- Em mới về nghỉ hè đó hả ?
Khi nào rảnh sang thăm chị nha.
Loay hoay đang bận mang
hành lý vào nhà, Trân không để ý đến sự hiện diện bất ngờ, ngạc nhiên quay lại
Trân nhận ra chị Nghi, người bà con láng giềng lớn hơn Trân trên mười lăm tuổi.
- Dạ, chị vẫn khoẻ, em không quên đâu. Mà hay là, khi nào chị thích, chị
hú em một tiếng là em sẽ trình diện ngay, tiện hơn phải không chị ?
Đó là hai người bà con cùng
ông nội, cũng mồ côi nhưng Trân mồ côi cha còn chị Nghi thì cả mẹ lẫn cha. Còn
độc thân sống giữ nhà từ đường thay ông anh góa vợ với ba con đi làm ở Saigon,
chị sống khép kín như bậc tu tại gia ít còn thiết tha tranh đua với cuộc đời.
Ngôi nhà cổ chỉ mở rộng cửa
vào dịp Tết hoặc trong ngày giỗ lớn, hay trong dịp nghỉ lễ, hè các cháu về quê.
Bấy giờ người ta mới khám phá ra vẻ đẹp kỹ mỹ thuật sang trọng uy nghi đài các
tiềm ẩn đầy sáng tạo kết hợp hài hòa giữa cái cách tân và truyền thống của thế
hệ cha ông.
Các nhà xưa trên dưới một trăm năm ở miền Nam thường rất đồ sộ, bề thế
được xây dựng theo kiến trúc vừa Á vừa Âu. Cổng nhà có mái lợp ngói với hai
cánh gỗ dầy cao rộng. Có nhà cũng là ba căn hai chái với các cột cái tròn vuông
to cỡ vòng tay, dàn cửa với những cánh cửa bằng gỗ chắc dầy khép đóng lại bằng
những cây « song hồng », gác ngang. Có khi còn có hàng ba rộng với
giàn cửa song, một bên hàng ba có bộ ván cho người gác đêm, tiếp nối là các lẩm
lúa nhà kho, khu lợp ngói không vách ngăn chứa các nông cụ như cối xay lúa, cối
đá to giả gạo, máy quạt lúa, cối đá xay bột, thúng giạ, nia sàng…
Nhà trên thường được trang trí đẹp
nhất vì là nơi tiếp khách và cũng là nơi thờ phượng ông bà tổ tiên. Tuy nhiên
căn nhà giữa trước kia được gọi là ‘nhà ngang’ hay ‘ nhà cầu’ nối nhà trên
với nhà dưới nhà bếp được dùng làm phòng ăn cho gia đình, trên trần lơ lửng cái
quạt treo bằng giấy bồi dầy to hình chữ nhật do một người giúp kéo giây đưa tới
đưa lui làm quạt đong đưa mạnh nhẹ tùy mùa. Có khi lại được lên lầu có sân thượng
lan can, trang bị thêm nhà tắm hiện đại tiện nghi có « vòi bông sen »
douche, cầu tiêu bồn. Cũng không thể thiếu tàu ngựa, có cả chuồng heo, sân gà vịt
và ga ra cho xe hơi và xe ngựa có mui trong những nhà thượng lưu giàu có.
Ngoài ra ngôi vườn rộng cũng được chủ nhân đặc biệt chú ý. Trước nhà
quanh một cái sân được lát gạch thường dành riêng cho cây cảnh đặc biệt được uốn
cắt tỉa rất có kỹ mỹ thuật, một loại bonsaỉ ngày nay, trồng trong những chậu bằng
sứ, bồn to như bồn Bát tiên, hoa thơm quí hiếm như nguyệt quế, ngọc lan, quỳnh
hoa, sứ ta (sứ cùi), bông công chúa, bạch hạc, dạ lý hương, mai chiếu thủy, huỳnh
mai, mai tứ quí, bông mẫu đơn, bông trang, bông điệp ta đỏ vàng, cây chùm nụm.
Có nhà còn có cả hồ sen, hồ cá cảnh, hòn non bộ suối giả nước chảy róc rách,
trang trí bằng bức tượng các lão trượng phương phi nhỏ bằng sành đại diện bốn
nghề chính nước ta nông tiều canh mục, thật công phu, đẹp mắt.
Dạ lý hương
Cây chùm nụm
Quanh nhà toàn là những giống cây ăn trái ngọt ngon được chọn ươm trồng
xoài thanh ca, vú sữa, mãng cầu ta (na), nhãn, mảng cầu Xiêm, sa pô chê, li ki
ma, me, ổi ô rô, mận, khế.
Mảng cầu
Xiêm
Trái sa
pô chê
Trái li ki ma
Không thể thiếu vườn rau xanh, giàn bầu mướp, mồng tơi, bồ gừng, bạc hà
(mùn), liếp cải bẹ xanh, cần tàu cần nước, vườn rau sống như rau húng cây, húng
quế, húng lủi, tía tô, vấp cá, ngò rí, ngò gai, rau om ( rau ngổ), hành hẹ, cộng
thêm một vườn trầu với những giây trầu vàng quận mình quanh những chiếc cọc gỗ
thằng tấp bên hàng cau cao vút.
Những chiếc mương đào dọc ngang
quanh vườn tiếp tế nước ngọt cho cây cối vào mùa nắng, hằng ngày sáng chiều do
hai người làm vườn múc tát nước bằng chiếc gàu dai một cách thiện nghệ, nhịp
nhàng từ cái ao to mà trên góc mé bờ đỏng đa đỏng đảnh vươn cao chi chít ngọn
giây rau muống xanh tươi hay giây bông súng với lá tròn xanh bông giống như hoa
sen nở vượt trên mặt nước.
Tát
nước bằng gàu dai
Ngày
xưa, người dân thường tổ chức linh đình hay gói gọn tùy theo kinh tế hay địa vị
xã hội đám giỗ, lễ hỏi cưới ma chay. Đây quả là cơ hội tụ họp bà con láng giềng
hàng xóm bạn bè gần xa và cũng là
cơ hội chia vui việc sung túc tiếng tăm thăng tiến của chủ nhân.
Là người dân ở tỉnh hay
thôn quê, chắc chắn ai cũng có dịp dự các lễ nầy. Nhất là đối với các cô gái,
các cô có dịp gặp gỡ chuyện trò với các bạn đồng lứa tuổi, hơn thế nữa học hỏi
kinh nghiệm của các thế hệ truớc và nếu có thể được trổ tài khéo léo của mình.
Chị Nghi rất khéo léo trong
việc quán xuyến việc nhà. Chị đã được cha mẹ huấn luyện kỹ từ ngày đám hỏi của
chị. Ngày ấy chị mới lên 18 tuổi đầy lạc quan yêu đời nhiều mộng mơ của một con
gái nhà giàu có chút Tây học. Hôn phu của chị, anh Thu, con trai cả của người bạn
thân của cha chị, sắp đi du học nước ngoài dự định ba bốn năm thôi.
« Cha mẹ đặt đâu ngồi đấy », đây là
một cuộc hôn nhân được sắp đặt trước như bao cuộc hôn nhân thời đầu thế kỷ 20
theo phong tục nước nhà. Những cuộc tình tự do chọn lựa bấy giờ còn bị lên án
khắt khe cấm đoán cản ngăn. Hai chú rể cô dâu tương lai chỉ được biết mặt nhau
trong cái ngày dạm hỏi hay đám hỏi mà thôi.
Thông thường hai bên thông
gia chỉ biết về chú rể cô dâu tương lai qua lời tường thuật của các người môi
giới. Do đó mới có câu chuyện khôi hài sâu sắc liên quan đến cách ứng biến tráo
trở tài tình xảo quyệt của các ông mai bà mai mối của mọi thời đại, chuyện về ‘
cô dâu không môi miếng và chú rể không chân đứng’. Và buồn thay cho đến ngày
nay, kinh nghiệm tích lũy dầy hơn càng ngày càng bành trướng biến một số người
dẫn mối bất lương trở thành những tội đồ vô cùng sâu độc nham hiểm bán đứng
truyền thống văn hóa văn minh dận tộc.
Nghe qua lời giới thiệu
trên, người ta nghĩ rằng một cô gái ‘không môi miếng’ tức là ít lời, ít ba hoa
chích chòe, nhiều chuyện, ngồi lê đôi mách, đâm bị thóc chọc bị gạo, chanh
chua, xảo quyệt, trả treo.’ ‘Không chân đứng’ thường ám chỉ đến ai không có chỗ
dựa thân thế quyền hành, đỡ đầu giúp đỡ. Thế mà trong câu chuyện trên, thực tế
là cô dâu sứt môi và chú rể khuyết tật cụt chân.
- Lúc nầy chị ở nhà thường hơn ít đi đâu lắm, em có rảnh cứ sang, ban
ngày chiều tối cũng được, đừng ngại gì cả, chị mời và chờ em mà, chị Nghi vui vẻ
trả lời.
- Dạ, chị nói vậy em xin nghe, qua phá chị đến khi nào chỉ chán em thôi,
em báo động chị trước rồi đó nha.Hai chị em cười xòa, Trân chào chị và vội mang
hành lý vào nhà.
Hai nhà chỉ cách qua cái hàng rào
bằng kẻm gai bên hàng cau tây thẳng tấp, trái nhỏ vỏ màu xanh khi cau còn non,
vỏ đỏ ối khi già chín thật đẹp. Nhà Trân nhỏ hơn nhưng cũng khang trang ấm cúng
cho gia đình mẹ góa con côi.
Vài hôm sau,
- Chị Nghi ơi, em sang thăm chị đây, má em bảo đem sang
biếu chị vài cái bánh chuối chiên mới ra lò, vừa thổi vừa ăn chị ăn liền còn
dòn mới ngon, Trân vừa thấy chị Nghi đi ra.
Không khách sáo chị Nghi vui vẻ tiếp lấy đĩa chuối :
- Thím sáu chiên chuối ngon nhất ở vùng nầy đó em vì dùng
bột tự làm ngâm rắm ở nhà, má chị ngày trước hay khen lắm. Chị em mình cùng
nhau thưởng thức nha.
- Trong nhà nóng quá mình ra ngồi ở ngoài vườn mát mẻ vả
lại em cùng nhớ hoa trái nhà của bác lắm.
- Vườn bây giờ không bằng một chút nào ngày hai bác còn sống.
Chỉ còn những cây ăn trái lâu năm già cỗi, may là trái có nhỏ hơn nhưng cũng
còn ngon không đến nỗi nào. Cây kiểng thì chết nhiều lắm chỉ còn vài cây hoa
quí thôi trên trăm tuổi. Vườn quá rộng, việc tưới bón tốn kém lắm ở quê mình,
nước mẵn em biết mà chỉ trông vào mùa mưa.
- Đúng vậy chị ơi, bên nhà em cũng vậy, mùa mưa thì cây
lá xanh rì, mùa nắng người phải vật lộn với gió nắng và nước nữa cũng mệt nhừ rồi,
vớt vát được cái gì mừng cái nấy.
- Đã vậy chiến tranh không ngưng nghỉ tàn phá dần mòn tài
sản đất nước, ruộng vườn bỏ hoang, nhà cửa bị đốt phá hư hại bỏ trống do các ruồng
bố ráp, đạn bom. Em nhìn xem, vách tường nhà chị đó loang lổ vá víu cũng để mặc
thôi. Hàng dài mái lu khạp đựng nước ngọt nay không còn được mấy cái lành không
tì vết. Cái hồ nước to chứa nước mưa dùng trong mùa nắng trước kia cũng ứa nước
mắt rỉ rỉ thành dòng vì không được tu bổ sửa sang. Thôi thì dù sao, người còn
là có thể tạo lại được của cải, hy vọng phải không em ?
- Ơ cái cây khế ngọt kia kìa, bây giờ mà còn sum suê quá, vẫn còn đầy rẫy tổ
bầy kiến vàng đầy trứng màu vàng cam trong như hổ phách mùi khai khai, cây nầy
em nghe nói được trồng hồi thời ông bà nội mới cất nhà gần cùng lúc với cây
nguyệt húy cổ thụ trước nhà, thọ hơn người.
Trái khế
- Em có thấy cái sẹo to trên thân cây khế không ? Cái nhánh to bị gảy gần
sát thân cây, quằn xuống đến mặt đất là vì đạn pháo kích đó. Chị đến từng tuổi
nầy mà vẫn chưa thấy đất nước mình thanh bình lâu dài đâu. Thương dân tộc mình
quá đổi trên đe dưới búa là thường. Cây cối thiên nhiên còn sống vất va vất vưởng
huống hồ con người trong thời loạn lạc đổi đời.
Ngay cả những ngôi nhà từ đường xưa khó được bảo trì sửa
chữa lắm vì phần đông các nhà giàu miền Nam thời trước, thường là điền chủ,
nhưng từ 1945, kinh tế kiệt quệ dần, không còn nhiều huê lợi để sống sung túc
chớ đừng nói đến việc trùng tu nhà cổ lại. Rồi sau đó, qua các cuộc Cải cách điền
địa, Người cày có ruộng thời Việt nam Cộng hòa, cuối cùng người chủ ruộng lớn
chỉ còn trông cậy vào số tiền truất hữu được trả nhỏ giọt dần dần trong tám năm
thôi. Thế mà, cái tên chủ điền, địa chủ vẫn còn như bị liền vào chữ ác ôn,
thành phần đáng bị nguyền rủa kết tội nặng nề.
- Tiếc quá phải không chị, nhà xưa cũng là thành phần bất
động sản thuộc về văn hóa dân tộc, lịch sử trong quá khứ dựng và giữ nước, chứng
tích lịch trình sáng tạo tiến bộ văn minh quốc gia. Mỗi thời có dấu nét độc đáo
và tiến trình đặc thù riêng trên mọi lãnh vực, những các mốc, ấn chỉ của quá khứ
định hình hay vượt thời gian cần được lưu lại cho thế hệ tương lai. Chứng tích
đó có tốt hay xấu, đúng hay sai, hãy để cho lớp kế thừa tìm hiểu và phê phán vô
tư hơn. Vả lại, cái kiệt tác của nền kiến trúc riêng ở miền Nam không hoàn toàn
thủ cựu lạc hậu quê mùa mà là do sự tổng hợp khôn khéo nhuần nhuyễn của kỹ mỹ
thuật của bao nền văn minh mới cũ Âu Á trong và ngoài nước.
- Thôi em à, chúng ta nói sang chuyện khác vui tốt hơn.
Hơn thế nữa, chắc chị em mình đi quanh quẩn đây thôi, đừng đi xa quá, nguy hiểm
vì chị ngán gặp rắn hổ lắm vì « rắn rồng ra đồng thành rắn hổ ngựa » em cũng biết mà.
- Hôm qua nhà em cũng một phen hết hồn hết vía vì con rắn
rồng đi lạc vào vòng chân bồ lúa trong nhà cũng có thể tìm mồi săn chuột. May
mà có anh hai em thấy được nên sau một hồi theo dõi rượt đuổi, ‘ông dài ‘ mới
chịu phóng đi. Em vậy mà sợ ‘ổng’ lắm chị ơi.
- Thật ra rắn chỉ nguy hiểm khi mình chạm tới nó thôi chứ
không tự nhiên nhiên mà tấn công mình. Ở quê, nhà nào có vườn rộng ít săn sóc
như nhà chị bây giờ chẳng hạn, thỉnh thoảng chị cũng như đứng tim thình lình
phát hiện rắn lục quận mình thò đầu chung quanh các song then cửa sổ. Rắn lục
xanh tiệp với màu lá cây, có thể phóng phi nhanh từ ngọn cây nầy sang cây khác
nên nguời dân ví von bảo rắn bay, lại không thể dùng gậy đập chết được mà chỉ
dùng roi quất ngã mà thôi.
Ngày trước, cậu chị còn có kể về
chuyện nằm mơ của ông nội chúng mình đó, có lần người làm vườn phát hiện hang rắn
có cả rắn mẹ rắn con dưới gốc bụi cây trâm bầu, định đập chết, nhưng ông không
cho vì tối hôm trước ông nằm chiêm bao thấy một người đàn bà đến van xin ông
tha chết cho mẹ và đàn con nhỏ của mình. Các cụ còn tin vào chuyện ‘rắn báo
oán’ lắm. À, mà hè nầy gia đình em có về dự đám giỗ bên ngoại không ?
- Thông thưòng chúng em chỉ về Tết thôi, từ ngày lớn lên
đi học xa, mẹ cũng già bận rộn luôn nên xin chế bớt những lễ không thật bắt buộc.
Mà em nói riêng với chị nha, em cũng ngán dự các bửa tiệc, giỗ các nhà giàu xưa
lắm, trong hoàn cảnh nào « giấy rách vẫn giữ lấy lề ».Tôn ti trật tự
vai vế xưng hô không sai sót, khuôn phép tư cách lễ độ vẫn bảo trì. Thật ra
phong tục tập quán giữ được thì tốt nhưng đối với thành phần trẻ, nhất là dân ảnh
hưởng Tây học, càng ngày càng cảm thấy không thoải mái, khó tiếp nhận, ít thân
mật, khoa trương vớt vát bề ngoài nên tìm cách lảng tránh rút dù luôn.
- Cũng đúng phần nào thôi, mỗi thời mỗi khác, sự thay đổi
nhỏ lớn nào cũng khó, cần có thời gian. Nhưng nghĩ kỹ lại, chỉ đáng thương nhất
vẫn là thành phần phụ nữ chúng ta trong thời kỳ giao thời hoán chuyển ấy.
Nghe giọng nói thình lình trầm xuống như nghẹn ngào cam
chịu, nhìn qua đôi mắt xa xăm như hồi tưởng sống lại kỷ niệm xưa, bất chợt Trân
cảm thông gần gũi mà không biết nói gì với chị lúc bấy giờ.
Chị lại phá tan cái phút hoài niệm ấy bằng một câu hỏi
hóc búa mà mãi cho đến bây giờ chị đã mất đi, Trân vẫn còn nhớ như
in : « Em nghĩ thế nào về cuộc hồi hôn của chị ? »
-Trời đất, chị để cho em nhớ lại một lúc nha.Thật ra lúc
đó em đi học ở Saigon không được trực tiếp chứng kiến buổi lễ hôm ấy. Sau một
thời gian, nhân hè theo mẹ về giỗ bên ngoại cũng có bà con gần với anh Thu, em
ngạc nhiên thấy nhiều bà cứ nhờ mẹ gởi lời thăm chị. Về nhà mẹ em mới kể ngắn gọn
là chị hồi hôn mà không nói nguyên nhân nào hết.
Theo mẹ em, buổi lễ rất trang trọng và vô cùng cảm động,
bất ngờ. Chị tự đứng ra tổ chức, mời bên đàng trai mà hôm ấy chỉ có một mình
bác Hội đồng đến dự, bác gái mất lâu rồi thì phải, và bà con lớn tuổi bên ngoại
nội của chị. Anh chị em của chị cũng có mặt như người chứng mà thôi.
- Vậy bây giờ em thấy việc ấy như thế nào ? Chị có
quẩn trí không suy xét kỹ càng thiệt hơn phải không em ? Bây giờ già rồi
chị có thấy luyến tiếc ân hận trách hờn ai không ? À mà chị hỏi em liền tù
tì như vậy làm sao em trả lời cho kịp ?
- Không sao đâu chị, dù nhỏ tuổi hơn chị nhiều nhưng em
cũng cố hiểu chút nào câu chuyện tình không có đoạn kết ấy. Theo em, trên đời nầy
ai mà không muốn mình hạnh phúc, ngay cả các bậc tu hành cũng thế thôi. Ai cũng
bình đẳng trong tìm hạnh phúc nhưng phương cách cứu cánh khác nhau. Không có gì
trên đời tự nhiên mà có, tất cả đều có nguyên nhân và hậu quả, có làm mới có,
có nhận mới có cho, sắc sắc không không.
Em không tin chị hời hợt trong việc giải quyết vấn đề. Chỉ
có người trong cuộc mới biết động cơ nào đưa đẩy đến kết thúc đoạn tuyệt một cuộc
tình lý tưởng theo quan niệm xưa như vậy. Thời trước, một khi cô gái đã đính
hôn thì được xem như là con dâu thực sự trong gia đình rồi nghỉa là có bổn phận
như là một con dâu trong mọi lễ quan hôn tang tế bên gia đình chồng tương lai.
Suốt trên mười năm, chị không sai sót bao giờ, bên anh quí chị lắm. Thế mà lại
có quyết định như trên…
Trân ngưng ngang lúng túng vì thấy chị Nghi òa khóc không
ngăn được, chị khóc như chưa bao giờ được khóc như vậy, Trân cũng khóc theo,
hai chị em cùng khóc.
- Cám ơn em đã hiểu gần như đúng tim đen của chị !
Chị Nghi thì thầm trong nước mắt. Em có tin
trên đời nầy có tình yêu tuyệt đối không ?
- Chắc không đâu chị, ngay các cuộc tự tử vì tình, em
cũng có chút nghi ngại nữa là. Con người vốn ích kỷ, càng văn minh chừng nào cường
độ sống vì mình cho mình lại càng tăng gấp bội.
- Chị cũng nghĩ như vậy nên chị hồi hôn đó em, chị Nghi
bình tĩnh lại buông thỏng.
Trân hết hồn há miệng chẳng hiểu mình đã nói ‘bá láp’ gì
làm phật ý chạm tự ái chị không, ‘Trứng mà khôn hơn rận’. Trân rút cỗ lại lí
nhí nước mắt đoanh tròng:
- Em có nói gì không phải chị bỏ qua, đừng giận em nha.
- Đúng như chị nghĩ, em còn trẻ và chỉ có thế hệ sau mới hy vọng có thể
thông cảm chị thôi. Thời chị tất nhiên cái khuôn son tam tòng tứ đức là nòng cốt
trong việc giáo dục con gái. Tâm tình của người phụ nữ mọi lứa tuổi không ai để
ý tới để bảo vệ, bào chữa trong hệ thống phụ hệ, chuyện đương nhiên thường tình
mà. Đã phải sinh ra trong thời kỳ nam trọng nữ khinh như vậy, trách ai đươc
đâu. Người vợ « Tam niên vô tử bất thành thê » từ ngày cưới đến ba
năm không con chẳng hạn sẽ được trả lại về cha mẹ mình. Điển hình là cuộc tình
chung thủy của nhạc sĩ Cao văn Lầu vì đã quá thương người vợ sau tám năm chung
sống chưa con bị buộc gởi trả về bên vợ chịu bao tiếng thị phi ác nghiệt, nên
đã sáng tác bài Dạ cổ hoài lang năm 1919 mở đầu lối ca Vọng cổ trên sân khấu Cải
lương ở miền Nam đầu thế kỷ 20.
- Nhưng cho đến bây giờ, câu hỏi mắc nghẹn của em vẫn là động lực hay áp
lực nào đưa chị đến quyết định đó vậy ?Trong vòng gia đình quen thuộc, ai
cũng biết dù không phải là cuộc hôn nhân do tình yêu nhưng không phải là ép hôn
hay đo ni đóng giầy, hai bên suôi gia thân thiết nhau, anh chị vẫn có tin tức
nhau. Rồi khi anh trở về nước, anh chị nhận diện lại nhau sau bao nhiêu năm xa
cách, lễ cưới cũng đã dự trù rồi dù bác Ba trai đã qua đời. Chị đã chờ đợi anh
bao nhiêu năm, anh cũng không thất hứa, vậy thì tại sao ? Khó hiểu
quá !
- Do chị mà thôi, có lẽ không ai hiểu được cảm nghĩ của chị lúc bấy giờ
sao mà rối như tơ vò, thay đổi tùy hoàn cảnh biến cố xảy ra, cô đơn, đầy mặc cảm
tự ti, bơ vơ. Áp lực mọi phía từ nội tâm xã hội và ngay cả tôn giáo
nữa bao vây đánh động làm chị mất dần hướng đi tiêu hao nghị lực mòn mõi buông
trôi. Gia đình ai cũng mừng cho chị nên không để ý đến mặc cảm của chị để kịp
thời khuyên lơn bảo vệ chị với sự tuột dốc bất ngờ về tâm lý tinh thần..
- Em vẫn chưa hiểu hết nguyên nhân nào đưa chị vào
tình trạng đó như vậy? Bằng chứng rõ nhất là chị đã chuẩn bị ngày vu qui rất
chu đáo, thêu quần áo, nắp bàn, drap gìường, áo gối, tập nấu nướng làm bánh ta
Tây, trang hoàng nhà cửa, má em khen chị luôn và dạy em thấy gương của chị mà học.
Hơn thế nữa ai cũng thấy chị tế nhị, đảm đang, chịu khó, không than van bao giờ
nên khi biết tin hồi hôn em tin rằng vực thẳm đau khổ trên đời không đáy có thể
có thật rồi.
Chị không phải như Pénélope trong thần thoại Hy lạp
chung thủy chờ chồng 20 năm ròng rã, ngày dệt đêm tháo tấm vải phải dệt xong
trong ba năm mà không bao giờ kết thúc, để thoái thoát lời cầu hôn của 108 người
xin cưới. Chị cũng đã chờ anh một thời gian dài trên mười mấy năm chứ không phải
ít. Ulysse đã trở về và anh cũng không quên lời hứa cũ, sao chị lại đoạn tuyệt
mà không nói rõ lý do nào. Má em kể lại, thương nhất Bác Hội đồng, hôm ấy trước
tình trạng nan giải bất khả kháng nầy, đứng trước bàn thờ người bạn già và suôi
gia thân tình quá cố, chỉ biết đốt nhang khấn vái trong nước mắt tuôn rơi: “Con
làm cha chịu, Anh ơi ! “.
- Em trách chị là đúng trăm phần trăm rồi, chị biết có
lỗi khó dung tha với bao người thương chị nhưng em ơi, quyết định tối hậu như vậy
là tự chôn vùi lý sống của chính mình rồi.Thôi bây giờ chuyện đã thuộc về dĩ
vãng ít ai còn nhớ nữa, chị cũng muốn giải bày tâm sự định chết mang đi nầy một
lần cho em nghe, em thông cảm hay không chị cũng đành thôi.
Trân cảm động thật sự nắm lấy bàn tay của chị : Thương
chị vô cùng chị Nghi ơi !
- Bây giờ chị cố nói ngắn gọn thôi nhớ gì nói nấy,
không đi vào chi tiết, chị cũng muốn tự khẳng định với mình là dù thời gian qua
mình đã có quyết định đúng sáng suốt. Còn lời dị nghị khen chê của người đời rồi
cũng bay đi thôi. Làm thế nào mà mình vẫn là mình không phải hổ thẹn với lương
tâm chứ không gì khác nữa.
Đối với xã hội, hoàn cảnh của chị ngày ấy khối các cô
gái ước mơ, một người chồng du học chung thủy thành tài, đẹp trai, sang cả, đứng
đắn đàng hoàng, gia đình giàu có lâu đời vọng tộc. Còn nói chi cha mẹ nào có
con gái đến tuổi cập kê, ai lại không mong cho con cái được may mắn ấy.
Lần đầu tiên gặp lại, chị nhận thấy anh Thu hội tụ tất
cả những điều kiện vật chất tinh thần đạo đức. Tướng tá không vạm vỡ, không đạo
mạo, ở anh toát ra một sức mạnh nội tâm, thẳng thắn qua khuôn trán cao đôi mắt
sáng, nụ cười tươi, giọng nói dịu dàng mà rõ ràng, cử chỉ thật khoan thai từ tốn,
dễ gây cảm tình thiện cảm với mọi người.
- Chị càng nói em càng thấy chị nói đúng về thầy Thu lắm,
chúng em gái như trai đều quí Thầy, ở Trung học hay trên Cao đẳng Đại học, dạy
có phương pháp, nghiêm túc, đừng giỡn mặt thầy được đâu, nhất là ăn mặc rất
chic mà không lập dị, cách phát âm tiếng ngoại thật tuyệt vời. Lạ thật, chị hiểu
anh Thu như thế mà sao...
- Chị hành động quái gở như vậy chứ gì?. Em để cho chị
tiếp nha, rồi mọi việc xảy ra trôi chảy, chị như sống trong trời hạnh phúc dù
theo tập tục anh chị không có được tự do gặp nhau riêng tư.
Trong lúc ấy, bên đàng trai coi ngày đám cưới, anh Thu
tìm mua nhà để ở đi làm cưới vợ.
Tin đám cưới của anh Thu làm cho giới giàu có quyền
quí ở Sai gon và quê nhà cũng xôn xao lên, anh theo Tây học nên không để ý đến
nhiều hủ tục Việt mà mối mai là một. Chẳng những anh được bạn bè quen biết mời
dự tiệc như lễ sinh nhật con gái của họ, đám giỗ,...bà con thân thuộc của anh
cũng dẫn anh thắm viếng xả giao các ông bà lớn, tai to mặt lớn, quyền thế thời
bấy giờ.
Tất nhiên tin tức sốt dẻo thất thiệt tin vịt đi chăng
nữa trong giới trí thức thượng lưu quí phái lan tỏa dễ dàng. Người ta ở đời lại
thích những tin giật gân, bán tin bán nghi hơn vì làm sao mà phân biệt đúng
sai, ai nói thật, nói dối, máy phát hiện nói dối vẫn chưa dò được nỗi huống hồ
con người. Các anh chị của chị cũng không tránh bắt đầu lo sợ nghi nan. Càng
thương chị, họ càng tìm cách thu thập các tin tức liên quan đến sự giao thiệp,
giải trí, nghề nghiệp của anh.
Em cũng biết mà, anh lại sống ờ nước ngoài lâu năm mới
về, tinh thần phóng khoáng dân chủ ít ràng buộc vào cổ tục là điều tất nhiên. Với
địa vị của anh thường tiếp xúc với thành phần quyền quí, việc xã giao theo quan
niệm Âu Mỹ có gì là lạ đời đâu, bắt tay, hôn nhau trên má, ôm nhau. Thế mà ngay
trong giới ăn trên ngồi trước đó, tin bé xé ra to, phao tin anh đang lưỡng lự
phân vân liệu không biết cô vợ tương lai của mình kham nỗi thích ứng với địa vị
cao của chồng, phù hợp với nếp sống thượng lưu văn minh thời bấy giờ. Thâm chí
còn có cô cháu bà con xa cùng quê với anh nổi tiếng đẹp nhất làng đã cùng với
vài người bạn quen chị xin đến thăm và đề nghị tình nguyện hướng dẫn chị săn
sóc sắc đẹp, dạy khiêu vũ như các cô tân thời bấy giờ. Người khác còn đến nhà
anh chị chị hỏi đon hỏi ren tình hình hầu tìm mối mới.
- Trời ơi, thật hết biết nói rồi, em không thể tưởng
tượng được đến nước nầy đâu.
- Ngay cả anh chị chị cũng bảo phải có lửa mới có khói, anh ấy đã hành xử
như thế nào mới có tin tức mình như vậy, không thể hoàn toàn thất thiệt hết,
mình tin gì mà cũng phải ngờ nữa.
Chị đã cô đơn bấy giờ lại bơ vơ hơn. Người thông cảm
chị nhất bấy giờ em biết là ai không? Bác Hội đồng, ba anh Thu đó. Có dịp là
bác đến thăm, hỏi trực tiếp ý kiến của chị, bác còn an ủi chị luôn là bây giờ
chị không những là con dâu tương lai mà bác xem chị như là con gái của mình như
thay cậu chị vậy. Bác cũng muốn đám cưới càng sớm càng tốt vì các em anh Thu đều
có gia thất hết rồi, bác chỉ còn muốn thực hiện trọn vẹn lời hứa năm xưa. Sành
tâm lý người đời, bác khuyên chị đừng nghe tin đồn thường chỉ làm bực mình thêm
thôi. Có lẽ bác cũng muốn trắc nghiệm tâm lý tình cảm của chị trong giai đoạn kết
thúc bao nhiêu năm chờ đợi để bước sang cuộc sống lứa đôi, càng có thể bác âm
thầm lo ngại một biến chuyển không may bất ngờ nào xảy ra khi nhận thấy nét
tươi tắn chị càng ngày càng mất đi, ít nói biếng cười và nhất là vắng mặt trong
các buổi giỗ trọng bên chồng. Cái khó của bác là dù sao bác cũng chỉ là đàn
ông, bác không thể thân thiện hơn để cho chị trút bầu tâm sự dễ dàng.
Có người còn táo bạo đến trơ trẻn tự nhận là bà con
anh Thu, vì bảo nghe tin hàng lang chị từ hôn nên đến an ủi còn khen chị quyết
định khôn ngoan dù ngoài ý muốn, lý do anh ấy trong tương lai gần khó có thể
nào sống với người vợ “gái già” của thời thủ cựu không còn hợp thời với nếp sống
văn minh mới của anh. Rồi sau nầy chính những người đó lại đứng ra làm mối
cho các cô gái khác con nhà giàu bà con hoặc bạn bè của họ.
- Có phải vì
thế mà chị ngã chúi nhủi vào cái cạm bẫy đời khốc liệt đó không?
- Không hẳn
như vậy, sau bao nhiêu năm chờ đợi, chi có quan niệm riêng về hôn nhân và tình
yêu. Ở đây chị chỉ bàn đến tình yêu tuyệt đối giữa nam nữ, vậy tình yêu lý
tưởng nầy thường được người đời ca tụng có thật sự hay không hoặc chỉ có trên
sách vở mà thôi. Cũng như mọi thứ tình cảm khác đều bị chịu ảnh hưởng của xã
hội, giáo dục, nếp sống, nghề nghiệp, tình cảm nào cũng trừu tượng vô hình tự
ai nấy biết, không đo không lưòng được, thể hiện qua giác quan và biến thành
hành động.
Sống trong
xã hội phong kiến lâu đời vừa được hớp cầm chừng vài luồng sinh khí tự do, giới
phụ nữ ta chưa vùng lên mạnh được đâu. Tam tòng tứ đức vẫn là tiêu chuẩn đạo
đức phải theo do cha ông đã vạch sẵn rồi, cứ thế mà thi hành, có kêu ca than
van phản đối cũng chẳng hề hấn ai đâu. Ngược lại, thời đại mới nới rộng vòng
quạt tự do cho giới mày râu hơn. Lòng chung thủy vẫn còn là độc quyền của phái
yếu, các ông có quyền quên lời hứa mà không có luật lệ đời đạo nào lên án tuyên
phạt đâu, chuyện hên xui số mạng vậy thôi.
Em cũng thấy
trong tỉnh mình bao cuộc chờ đợi vò võ cũng trở thành vô ích vô công vô ơn rồi
đó, có bao nhiêu sinh viên du học đã làm lễ hỏi ở quê nhà thành tài trở về đâu,
nếu có thì sau đám cưới một thời gian cũng tan vỡ. Chứng kiến hoặc nghe kể lại
bao câu chuyện đau thương tuyệt vọng của những bà cô thế hệ trước hoặc đồng
thời của chị, lúc ban đầu chị vẫn hy vọng và tin mình may mắn hơn.
Ngay cả khi
anh Thu về, chị đã càng khẳng định rằng mình quả thật có phúc nhất là khi gặp
ánh mắt vui mừng của Bác trai và.. .
- Còn anh
Thu thì thế nào, có phải tại anh ấy không, em chỉ nóng biết tại sao chị thay
đổi ý vậy thôi, Trân bộp chộp ngắt lời.
- “Không
phải tại anh” mà cũng không phải tại ai cả, ngoài chị ra như người đời lên án.
Trong vấn đề tình cảm, em có thấy ai giúp đỡ ai được đâu nhất là nạn nhân chỉ
là một cô gái mất tuổi thanh xuân, gia đình sa sút không còn như xưa. Chị cũng
đã lượng được trước cái giá quá đắt của hậu quả nầy cho chính cuộc đời chị nữa
đó em. Chị không muốn trở thành gánh nặng cho ai cả nhất là anh ấy, một người
con hiếu, có tâm có tình, một người đàn ông đúng nghĩa, trọng nghĩa biết ơn.
Thực hành được lời hứa cũ cũng là hành động dũng cảm vô cùng, độ lượng khoan
dung phải dẹp qua một bên bao hoài bảo mộng ước của mình, tính ích kỷ hẹp hòi.
Thôi thì,
anh đã phải hy sinh nhiều thứ để trở lại quê hương, chị cũng nên tỏ ra xứng
đáng cái tình cao thượng ấy. Anh cần một người bạn đời có học ngang tầm với anh
thông cảm dễ nhau hơn để giúp anh trong sự nghiệp, một người vợ trẻ hy vọng
sinh được nhiều con để tiếp nối dòng tộc, một gia đình bên vợ quí rể. Chị không
còn có đủ điều kiện trên đâu. Dứt khoát ngay bây giờ là tốt cho cả hai sau nầy.
Trên đời nầy
tất cả đều vô thường phải không em, không có gì không đổi thay tồn tại mãi nhất
là tình cảm trừu tuợng không màu sắc hình hài không bắt được ngửi được bằng
giác quan, lại do con người mà có, thì ngọn lữa tình yêu dù là lý tưởng tuyệt
đối đi chăng nữa cũng có ngày lụn tàn, buồn hơn nữa là đang cháy bị dập tắt
thình lình. Nhập tâm như thế nên chị không hỏi ý kiến ai cả tự quyết định hồi
hôn không kèn không trống.
Cũng vi thế
nên khi hay tin anh cưới vợ, lúc bấy giờ khoảng mười mấy năm sau đó, tính ra
như gần bằng thời gian chị đợi chờ anh, chị bật khóc trân kính cảm ơn sâu sắc
anh hơn nhưng hoàn toàn không một chút trách móc hối tiếc việc đã qua. Bao
nhiêu năm chị mong ngày vui hạnh phúc ấy như để cất bớt đi gánh lỗi đã làm tổn
thương gia đình thương mình thật sự. Anh quả có một tâm hồn cao thượng khó kiếm
trên trần thế nầy. Bác trai cũng đã qua đời, Bác thương hiểu tha thứ chị từ lâu
rồi ngay lúc còn tại thế, chị tin như vậy. Và bây giờ, chị em mình mới còn có
dịp được ngồi nghêu ngao tâm sự lần cuối với nhau đây.
Bốn mí mắt trầm ngâm nhắm lại, những giọt nước
mắt nóng hổi khép kín luôn mối tình đẹp buồn không có hậu đối với cái nhìn hờ
hững của người đời nhưng lại là một cách chứng minh hùng hồn trên đời cũng có
tình yêu âm thầm đích thực thật sự cao cả quí hiếm đáng được đề cao như cố thi
sĩ Hồ DZếnh đã viết về phụ nữ Việt ta trong bài thơ “Cảm xúc”:
Cô gái Việt nam ơi !
Ngọn gió thời gian đổi hướng rồi.
Thế hệ huy hoàng không đủ xóa,
Nghìn năm vằng vặc ánh trăng soi.
--------------------------------------------
Cô gái Việt nam ơi !
Nếu chữ hy sinh có ở đời,
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực,
Cho lòng cô gái Việt nam tươi?
Cô Trần Thành Mỹ