Chiếc xe mang bảng Pháp chầm chậm ngừng trước cửa. Nhìn qua cửa kính
ngăn ánh sáng và tầm nhìn bằng chiếc màn the xếp thành nhiều ‘plis’ dọc,
tôi hy vọng là khách tìm dễ dàng được nhà ở xứ Bĩ láng giềng tuy gần mà
xa nầy. Chỉ cách thủ đô Bruxelles độ chừng 100km, vì nói tiếng Hòa lan,
nên ai cũng tưởng chừng như vùng ‘khỉ ho cò gáy’, xa mú tí tè, dân còn
bộ lạc... Kia rồi, dáng dấp của quê hương rõ nét, tim tôi lâng lâng, trí
óc mường tượng dấu móc kỷ niệm, tay rung rung mở chốt cửa như quay
ngược thời gian ký ức.
Mấy mươi năm qua nay mới có dịp trùng phùng trên đất khách nhờ các đấng
lang quân, chưa bao giờ gặp gỡ, thế mà nhìn qua cứ tưởng đã có lần quen.
Tay bắt mặt mừng, trống ngực đánh phèn la như hồi xưa đàng trai lần đầu
xem mắt. Tóc ai cũng đã điểm sương, hoa râm nhiều ít, thế mà nụ cười
tươi vẫn còn giữ vẹn thuở nào. Mình trước kia đã bệ vệ mập tròn, các chị
bạn ít nhiều cũng quyết không thua phát tướng.
Thời gian như lắng đọng, gặp nhau một phút, dĩ vãng gợi bao năm. Nhưng
vốn tha hương nên không ai nhắc chi đến chuyện cũ xa xưa cũng như chuyện
gia đình rườm rà chưa cần thiết. Câu chuyện loanh quanh hiện tại, dòn
tan bằng tiếng mẹ điểm đệm thêm bằng tiếng ngoại thật kỳ thú vui tai.
Đây là ba cựu nhà giáo Pháp văn thế mà xả xú báp toàn mùi nước mắm nhỉ.
Những tiếng lóng, câu chuyện trào lộng dí dỏm, cười ra nước mắt sau ngày
30-04-75 được nêu ra như pháo nổ. Thói thường các pháp sư chỉ quen bắt
ấn, niệm thần chú bằng tiếng Phạn tiếng Miên, hô phong hoán võ, phất
trần trừ tà, đoán việc âm dương, vẽ bùa đuổi ma yểm quỉ, các Pháp sư nầy
cũng dốc hết bao thành công lực, hồ lô bùa phép sử dụng lối chơi chữ,
cách nói lái đa dụng, độc đáo tuyệt vời để bồi dưỡng phong phú hoá tiềm
năng trở về nguồn. Có chị còn áp dụng lối nói lái có một không hai nầy
vào tiếng Pháp làm ông xả ngẩn ngơ.
Chẳng những được nghe được nói mà còn tìm lại được thú vui quen thuộc
truyền thống của dân mình. Người Việt ta ai cũng muốn ‘ sống có nhà...’,
nhà thì có vườn. Rộng thì trồng rau, cây ăn trái mận xoài, đu đủ, táo,
chuối,...thêm bồn Bát tiên bạch mai chiếu thủy, mai vàng hay hàng chùm
nụm, bông giấy đủ màu uốn tỉa thành hình rồng phượng... tùy theo tài
khéo léo của chủ nhân. Hẹp thì biến thành vườn thu gọn, loại mini,
bonsai, tạp lục, tả bín lù. Nhớ lại bài:
"Con gà cục tác lá chanh,
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi.
Con chó khóc đứng khóc ngồi,
Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng"
mới thấy cách nấu nướng của ta cũng cầu kỳ, tinh luyện, gia vị nào món
nấy đòi hỏi lắm công phu, kỷ thuật, mỹ thuật, sáng tạo, khéo tay. Do đó
để có món ăn quen thuộc hợp khẩu vị dân mình, đi ở đâu cũng cần có vườn
rau quê hương.
"Thò tay bức một ngọn ngò,
Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ"
Ngò rí
- ‘Ngò rí đây à, sao mà thơm quá, khác hẳn ngò ở bên đây... hăng hắc thế
nào! ‘ chị bạn vừa reo vang vừa vuốt nhẹ lá ngò mảnh khảnh, thân cây
khoe hoa trắng nhỏ, cành đơm trái như hạt tiêu xanh đậm.
Nhìn xuống chân sợ dẩm phải đám rau vấp cá mọc tàng lang bên bờ mương,
thứ rau mà các vị hòa thượng thường kiêng, mùi tanh tanh, beo béo đặc
biệt trộn làm nham cua, thit heo luộc thái chỉ, chua chua ngòn ngọt nhậu
với bia hay rượu đế quên đời.
Rau vấp cá
Bên liếp cải bẹ trắng, bẹ xanh, cải ngọt mượt mà đơm ngồng vươn cao khoe
nụ, lú nhú khóm húng lủi lá tròn gờn gợn sóng, húng cây lá nhọn vững
chải sum suê làm phát thèm bánh xèo chiên bằng chảo gang dòn béo, chấm
nước mắm ớt chua cay đúng như câu ‘‘tay làm hàm nhai’’ hay bài thơ phổ
nhạc ‘‘tôi đem quê hương tôi vào lòng’’ nhớ nhớ biết chừng nào!
"Gió đưa cây cải về trời,
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay."
Rau răm
Rau răm mùi vị cay cay như quế không thể thiếu khi ăn hột vịt lộn vịt
giữa chấm muối tiêu chanh. Tần dầy lá thay đở rau om, ngò gai nơi xứ lạ
biến nồi canh chua thơm phức, đậm mùi.
Rau om (rau ngổ)
Tía tô lá nham nhám hai mặt hai màu xanh tím, húng quế thơm nồng mấy ai quên bên tô phở béo bốc hơi.
Nhìn rau thôi đã nhớ món ăn liên hệ không phải chỉ bằng ký ức mà thường
còn đánh mạnh vào ngủ quan, mắt nhìn màu sắc, hình thù, mũỉ ngửi hơi
mùi, miệng nhai nếm thử tài đầu bếp, tay sò mó xem tình hình ấm lạnh,
tai lắng nghe âm thanh phân loại món ăn.
Thật ra ‘Ăn để sống’ nhưng có lắm lúc
"Miếng ăn là miếng tồi tàn,
Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu!"
Người ngoại quốc cũng nhận thấy vườn Việt ta hơi lạ, có thứ rau mà họ
nghĩ hoa trái chỉ dùng làm kiểng để trang trí trong nhà. Những liếp rau
dền tím đỏ cao ngồng nghềnh với hoa như chổi lông gà hay bông mồng gà
chưng trong ngày Tết, cụm hẹ ngẩng đầu khoe những chiếc dù xanh li ti
hoa trắng nhỏ gợi nhớ đến cuộn gỏi cuốn tròn dài chấm với tương
ớt...phát thèm.
Rau tần ô còn gọi là cải cúc rực vàng trong nắng sớm, mà theo ông bà ta
ăn vào bổ cả tì, can, phế, thận, nấu canh sôi đập cái trứng bỏ vào, lòng
đỏ còn nguyên như mặt trăng bao quanh hào quang mây trắng.
Hàng thì là làm giảm mùi tanh của cá, chững chạc như lính hầu mặc áo có tưa ren mang lộng vàng vinh qui.
Thì là
Giàn bầu rợp lá tròn to giương cao ngọn, tua tủa râu xoắn ốc bên hoa đực
vàng rực rỡ, nặng trĩu quả vỏ xanh điểm sọc trắng như chiếc bình cổ
thon treo lủng lẳng trong tranh.
Thật sự món ăn ta món nào ướp gia vị riêng của món ấy, thịt cần hành, gà gừng, bò tỏi, chó riềng...
Rau quả là hương thơm thoang thoảng của đất trời mà cũng là nước hoa
thuần tinh quyện mùi da thịt, chất xúc tác hạnh thông huyết quản, điều
hòa nhịp thở, kích thích mạch tim.
Mấy giờ bên nhau trôi nhanh như chớp. Đã đến lúc chia tay hẹn ngày tái
ngộ để có dịp học hỏi đổi trao kinh nghiệm, thông báo tình hình duy trì
phát triển vườn nhà hầu luôn nhớ trở về nguồn.
Hình ảnh quê hương ẩn tàng cô đọng trong lá rau đầy mùi vị như sắc thái
của cuộc đời. Không khác chi chiếc đủa thần, vòng quạt phép mầu, rau
phong phú hóa màu sắc, tạo hương thêm vị, tô đậm tình người, nhắc gợi
tập tục, cội nguồn dân tộc. Nhìn vườn rau mà nhớ thương quê hương sâu
sắc, gặp lại bạn bè nhớ bọc trứng nở trăm con!
Cô Trần Thành Mỹ