Hằng năm gần Tết, nếu có dịp về
quê tảo mộ ông bà bên ngoại, Chi cũng không quên đến chúc Tết sớm trước bà mợ
vì đó là người còn sống thọ lâu trong gia đình. Đặc biệt hơn, mợ là người vợ thứ của cậu Chi. Thời
phong kiến các ông có vợ chánh thất rồi mà còn có quyền thêm hầu thêm thiếp, vợ
một vợ hai . Dù chính thức hợp pháp hay không, thông thường họ không được chấp
nhận ngang hàng với các bà cả dù có đám cưới sau khi bà cả không còn nữa. Người
đời gọi họ vợ thứ, vợ kế, thứ thất, vợ bé, bà sau, dì hai, má ghẻ, thường
ít được cảm tình kính trọng mà có vẻ bị chê bai khinh thường. Các người con
dòng lớn cũng không quên câu:
“Mấy đời bánh đúc có xương,
Mấy đời mẹ ghẻ có thương con chồng.”
Thật ra so sánh với lối sống càng
ngày càng phóng khoáng tự do theo trào lưu tiến bộ nhanh đến chóng mặt, phải
công nhận thân phận phụ nữ Việt ta thời trước có nhiều ràng buộc cứng rắn quá.
Khung son tứ đức lồng nổi bật đóa hoa tam tòng khép kín đời của các bà âm thầm
trong bốn bức tường gia đình như những cung vàng điện ngọc giam giữ phi tần
cung nữ suốt đến cuộc đời.
Nghĩ cũng lạ, nói chung các ông thương yêu kính quí mẹ
mình nhưng lại thường quên quan tâm lưu ý đến bà mẹ của con mình. Vậy trong
tình phu phụ, chữ ‘phụ’ nầy vừa có nghĩa là vợ mà vừa còn là giúp, phụ tá mà
thôi chứ không phải nam nữ bình quyền. Các ông được xã hội xưa cho cái đặc
quyền đa thê, không phải chỉ tái giá ‘tục huyền’ sau khi vợ chết mà có khi bà
nhà còn sống sờ sờ các ông mặc nhiên vẫn có quyền ‘ tìm của lạ ‘. Câu ‘Trâu tìm
cột chứ cột đâu có tìm trâu’ còn chứng tỏ rằng giữa hai phái các ông luôn giữ thế
chủ động, vậy mà phái yếu vẫn bị lên án phê phán khắt khe không khoan nhượng vì
câu “luật bất thành văn” nầy
“Trai năm thê bảy thiếp,
Gái chính chuyên một lòng”
Hơn thế nữa, đáng thương trường hợp người con gái nhẹ
dạ bị gạt lầm lỡ một lần cũng bị lên án gắt gao, còn tội ngoại tình thì bị xử
nặng nề không dung tha. Câu ‘ông ăn chã bà ăn nem’ vế đầu hợp lý cho phái nam chứ còn vế sau thì phải đổi lại
‘bà nhịn chờ’, cho dù có đói meo cũng cố mà dằn lòng, không được phép tùy tiện
lên cơn ăn lén. Ngay cả trong Thánh kinh của đạo Ki tô cũng có chuyện’ người
phụ nữ ngoại tình’ bị bắt quả tang. Theo luật Mô sê bấy giờ, phải bị ném đá cho
đến chết, còn ở xứ ta không bị bêu đầu mà chỉ bị cạo đầu bôi vôi không phải để
đi tu ‘cầu đạo’ đâu.
Nghịch lý nhất là các ông đã đề cao tấm trinh tiết của
người thiếu nữ lên hàng đầu, thế mà chính các ông cũng là thủ phạm tàn nhẫn hái
hoa bẻ nhụy không tiếc thương.Ngay các bà góa cũng khó thể ‘bước thêm bước nữa’
vì tiếng tăm gương tốt ‘’ tiết phụ khả phong ‘’.
Vẫn biết “Một vợ thì nằm giường Lèo,
Hai vợ thì nằm chèo queo,
Ba vợ thì xuống chuồng heo mà
nằm “.
Nhiều ông cũng chẳng
để ý chi.
Tục ngữ có câu :’’Chết trẻ còn hơn
lấy lẽ’’
Ca dao cũng có: “Thân em làm bé người
ta,
Nay tỏi mai hành khổ
lắm anh ơi ! "
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng đã thông cảm
hoàn cảnh và duyên phận hẩm hiu lẽ mọn :
‘Chém cha cái kiếp lấy chồng chung,…
Thà trước thôi đành ở vậy
xong.’
Riêng về các bà vợ hầu thiếp ái thê mẹ ghẻ, sách sử
cũng đã đề cập từ ngàn xưa và nước nào cũng có và ít khi được châm chế trong
việc luận phê. Không phải chỉ có vua chúa với tam cung lục viện trong hoàng
cung, mà quan lớn nhỏ đại gia trọc phú cho đến dân thường đều được thừa hưởng
ân huệ đó do luật pháp chế độ phụ hệ phong kiến từ ngày xửa ngày xưa.
Pháp chẳng hạn có chuyện Blanche Neige et les sept
Nains Bạch Tuyết với bảy Chú Lùn hay Cendrillon Nàng Lọ Lem trong đó
bà mẹ ghẻ nào cũng độc ác. Một bà không con ganh tị cuống cuồng với sắc đẹp con
chồng, luôn luôn phập phồng lo sợ mình không phải là người đẹp nhất trên đời.
Quân sư cố vấn của bà là một chiếc gương thần tố cáo tên địch thủ nào vượt bà
đoạt tước hiệu hoa hậu trên. Thế là từ lòng ganh tị sang thù hận dễ dàng rồi âm
mưu bàn kế làm khổ nạn nhân cho thoả lòng tự ái, thế cậy quyền:
“Xưa
nay hãm hại người ta đã đầy” (Nhị độ Mai)
Bà trong truyện thứ hai cho ta thấy bộ mặt khác của
tính ganh tị mà con người căn bản ai cũng có. Tính nầy giống như con rắn mê
hoặc Ê-và ăn trái táo cấm để rồi Nàng dụ dỗ A-dong ăn luôn, nhưng ông tổ loài
người chỉ nuốt nửa chừng nên có truyền thuyết về cục xương ở cổ chỉ thấy rõ ở
đàn ông mà người Pháp gọi là Pomme d’Adam. Có con càng nên trở thành ích kỷ
hơn, bà mẹ ghẻ dành giựt hết mọi quyền lợi cho con riêng, đày ải làm điêu đứng
đứa con mồ côi mẹ xấu số bạc phận không tiếc thương.
Các truyện nầy không khác mấy truyện Việt nam Tấm Cám
và thầy Mẫn tử, vai đào độc nầy ngay trên sân khấu, phim, tuồng cũng bị khán
giả ghét cay ghét đắng. Dù sao đáng thương nhất vẫn là những bà thứ
không con, từng phục vụ chồng, gia đình chồng cho đến ngày ông mất đi, tuổi đời
đã lớn, không có tài sản riêng, không còn ai trọng vọng cầm giữ nữa, các bà thường
trở về ở với bà con của mình trong lúc xế chiều nầy. Đúng là
« Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm,
Cầm bằng làm mướn, mướn không công. » (Hồ xuân Hương)
« Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm,
Cầm bằng làm mướn, mướn không công. » (Hồ xuân Hương)
Phận người
vợ sau đã khổ rồi huống hồ trong trường hợp người vợ còn sống mà ông còn tằng tịu
với một hoặc vài bà nhỏ khác, và khó xử nhất người đến sau lại là em hay chị ruột
của vợ mình.
Ở
các nước Tây phương, chuyện tái giá, tái hôn, tục huyền, ly dị xảy ra không làm
ai ngạc nhiên hết, không còn sống hạnh phúc với nhau được thì đường ai nấy đi,
không thù hận ? Cuộc chia tay tốn kém nhiều bút mực thuộc về những người nổi
tiếng, minh tinh màn bạc như Liz Taylor, Brad Pitt, Madonna hay như cuộc tình
tay ba của hoàng tử Anh Charles ngay khi công nương Diana còn sống, cũng là đề
tài gây sốc một thời. Người dân Anh thương tiếc Diana nhưng cũng dễ dãi chấp nhận
sự có mặt của bà tình địch của Diana.
Chuyện
lộn xộn xôn xao của tổng thống Mỹ Clinton ngay ở tòa Bạch Ốc cũng chỉ củng cố địa
vị của ông hơn.Thời sự nóng bỏng năm 2009 là bà vợ của Thủ tướng Ý Berlusconi
hăm dọa ly dị chồng léng phéng với các cô người mẫu. Rồi ông cũng vẫn được bầu
làm thủ tướng như thường và ông còn tuyên bố rành mạch vui vẻ :’ Tôi cũng
chỉ là một người đàn ông’. Cố Tổng thống Pháp Mitterand, hồi còn sinh thời và
còn tại chức, có con gái với bà thứ hai trước mặt thế giới thế mà vợ con bà lớn,
báo chí trong nước có rầm rộ tố cáo gì đâu.
Như thế,
ngay cả xã hội phụ hệ văn minh ngày nay như vô tình mặc nhiên bao che các ông
hơn. Người ta tha thứ dễ dàng hơn chuyện ngoại tình của phái nam hơn phái nữ
như chấp nhận ‘phu xướng phụ tùy’ chứ ‘chồng quì vợ dọi’ hay’ gà mái đá gà cồ’
là không hợp lý, bị người đời dèm pha chẳng tha. Tuy nhiên, thật ra không phải bà vợ lẽ nào cũng tệ,
như trường hợp bà mẹ kế của thầy Mẫn tử đã biết cải hối phục thiện.
Trường
hợp mợ sau của Chi là trường hợp điển hình khác nữa. Mợ Xanh là một bà góa có
gia sản bên chồng để lại. Mợ cũng không tái giá nuôi con đến gần mười năm cho đến
khi tình hình căng thẳng ở nông thôn. Pháp đi ruồng bố ráp luôn và phong trào
chống Pháp đang tập trung lực lượng và tìm nơi họat động ở các xả ấp xa. Đàn bà
góa thời bấy giờ giỏi dang có chút tài chút sắc, thật khó sống yên một mình
nuôi con giữa hai gọng kềm và vây quanh bởi bao thành kiến phiền toái bực mình
xuyên tạc. Ngay phần đông các bà cũng không thích chồng mình giúp đỡ người neo
đơn đặc biệt nầy vì biết đâu ‘lửa gần rơm lâu ngày cũng bén’. Còn các ông, bản
tính thường đã là phóng khoáng quảng đại, vì thế nếu ông nầy tỏ ra hào hoa
nghĩa hiệp, ông khác cũng tự cho quyền cứ ỡm ờ thả rong xe dê tìm lá so đũa,
đâu mất mát gì. Mà đến từng tuổi nầy tất nhiên các ông thường đã có gia đình hoặc
suôi gia con cháu đùm đề rồi, ít còn người cu ky độc thân đâu.
Vẫn
biết khó có thể ở góa mãi vì tuổi đời chưa bốn mươi, mợ Xanh còn được tiếng tốt
chịu khó đảm đang tốt bụng, ở vùng xôi đậu tranh sáng tranh tối, ban ngày lo sợ
bị lính lê dương Pháp ruồng bố, tránh đạn súng cối mortier, bom lửa napalm dội
xuống các vùng bị tình nghi. Ban đêm là lãnh vực của du kích, đào hầm cho cán bộ
nằm vùng, tích trữ lương thực, làm giao liên, tuyên truyền, chiêu mộ người hoạt
động. Sau nầy chính nhà mợ cũng bị bom ra tro, cậu con trai duy nhất của mợ
thoát chết trong đường tơ kẽ tóc bên cạnh thằng bạn chết cháy co quắp đen như
than.
Thời
bấy giờ miền Nam còn là thuộc địa Pháp nên có phong trào ngấm ngầm hoạt động chống xâm lăng đô hộ. Không phải chỉ có các sĩ
phu trí thức giàu sang mới chủ xướng việc
đối đầu với kẻ thù, chính giới nông dân mới thuộc thành phần âm thầm hy sinh
nhiều nhất. Mợ tự vừa làm ruộng trồng vườn vừa buôn gánh bán bưng, bán cháo
lòng ở chợ. Ngày nào như ngày nào tờ mờ sáng gà gáy mợ đã quảy gánh nặng trĩu vội
vã ra đi để cho kịp buổi chợ làng nhóm thường rất sớm.
Ngày ngày đòn gánh tre oằn vai nhịp nhàng theo
bước vội trên bờ con, chân bám mặt đường trơn trợt sau hay dưới cơn mưa gió
mùa, mỗi bên chiếc thúng lồng trong đôi gióng với dụng cụ cần thiết. Trong chiếc
gióng trước một nồi cháo ầm ĩ cho nhừ đặt trên bếp than lửa riu riu, bên trên
tràng đựng thịt, lòng heo, chiếc gióng sau gồm chậu nước rửa, tràng tộ muỗng
đũa, rổ rau, nước chấm gia vị, tất cả đều được sắp xếp gọn gàng bắt mắt phát
thèm.
Còn
nói chi đến việc trồng trọt, mợ Xanh có bàn tay ‘xanh’ như tên như mợ, theo
cách ngày nay nói về môi sinh. Những liếp rau cải cần bẹ to xanh mướt, đám mía
xào xạt với lóng dài to vàng óng, những cây bắp nếp thẳng tấp trổ cờ cao ngọn
báo cho biêt năm đó trúng mùa và nhất là đám chuối sứ thế nào trong đó cũng có
vài bụi chuối hột vì dân ta thích dùng lá, hoa chuối hột hơn của các loại chuối
khác.
Cây chuối, cây tre là hình ảnh nổi bật nhất ở đồng quê, cần thiết nữa nên hầu như nhà nào cũng có. Dân ta dùng cả cây từ ngọn đến rễ không chừa bỏ phần nào. Ngày nay với kỷ thuật mới, quan niệm tiến bộ về mỹ thuật, cộng với óc sáng tạo phong phú linh động, nghệ nhân ta đã chế tạo từ tre ra dụng cụ thông thường càng ngày càng hoàn thiện hơn, không những có ích mà còn bền bĩ đẹp chứ không ‘tốt mã rã đám’ đâu. Hơn thế nữa, với tài khéo léo truyền thống gia truyền và óc tưởng tượng cầu tiến dồi dào, nhiều ngành mới liên quan biến thành sản phẩm tre trúc thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo tuyệt vời. Nhìn những bức tranh phiến tre họa khắc khảm xa cừ hay tô điểm bằng những hình vẽ hoa văn quen thuộc truyền thống hay thư pháp đổi mới tân tiến, những bức họa đồng quê sơn thủy, chân dung cả người lẫn thú, người với bộ râu tre khô quắc thước, đầu rồng, bờm sư tử nổi bật linh hoạt sống động, ta cảm thấy tre sao mả gần gũi với cuộc sống dân mình làm sao.
Cây chuối, cây tre là hình ảnh nổi bật nhất ở đồng quê, cần thiết nữa nên hầu như nhà nào cũng có. Dân ta dùng cả cây từ ngọn đến rễ không chừa bỏ phần nào. Ngày nay với kỷ thuật mới, quan niệm tiến bộ về mỹ thuật, cộng với óc sáng tạo phong phú linh động, nghệ nhân ta đã chế tạo từ tre ra dụng cụ thông thường càng ngày càng hoàn thiện hơn, không những có ích mà còn bền bĩ đẹp chứ không ‘tốt mã rã đám’ đâu. Hơn thế nữa, với tài khéo léo truyền thống gia truyền và óc tưởng tượng cầu tiến dồi dào, nhiều ngành mới liên quan biến thành sản phẩm tre trúc thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo tuyệt vời. Nhìn những bức tranh phiến tre họa khắc khảm xa cừ hay tô điểm bằng những hình vẽ hoa văn quen thuộc truyền thống hay thư pháp đổi mới tân tiến, những bức họa đồng quê sơn thủy, chân dung cả người lẫn thú, người với bộ râu tre khô quắc thước, đầu rồng, bờm sư tử nổi bật linh hoạt sống động, ta cảm thấy tre sao mả gần gũi với cuộc sống dân mình làm sao.
Tác phẩm Rồng Tre
từ gốc cây tre do cụ Lê Mưu (Hà tỉnh) sáng tác
Còn
cây chuối cũng thật là đa dụng. Nhân ngày giỗ, lễ, bàn thờ được trang trí bằng
một bình hoa với cây chuối non vươn sức sống mới lá xanh giữa nhửng cành hoa nở
ngài hồng tím, hoa huệ trắng, bông ngãi, bông điệp ta đỏ vàng xung quanh cũng
thật độc đáo.
Bông điệp ta
Nếu
có dịp thình lình về vùng quê miền Nam, bạn thường sẽ được đãi bằng thực phẩm
cây nhà lá vườn liên quan phần lớn do hai cây đặc biệt ấy. Thân chuối non hay
hoa chuối người ta xắt mỏng trộn thành món rau ghém hay gỏi làm mồi để nhậu hay
món rau sống ăn kèm với mắm kho, lẩu mắm. Canh chua bằng bắp chuối hột, dai dai
dòn dòn và trắng hơn hoa chuối khác, cùng lá me non với tôm đất hay cá chốt vừa
vớt lên đổ ra còn nhảy soi sói, chấm muối ớt sừng trâu đỏ au, nhớ chỉ thôi đã
thấy phát thèm chảy nước mắt. Cá lóc mang còn đỏ hồng, nếu gặp dịp tát ao, quấn
rơm dùng thanh tre xỏ lụi xuyên qua từ đầu tới đuôi được nướng trên lữa rơm
ngào ngạt thơm.
Ngoài
chuồng gà vịt gần những cây me cây táo, ổi, còn có chuồng cặp ngỗng cổ dài như ống
nước cao su giữ nhà rất giỏi kêu ó lên inh ỏi khi có người lạ đến nhà. Thích ơi
là thích lượm nhặt được trứng ngỗng to hơn trứng gà và cả trứng vịt Xiêm, nhưng
sợ hết hồn hết vía lúc bị cái bầy ngỗng rượt cắn mổ, cái cần cổ dài dai dẻo mà
chắc cứng nghiêng nghiêng, cà sát trên mặt đất di động cất cao hạ xuống trong
tư thế của con rắn hổ mang giáp trận, vừa chạy đến xáp lá cà vừa la éc éc oác
oác chói tai xốc óc, cái mỏ bèm bẹp của
nó thật cứng chui luồn cạp cắn đau bầm mình dễ sợ.
Cho
đến một hôm, mợ Xanh không đi bán được. Số là như thường lệ, sáng sớm mợ đều quảy
gánh cháo đi bán, trời còn tối nên mợ mang theo cây đèn lồng hay cây đèn chai,
năm nầy qua năm khác. Thế mà, sáng hôm sau, có người phát hiện mợ Xanh đang nằm
ngủ khì bên gánh cháo còn nóng hổi gần khét trên đường mòn ra chợ. Kêu mợ tỉnh
dậy, mợ chẳng nhớ gì cả mà không hiểu tại sao mợ lại nằm đây không xa nhà bao
nhiêu. Người ở đây thường bảo là ma dẫn đi. Có người khác còn bị nhét vào miệng
cỏ khô, bùn đất, đó là chuyện ma người lớn thường kể có thể để hù các em trẻ
phá phách nghịch ngợm không chịu đi ngủ sớm, ham đi chơi ngông về khuya. Bác sĩ
cho rằng vì mợ làm việc quá độ nên may mà chỉ bị thiếp đi nếu không, hậu quả
còn nghiêm trọng hơn. Thế là sau cơn đột biến ấy, mợ quyết định bước lên bước nữa.
Vả
lại tình thế lúc bây giờ cũng căng quá. Bố ráp của Pháp, nhà ở quê tất phải đào
hầm để tránh bom đạn mọt chê, đại bác nả vào ban đêm để ngăn du kích hoạt động
hoặc yểm trợ lực lượng hành quân. Ban ngày sợ giặc, ban đêm tiếp tế trợ giúp
thành phần kháng chiến chống Pháp. Trong những người hoạt động phải trốn tránh
đó nay ở vùng nầy mai di qua vùng khác, nhà nầy thường xuyên hơn người khác, mợ
thấy mình không thể nào tiếp tục sống góa mãi được nên đã chọn cậu Tư cậu của
Chi.
Cậu
Tư con nhà có học, có gia đình con cái, nhà làm ruộng lớn, hoạt động theo cao
trào bấy giờ yêu nước chống ngoại xâm, nên cũng thường trốn tránh ở nhà mợ. Có
thể hình ảnh của một người anh hùng hay cảm về tài ứng biến hay vì sắc vóc của
cậu, có thể là tất cả lý do đó biến mợ thành bà vợ thứ tự nguyện.
Cũng
may mà mợ lớn của Chi là người đức hạnh, tốt bụng, có tầm nhìn phóng khoáng, hiểu
biết rộng, thông cảm hoàn cảnh số phận đàn bà thời bấy giờ nên đã chấp nhận lời
xin đến tạ lỗi thú tội của mợ sau. Từ đó hai bà, nhà ai nấy ở, sống rất hòa thuận
nhau. Khi nhà của mợ Xanh bị Pháp đốt cháy tiêu tan, chính mợ lớn đã đem các
con của mợ sau về ở chung cho tiếp tục đi học, trong khi mợ Xanh trở về làng
mình dựng chòi bám đất. Cậu của Chi rất may mắn không phải bị đau đầu khó xử vì
một cảnh hai quê nầy cho đến ngày qua đời. Còn thêm điểm đáng khen là khi mợ
Xanh già yếu trên chín mươi tuổi, mợ vẫn còn chứng kiến được anh chị em hai
dòng lớn nhỏ vẫn luôn trên thuận dưới hoà. Cho đến ngày lâm chung, chính người
con trai cả đã đứng ra làm chủ tế đám tang ‘ dì ‘cùng với các em cùng cha một
cách chân thành cảm quí.
Chuyện các ông có phòng nhì phòng
ba là chuyện thường có lúc bấy giờ. Chi còn biết, ba của bạn Chi là một thương
gia Việt gốc Hoa, có đến ba bà mà mỗi bà ở một nơi khác nhau, mỗi bà được chu cấp
một cái tiệm hàng xén chạp phô để tự lực cánh sinh nuôi con cái và phục vụ ông
chồng chung. ‘Chén dĩa trong sóng còn khua ‘huống hồ gia đình chia bảy chia ba.
Thế mà thời bấy giờ chuyện đánh ghen ít có xảy ra đâu.
Ở đời
người vầy người khác, các bà vợ lớn cũng thế, người tốt, người vẫn ghen ngầm
hay dữ dội như Họan Thư hay sư tử Hà Đông. Ngay trong tỉnh nhà, hai chị em ruột
giàu sang đều có cùng một người chồng có địa vị, thế mà rất hòa thuận chị chị
em em. Lại trường hợp khác cũng tương tự như vậy, hai chị em đều có con cùng ở
chung nhà, thế mà vẫn tránh nói chuyện nhau cho đến một người mất đi.
Một
trong những câu chuyện đẹp về kiếp chồng chung thật khó tin đến nhiều người cho
rằng là giả tưởng. Cô vợ lẽ trẻ không cưới hỏi đã được bà vợ cả đem về nuôi nấng
trong nhà mình khi câu chuyện mang thai vỡ lở gây tai tiếng cho sự nghiệp của cả
hai bên. Chẳng những hai bà sống thông cảm nhau không ganh tị ghen bóng ghen
gió mà còn cùng hợp sức nuôi dạy các con nên người cho đến ngày ông và bà cả mất
đi và các con đã lập gia đình ra riêng. Tưởng đến đây là chấm dứt thế mà, sau
75, bà vợ thứ được các con của mình bảo lãnh sang Mỹ. Khi biết tin các con dòng
lớn còn ở Việt nam, người bị đi học tập, người vượt biên mất trắng, bà luôn
luôn gửi tiền về giúp đỡ như con của chính mình.
Trong lịch sử nước ta, không ai phủ nhận công ơn của một thứ
phi đức hạnh ở thế kỷ thứ 19, một lòng vì dân vì nước như Hoàng thái hậu Từ Dũ
(1810-1902), con của Đức Quốc Công Phạm đăng Hưng, vợ của vua Thiệu Trị và mẹ
vua Tự Đức.
Tuy nhiên tám thế kỷ trước đó, một
cô thôn nữ hái dâu mồ côi nghèo trở thành phu nhân, thứ phi, Nguyên phi rồi
Hoàng thái hậu, đã đóng góp rất tích cực hữu hiệu chẳng những cho cơ nghiệp của
vua Lý Thánh Tông mà cho đất nước và dân tộc ta bấy giờ, Hoàng thái hậu Ỷ Lan
(1044-1177). Từ thế kỷ thứ mười một, Đức Bà đã có những tư tưởng thật tiến bộ
văn minh sáng tạo, nhân đạo, phương sách tổ chức, cải tổ, chấn hưng thức thời mọi
mặt xã hội đối nội đối ngoại phù hợp với đời sống và lòng dân. Cho đến ngày
nay, gương sáng tuyệt vời đó khó tìm thấy được ở trong và cả ngoài nước nữa.
Xin nhớ rằng không phải xuất thân từ gia đình vọng tộc quí
phái đã được chuẩn bị huấn luyện trước như thông lệ ngày xưa, Đức Bà được tuyển
vào cung qua một giai thoại nên thơ lãng mạn. Thế mà, Ỷ Lan phu nhân biết mình
biết người nên khổ công tìm tòi học hỏi nhiều mặt làm cả triều đình khâm phục,
và các nhà nghiên cứu văn học xếp vào hàng tác giả văn học thời Lý -Trần. Có những
câu kệ trong những bài kinh của Đức Bà còn truyền tụng đến ngày nay :
« Sắc là không, không tức sắc
Không là sắc, sắc tức không
Sắc không đều chẳng quản
Mới thấu được chân tông. »
Đức Bà còn hai lần thay chồng, con làm nhiếp chính, lịch sử
còn ghi công ơn.
Lần thứ nhất, năm 1069, vua Lý
Thánh Tông thân chinh cùng Tể tướng Lý Thường Kiệt đem quân đánh Chiêm thành.
Cũng năm nầy nước Đại Việt ta bị lụt to, mùa màng hư hại, loạn lạc nổi lên khắp
nơi. Ở đây chúng ta mới thấy phát xuất hiện rõ tinh thần cao độ yêu nước yêu
nòi, lòng nhân từ, tính bất khuất không chịu thua hoàn cảnh của bậc anh hùng,
liệt nữ, nhà chính trị thức thời ái quốc đúng nghĩa. Không lợi dụng địa vị để củng
cố kéo thêm bè cánh, thế lực để hưởng thụ trên máu xương của đồng bào, dù không
qua một trường phái chính trị nào, thế mà chỉ bằng ý chi vượt khó, biết nghe lời
cố vấn thừa đức tài kinh nghiệm có kế sách đứng đắn, Đức Bà, cô gái nông dân trồng
dâu nuôi tằm Lê thị Yến trở thành Nguyên phi hiểu đời, thực tế, tài trí đức độ
nên đã có quyết định kịp thời cứu đói người nghèo, ổn định tình thế, dẹp yên loạn
lạc, duy trì luật pháp, bảo đảm kỷ cương phép nưóc. Anh thư như thế trên thế giới
nầy, trong việc chấn hưng đất nước, thật có mấy ai ?
Lần thứ hai, năm 1072, vua Lý Thánh
Tông băng hà, Lý Nhân Tông lên ngôi mới 7 tuổi, ở khâu nầy, ta mới thấy tài điều
khiển nước khéo léo của Đức Bà, hai lần cùng tể tướng Lý Thường Kiệt đánh bại
quân Tống xâm lược (1075, 1077). Nhưng điểm đáng nói thêm ở đây là tinh thần
yêu nước của Bà thật thuần khiết, biết dẹp lửa hận thù giữa thắng thua, đối địch,
bỏ qua hiềm khích cũ, trọng nhân tài, đã mời Lý đạo Thành về trao lại chức Thái
sư cùng chung lo việc nước. Hành động nầy thật không phải dễ thực hiện đâu nhất
là sau cuộc chính biến hay khi nắm trong tay cả thế quyền. Lịch sử dựng giữ nước
ta đã bao phen bất lực chứng kiến cảnh đau lòng ‘nồi da xáo thịt’ ‘cạn tàu ráo
máng’ ‘nhổ cỏ phải nhổ tận gốc’ vô nhân ấy từ trước cho đến ngày nay, ngay ở thời
kỳ văn minh thế kỷ 21 nầy mà vẫn chưa rút ra được kinh nghiệm xương máu để cùng
hưởng sống hòa bình.
Hoàng thái Hậu Ỷ Lan còn là người
không quên gốc nông dân nghèo của mình. Một trong chính sách rất sáng tạo nhân
đạo và tiến bộ nhất mà Đức Bà đã ban hành là tha cung nữ và chuộc nô tỳ, con
gái nhà nghèo bị bán đi ở đợ gán nợ cho nhà giàu. Sử thần Ngô Sĩ Liên đã viết :’Con
gái nghèo đến nỗi phải đợ mình làm mướn, con trai nghèo đến nỗi không vợ đó là
cùng dân của thiên hạ. Thái hậu đổi mệnh cho họ cũng là việc nhân chính vậy’.
Chúng ta không quên việc giải phóng nô lệ được Tổng thống đầu
tiên Hoa kỳ George Washington tuyên bố năm 1777 và Bản Tuyên ngôn Giải phóng Nô
lệ mới ra đời qua văn bản ở thế kỷ thứ 19 do Tổng thống Abraham Lincoln hai lần
ngày 22-9-1862 và 1-1-1863, Pháp đến năm 1848 và Trung quốc mãi đến thế kỷ 20,
năm 1909. Vậy mà sáng kíến cao đẹp đổi đời nầy đã được khởi xướng áp dụng từ đầu
thế kỷ thứ 12, năm 1103, do cô gái quê Việt hái dâu tựa gốc cây lan lên làm
Thái hậu, đáng phục biết dường nào.
Thời Bà, luật pháp cũng rất nghiêm minh. Đức Bà đã xuống chiếu
cấm giết trâu bò bừa bãi mà còn phạt nặng
kẻ trộm trâu. Chồng trộm, vợ cũng phải phạt nặng như chồng và ngay cả láng giềng
không tố cáo hay a tòng cũng bị phạt lây. Thông thường, các nhà cầm cân nảy mực
dù liêm khiết, tế nhị, xét đoán công tâm vẫn bị ràng buộc bởi những đạo luật hiện
hành. Chỉ một yếu tố đơn giản đó thôi cũng đủ làm cán cân đôi khi bị nghiêng lệch
vì những sơ hở, thiếu sót, văn bản chưa kiện toàn, chưa cập nhật hóa kịp thời.
Do đó cho đến ngày nay, việc chống tham nhũng, gian thương buôn lậu, ma túy
dính dáng đến các gốc bự chóp bu trong chính trường, kiêu binh còn ít cơ may áp
dụng có hiệu quả vì bệnh ngàn đời là huyện binh vực huyện phủ binh phủ. Điểm
son ở đây là hơn mười thế kỷ trước, Đức Bà đã nghĩ đến tính độc lập của ngành
tư pháp rồi, một trong ba ngành căn bản trong các chế độ dân chủ tự do sau nầy.
Về tôn giáo, để hiểu rõ hơn về đạo Phật, Bà trao đổi đối đáp
trực tiếp với các cao tăng về thuyết giáo lý đạo Phật,và chính nhờ các câu chuyện
giữa Đức Bà và các vị sư thời Lý, sách ‘Thiền uyển tập anh’ đời Trần còn ghi
rõ, mà đến nay chúng ta mới biết được nguồn cội sự truyền bá đạo Phật vào nước
ta. Quyết tâm học hỏi không ngừng tận tường để áp dụng đúng phục vụ đất nước của
Đức Bà thật phi thường và đáng làm gương lưu danh.
Đến đây, chúng ta lại liên tưởng đến trường hợp khác, oan uổng
cần tìm hiểu lại minh bạch để vinh danh, của một bà vợ thứ thế kỷ 19 cũng đã cống
hiến rất nhiều cho đất nước, tích cực chống Pháp mặc tiếng thị phi, miệng đời,
mà người đương thời bấy giờ hiểu sai lệch về Bà, do thành kiến phong tục xã hội
xưa hoặc do guồng máy cai trị tuyên truyền xâm lăng đô hộ Tây, Bà hầu Trần thị
Sanh ở Gòcông. Sinh ra trong một gia đình giàu có vọng tộc, mẹ Bà là cô ruột của
Cô Phạm thị Hằng, và chính cha mẹ Bà đã nuôi dưỡng giáo dục cô cháu gái mồ côi
mẹ trước khi được tiến cung và sau nầy trở thành Hoàng thái hậu Từ Dũ. Góa chồng
một con, Bà quán xuyến gia sản to lớn, có thế lực nhất nhì trong vùng.
Trong bối cảnh chính trị miền Nam lúc bấy giờ, năm 1861, Pháp
tấn công Gia định lần thứ hai, Ông Trương Định cùng với Ông Nguyễn tri Phương
giữ chiến tuyến Chí Hòa. Thế rồi Chí hòa lại thất thủ, Ông Trương Định lùi về Gò công giữ Định Tường, Gia định.
Năm 1862, Pháp chiếm Biên Hòa và ngày 5-6-1862, triều đình ký
hòa ước Nhâm Tuất với Pháp. Ông Trương Định, một lãnh tụ nghĩa quân lúc bấy giờ
từ chối lời dụ hàng của tướng Pháp Bonard và bất chấp luôn chiếu vua Tự Đức ra
lệnh bãi binh tháng 2- 1863. Câu nói khẳng khái của Ông :
« Triều đình Huế không nhìn nhận chúng ta, nhưng chúng
ta cứ bảo vệ Tổ quốc chúng ta. »
Trương Định rút về Gòcông
làm căn cứ địa kháng chiến, được nhân dân tôn làm Bình Tây Đại Tướng quân.
Về phần Bà Sanh, để có thể giúp Trương Định một cách danh
chánh ngôn thuận, bất chấp dư luận, một đám cưới tổ chức long trọng tại nhà cha
mẹ của Bà, nhà từ đường họ Trần hiện nay còn ghi dấu, và vì thế từ đó Bà trở là
một cái đích chĩa vào, lên án từ mọi phía. Việc tái giá của Bà chẳng những là
cái gai nhọn cho gia đình bên chồng mà còn một hiện tượng chống đối với đạo tam
tùng thứ ba « phu tử tùng tử » chồng chết theo con theo phong tục
phong kiến thời bấy giờ.
Sinh năm 1820 theo sách sử, vậy là khi rút về Gòcông năm
1861, Ông Lãnh binh Trương đã 41 tuổi, tất nhiên không ai phủ nhận là có thể
Ông đã có gia đình từ lâu rồi, mà rất tiếc không một sử liệu nào xác minh điều
nầy. Hơn thế nữa, như chúng ta biết rõ các ông đâu có bị phạt tội nếu có thêm vợ
một vợ hai. Thế mà người dân địa phương vẫn gọi khiếm danh Bà là Bà hầu. Lạ hơn
có sách ghi là Ông Trương còn có cưới ở Gòcông một bà tên Lê thị Thưởng giàu có
và có con trai nữa ( ? ) giúp Trương Định mộ quân thêm khí giới, mà từ trước
đến nay không một tài liệu lịch sừ nào nêu rõ được bà Thưởng nầy gốc gác ở đâu,
con cái của ai ở địa phương nầy..
Lại còn có nhà văn khác phê rằng Bà Sanh bằng lòng gá nghĩa với
Trương Định là để dựa vào thế lực của Ông, hầu củng cố địa vị và bảo vệ gia sản
của mình. Lập luận kết tội nầy quả không vững, có phần quá đáng, ác ý. Chúng ta
biết rằng từ khi Ông Trương Định đã không tuân lệnh vua Tự Đức về việc bãi binh
và trở ra Phú Yên, Ông Trương đã không còn là người thuộc quyền trìều đình Nguyễn
nữa và đặc biệt đối với Pháp Ông trở thành một tên « loạn
quân » nguy hiểm kháng cự đối đầu mà Pháp cần triệt hạ dù bất cứ giá
nào. Tất nhiên người trong cuộc, Bà Sanh và dân chúng địa phương, biết rõ điều
đó. Vậy thì nếu chỉ vì quyền lợi riêng thôi thì không một ai dại gì mà hiến cả
tài sản, hy sinh danh tiếng cuộc đời của mình cho một vị tướng ly khai mà thế
quân sự của nghĩa quân lúc bây giờ cần phải chỉnh đốn cấp tốc. Tóm tắt lại, chỉ
có vị nào hun đúc đầy lòng yêu nước cao độ, tinh thần quyết chống xâm lăng đô hộ,
bầu nhiệt huyết can đảm dấn thân hy sinh tuyệt đối mới có thể thực hiện được
hành động quên mình cao cả đó, và trong trường hợp nầy lại do một phụ nữ, một vợ
thứ, một bà hầu, một điểm son đuợc phê thêm sáng chói trong lịch sử bảo vệ nước
nhà.
Chưa
hết đâu, tấm lòng trung trinh và tinh thần cách mạng của Bà trong hoàn cảnh nào
cũng không hề lay chuyển. Bằng cớ là chỉ ba năm sau, Ông Trương Định tuẩn tiết
ngày 20-08-1864. Pháp đã đem phơi thây Ông để
răn đe dân chúng. Chính Bà Sanh đã lấy danh nghĩa là vợ chính thức, can
đãm đệ đơn xin Pháp đem thây Ông về chôn cất trang trọng, lập mộ vinh danh trên
đất của cha mẹ ruột của mình tại trung tâm châu thành Gòcông, lưu dấu ngàn năm.
Thế
nhưng, để tiếp tục xóa bỏ mầm mống chống đối Pháp và tiêu diệt lòng tri ân đối
với những chiến sĩ anh hùng, nhà cầm quyền Pháp tại Gòcông bắt phạt Bà 10.000 quan Pháp, lý do vì lập
bia mộ trái phép và bắt đục bỏ hàng chữ Bình Tây Đại Tướng Quân mà Bà đã cho
ghi trên bia mộ.
Mười
năm sau, Bà lại xin trùng tu mộ Ông Trương. Thế rồi các bức hoành phi và trụ đá
ghi thân thế và sự nghiệp của vị anh hùng dân tộc lại bị đục bỏ. Dưới thời Pháp
thuộc, ngôi mộ trở nên hoang phế vì sự cấm đoán và dòm ngó của lính kín mật
thám. Những người lớn trên bảy mươi tuổi ở châu thành Gòcông và làng lân cận đều
còn nhớ rằng, thời bấy giờ, con gái đàn bà ít ai dám đi ngang qua khu mộ cây cối
um tùm nầy, một mình, sợ ma rượt bắt, ma thật hay ma người giả dạng ?.
Vậy
thì xin thưa Bà Trần thị Sanh quả thật là một tiết phụ đã biết hy sinh cái
riêng tư của mình vì cuộc đại nghĩa rộng lớn cao cả hơn và nhất là có công lưu
danh ngàn xưa tên tuổi sự nghiệp của vị anh hùng dân tộc Bình Tây Đại Tướng
Quân Trương Định. Lòng yêu nước và tri ân chân chính của Bà đáng được tôn vinh,
ghi danh trong sách sử.
Lăng mộ bà Trần Thị Sanh tại Gò Công.
Thật
ra sử kiện ngày xưa thường truyền miệng và ít được trực tiếp mắt thấy tai nghe
nhất là liên quan đến phụ nữ và bí sử chuyện hậu trường sân khấu chính trị. Nhà
viết sử cũng chỉ nghe kể lại nên câu chuyện có khi được thêm mắm dậm muối, thêm
thắt tình tiết gay cấn éo le, khó hoàn toàn trung thực. Rồi chuyền tai người nầy
sang người kia, đời trước truyền sang đời sau, dễ tam sao thất bản, người bênh
kẻ đả kích, ai cũng dành phần đúng về mình, nhất định nguồn tin của mình là
chính xác, đích thật, rốt cuộc người chết không sống lại để phân xử, hòa giài,
biện minh. Người đương thời cứ đua nhau tranh luận chí tử. Rồi người thời sau lại
lần giở trang sử xưa, tiếp nối luận bàn, thế hệ nầy sang thế hệ khác. Việc xác
minh sử kiện cho đúng đề vinh danh người có công thôi, rất cần, cũng mới thấy
không phải là một chuyện dễ làm. Thật đáng tiếc và ân hận biết dường nào !
Ngày
nay với phương tiện dồi dào khoa học kỷ thuật tân tiến, người đương thời văn
minh có làm được nhiều tiến bộ trên mọi bình diện lắm. Thế mà, sự thật chưa chắc
được phơi bày thật sự, hoàn toàn khách quan, tự do. Hy vọng thế hệ trẻ
tương lai càng ngày càng khôn ngoan và may mắn hơn trong việc truy tìm sử tích
phân biệt đâu là chính tà công tội một cách hợp lý hợp tình.
Chúng
ta còn nhận thấy thêm rằng cuộc đời như một ván cờ không thiên vị ai, trong đó
tất cả đều là con cờ. Trong ván cờ người, con cờ người đều quan trọng như nhau
trong địa vị, vị trí riêng, dù là tướng xe pháo ngựa hay là con chốt. Không phải
chỉ có con xe tài, con pháo giỏi, con ngựa hay là cần thiết thôi, con tốt cũng
có có thể chiếu tướng bí như thường :
« Đem tốt đầu dú dí vô
cung » (Hồ Xuân Hương).
Hy
vọng rằng qua những kinh nghiệm vơi đầy trong quá trình lịch sử, tấm gương của
mọi thành phần xã hội, những thành kiến bất công, nhận thức còn nông cạn do con
người tạo ra, chúng ta sẽ biết tìm cách đối phó, rút ra những bài học hữu dụng
tốt đẹp hơn hầu có thề sống phù hợp hòa đồng với trào lưu tiến bộ văn minh càng
ngày càng phức tạp của thế giới ngày
mai.
Cô Trần
Thành Mỹ
THỜ BÌNH TÂY ĐẠI TƯỚNG QUÂN
tại Nhà thờ họ Trần ngày nay
thu gọn trên khuôn đất Nhà thờ họ Trần xưa.
( Hình ảnh do Đặng Phương Nam )