Nói về cái máu
văn nghệ, văn gừng a-ma-teur thì có tôi. Trong những ngày tháng xa quê hương đã
hơn 30 năm trên đất Mỹ, tôi không còn nhớ có bao nhiều lần họp mặt nhậu nhẹt, ka-rao-kê
vào những ngày cuối tuần nữa. Cuộc sống và làm việc ở xứ nầy quả thật là 1 sự căng thẳng, không nhàn hạ như ở quê mình. Vì vậy, để có chút
thư giãn cho tâm hồn sau những ngày làm việc mưu sinh, tôi thường cùng các bạn
tổ chức các buổi tiệc nhậu và ca hát vào dịp cuối tuần. Tôi còn nhớ rõ vào khoảng thập niên 90, khi mà phong trào ka-rao-kê khu
Little Saigon của Cali vừa chớm nở, chúng tôi ngân nga những bản nhạc trong
băng video mà thôi. Cái bất tiện là không có tự do chọn lựa những bản nhạc mà
mình thích hát.
Một thời gian ít
lâu sau đó mới có sự xuất hiện của một loại laser disc, cái loại disc nầy to lớn
không khác gì đĩa hát xưa cổ của quê mình ngày xưa, nhưng nhạc đệm thì hay hơn
và mình có thể chọn lựa bài mình muốn hát qua cái remote control. Trong các buổi
tiệc tùng ca hát như vậy, tôi thường ghi âm và hình ảnh để lưu lại những kỷ niệm.
Rồi thời gian qua đi, sự tiến bộ nhanh chóng về kỹ thuật laser disc, chúng tôi có loại disc nhỏ gọn hơn
trong lúc bên Đông Nam Á đang có phong trào ka-rao-kê rầm rộ. Các quán cho thuê
giờ ka-rao-kê bùng phát khắp mọi tỉnh thành với máy kỹ thuật 4,5 số, xem ra làm ăn cũng phát triển mạnh lắm.
Tôi còn nhớ một lần
về thăm quê vào năm 2010, ngày họp mặt thầy trò Hoàng Diệu tại nhà hàng Cathay ở
Sài Gòn, tôi có dịp góp tiếng ca của mình
để giúp vui 1 bản nhạc trong phần văn nghệ cây nhà lá vườn do one man band điều
khiển. Bài ca “Chuyện giàn thiên lý”mà tôi thuộc nằm lòng vốn bị cấm hát lúc đó,
tôi được hát, nhưng chỉ hát nhỏ thôi theo yêu cầu của ban quản lý nhà hàng. Thật
là một kỷ niệm khó quên trong đời ca hát vui chơi như vậy.
Thời gian ác nghiệt,
vô tình tàn phá cái giọng ngọt ngào, trầm bổng, mạnh bạo của tuổi xuân, tuy vậy
tôi cũng văn ôn võ luyện như ngày nào, tôi nghĩ tiếng hát “ già nua” của mình
không đến nổi khó thưởng thức lắm.
Đa số các quán nhậu
trong khu Little Saigon ở đây bây giờ đều có chương trình hát cho nhau nghe. Trong
các nhóm ca sỹ a-ma-teur, ngũ thập, lục thập và thất thập
của Hoàng Diệu cũng không ít đâu. Ban nhạc Sóng Giang của tôi ra đời hơn 20 năm
rồi xem ra cũng còn vang rền lắm lắm….
Mấy lúc gần đây, thủ
quỹ Hoàng Diệu Nam Cali Kiều Công Thành (68-75) cũng vang lên tiếng hát trầm bổng, hội phó Ngọc Ánh(68-75) với bản Hạ trắng ngọt ngào …làm
ngẩn ngơ Thầy Sâm, Thầy Lang, Thầy Lợi… Rồi tiếng hát cũng điêu luyện trong các
bản nhạc tình của anh Chung Văn Chương(58-65), cựu hội trưởng CHSHD Nam Cali. Điều
đặc biệt nổi bật hơn cả là tiếng hát hết sức truyền cảm, tha thiết của thầy Cao
Văn Bảy. Thầy Bảy đang sinh sống ở quê quán Bến Tre, sang Mỹ thăm con và bạn đồng
nghiệp 1 lần trong năm. Lúc đương thời ở Hoàng Diệu, thầy có ra tranh cử dân biểu
mà phần lớn học trò Hoàng Diệu còn nhớ câu”TA VỀ TRỒNG BẢY CÂY CAO, NHỚ CAO VĂN
BẢY BỎ VÀO THÙNG THĂM”, một câu bất hủ của ban vận động tranh cử cho thầy.
Ở cái tuổi 78, thất
thập cổ lai hi mà thích ca hát như thầy thì thật đáng khâm phục. Thầy cũng lai
rai bia, rượu và thuốc lá cho vui với đời. Thầy nói bên
Việt Nam mình thầy có dàn máy ka-rao-kê
kỹ thuật số 5 số, nhưng máy không cho mình nghe tiếng ca của bản nhạc, nên lắm
lúc gặp khó khăn trong lúc tập hát những bài mới. Tôi khoe với thầy là dàn máy
của ban nhạc Sóng Giang có phần đặc biệt, tôi chỉ cho thầy xem cái cục USB rồi
giải thích:
-Thầy biết không,
cái cục nầy chứa đựng gần 4,000 bài hát chọn lọc, trong đó có hơn 300 bản HD do
chúng em gom góp bỏ vào cũng khá lâu mới có được đó.
Thầy thích quá nên nhờ tôi làm cho 1 cục khác
để mang về Việt Nam sử dụng. Tôi vui vẻ nhận lời thầy, xem như món quà đặc biệt
cho thầy lúc sang thăm cái đất nước mà thầy đã từng sinh sống và làm việc cho hơn
20 năm.
VÂN NGUYỄN, MÙA THU 2012.