như sự né tránh đám đông của người
già. Tới tuổi nào đó sự đơn giản, hiu quạnh
lại là thói ưa; ồn ào, hình thức phô trương nào về mình cũng làm mình thấy khó
chịu... Trên đường về lại Sàigòn, gặp một
tấm bảng quảng cáo lớn bằng cả một tòa
nhà đập vào mắt hàng chữ:
“Chào mừng sự kiện tiêu thụ kỷ lục 1 tỷ lít bia X..”,
tôi xuýt xoa với bạn đồng hành: “Phải
chi một vài tấm bảng kia là hoan nghinh tim óc của nhà văn già hết đời với xứ dừa
thơ mộng thì hay biết mấy!”. Con đường về
đượm nhiều nét âm u của buổi chiều tà, tự dưng tôi thấy buồn lòng với ý nghĩ
đó.
Thầy Nguyễn Văn Sâm
(Sài-thành, đêm Nguyên
Tiêu Tân Mão, 2011)