MẸ TÔI…



Ngày xưa ở nhà trường lần đầu tiên cầm tập thơ và thấy hàng chữ "Ví mà tôi đổi thời gian được. Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười" của nhà thơ Trần Trung Đạo, tôi nhủ thầm: Chà! cái ông này đúng là nhà thơ, văn chương có bóng bẩy gì đâu. Đồng ý thì ai không thích được nhìn thấy mẹ cười? Tôi cũng vậy. Nhưng làm gì mà phải đổi cả thiên thu cơ chứ. Mẹ ở đó khi nào vui thì mẹ cười, khi nào giận mẹ la ráng chịu. Việc gì mà ông phải đem cả thiên thu để đổi lấy tiếng mẹ cười?
Nhưng đó là bốn mươi năm về trước, mẹ tôi vẫn còn trẻ và khoẻ lắm. Vài ngày một lần mẹ xách giỏ đi bộ ra chợ. Vừa đi và về khoảng một tiếng, như không. Đồ ăn mẹ nấu để sẵn trong tủ. Con cháu gởi cho mẹ trông, chiều đón về thỉnh thoảng lại thêm cái cà mèn đựng thức ăn…
Vậy đó, anh em chúng tôi đón nhận tình thương của mẹ, mặc nhiên như chim sẽ bay, và cá sẽ lội. Khi vui mẹ cười, khi buồn thì… thôi.  Nhưng rồi năm tháng qua. Chim bay có lúc mỏi cánh, cá lội sẽ có ngày vương câu. Và mẹ tôi rồi cũng có lúc vắng tiếng cười từ khi ba tôi vĩnh viễn ra đi.
Cái cảm giác của sự chia ly sinh tử đó hôm nay lại trở về với tôi. Nặng nề hơn nhiều.
Nếu tôi nhớ không lầm thì Việt Nam mình chưa có ngày lễ để tưởng nhớ về mẹ và cha như ở tây phương này... Nhưng Việt Nam ta có lễ Vu Lan được ví như ngày lễ báo hiếu cha mẹ. Tôi không rõ là lễ Vu-Lan tượng trưng cho sự báo hiếu có tự bao giờ.
Nhớ thuở nhỏ, mỗi dịp Vu Lan về chúng tôi cùng Mẹ đi chùa để lễ  Phật. Ngồi nghe mấy quí thầy giảng về công ơn cha mẹ, ông bà tôi thấy khoé mắt Mẹ nhoè lệ. Lúc ấy tôi nghĩ ai cũng có một nỗi đau thương trong lòng và đấy là dịp để Mẹ tôi tỏ ra lòng hiếu thảo. Những khi ấy tôi thấy có người cài lên áo hoa đỏ trong khi đó những người khác với hoa trắng. Tôi hỏi Mẹ tôi tại sao có những hoa đỏ và hoa trắng đượm chút đau lòng, buồn tủi. Tôi hỏi mẹ tôi “tại sao không mang cả hai loại hoa cho có vẻ đẹp hơn không”. Mẹ tôi nở nụ cười hiền hoà và cắt nghĩa rằng “hoa đỏ là cho những người còn Mẹ và hoa trắng cho những người không còn Mẹ nữa”. Và thời gian cứ thế trôi qua những kí ức đó, những hình ảnh của bông hồng và cả những giọt nước mắt lăn dài trên má của bao nhiêu người mà tôi đã được thấy vẫn theo tôi cho đến ngày nay... Về hình thức tôi có cảm tưởng là ngày Vu Lan với bông hồng cài áo là để tưởng nhớ về mẹ nhiều hơn cha.
Cuối năm 2008, ba tôi mất nhưng chúng tôi may mắn vẫn còn mẹ. Chúng tôi hãnh diện cài bông hồng vì còn mẹ nhưng về hình ảnh cha thì chúng tôi chỉ còn biết để trong ký ức.
Chúng tôi sợ chuyện không may có thể xảy đến cho mẹ khi bà không còn thấy giọng nói thông thường của cha tôi. Bà sẽ sinh sống ra sao. Đời sống vợ chồng gần 60 năm không phải là ngắn cho một đời người mà có thể nguôi ngoai trong một sáng một chiều. Cho nên anh em chúng tôi làm mọi cách tạo niềm vui cho mẹ trong những ngày tháng còn lại của cuộc đời bà. Mặc dù phân nửa anh em chúng tôi sống rãi rác khắp thế giới chúng tôi cố gắng thay phiên gọi điện thoại hỏi thăm bà những lúc rảnh rỗi. Hoặc về quê thăm bà, đưa bà đi du lịch đó đây nếu có thể…
Có hàng ngàn trang sách ca tụng về người mẹ thân yêu nhất và cũng duy nhất trên đời này. Tình mẹ bao la như biển rộng, cao vời vợi như núi.
Nhân dịp về quê hương ăn tết Nhâm Thìn và cũng là năm mà mẹ tôi bà tròn 80 tuổi chúng tôi hớn hở tổ chức ngày Thượng Thọ cho Mẹ ở chùa Sùng Đức.
Vì chỉ còn năm ngày nữa là tết đến nên mọi người ai cũng bận rộn, lo toan để đón mùa xuân mới. Riêng chúng tôi - những đứa con của mẹ - xếp lại mọi lo toan đời thường, hân hoan chào đón mùa xuân của riêng mình vào những ngày cuối đông giá lạnh, đó là ngày mừng thọ mẹ.
Mẹ chính là mùa xuân của chúng con. Cả cuộc đời của mẹ - tám mươi năm- thì gần như đã hết bảy mươi năm để hy sinh vì người thân. Bà ngoại mất khi mẹ còn rất bé, nhà lại đông anh em, ông ngọai không tục huyền mà sống cảnh gà trống nuôi con. Vì thế, nhà nghèo, lại càng nghèo và gieo neo hơn. Khi vừa đủ lớn, thì mẹ phải san sẻ bớt gánh nặng mưu sinh để nuôi em. Mẹ chính là hình ảnh “ chị tôi “ của nhạc sĩ Trần Tiến.
Rồi mẹ lập gia đình, nhà nghèo lấy chồng gia đình cũng chẳng khá hơn, chỉ có hơn là thêm trách nhiệm và bộn phận: Lám vợ vá Làm mẹ. Năm nhâm thìn, mẹ sinh anh hai vừa được ba ngày tuổi, lũ lụt trắng xóa đất trời, chỉ có tình thương con vô bờ bến mới đủ sức giúp mẹ đứng vững  trong gía rét bão bùng để che cho đứa con non ngày, non tháng.
Rồi lần lượt muời đứa con ra đời, gặp thời gia đình nghèo khó thì mẹ ven vén, tảo tần nuôi con và cùng ba nuôi lớn tương lai bằng một nghề chân chính, lương thiện. Ba thường tâm niệm :” Chọn một nghề tinh chuyên, cần mẫn, tận tâm, lợi mình, lợi người thì sẽ thành công “. Ba mẹ đã gầy dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng, nhưng đầy ấp tình thân tiến thủ, trách nhiệm và đạo đức. Đó là bài học vào đời mà ba mẹ đã truyền dạy cho chúng con.
Mẹ là thế! sống hy sinh cả đời. Đối với chồng là người vợ hiền, đảm đang, thủy chung, son sắt. Với con, là người mẹ yêu thương, tận tụy, bao dung. Lúc gia đình khó nghèo, thì mẹ là người:
Cong lưng gánh nỗi thương yêu
nặng trên vai mẹ bao điều đắng cai
Gánh yêu thương, gánh khổ nghèo
Gánh mơ ước lẫn gieo neo đi về”.
Đến khi gia đình khá giả thì tâm niệm của mẹ là:
“Người trồng cây hạnh người chơi.
Ta trồng cây đức để đời cho con”.
Mười đứa con của mẹ đã lớn lên, trưởng thành và đủ sức góp mặt với cuộc đời chính nhờ phúc đức của ba mẹ và bàn tay dệt yêu thương của mẹ.
Tiếng gọi từ khi bập bẹ cho đến bây giờ, chúng con vẫn cảm thấy ấm áp và hạnh phúc. Mẹ là sự sống, là tình thương, là ngọt bùi, sông nước có đầy vơi nhưng tình mẹ thương con trọn đời không thay đổi. Chúng con thương mẹ vô cùng khi biết rằng, ở quê nhà, mẹ vẫn dõi mắt trông theo những đứa con của mẹ, đứa ở chốn phồn hoa, đứa ở tận xứ người. Thế mới biết:
Mẹ thương con biển hồ lai láng
Tình vẫn sâu dù máu cạn dòng”.
Nhưng cuộc đời có những điều không như ta mong muốn, ước mơ. Vì mơ ước lớn nhất của chúng con là được sống gần bên mẹ, được ngày ngày nhìn thấy mẹ và được mẹ yêu thương. Đó không phải là bổn phận, không phải là trách nhiệm, mà đó là diễm phúc lớn nhất của cuộc đời chúng con. Vậy mà buồn thay diễm phúc đó chúng con không có được! Mỗi năm chúng con về quê thăm mẹ đưa mẹ lên Sài gòn với chúng con, số thời gian ấy chỉ đếm trên đôi bàn tay. Chúng con thật có lỗi với mẹ vô cùng.
Ngày hôm nay, chúng con xếp lại mọi lo toan, lên xuống, lợi danh của cuộc đời và trở về bên mẹ, quỳ bên gối mẹ, nâng niu đôi bàn tay đã từng vỗ về, âu yếm, yêu thương chúng con. Con sẽ nhìn sâu vào mắt mẹ, nhìn thật lâu, thật kỹ, để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên chúng con. Con sẽ nói với mẹ rằng- mẹ ơi, mẹ có biết rằng con yêu mẹ nhiều lắm không ?. Thiền sư Nhất Hạnh đã dạy như thế trong tác phẩm “ bông hồng cài áo”. Giờ đây ngày 24 tháng 12 tân mão, chúng con đã tận hưởng trọn vẹn giá trị thiêng liêng của tình mẹ bao la mà gần gũi, để thương mẹ và được mẹ thương
Trong giờ phút trang trọng nhưng thắm đẫm yêu thương, tất cả con cháu, dâu rễ cùng quỳ bên chân mẹ, cảm nhận trọn vẹn tình thương của mẹ qua lời phật dạy:
Quả đất gọi là nặng
Lòng mẹ nặng hơn nhiều
Chúng con nguyện noi theo gương hiếu hạnh của ngày Mục Kiền Liên, thực hành lời đức phật dạy” Sinh ra thời không gặp phật, thì thờ kính cha mẹ chính là thờ kính chư phật vậy”.
Thế hệ chúng con, tiếp nối thế hệ của hàng hậu duệ con cháu sẽ luôn được thắp sáng trái tim hiếu thuận. Hạnh Hiếu này chúng con luôn ứng dụng, thực hành để mang đến niềm vui, hạnh phúc cho mẹ được an hưởng tuổi già trong ánh sáng nhiệm mầu của phật pháp, và cũng để nêu gương về một bài học giá trị đạu đức cho hàng con cháu noi theo. Hạnh Hiếu này sẽ mang an lạc, hạnh phúc đến cho mọi người, mỗi gia đình của chúng con, nói riêng và đây cũng là nền tảng đem lại  an bình cho quốc gia, xã hội
Xin nguyên cầu chư phật mười phương chứng tri tấm lòng của chúng con và gia hộ cho mẹ của chúng con thân thể khỏe mạnh, mang lại nụ cười như xưa, tâm an lạc để sống hạnh phúc với con cháu.
Sau buổi lễ thượng thọ, lần đầu tiên kể từ khi cha tôi mất gần ba năm chúng tôi mới thấy lại nụ cười rất tươi trên môi mẹ. Chúng tôi biết chắc trong thâm tâm bà có niềm vui vô kể mà bà không thể nào thốt nên lời… Hy vọng nụ cười ấy sẽ còn giữ lại mãi mãi với mẹ tôi cho đến cuối đời…

Nhân dịp lễ Vu Lan 2012

Nguyễn Hồng Phúc

Có lần tôi đọc được 1 bài viết không đề tên tác giả đâu đó về tình mẹ, đáng cho chúng ta suy gẫm về tình mẹ:

Mẹ tôi đã ra một câu đố: "Con yêu, phần nào là quan trọng nhất trên cơ thể hả con?"
Ngày nhỏ, tôi đã nói với mẹ rằng âm thanh là quan trọng đối với con người nên tai là bộ phận quan trọng nhất.
Mẹ lắc đầu: "không phải đâu con. Có rất nhiều người trên thế giới này không nghe được đâu, con yêu ạ.
Con tiếp tục suy nghĩ về câu đố đó đi nhé, sau này mẹ sẽ hỏi lại con."
Vài năm sau, tôi đã nói với mẹ rằng hình ảnh là quan trọng nhất, vì thế đôi mắt là bộ phận mà mẹ muốn đố tôi.
Mẹ lại nhìn tôi âu yếm nói: "Con đã học được nhiều điều rồi đấy, nhưng câu trả lời của con chưa đúng bởi vi vẫn còn nhiều người trên thế gian này chẳng nhìn thấy gì."
Đã bao lần tôi muốn mẹ nói ra đáp án, và vì thế tôi toàn đoán lung tung. Mẹ chỉ trả lời tôi: "Không đúng. Nhưng con đang tiến bộ rất nhanh, con yêu của mẹ."
Rồi đến năm 1991, bà nội yêu quý của tôi qua đời. Mọi người đều khóc vì thương nhớ bà. Một mình tôi đã vừa đạp xe vừa khóc trên suốt chặng đường 26 km từ thị xã về quê trong đêm mưa rào ngày 4/5 âm lịch của năm đó. Tôi đạp thật nhanh về bệnh viện huyện để mong được gặp bà lần cuối. Nhưng tôi đến nơi thì đã muộn mất rồi.
Tôi đã thấy bố tôi gục đầu vào vai mẹ tôi và khóc. Lần đầu tiên tôi thấy bố khóc như tôi.
Lúc liệm bà xong, mẹ đến cạnh tôi thì thầm: "Con đã tìm ra câu trả lời chưa?" Tôi như bị sốc khi thấy mẹ đem chuyện đó ra hỏi tôi lúc này. Tôi chỉ nghĩ đó là một trò chơi giữa hai mẹ con thôi. Nhìn vẻ sững sờ trên khuôn mặt tôi, mẹ liền bảo cho tôi đáp án: "Con trai ạ, phần quan trọng nhất trên cơ thể con chính là cái vai."
Tôi hỏi lại: "Có phải vì nó đỡ cái đầu con không hả mẹ?"
Mẹ lắc đầu: "Không phải thế, bởi vì đó là nơi người thân của con có thể dựa vào khi họ khóc. Mỗi người đều cần có một cái vai để nương tựa trong cuộc sống. Mẹ chỉ mong con có nhiều bạn bè và nhận được nhiều tình thương để mỗi khi con khóc lại có một cái vai cho con có thể ngả đầu vào."
Từ lúc đó, tôi hiểu rằng phần quan trọng nhất của con người không phải là "phần ích kỷ", mà là phần biết cảm thông với nỗi đau của người khác.

 
ĐỒNG HƯƠNG © 2012 - Xây dựng bởi Blog Thiết Kế – Hỗ trợ bởi Người Áo Lam - Giao diện Rumah Dijual