Ngày nay thời gian là tiền bạc, mọi việc
đều cần đến khoa học kỷ thuật để giúp giải quyết hầu hết mọi nhu cầu thường nhật
trong đời sống con người. Ngày xưa, ở cấp Tiểu học, học Toán chẳng hạn phải qua
phép cộng trừ nhân chia, biết tính nhẩm, làm tính, học thuộc nằm lòng cửu
chương, xuôi ngược thành thục. Bây giờ có máy tính, vừa nhanh vừa xác xuất, tiện
và lợi biết dường nào. Về phần viết cũng thế, không ai còn nhớ đến công sức gò
mình nắn nót từng chữ từng số của thuở học trò con. .
Tiếng Việt ta theo mẫu tự la tinh đơn âm có dấu tất nhiên đòi hỏi sự cẩn
trọng hơn trong việc thể hiện. Mỗi chữ có hay không dấu đều có nghĩa riêng. Do
đó viết không dấu gây chẳng những mất thì
giờ cho người đọc mà thường còn có thể tạo hiểu lầm, tối nghĩa.
Đặc biệt hình tượng mỗi « con chữ » Việt
có thể làm ta hình dung liên tưởng đến một hình thể sống động nào đó, một con
người, một vườn hoa, một bức tranh, một bản nhạc, một vũ công,… qua hình thù
năm dấu ngộ nghĩnh, sinh động, mỗi dấu biểu hiện âm thanh trầm bổng, nhẹ nặng
như những nốt nhạc đặc trưng khác nhau tùy dụng ý và cảm xúc của mỗi người.
Không đề cập đến nét viết chữ Hán chữ Nôm ngày xưa « rồng bay phụng
múa » tinh xảo tượng hình thi vị được đưa lên như là một đạo, từ phong
cách riêng thảo chữ qua việc mài mực chọn bút cọ lông giấy lụa, cách viết mẫu tự
la tinh ngày nay cũng có điểm độc đáo đặc sắc riêng, viết thẳng, nghiêng, thanh
đậm nhạt, viết hoa biến thể, chữ gothique trong khuôn như chữ Hán và cũng đạt đến
đỉnh cao nghệ thuật viết chữ đẹp, Thư pháp.
Phương tiện thực hiện Thư pháp phương Tây bằng bút kim khí, thước,
compas, ê ke theo chuẩn mực và tỷ lệ đặt ra, thiên kỷ thuật lý trí hơn. Phong
cách viết chữ Hán ngoài hình thức đẹp, đa dạng, còn đưa nghệ thuật vươn cao lên
mang tính triết học , thiền học, tâm linh.
Hiện nay Thư pháp Việt ta có đạt được kỹ
mỹ thuật cao, độc đáo là nhờ biết cách phối hợp, áp dụng sáng tạo nhuần nhuyễn
hai nguồn chữ viết kỳ xảo phong phú Á Âu.
Hoa tự/Thạc sĩ Nguyễn Hữu Tín
Cầm phong thư trong tay, chỉ liếc qua nét
chữ thanh thanh đều đặn như in, chúng ta hình dung ngay người bạn viết của mình
là ai. Chữ viết thể hiện sinh động tính nết con người nên tập luyện viết chữ đẹp
cũng là một phần trong việc tạo nhân cách đẹp trong cuộc sống. Như cuộc đời
cũng phân biệt hai mặt khác nhau, xấu như chữ gà bới, giun trùng bò, như con
lăn quăn, con còng cua bò, khó đọc như chữ bác sĩ, tốt như rồng bay phượng múa,
như in, như khuôn.
Phong cách Việt viết mẫu tự la tinh là sự
đúc kết phối họp tinh tế ảnh hưởng của hai cách viết đẹp hoàn toàn khác biệt mà bổ túc lẫn nhau
nên trở thành tao nhã, linh động, khoan thai, sáng tạo hơn. Vì thế dù khi ta viết
gò nắn nót đi chăng nữa, tư thế vẫn giữ sự thoải mái bình thản không gắng gượng
hay ngược lại trường hợp viết viết thảo, tháo viết nhanh cũng thế.
Không được tì mạnh trên cán bút, khom
lưng xuống gần bàn vì như thế viết chậm mà còn làm rách giấy. Về dài về lâu, một
cục chai phồng lên bên trái đốt đầu của ngón tay giữa phải làm mất đẹp bàn tay.
Các cụ ngày xưa còn thích cách cầm viết như hình mỏ phượng mà chỉ cho phép học
sinh viết bằng tay phải. Cán bút nằm giữa
ba ngón tay, trên ngón giữa, chỉ và cái giữ nhẹ cán bút, ngón trỏ không được
cong như hình dấu mũ ( ^ ), hình thước gảy mà thành vòng cung, tất cả nằm gác
trên hai ngón áp út và út một cách tự nhiên thư thái.
Quả thật, ông cha ta đã nâng cao kỷ năng viết chẳng những qua bằng kỹ mỹ
thuật tài khéo tinh xảo truyền thống mà còn thổi nghệ thuật sống qua cách lồng
vào ‘con chữ ‘ cái hồn, cái tâm, cách rèn luyện tinh thần và thể xác.
Vốn viết là một sáng tạo kỳ diệu của con người, một phương tiện diễn tả,
thể hiện sinh động ý tình trên mọi địa bàn cụ thể, trên giấy, lụa, vải, gỗ, gốm
sứ, đá, cát, …một cách ghi, sao chép, lưu giữ, lưu truyền mọi dữ kiện, tài
liệu kỷ niệm hữu và vô hình. Chữ viết quả là dấu ấn riêng đặc biệt của loài người
trên quả địa cầu nầy.
Cố nhac sĩ Hoàng Thi Thơ đã viết một cách thơ mộng trong bản nhạc
« Tôi nhớ tên anh » đề cao chiến
sĩ anh hùng :
« Tôi
viết tên anh trên lá trên hoa,
Tôi viết
tên anh trên trái tim tôi,
Tôi viết
tên anh trên đá, trên vôi
Tôi viết
tên anh ngập nẻo đường đi ngàn lối,
Tôi viết
tên anh trên gấm, trên nhung,
Tôi viết
tên anh trên trán, trên tay,
Tôi viết
tên anh trong gió, trong mây
Tôi viết
tên anh trong lòng biển lớn sông dài ».
Thật ra ngày chưa có chữ viết, truyền khẩu là phương tiện lưu truyền dữ
kiện, do đó dễ thất truyền và tam sao thất bản, điều đó còn có thể hiểu được.
Thế mà cho đến ngày nay phương tiện truyền thông được cập nhật hóa dễ dàng
nhanh chóng, thế giới như thu hẹp, tin tức cấp kỳ, tin tức mình, tin vịt, cả nhật
ký cũng có thể giả đáng nghi ngờ, bịa đặt không lành mạnh thiếu vô tư xuất đầu
lộ diện nhan nhản khắp nơi đánh trúng vào tính hiếu kỳ hời hợt cả tin con người..
Sử kiện cũng bị bưng bít đổi thay, lắm lúc người dân, độc giả vô tội vạ cũng bị
lôi cuốn vào, bị gạt cười ra nước mắt.
Ý tưởng thăm ta nhanh lắm, nhiều khi ta vừa mới bắt gặp lại chia tay
trong nuối tiếc, ngỡ ngàng. Bao nhiêu câu chuyện ngộ nghĩnh liên quan đến các
thần đồng bác học như tiếng Eureka của Archimèdẹ (287-212 trước Công nguyên). Nhiều nhà thi
văn nhạc sĩ vội viết cả trên áo của mình những vần thơ, lời câu văn ngẫu hứng.
Chúng ta còn biết rằng ai đã chọn nghề dạy
học, ngoài những tiêu chuẩn thường về sắc vóc tư cách đạo đức, chẳng những giọng
nói mà chữ viết cũng gây ấn tượng mạnh và cảm tình với học sinh. Viết trong sổ
đầu bài, lời phê trong học bạ hay trong bài kiểm, viết bảng rõ ràng, người thầy
tất không thể xem thường dấu ấn của mình.
Nhớ ngày xưa phương tiện in ấn phát hành
chưa hiện đại như ngày nay, trong các cuộc thi có tính cách quốc gia như thi bằng
Tiểu học, Trung học đệ nhất cấp, Tú tài, đề thi đều được các thầy cô giám thị kỳ
thi viết lên trên bảng, tất cả các bộ môn kể cả Sinh ngữ. Thiếu một dấu, quên
cái phết, viết sai một từ, đọc không rõ, sai một số cũng tạo ra hoặc trở thành
nạn nhân bất đắc dĩ của số mạng, hên xui, « Thi ơi là thi, sinh mi mà làm
chi …Buồn vui vì mi . » .
Các Thầy Việt ta xưa rất khó đến nghiêm
khắc trong việc tập viết. Phần đông học sinh Tiểu học thời trước rất ngán giờ tập
viết hồi họp căng thẳng, dễ bị thầy khẻ tay, cho điểm nhỏ. Mực phải được ngâm
trước và màu mực duy nhất được dùng cho học sinh là màu tím, màu đỏ riêng của
thầy. Bình mực cũng đủ hình màu miễn là tiện và kín khó bể là tốt rồi. Kể như vật
bất ly thân của bao thế hệ học trò con là ngoài tập sách là bút mực, bút chì,
thước, gôm, giấy chậm giấy thấm.
Chưa có bút máy bút bi, nên phải dùng ngòi bút lá tre, ngòi bút rong đầu
bằng to hơn thường dùng tạo dáng chữ gô tíc của người phương Tây, rất đẹp với
những nét đậm nhạt, uốn cong có đuôi như chữ Hán, căn bản theo mẫu cố định.
Ngòi bút rè tà đầu, thảm họa cho học sinh nhỏ, mực chảy xuống không đều đọng
thành những vết mực to nhỏ, nếu gặp giấy xấu hoặc không có giấy chậm tốt không
hút thì loang ra hoen ố tèm lem, bôi cũng không dễ có thể làm rách giấy đang ướt.
Càng lo sợ bị thầy phạt vô tình càng phạm bất cẩn khác, làm vung vẫy mực ra quần
áo, tay vấy mực. Không may nếu là trúng giờ tập viết, chẳng những điểm nhỏ mà
còn bị nếm khẻ tay nhất là trên đầu ngón tay chụm lại đau ơi là đau.
Mà viết đẹp cũng là năng khiếu, như đối với nhà nghệ sĩ, ngoài việc
« cố công mài sắt có ngày nên kim » nhưng nếu không có cái khiếu bẩm
sinh thi cũng không dễ dàng gì đạt mục tiêu. Năng khiếu cần được hướng dẫn
nhưng phải để cho tự do phát triễn. Bằng cớ ngày nay chúng ta thấy trên thế giới
tổng thống Mỹ Clinton và Obama viết ký tên bằng tay trái, cầu thủ quần vợt hàng
đầu thế giới Mỹ như Mac Enroe, Tây Ban Nha Rafael Nadal sử dụng tay trái, thế
mà học sinh Việt ta cho đến thập niên 50 vẫn còn bị bắt buộc cầm viết bằng tay
phải. Có nguời cho rằng :
‘Tay trái tay chiêu
Đập niêu không vỡ,
Đánh vợ không đau,
Thái rau không đứt.’
Ngày ấy, viên mực tím phải được pha, nhiều nước mực lợt, ít nước lợn cợn
làm nghẹt ngòi bút. Bình mực không nên đổ đầy quá, đi đường bình mực bị chao
làm mực trào ra, ít mực không đủ dùng cho một ngày đi học. Thương nhất học sinh
nhỏ ở đồng quê, xa trường đi bộ theo những con đường làng, tỉnh lộ đến trường,
bình mực tím quả là cái cân tiểu ly lòng hiếu học, sức chịu đựng và sự kiên nhẫn
của bao thế hệ học trò con.
Rồi xã hội tiến dần, khoa học kỹ thuật điện tử đã lồng vào chân đôi hia
ngàn dặm, tháp đôi cánh, hà hơi cho con chữ sức mạnh và linh hồn bay xa. Bao
ngành nghề vệ tinh trực tiếp hay gián tiếp
được thành hình đáng kể như tốc ký, đánh máy, ngành in và đặc biệt liên
quan đến phần siêu hình tâm lý thời vận như xem chữ viết, đoán chữ ký, bói qua
tên. Chữ viết với chiếc đũa thần khắc ghi lịch sử và phác họa tương lai trên mọi
bình diện phục vụ hữu hiệu con người.
Nhưng rồi, ngày nay nhìn chữ viết của các
học sinh Tiểu và Trung học ở các nước Âu Mỹ văn minh tân tiến, người ta nhận thấy
rõ ràng là có sự xuống dốc trong việc viết chữ. Tập viết không còn có tác dụng
rèn luyện nhân cách con người nữa như quan niệm Á Đông mà chỉ là phương tiện
căn bản giúp chúng ta thể hiện ý tình thôi. Chẳng hạn như trước kia sinh viên Đại
học đều phải ghi bài thầy giảng nên phải viết nhanh nhất là do các giáo sư giảng
viên nước ngoài. Do đó người nào cũng phải tìm cách riêng cho mình để lấy
cours, lời giảng của thầy càng chính xác càng tốt như viết tắt, tóm lược ý
chính quan trọng cần thiết,…Vì vậy, càng viết gấp rút thì chữ viết không thể
nào rõ ràng được, nguệch ngoạc thế nào miễn là tác giả sau đó có thể đọc lại và
hiểu được. Chữ bác sĩ cũng vì thế mà ra đời.
Hơn thế nữa, sử dụng bút máy bút bi có rất
nhiều tiện lợi, không phải chấm mực thường xuyên, ít lo hết mực thình lình, viết
nhanh chóng hơn, nét chữ không cần phải nhấn chỗ nào đậm chỗ nào nhạt, chữ chỉ
cần viết rõ là được rồi, một cách phổ cập hóa văn hóa văn minh vậy. Rồi theo đà
tiến bộ của mọi lãnh vực, người đương thời luôn tìm cách cải tiến, mở rộng địa
bàn hoạt động của mình nhờ những phương tiện sáng tạo mới, bàn đánh máy lúc đầu
thô sơ rồi điện tử. Ai cũng viết giống như nhau, người cầm bút viết như Uất trì
Cung hay ngược lại không ai phân biệt được, tính thực dụng rõ ràng và bình đẳng.
Với khuynh hướng mới phổ cập toàn thế giới
như thế, tất nhiên tính quan trọng rèn luyện con người qua chữ viết càng ngày
càng bớt đi tác dụng, nhất là ở nước ta vì chữ Việt cũng theo mẫu tự la tinh.
Điểm may dù là nước Á châu duy nhất đã cải cách chữ viết theo Tây phương nhưng
phong cách viết vẫn còn giữ phần nào nề nếp cũ nên ngày nay nghệ thuật viết chữ
đẹp Thư pháp Việt đa dạng, sáng tạo chiếm một địa vị vững vàng bên những thư
pháp cổ khác có một quá trình lịch sử lâu dài như Trung hoa, Á rập.
Thật ra, có dịp lần giở lại những tập viết
cũ phủi bụi thời gian, việc tập viết ở cấp Tiểu học vẫn đáng được khuyến khích
duy trì vì đó quả là phong cách căn bản rèn luyện từ đầu quen vào nề nếp kỹ
năng kỷ luật, tập trung, kiên nhẫn ảnh hưởng đến cơ thể và tính tình con người.
Tiếc rằng với bước tiến nhanh quá đà của cuộc cách mạng khoa học kỷ thuật, những
tiểu tiết thường phải nhường chỗ cho việc lớn đại trà hơn.
Với nhận xét trên, chúng ta nhận thấy rằng
viết đóng một vai trò then chốt xác định cái mốc văn hóa văn minh của mỗi quốc
gia. Lối giáo dục Việt nói riêng và các nước Á châu nói chung thường thiên về
tâm lý, siêu hình, các nước Âu Mỹ dựa vào khoa học kỷ thuật, thực tiển hơn. Rồi
dần dần mọi việc củng thay đổi ngay cả nghệ thuật cũng có khuynh hướng phục vụ
đời sống thường nhật trước đã. Nói rộng
hơn, tôn giáo cũng thế, mỗi đạo đều có tôn chỉ giáo điều riêng, nhưng không
tách ra quỹ đạo trên, không đưa cho chúng ta hình ảnh một thiên đàng xa lạ chưa
ai biết đến mà trước mắt tìm cách con đường gần nhất sống chung nhau bình an hạnh
phúc trên cái địa đàng thế giới nầy.
Mong rằng phương tiện phổ biến chữ viết rộng
rãi, tiện lợi là một trong những động lực, con đường văn hóa văn minh đưa các
dân tộc trên thế giới càng ngày càng hiểu biết thông cảm nhau, hầu có thể xích
lại cùng sống nhau hòa bình, tự do, tương trợ trên quả địa cầu xanh trong tương
lai. Hy vọng !
Cô
Trần Thành Mỹ