Có nhiều người cho rằng Đông Tây khó gặp nhau. Thật ra chúng ta cũng thấy
trong đời sống thường nhật, hai bên cũng không dễ dàng dung hòa nhau luôn. Ngay
cả những người sống nhiều năm ở nước ngoài, càng lâu họ càng nhận thấy rõ nét hơn.
Ngày nay khoảng cách không gian và thời gian đã được rút ngắn và phương tiện
truyền thông lan rộng khắp mọi nơi mọi hướng, chúng ta thử cùng tìm hiểu qua
hai cái Tết ta người, điển hình nơi chúng ta định cư chẳng hạn.
Thật ra chúng ta ai cũng nhận thấy Đông là Đông, Tây là Tây rõ nhất qua
hình thể, vóc dáng màu da. Khí hậu, nếp sống, văn minh văn hóa, địa lý, kinh tế,
phong tục tập quán khác biệt tất nhiên môi trường sống khác nhau.
Ở châu Âu châu Mỹ, Tết Tây theo dương lịch và bắt đầu vào mùa Đông « lạnh
lẽo Chúa sinh ra đời ». Đêm 24 rạng ngày 25 tháng 12, Lễ Giáng sinh được tổ
chức rất linh đình tại nhà thờ lúc nửa đêm và được xem là lễ gia đình vì thông
lệ sau lễ đêm lúc 24 giờ, người ta thường quanh quần ăn Réveillon và các trẻ em
được quà do Ông Già Noẻl mang quà biếu theo truyền thuyết qua ống khói lò sưởi.
Người Bỉ còn có Sint Niklaas và Hắc Tiểu đồng Zwarte Piet trong ngày 6 tháng 12
phân phát quà cho trẻ nhỏ.
Ngày nay lễ Giáng sinh không dành chỉ riêng cho tín đồ Thiên Chúa giáo
mà càng ngày càng được phổ cập như một ngày lễ trên nhiều nước trên thế giới.
Riêng ngày đầu năm, thật sự họ không xem như là ngày hoàn toàn có ý nghĩa đặc
biệt thiêng liêng quan trọng như ở Việt nam.
Dương lịch mỗi tháng có tên riêng Janvier, January chằng hạn, âm lịch đặc
biệt chỉ có hai tháng cuối và đầu được gọi là tháng Chạp tháng Giêng và ngày thứ
15 trăng tròn trong tháng ta gọi là ngày Rằm. Riêng những ngày trong tuần cũng
có tên riêng như Lundi Monday, ta chỉ gọi theo thứ tự như thứ hai, thứ ba trừ
ngày thứ tám được ngọi là ngày Chủ nhật.
Nhìn hình ảnh người Úc vui vẻ hân hoan đón mừng Giáng sinh trên bải biển,
đùa trong nước, đầu đội nón vải đỏ viền trắng hình chóp cao biểu tượng Ông già
Noẻl, à ra là thế đấy, Tết của xứ kangourou bắt đầu vào mùa Hè nóng ấm.
Phần đông dân Á châu đón Tết vào mùa Xuân theo âm lịch. Người Việt ta,
vì ảnh hưởng của hai nền văn minh Trung hoa và Pháp nên ta có ngày lễ Tết ta và
cũng chào đón cả Tết Tây. Các cụ nào trên 70 tuổi còn nhớ dưới thời Pháp thuộc,
ngoài được nghỉ lễ Giáng sinh còn được nghỉ lễ Phục sinh và lễ Quốc khánh Pháp
14-07 hằng năm.
Thời tiết quả cũng đóng một vai trò then chốt trong lúc giã từ năm cũ và
đón chào năm mới. Do đó vào Tết ta có dịp tổ chức rầm rộ long trọng linh đình độc
đáo hơn vì trời không nóng gắt như vào mùa nắng, không có tuyết băng như các nước
Tây phương vào mùa Đông, không có mưa dầm như trong mùa mưa nên có cơ hội thuận
tiện cho việc tổ chức nhiều lễ hội lộ thiên, Festivals, Kermesses, nhiều hội chợ
sản phẩm vùng địa phương, những trò chơi giải trí vui chơi văn nghệ, múa lân,
chợ phiên, xem hát, xi nê, ăn uống vui vầy.
Nổi bật nhất lại đúng mùa hoa trái đặc thù cho mùa Xuân nên đâu đâu cũng
có chợ hoa, cuộc triển lãm hoa, cây cảnh, bonsai, đặc biệt các loại hoa cây
dành riêng cho năm mới như hoa đào, hoa mai vàng, mai tứ quý, vạn thọ, cúc, bao
loại cây ớt cảnh đủ màu đủ hình, cây quất sai quằn trái,…cam quít hồng, dưa hấu,…
Làm sao quên được những đường
hoa, chợ hoa đầy mùi hương sắc thắm, dập dìu nam thanh nữ tú, những pha chụp ảnh
kỷ niệm mỗi người mỗi vẽ mỗi cảnh như là Chợ Hoa Nguyễn Huệ ở Saigon. Cũng nhờ
đấy kỹ thuật trồng tỉa ghép uốn cắt của các nhà vườn càng ngày càng đạt trình độ
cao song song với việc gìn giữ và phát huy nghề truyền thống. Hằng năm những cuộc
thi đua về trưng bày trái cây, bánh trái, xe hoa diễn hành trên đường phố cho
ta thấy óc sáng tạo và tài khéo của dân Việt không thua nước văn minh nào khác.
Những sạp bán trái cây, bánh mứt kẹo đủ loại đủ kiểu, quần áo Tết đũ màu
sắc được trình bày mỹ thuật bắt mắt như trong các tiệm lớn có tiếng. Đặc biệt
nhất là các quán ăn tấp nập thực khách, không khí ồn ào vui nhộn. Người ta chen
nhau đi xem trình diễn văn nghệ, hội chợ, đốt pháo bông nói chung đi chợ Tết.
Trong ba ngày Tết chính thức thường để đi chúc Tết ông bà, thầy cô, vui chơi với
bạn bè và thờ cúng tổ tiên khác hẳn với Tết Tây.
Nhà nào cũng trang hoàng đẹp hơn ngày thường, hoa được chưng trong nhà
chủ yếu là cành mai cành đào, giò thủy tiên, hoa cúc hoa vạn thọ, hoa huệ, mỗi
loại hoa đều hàm ý nghĩa chúc lành. Đĩa hoa quả cũng được chọn tùy tập quán địa
phương nhưng tựu trung trái cây tùy mùa như cam quít bưởi hồng chuối và dưa hấu.
Có những thứ bánh mặn bánh chay đặc biệt như bánh chưng, bánh Tét, bánh dầy,
bánh ít, bánh cúng, bánh tổ, bánh tráng bánh phồng bánh in, bánh kẹp, thèo
lèo,… và bao nhiêu loại mứt gừng, đu đủ, bí, hạt sen, me, mít, xoài, chà là,…
và hột dưa ít khi thiếu trong ngày Tết.
Nhà nào có bàn thờ, bộ lư đồng hai chưng đèn được chùi bóng lộn và được
trang trí bằng hai cây nến mới. Luôn luôn trên bàn thờ nghi ngút đèn nhang và mỗi
ngày con cháu thờ cúng ông bà đã khuất rất trịnh trọng, ân cần và thịnh soạn.
Thân nhân bà con xa đến chúc Tết đều được mời cùng dùng bửa.
Tập tục chúc tuổi và lì xì cũng đáng được lưu ý. Trẻ từ còn nhỏ đã tập
vào nề nếp lễ độ và biết ơn, tự do trong kỷ luật rồi, khởi đầu qua lời chúc Tết
ông bà, cha mẹ anh chị trong gia đình trước.
Dân ta chuẫn bị Tết hết sức chu đáo về phần vật chất như tâm linh. Thật
ra khó thấy một quốc gia nào mà toàn dân đều toàn tâm toàn ý về một ngày lễ như
ngày Tết như Việt nam. Giàu ăn Tết theo giàu, nghèo theo cách riêng của mỗi gia
đình. Tết còn là cơ hội trở về với bản ngã thiện và nguồn gốc, tự do hoà đồng
bình đẳng.
Tết còn được xem là bắt đầu giai đoạn mới trong cuộc sống, nên mọi người
chúng ta đều hy vọng kinh nghiệm của năm qua là bàn đạp bệ phóng đòn bẩy cho
tương lai, phù hợp với tình hình mới theo thời gian và không gian xã hội toàn cầu.
Hơn thế nữa người Việt ta, với tinh thần gìn giữ củng cố truyền thống
nhưng luôn cầu tiến, sáng tạo, cố gắng chọn lọc cái hay cái mới để học và phát
huy, bớt cái cổ xưa mê tín không còn phù hợp với thời đại ngày nay. Do đó mỗi
năm ta chứng kiến những cái Tết nguyên đán càng ngày càng phong phú hơn, hiện đại
hơn đánh dấu bước hội nhập vào phong trào phát triển tiến bộ thế giới.
Khác hẳn với ta, để tránh bớt cái lạnh của mùa Đông, phần đông người Âu
Mỹ thích du lịch nơi có nắng ấm. Dân ta lại có tập tục rất đẹp, tinh tế là trở
về với nguồn cội gia đình quê hương với tấm lòng mở rộng lạc quan, biết ơn, hạnh
phúc tự do được hưởng thụ trong thời gian giao hòa trời đất nầy cái gì Tạo hóa
đã cho mình có.
Chỉ cần quan sát sự rộn rịp khó tả ở các bến xe đò về tỉnh, phi trường,
bến tàu, hỏa xa gần giáp Tết, người ngoại quốc cũng nhận thấy người Việt ta
luôn nhớ nơi chôn nhau cắt rốn của mình và luôn sống vì đại gia đình của mình.
Chính cái tinh thần tuyệt vời nầy đã hun đúc thành tình yêu nước đẩy lui bao cuộc
xâm lăng từ ngoài và ngăn chận các nội chiến đưa đất nước rơi vào tay ngoại
bang thù hay bạn.
Ngoài ra, Tết còn minh chứng cái triết lý sâu sắc thông minh của dân Việt
ta là luôn tự tạo cho mình sự quân bình trong cuộc sống. Không để cho cái nhục
nô lệ nào làm mờ tắt nhuệ khí bất khuất, không có sợ cường bạo nào làm giảm chí
đấu tranh vì độc lập tự do. Thua keo nầy quyết thắng keo khác, có buồn thì tìm
cách giải khuây. Suốt năm cật lực làm việc, Tết quả là dịp tốt nhất đủ mọi điều
kiện thiên thời địa lợi nhân hòa để xả hơi giải trí tiếp tế năng lực vật chất
tinh thần cần thiết tạo sự cân bằng cho cuộc đời để vươn lên.
Trước kia ngày thường chẳng hạn, các cụ nghiêm cấm tứ đổ tường, thế mà
các bạn còn thấy ngay cả các cuộc chơi cờ bạc đỏ đen cho mọi tầng lớp nghèo
giàu trẻ già không phân biệt, vẫn được phép bày ra ở khắp nơi như cờ tướng, cờ
thế, bài cào, xì phé, tứ sắc nhất là cho trẻ em bầu cua cá cọp, đổ xí ngầu
trong những ngày sắp trong và sau Tết thường cho đến mồng 7 âm lịch tháng
giêng..
Bàn cở
« Bầu cua cá cọp »
Đến đây phải công nhận nước ta được thiên nhiên ưu đải rất nhiều. Bằng cớ
là cuối năm 2010, những cơn bảo tuyết dai dẳng bất chợt ở Âu châu và Bắc Mỹ chẳng
những làm hệ thống giao thông đình trệ, tắt nghẽn, nhà cửa bị sập, hàng quán ế ẩm,
lễ nửa đêm không tổ chức được, bão lụt cháy rừng ở Úc làm cho bao người dân không hưởng được Xuân mất
trắng.
Do đó, dân ta không chỉ hưởng Xuân trong những ngày chính thức mà việc
chuẩn bị ăn Tết cũng đáng được nói đến. Chợ Tết không chỉ quanh quẩn các tiệm lớn
nhỏ được trang hoàng rực rỡ như ở Âu Mỹ, mà còn lộ thiên bên các sạp được phép
dựng lên cho đến 30 tháng chạp bàn hàng quà Tết.
Phần đông người lớn trẻ con đều thích đi chợ Tết vì ngoài việc mua sắm
cho ba ngày Tết, người ta còn thưởng thức, phát hiện thêm những đổi thay, sản
phẩm tân tiến hiện đại từ trong và ngoài nước.
Đâu đâu già trẻ giàu nghèo gì cũng có tâm trạng nô nức đón Xuân. Chỉ có
thời gian nầy mới có thể diễn tả tinh thần thật sự của chính con người Việt, hiếu
hòa, hiếu học, sáng tạo, thân thiện và chan hòa tình người.
Tết ta còn là Tết của màu sắc và ánh sáng biểu hiện niềm vui hy vọng đặc
trưng hình ảnh người Việt ta. Từ trong ra đến ngoài đường, ai ai cũng tươi cười
với trang phục chỉnh tề như để cố quên đi mọi âu lo từ trước vì tin rằng Tết lại
là sự khởi đầu, một sự đổi mới tốt đẹp hơn trước. Chính màu sắc và ánh sáng
linh động hòa hợp thiên nhiên và lòng người đó đã đánh động vào tâm lý chung tạo
niềm tin mới quân bình cuộc sống.
Thời gian nầy, người Việt ta như muốn thưởng thức và chia sẻ cái gì mình
có tốt nhất với mọi người, bình đẳng và chân thật.
Qua cách « ăn Tết », triết lý sống của dân ta rất rõ rệt, chỉ
cần có một cuộc sống thanh bình trong niềm vui bình thường hòa đồng với thiên
nhiên và sinh vật, tận hưởng thành quả mình đạt được trang năm qua và trang bị
tinh thần cho cuộc sống mới trong năm mới.
Vì thế đối với dân ta, không khí Tết thật thân thiết khó quên luôn luôn
sáng tạo đổi mới, gây ấn tượng sâu xa vào lòng người. Ngay cả khách ngọai quốc
cũng cảm thấy thích thú hòa hợp với dân ta trong cách thể hiện trang trọng thiện
cảm đầy màu sắc lòng tình yêu thiên nhiên, lòng tri ân với tất cả các bậc tiền
hiền đi trưóc và nhất là tình đoàn kết gìn giữ truyền thống và đất nước độc lập
tự do.
Sống gần ba mươi năm trên nước Bỉ vùng nói tiếng Hòa lan nầy với một cộng
đồng Việt ít người, thật khó mà ăn Tết chung với nhau đúng ngày Tết ta được.
Thông thường vì không phải là ngày lễ chính thức được hưởng nên phần đông đi
làm, nếu rơi vào ngày thường thì không được nghỉ, còn nếu trúng ngày chủ nhật
cũng khó tập hợp hết người trong gia đình vì có thành phần đi làm cuối tuần,
người khác làm ca ngày đêm khác nhau,…
Vì thế, thế hệ sau nầy không có dịp ăn Tết cổ truyền, khó mà trách các
trẻ càng ngày càng xa với truyền thống tập tục dân mình. Và thời gian càng xa
quê càng dài, thế hệ lớn tuổi già đi, sự hội nhập vào nề nếp và phong tục nước
định cư đánh mất cái hồn cái tinh túy của phong tục gốc Việt là chuyện không thể
tránh, có thật xảy ra.
Dù sao, vẫn hy vọng rằng thế hệ tương lai ở trong ngoài nước luôn giữ được
cái gên thuần túy là niềm tự hào dân Việt, sống theo tinh thần của tổ tiên bất
khuất, tự do, hiếu học, chịu khó chịu làm và đầy nhân tính xứng đáng với cội
nguồn con cháu Rồng Tiên.
Cô Trần
Thành Mỹ