THƯƠNG VỀ KỶ NIỆM


Hôm qua mới nhận được 2 tập thơ của chị Đỗ Thị Minh Giang gởi làm quà cho tôi, một người cùng quê cùng trường, mà cho mãi đến bây giờ mới biết nhau.

Chị Minh Giang làm thơ từ lúc còn dưới mái trường Hoàng Diệu thân yêu. Chị là đồng môn và cũng là đàn chị, vì vào trường trước tôi 2 năm. Trước kia, tôi cũng thích ngân nga những lời thơ bất hủ của thời trung học, nhưng chưa bao giờ viết ra một bài thơ nào để tặng cho ai cả.

Có lẽ chị Giang biết tôi yêu thích thơ như chị, nên chị gởi tặng 2 tập, một cho tôi, còn tập kia chị nói tặng cho bất cứ ai yêu thích thi ca. Thế là tôi gởi tặng cho Châu Tăng, một cựu học sinh Hoàng Diệu cùng tiểu bang Cali nơi tôi ở.

Tập Thương về Kỷ niệm, một thi phẩm đầu tay của chị Minh Giang sau hơn 30 năm không viết lại nữa, bao gồm những thi khúc nói về những khung trời thơ mộng, kỷ niệm của thuở học trò, vui buồn của đời sống chân quê của quê hương Sóc Trăng…v…v.. tuy tôi chưa có thời gian nhiều để đọc.

Tựa đề Thương về Kỷ niệm, vỏn vẹn có bốn chữ, nhưng nó khiến lòng tôi bâng khuâng, nghĩ suy về cái khoảng không gian quá bao la, chập chờn trước mắt tôi. Ôi bao nhiêu là kỷ niệm thuở nào trong tôi, khó mà tôi có thể viết hết ra được…

Những kỷ niệm mà tôi muốn viết lên đây gói trọn cái thuở học trò, cái thời hoa mộng nay đã qua mất rồi. Ngày mà con tim tôi bắt đầu rạo rực cho tình yêu trai gái tuổi học trò. Ngày mà tình yêu trong trắng, đầu đời với một người con gái cùng xóm, ven bờ kinh nước ngọt. Mối tình đầu dang dở trong lúc tôi sửa soạn cho thi tú tài phần một. Xa nhau cho hơn mười năm mới gặp lại.

Sau khi đã định cư ở nước Mỹ hơn mười năm, tôi trở lại thăm quê hương với nhiều nỗi vui mừng pha trộn. Nước mắt rơi khi ôm chầm lấy các em tôi sau nhiều năm không gặp lại. Tôi lặng thinh chẳng nói được lời nào trước cổng sân bay Tân Sơn Nhất.

Ngày hôm sau, tôi tìm gặp được anh Chung Thanh Hà, người trưởng lớp năm xưa dưới mái trường Hoàng Diệu. Hai đứa ôm nhau trong vui mừng muốn rơi nước mắt. Lúc ấy, anh có mái ấm gia đình hạnh phúc với thằng con trai chừng chín tuổi. Mái tóc anh còn đen, còn bồng bềnh không giống như bây giờ đã biến thành màu bạch kim, trông tựa như tóc của người Mỹ. Giờ đây, con trai đã trưởng thành trong nỗi buồn cha mẹ đã chia tay từ những năm trước đó.

Tôi quay về Sóc Trăng một ngày nắng chang chang của mùa hè. Trên đường Hai Bà Trưng, tôi dừng lại nhà cô Lý Hồng Mộng, hỏi thăm thằng bạn Quách Văn Hưng học chung năm xưa. Hưng giờ là Dược sĩ, đã dọn về Sài Gòn không lâu sau khi đã làm việc ở đây một thời gian. Hưng đã lập gia đình sau khi ra khỏi trường dược. Bạn cũng chia tay với mối tình đầu từ năm thứ tư của trường dược, một cô bạn cùng lớp với em gái tôi.

Giờ đây bạn Hưng đã không còn nữa, bạn ra đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại. Tôi đưa tiễn bạn đến nơi an nghĩ cuối cùng, giữa cánh đồng ruộng bao la bát ngát xã Bố Thảo.

Tôi gặp lại Trang Thanh Khiết, bạn cùng lớp. Khiết bị tàn tật bẫm sinh từ lúc nhỏ, phải dùng hai nạng gỗ. Với cái nét phong trần vì sương gió, trong công việc sửa xe đạp sinh sống qua ngày. Tuổi như già hơn mười mấy năm, răng mất đi nhiều mà không đủ tiền làm lại. Rồi Vương Long, năm xưa đi học chẳng dám làm quen với con gái. Ra trường, đi dạy ở Hoàng Diệu, lập gia đình, rồi vợ cũng bỏ đi vì gia cảnh túng thiếu quanh năm.

Bạn Dương Cẩu, ngày trước vào quân đội ngành Quân cảnh, sau năm 1975 trở về làm nghề bán ve chai, nuôi được hai thằng con trai theo học Bác sĩ y khoa. Từ sáng tới chiều, với chiếc xe ba gác, lang thang khắp mọi nẻo đường từ Sóc trăng tới Vũng Thơm mua ve chai sắt vụn.

Trần Bưởi, ngày xưa vóc dáng mập mạp, nay qua đời vì nhồi máu cơ tim. Tô Bĩnh Phước, xưa thân hình vạm vỡ, nay gầy yếu thấy rõ. Tôi mời bạn đi ăn nhậu, mê rượu bia, bị ói mấy lần trong lúc đi chơi với tôi. Rồi Lý Tường Vân, gương mặt sáng, đẹp trai, làm việc hơn 20 năm cho cơ quan điện lực Sài Gòn. Vợ theo gia đình sang định cư nước Mỹ theo diện ODP. Vân bị rớt phỏng vấn, phải ở lại Việt Nam vì bị nghi làm hôn thú giả… Mấy năm sau đó, có lẽ vì buồn, vì nhớ con hay vốn liếng tiếng anh không có, bà xã Vân khăn gói quay trở về Việt Nam sống với chồng con… Hai vợ chồng chẳng có việc làm, sinh sống qua ngày nhờ tiền của thằng con…

Tôi phải dừng lại ở đây, biết rằng Thương về Kỷ niệm sẽ còn nhiều điều cần được viết.

VÂN NGUYỄN, SUMMER 2012.


 
ĐỒNG HƯƠNG © 2012 - Xây dựng bởi Blog Thiết Kế – Hỗ trợ bởi Người Áo Lam - Giao diện Rumah Dijual