BA XUYÊN – NHỮNG NGÀY THÁNG ĐI DẠY



Lời nói đầu :
 Thầy Nguyễn văn Tòng đã từng là giáo sư Việt Văn của Trường trung học Hoàng Diệu Ba Xuyên vào năm 67-68, sau đó Thầy đi lính một thời gian và trở về tiếp tục dạy đến 1978 thì bị đuổi ra khỏi trường vì tội vượt biên…Hiện nay Thầy đang sống ở Vĩnh Long, đang gặp nhiều khó khăn vì bệnh tật, nghèo túng.
Đây là bài viết của Thầy, bày tỏ tâm sự khi mới về nhận nhiệm sở vào năm 1967, được quay roneo chuyền tay bạn bè đọc.
Năm 2008 bài được đăng trong Đặc San Sóc Trăng ở SanJose, nay xin gởi lại các bạn HD gần xa cùng chia xẻ.
TNA 

BA XUYÊN – NHỮNG NGÀY THÁNG ĐI DẠY  
Nguyễn văn Tòng

     Nhắc đến những kỹ niệm đối với một thành phố, người ta thường gợi lên những thắng cảnh hoặc những nét đẹp đặc thù của thành phố đó. Chẳng hạn như Đà Lạt gợi lên hình ảnh bầu trời mênh mông, những đồi núi trùng điệp, những con đường vắng chuồi mất hút, những mặt hồ im lìm, những đêm sương sa mù mịt với ánh đèn mờ ảo lung linh… Nói đến Huế, người ta nghĩ ngay đến những lăng tẩm cổ kính, những địa danh đã làm cho thành phố Huế trở nên thơ mộng: Vĩ Dạ, An Cựu, Bến Ngự, Nam Giao… Và đặc biệt là con sông Hương. Con sông đã gắn liền thành phố làm nên linh hồn của thành phố Huế. Con sông mù sương buổi sáng, rực rỡ buổi trưa, êm đềm buổi chiều, man mác ban đêm. Và người ta cũng không quên nhắc tới cầu Trường Tiền, trường Đồng Khánh…

    Tôi chưa bao giờ biết thành phố Huế cũng chưa hề đặt chân lên thành phố Đà Lạt nên tôi không hiểu gì về những cái đẹp của các thành phố này ngoài những lời ca tụng của những người đã từng sống hoặc đã du ngoạn ở những nơi được gọi là thắng cảnh của đất nước.
          Ba Xuyên là thành phố tôi đang sống
  Có thể nói không có một nét đẹp đặc biệt nào khoác lên khuôn mặt của thành phố không mấy sáng sủa này. Quốc Lộ 4 chạy dài xuyên qua thành phố là con đường huyết mạch của Ba Xuyên. Con đường rộng và thẳng tấp, hai bên phố gồm những tiệm, hàng quán buôn bán của người Tàu tạo cái  trung tâm thành phố một vẻ gì hao hao như một khu Đồng Khánh của Chợ Lớn. Ở Ba Xuyên sinh hoạt ban ngày khá ồn ào, cái ồn ào của một thành phố thương mại. Về đêm, thành phố vắng lặng, ngoài vài rạp ciné, một vài quán ăn ở bờ sông và các tiệm nước của người Tàu là có đôi chút náo nhiệt. Nếu bạn thả mình trên một chiếc xe lôi hoặc đi bách bộ trên đường chính, thẳng xuống Cầu Quây, vào một quán ăn nào đó ở bên bờ sông gọi một “Cái Lẩu” và một lon bia rồi thả nhìn ngắm chung quanh. Bạn sẽ có cảm giác khó chịu với dòng nước đục ngầu lờ đờ uể oải đầy rác rến nhấp nhánh ánh đèn vàng vọt bệnh hoạn. Bên kia bờ sông nơi ánh sáng và bóng tối giao thoa, lờ mờ những ống cống đen ngòm to tướng, lúc nào cũng chực nhả ra những ghét bẩn làm ô uế thành phố.
     Cái đẹp của Ba Xuyên chỉ có vậy, là thành phố của hoạt động và im lặng. Nếu một thành phố được coi như một con người, có linh hồn và sinh hoạt của nó, thì Ba Xuyên là một con người bình thản vô tư lự an phận, thích hợp với những tâm hồn ưa đóng khung trong thế giới bình yên. Người ta không thể đòi hỏi…một sự vùng dậy vươn lên của thành phố này. Cũng không có nơi đây một hoạt động tinh thần có tính cách suy tư và sáng tạo. Óc thực tế và cầu an đã tạo nên một sắc thái đặc biệt cho Ba Xuyên.
     Nếu thế thì Ba Xuyên có gì khiến cho tôi chú ý. Phải nói ngay rằng chính những kỹ niệm đầu tiên của ngày chính thức bước vào nghề dạy học và những khuôn mặt khó quên trong đời, tôi đã gặp gỡ nơi đây khiến tôi cảm mến thành phố này hơn bất cứ thành phố nào mà tôi đã đi qua và tôi sẽ đi qua.
     Tôi biết hắn ở thành phố này. Và cũng biết em ở thành phố này. Hắn là bạn. Em là học trò. Đó là những kỹ niệm tôi sẽ mang theo để làm hành trang cho cuộc đời trong những ngày sắp tới.
     Tôi quen hắn từ đầu niên học 1967-1968 khi tôi bước chân đến thành phố Ba Xuyên. Hắn có những nét đặc biệt làm tôi chú ý. Tôi hay sống bằng suy nghĩ và ưa thu mình vào thế giới riêng tư hồi còn đi học ở trường Trung học và Đại học. Đi học tôi thường ngồi cuối lớp và không bao giờ phát biểu ý kiến dầu biết hay không, nếu không được thầy hỏi đến. Nhưng tôi để ý từng người trong đám bạn bè để tìm hiểu cá tính đặc biệt của họ. Chẳng hạn như Vỹ nhỏ người mà to tiếng, Tước lấc cấc ồn ào, Uyển trầm tư ít nói, Nhân đứng đắn mực thước, Loan đẹp nhưng đanh đá chua ngoa, Lan, người bạn gái học cùng lớp, dạy cùng trường vừa đổi đi hiền lành, khắc khổ xuất hiện giữa bạn bè như một chiếc bóng mờ…Mỗi người một khuôn mặt. Mỗi người có một lối đi riêng trong đời.
     Nghề dạy khiến tôi quen biết và tiếp xúc nhiều với các bạn đồng nghiệp ngoài đám học trò. Có những người bạn đồng nghiệp trẻ trung dễ thương như Nh, L, S… Có những người đạo mạo nghiêm trang như các cụ già: H, T, V…Nhưng không có ai đặc biệt như hắn. Người tầm thước. Mặt xương xương. Da đen xậm. Tóc lòa xòa trước trán. Cặp kính cận khá dày. Bước đi chậm rãi nhưng vững chắc. Lưng hơi còng, mặt cúi gằm xuống đất. Điếu Capstan không mấy khi rời môi, trừ những giờ dạy học ở lớp. Đó là hình ảnh của hắn. Nơi con người hắn có cái gì vừa kiêu bạc ngạo nghễ, vừa khoắc khoải chán chường. Thái độ tự cao, bất cần đời ấy biểu lộ ngay ở cách ăn mặc. Đôi giày đen cũ kỷ bạc màu thuộc loại được dùng cho các cầu thủ đá những quả bóng bằng sắt, thắt lưng không có bút nịt, những chiếc áo, những cái quần vô tình đứt nút…
     Ăn mặc đứng đắn để đi dạy là thế. Ngoài giờ làm việc người có óc quan sát phải để ý đến đôi dép của hắn, đôi dép mòn lẵn có thể dùng để cạo nhẵn bộ râu quai nón của một vị giáo sư trong trường. Hắn không giống ai. Hắn không thể rập khuôn theo mọi người, cô độc và kiêu hãnh. Có người cho rằng hắn không được bình thường. Có người nói hắn không có tác phong thầy giáo. Hắn bị nhiều tai tiếng bạn đồng nghiệp không ưa nhưng học trò cảm mến.  Riêng tôi, tôi mến và thương hắn lắm. Chưa hẳn là đồng điệu vì có những ngón nghề của hắn hoặc tôi không thích hoặc theo không nổi. Tôi không thể học được những đường cơ cao diệu của hắn ở bàn bi-da hoặc ngón xập-xám thân tình nơi chiếc chiếu bạc. Nhưng tôi thương hắn ở điểm khác: người có bản tính ưa pha trò cố hữu, hắn là con người phóng khoáng chịu chơi và nhứt là nơi hắn có một chiều sâu đáng mến. Hắn dám tiêu đến đồng bạc cuối cùng mà không hề tính toán. Tôi đã từng bắt gặp hắn vo vo trong lòng bàn tay một vài đồng bạc chì mà thấy thương hắn nhiều. Không phải là một thứ thương hại giả dối của một vài vị giáo sư chăm chỉ dạy học, hái ra tiền để mua vàng về cất mà là tình thương chân thật của một người bạn hiểu biết cảm thông.
     Ngày mai này có thể hắn sẽ ra đi. Thành phố thiếu vắng một khuôn mặt lạ lùng. Tôi mất một người bạn ở đây. Điều đó có làm cho tôi buồn không, tôi chưa nghĩ tới bởi vì hiện giờ dầu sao tôi vẫn còn có em.
     Ngày tôi mới bước chân đến thành phố này để dạy học em không là học trò của tôi. Vì thế tôi không biết em. Nhưng tôi đã gặp vào một dịp nào đó, ở một nơi nào đó cách đây đã lâu. Ngày ấy em là một em gái nhỏ. Khuôn mặt hồng hào của tuổi thơ lồng trong mái tóc đen uốn ngắn, đôi mắt to trong sáng, nhưng mơ màng chìm đắm trong một thời đại, một không gian nào xa vắng. Hình ảnh em mờ ảo xa xôi như vọng lại từ một thời nào, một nơi nào trong quá khứ, một thiên đường nào tôi đã dấn bước đi qua. Em là một trẻ-con-người-lớn. Lúc đó tôi không để ý nhiều đến em vì tôi còn bận những nổi niềm ưu tư riêng. Vài hôm sau tôi từ giả Ba Xuyên khăn gói lên đường, bỏ lại sau lưng thành phố của những ngày gió mưa lầy lội, những buổi trưa hè nắng gắt, từng mãng ánh nắng hắt vào người làm rát cả mặt hòa với bụi đường lớp lớp xông lên nồng nặc khó thở. Ba Xuyên có mang kỹ niệm nào không trong một chuyến đi không hẹn ngày trở lại ? Tôi bị gọi nhập ngũ. Những ngày ở quân trường Quang Trung. Những đêm ứng chiến lạnh lùng sương gió, thu mình trong chiếc Poncho, nghe từng giọt mưa thấm lạnh luồn qua cổ áo tôi thấy nhớ Ba Xuyên lạ lùng. Một kỹ niệm nào đó xâm chiếm tôi mãnh liệt. Tôi nhớ tới những sớm mai ngập nắng bên Hồ Nước Ngọt. Nhớ tới những chiều trên đường lên ngã ba An Trạch, gió lộng bốn bề, đồng lúa vàng bát ngát. Nhớ đến một người con gái - một đứa học trò – tóc uốn ngắn, khuôn mặt hồng hào, một vẽ trẻ-con-người-lớn. Rồi những khi nào ở quân trường Đồng Đế, những lần học tập quân sự ban đêm, Trên đồi cao heo hút, bóng tối thâm u bao trùm ngọn đồi trần trụi. Vòm trời xanh ở phía Tây, ngôi sao Hôm treo lơ lửng như một chiếc lồng đèn bên trên thành phố. Tôi nghĩ đến một nơi nào đó xa xôi cách trở, ở tít đằng xa, bên kia chân trời, quá tầm con mắt, nơi một thành phố thanh bình, em đang chăm chỉ học hành, xây đắp tương lai, dáng ngồi nghiêng nghiêng, mắt mở to, khuôn mặt điềm đạm. Có nghĩ gì không em ? Ở thành phố bên này, có bao giờ em cất tiếng gọi vọng một lời qua bên kia trùng trùng biển cả ? Tương lai em, cuộc đời em là những chiều xanh mượt như nhung. Đường đi của em lót bằng hoa, bằng mộng. Có bao giờ em nghĩ đến một người đang ở một phương trời lận đận hay không ? Những lúc đó tôi thẩn thờ chết lặng. Khuôn mặt hồng hào, mái tóc uốn ngắn, đôi mắt mở to hiện rõ ràng hơn tất cả những gì đang có trước mặt tôi. Hiện tại tương lai là của em. Quá khứ là tôi. Tôi nhớ em nhiều…
     Một bất ngờ được trở về nghề dạy học để tôi có mặt trở lại thành phố Ba Xuyên này, để tôi về với em. Vẫn đôi mắt tròn to, vẫn khuôn mặt hồng hào nhưng mái tóc dài xỏa xuống bờ vai trông em già dặn hơn xưa, mặc dù em còn trẻ lắm, cái trẻ của tuổi học trò. Bây giờ em là người lớn-trẻ con.
     Lúc đầu gặp lại tôi, có lẽ em còn nhớ ra ông Thầy này đã có lần đi lính. Hết. Chỉ bấy nhiêu thôi. Học trò cũ của tôi ngày xưa cũng vậy. Có đứa gặp lại dửng dưng. Có đứa nhớ Thầy hỏi thăm:”Thầy đi lính có vui hôn !. Thầy ra trung sĩ, quê quá.” Hơi buồn. Không trách. Các em lớn rồi dĩ nhiên phải thay đổi nhiều.
     Tôi còn nhớ một bận nào cách đây không lâu, trên đường về nhà trọ từ bến xe Cần Thơ, ngồi trên xe lôi tôi bắt gặp em đang đi bộ về nhà. Xe trờ tới sát bên, nhìn thấy tôi em cúi gằm mặt xuống phớt tỉnh không chào. Em lạ mặt với tôi. Nhưng những ngày gần đây thì khác. Có những thay đổi nào đó trong em. Nhiều lần trong giờ dạy tôi bắt gặp tia nhìn âu yếm của em, tôi sung sướng âm thầm nhưng cũng bàng hoàng đau xót. Một ý nghĩ thoáng qua làm tôi rợn cả người: Thầy là cha mẹ. Đừng nghe em. Tại sao ? Giữa chúng mình có một khoảng cách khó lòng san phẳng ? Không ! Không phải vậy. Tôi coi thường thành kiến và không bao giờ mang mặc cảm tội lổi vì lương tâm tôi trong sáng. Tôi gần ba mươi tuổi rồi, tôi hiểu thế nào là tình yêu và ý nghĩa cuộc đời. Tôi không còn những ham mê hời hợt, nóng bỏng của thời mười tám hai mươi. Nhưng tôi sợ lắm. Một lần tình yêu mở ngõ là một đón nhận đau thương trong đời. Em không hiểu được tôi đâu. Cuộc đời cô độc đã hằn sâu trên trán.
     Lời nói của một Thầy học cũ ngày xưa từ năm mười sáu đã gây xúc động nơi lòng tôi không ít . “Tôi là hình ảnh của người cảnh sát đứng ở ngã tư đường điều hòa xe cộ. Anh chị có dừng lại một phút giây nào đó rồi anh sẽ đi đường anh, chị sẽ về nẻo chị, chỉ có người cảnh sát đứng mãi ở ngã tư đường để hít lấy bụi bậm mà thôi.”
     Đó là hình ảnh của tôi, của em, của các em. Tôi không muốn nói thêm điều gì nữa. Những bất ngờ không thể đoán trước. Biết đâu ngày mai tôi cũng lên đường. Giã từ. Từ giã. Bỏ lại. Để rồi ở một nơi nào đó tôi chỉ còn nhớ đến những kỹ niệm của thành phố này qua hai khuôn mặt: một ông Thầy, một đứa học trò. Hắn và Em.


NVT

(Cựu Giáo Sư Trung Học Hoàng Diệu)


 
ĐỒNG HƯƠNG © 2012 - Xây dựng bởi Blog Thiết Kế – Hỗ trợ bởi Người Áo Lam - Giao diện Rumah Dijual