ĂN GÌ ĐỂ TRẺ MÃI KHÔNG GIÀ –PHẦN 1


     
Một chế độ ăn uống cân bằng giúp bạn xuống cân, sống thọ và mạnh khỏe hơn…[1]. Sau đây là những tài liệu sưu tầm quý giá từ Internet để cống hiến độc giả hầu giúp ích cho đời sống hằng ngày của chúng ta:
Rau quả có chứa nhiều flavonoid và carotenoid, là hai chất có tác dụng chống ốc xít hóa (antioxydant) rất lớn, đồng thời loại bỏ những free radical trong da và cơ thể làm bạn chóng già. Để bảo vệ sức khỏe và chống lão hoá, cơ thể cần các chất kháng ôxy hóa như vitamin C, E, caroten, selen... Chúng ngăn chặn sự huỷ hoại tế bào và bù đắp các tổn thương do quá trình đó gây ra. Thay vì uống thuốc bổ, bạn nên ăn nhiều rau quả để bổ sung các chất đó. Trong cơ thể có những phân tử hoạt tính cao luôn tấn công các tế bào. Đó là các gốc tự do, xuất hiện trong quá trình cơ thể thực hiện "chức năng sống” (hô hấp, tuần hoàn...) và tiếp xúc với môi trường (nắng, khói xăng dầu...). Các chất chống ôxy hoá là khắc tinh của gốc tự do; giúp ngăn chặn những “tổn thương” ở mức tế bào, phòng tránh được ung thư, bệnh tim và nhiều vấn đề sức khỏe liên quan đến tuổi tác như suy thoái điểm vàng ở mắt.
Nguồn chất chống ôxy hóa dồi dào và hiệu quả nhất chính là rau và trái cây tươi. Trong nghiên cứu mới đây, những người tình nguyện được ăn theo chế độ giống nhau; mỗi người nhóm 1 được nhận thêm khoảng 6 suất (mỗi suất khoảng 1 chén, 250 ml) trái cây và rau mỗi ngày; còn nhóm 2 được uống thuốc bổ (bổ sung sinh tố, muối khoáng). 25 ngày trước và sau chương trình thực nghiệm, họ được đánh giá hệ thống phòng vệ, mức độ tổn thương tế bào do ôxy hóa, định lượng dưỡng chất kháng ôxy hóa. Kết quả cho thấy, nhóm 1 được các chất kháng ôxy hóa bảo vệ tốt hơn và ít bị tổn thương tế bào hơn so với nhóm 2. Chỉ ở nhóm 1 mới có sự tăng lượng enzym kháng ôxy hóa thiết yếu để bảo vệ cơ thể.
Viện Nghiên cứu Ung thư Mỹ khuyến cáo, bữa ăn với các món nguồn gốc thực vật là chế độ có lợi nhất đối với sức khỏe, là nguồn cung cấp chất kháng ôxy hóa tốt nhất bao gồm: ngũ cốc còn nguyên vẹn các lớp bao ngoài; đậu hạt và quả hạch, gia vị và rau thơm.
Thức ăn thực vật không chỉ có chất kháng ôxy hóa mà còn chứa những chất sinh - hóa thực vật có lợi khác. Các công trình nghiên cứu tại Đại học Cornell Mỹ đã xếp loại được nhiều cây cỏ có khả năng kiểm soát sự phát triển của tế bào ung thư.
Để được cung cấp thật nhiều chất sinh hóa thực vật (có đến hàng trăm chất), nên ăn đa dạng nhiều loại rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, đậu... Còn nếu chỉ uống thuốc bổ thì dù có dùng loại thuốc tốt đến mấy cũng không thể cung cấp đầy đủ những chất có trong thức ăn thiên nhiên.
Artichaud/artichoke:

Actisô có nhiều chất dinh dưỡng như các sinh tố C, B, folacin, chất xơ và một vài khoáng chất như sắt, kali.
Về phương diện ẩm thực, actisô thường được luộc, hấp cách thủy để ăn hoặc ninh với thịt gà, thịt lợn. Actisô có thể được dùng tươi, để đông lạnh hoặc đóng hộp.
Nhiều nghiên cứu cho biết Actisô có tác dụng bảo vệ gan, làm hạ cholesterol trong máu và đường huyết, kích thích sản xuất mật, giảm đau khớp xương, thông tiểu tiện. Tại vài quốc gia, dung dịch chế biến từ actisô được dùng làm thuốc chích chữa các bệnh về gan. Trà Actisô là thức uống được rất nhiều người ưa dùng.
Theo nhiều nhà chuyên môn, actisô không gây tác hại cho cơ thể.
Loại artichaud giúp làm mờ đi vết quầng ở dưới mắt nhờ có chứa gấp 5 lần lượng chất sắt so với khoai thường. Jerusalem artichoke, một loại atisô giúp làm mờ vết quầng ở dưới mắt. Bí quyết thẩm mỹ của chúng nằm ở chất sắt, vốn chứa nhiều gấp 5 lần so với khoai lang hoặc khoai tây. Ăn loại củ này giúp bổ sung chất sắt mà cơ thể khiếm khuyết, một nguyên nhân thông thường dẫn đến sự xanh xao, khiến túi quầng dưới mắt càng nổi bật thêm.
Một chế độ ăn uống cân bằng giúp bạn xuống cân, sống thọ và mạnh khỏe hơn nhưng cũng làm cho bạn trẻ hơn nữa.
Trái Mướp Đắng (khổ qua-Momordica charantia): màu xanh có bề ngoài gồ ghề ngộ nghĩnh đã được ghi trên sáu con tem biểu tượng cho sáu loại cây thuốc thiên nhiên có dược tính trị bệnh cao mà Liên Hiệp Quốc phát hành vào năm 1980.

Mướp đắng chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng căn bản như nước, đạm, carbohydrat, béo, sinh tố và một số khoáng chất với tỷ lệ khác nhau. Mướp đắng có thể dùng để ăn sống, nấu canh, xào với thịt bò, muối dưa, phơi khô làm trà pha nước uống...
Canh thịt heo bằm nhỏ nhồi vào mướp đắng là món ăn đặc biệt ở miền Nam Việt Nam. Mướp đắng hấp với tôm tươi, thịt nạc, mộc nhĩ, nấm hương, hành khô, mắm muối tiêu, xảo với thịt… tạo ra vị hơi đắng hòa với hương thơm mùi tôm thịt là món ăn giải nhiệt, bổ dưỡng. Món xà lách mướp đắng cũng rất hấp dẫn, ăn vào mát cơ thể…Mướp đắng được coi như có khả năng làm hạ đường huyết, hạ huyết áp, chữa ho, giảm đau nhức, sát trùng ngoài da, trừ rôm sẩy ở trẻ em.
Trong mướp đắng cũng có một hóa chất có khả năng ngăn ngừa sự thụ thai ở loài chuột. Trên thị trường hiện nay có bán trà khổ qua, được giới thiệu là có thể giúp ngủ ngon, đại tiện dễ dàng, mát gan, bổ mật, giải nhiệt, giải độc trong cơ thể và khi dùng thường xuyên sẽ ngừa được các biến chứng của bệnh tiểu đường, sỏi thận, mật.... Ngoài ra khổ qua hay mướp đắng còn chữa được những triệu chứng như sau:
Ø Kích thích ăn uống, tiêu viêm, thoái nhiệt: Mướp đắng giúp kiện tỳ khai vị (kích thích chức năng tiêu hóa); Alkaloid trong mướp đắng có công hiệu lợi niệu hoạt huyết (lợi tiểu, máu lưu thông); tiêu viêm thoái nhiệt (chống viêm, hạ sốt); thanh tâm minh mục (mát tim sáng mắt).
Ø Phòng chống ung thư: Thành phần protein và nhiều lượng vitamin C trong mướp đắng giúp nâng cao chức năng miễn dịch của cơ thể, làm cho tế bào miễn dịch có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư; Nước cốt mướp đắng chứa thành phần protein tựa như hoạt chất Alkaloid, giúp tăng cường chức năng nuốt của các thực bào.
Ø Giảm thấp đường huyết: Nước cốt mướp đắng tươi, có tác dụng hạ đường huyết tốt, là món ăn lý tưởng cho người bệnh tiểu đường.
Ø Nước tắm cho trẻ em nhiều rôm sảy: Mướp đắng 2 - 3 quả. Rửa sạch, bổ làm đôi, nấu với nước, lấy nước tắm cho trẻ. Ngày làm 1 lần.
Ø Chữa ho: Mướp đắng 1 - 2 quả. Rửa sạch, bổ làm đôi, nấu với nước, lấy nước uống trong ngày.
Ø Chữa thấp khớp: Lá mướp đắng 8g, dây đau xương sao 8g, cây xấu hổ 8g, rễ nhàu 8g, cỏ xước 8g, cây vòi voi sao 8g, cối xay 8g, rễ ngũ trảo 5g, dây thần thông 5g, quế chi 4g, gừng tươi 3g. Sắc uống ngày 1 thang.
Ø Nước sắc khổ qua: Khổ qua 1 - 2 quả, tách bỏ ruột, thái lát, sắc lấy nước cho uống. Dùng cho các trường hợp tiểu đường, sốt cao mất nước, miệng khô, họng khát.
Ø Nước chiết khổ qua ướp đường: Khổ qua tươi 1 - 2 quả. Khổ qua rửa sạch, nghiền nát nhuyễn, cho thêm 100g đường trắng trộn khuấy đều để sau 2 giờ đem khuấy nước sôi nguội và lọc lấy nước cho uống 1 lần. Dùng cho chứng nhiệt lỵ
Cải Hoa (Broccoli): Trong cải hoa có indole-3-carbinol và sulforaphane giúp chống ung thư vú. Ngoài ra cải hoa còn chứa nhiều vitamin C và beta carotene. Một cóng cải hoa (xắt nhỏ) có 25 calori, 0g chất béo và 3g chất sơ. Đửng nấu quá chin, chỉ nên chạy microwave hay hấp hơi nước đôi chút đễ giữ các chất dinh dưỡng thực vật. Vắt thêm chanh để tăng hương vị.

Tỏi (garlic) có antioxidant nhiều gấp đôi tỏi thường và có thể ăn sống. Chúng không những giúp phục hồi tế bào da bị hư hại do tiến trình lão hóa mà còn làm cho da mạnh khỏe thêm. Nên dùng tỏi đen thay cho tỏi thường trong việc nấu nướng hằng ngày. Các hợp chất sulfur làm tỏi có mùi cay nồng cũng có công dụng làm hạ mức cholesterol xấu (HDL), giảm huyết áp và giảm rủi ro bị ung thư dạ dày và kết tràng. Một củ tỏi chứa 4 calori, 0g chất béo và 0g chất sơ. Nướng lò nguyên nhánh tỏi trong 10 hay 20 phút cho tới khi mềm và thơm rồi phêt lên bánh mì thay cho bơ. Một hợp chất trong tỏi có tác dụng ngăn chặn ngộ độc thực phẩm gấp 100 lần so với các loại thuốc kháng sinh phổ biến, theo nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Washington (Mỹ). Các nhà khoa học thuộc Đại học Washington phát hiện hợp chất diallyl sulphide trong tỏi có thể dễ dàng phá hủy lớp màng bảo vệ của các loại vi khuẩn gây bệnh trong cơ thể. Thậm chí, chất hóa học này có hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn gấp 100 lần so với hai loại thuốc kháng sinh thông dụng là
erythromycin và ciprofloxacin. Tiến sĩ Michael Konkel, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi rất thú vị. Nó cho thấy chất diallyl sulphide trong tỏi có khả năng giảm nguy cơ nhiễm vi khuẩn trong môi trường và nguồn cung cấp thực phẩm của chúng ta”. Theo Daily Mail, phát hiện trên có thể mở ra những phương pháp xử lý mới đối với thịt tươi sống và chế biến, nhằm giảm nguy cơ nhiễm vi khuẩn Campylobacter. Loại vi khuẩn này là nguyên nhân chính gây ra ngộ độc thực phẩm ở Mỹ và các nước khác trên thế giới. Các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Campylobacter gây ra bao gồm tiêu chảy, đau bụng, co thắt và sốt. Loại vi khuẩn này cũng là nguyên nhân gây ra gần 1/3 số trường hợp mắc hội chứng rối loạn tê liệt thần kinh Guillain-Barre rất hiếm gặp. Phần lớn những bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn Campylobacter do ăn thịt gia cầm sống hoặc nấu chưa chín hay những thực phẩm và đồ dùng để ở những nơi bẩn thỉu.

Rau Đắng đã đi vào văn hóa âm nhạc trong những bài viết nhiều tình người, tình quê hương của nhạc sĩ Bắc Sơn từ rừng cao su Dầu Tiếng. Rau đắng nấu canh với các loại cá, nhúng lẩu hoặc chấm mắm kho là những món ăn tuyệt hảo của bà con miệt đồng. Rau đắng còn có thể nấu với thịt heo bầm nhuyễn, với tép, với tôm…
Mới ăn rau có vị khá đắng, chỉ kém có khổ qua, nhưng ăn quen lại thấy ngòn ngọt, nhớ hoài. Rau đắng cũng được dùng trong y học.
Theo Giáo sư Đỗ Tất lợi, rau đắng được dùng làm thuốc lợi tiểu, bổ thận, giúp ăn ngon và giảm đau khi đắp lên nơi tê thấp, rắn cắn. Nhạc phẩm “Còn thương rau đắng mọc sau hè” với tiếng hát Hương Lan, Như Quỳnh đã làm bao nhiêu khách ly hương khi nghe mà mắt nhòe ướt lệ.

Ai cách xa cội nguồn
Ngồi một mình nhớ lũy tre xanh
Dạo quanh khung trời kỷ niệm
Chợt thèm rau đắng nấu canh
Vì nhớ tới những lũy tre xanh nơi có người chị đầu bạc tóc ân cần nhổ tóc sâu cho chú em từ xa về thăm quê. Có những bà mẹ hiền luôn luôn chăm sóc miếng ăn, thức uống cho chồng cho con.
Rau đắng nấu canh với các loại cá, nhúng lẩu hoặc chấm mắm kho là những món ăn tuyệt hảo của bà con miệt đồng. Rau đắng còn có thể nấu với thịt heo bầm nhuyễn, với tép, với tôm…Mới ăn rau có vị khá đắng, chỉ kém có khổ qua, nhưng ăn quen lại thấy ngòn ngọt, nhớ hoài.
Rau đắng cũng được dùng trong y học. Theo Giáo sư Đỗ Tất lợi, rau đắng được dùng làm thuốc lợi tiểu, bổ thận, giúp ăn ngon và giảm đau khi đắp lên nơi tê thấp, rắn cắn.

Củ sắn (Jicama) là loại củ có chứa dồi dào nguồn vitamin C, có thể ăn sống hoặc nấu chung với thức ăn. Củ sắn giúp loại trừ vết chân chim ở hai bên khóe mắt.

Rau sam (purslane) là một loại thảo mộc có chứa nhiều axít béo (fatty acid) omega-3, giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch và tai biến mạch máu não. Ngoài ra rau sam cũng chứa nhiều vitamin A, B và C.

Bơ làm từ hạt của hoa hướng dương (sunflower seed butter) có chứa nhiều loại axít béo có tác dụng giúp hạ cholesterol và đánh tan máu đông trong động mạch. Nên ăn bơ này thay vì bơ đậu phụng (peanut butter).

Khoai  lang, ớt và quả hạnh almond tiêu biểu cho nhóm thực phẩm ACE, tức thực phẩm có chứa nhiều vitamin A, C và E, vốn giàu chất antioxidant giúp phục hồi tế bào da bị hư hại và loại bỏ các free radical là căn nguyên làm bạn già trước tuổi.
Loại củ có màu sáng đậm như khoai lang, có chứa nhiều vitamin A, giúp loại trừ free radical.

Ớt có lượng vitamin C cao nhất, nên ăn sống để có được hiệu năng tối đa.

Cũng như mọi thực phẩm có nhiều vitamin E khác, quả hạnh amond giúp da phục hồi độ ẩm và mịn màng hơn nhờ gia tăng sản xuất chất nhờn.
Noni nhầu nguyên chất nổi tiếng nhờ tính chống viêm, giúp chống hình thành bướu trong cơ thể, kể cả chống da nhăn.

Quả lý chua đen (black currant) có chứa hợp chất anthocyanosides, giúp cải tiến thị giác. Hơn nữa, loại siêu thực phẩm này còn chứa 5 lần lượng vitamin C so với cam, khiến gia tăng mức miễn nhiễm của cơ thể.

Mầm lúa mì (wheat germ) có giàu chất kẽm, vốn đóng một vai trò quan trọng trong việc sản xuất tế bào da mới. Chúng còn mang tính chất chống viêm, giúp ngăn chận eczema. Nghiên cứu gần đây cho thấy mầm lúa mì giúp trị bớt mụn. Ăn nửa tách mầm lúa mì mỗi ngày để bổ sung cho lượng kẽm cơ thể cần.

Rau dền (épinard/spinach-Amaranthus) là một nguồn vitamin C dồi dào mà cơ thể cần để tạo sebum, một chất liệu dầu do các tuyến nhờn tiết ra. Sebum là một thứ dầu dưỡng tóc thiên nhiên (natural conditioner) giúp cho tóc óng mượt, nhìn trẻ trung, trong khi giúp cho tóc không bị khô. Lutein và zeaxanthin, carotenoid ngăn chặn bệnh thoái hoá điểm vàng, nguyên nhân chính gây mù lòa cho các ngưởi già. Ngoài ra rau dền đươc biết là có thể làm lui một số dấu hiệu lão hóa. Thân và lá rau dền có vị ngọt, chứa sắt, vitamin B2, vitamin C, acid nicotic và calcium (dền gai có hàm lượng calcium tối đa đến 0.2%). Hạt ngoài các thành phần vitamin A, vitamin C còn giàu tinh bột, đạm thực vật (các loài dền hạt trồng làm lương thực có hàm lượng đạm thực vật từ 12 đến 16%) và lysine. Môt cóng chứa 7 calori, 0g chất béo và 1g chất sơ. Có thể dùng lá sống để trộn sà-lách hoặc xào với chút dẩu ô-liu và tỏi. Y học cổ truyền phương Đông còn sử dụng dền để làm thuốc. Ở Việt Nam, dền đỏ được dùng trong các bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, sát trùng, trị độc...; dền cơm dùng trong các bài thuốc chữa táo bón, nhức đầu, chóng mặt...; dền gai là một vị thuốc trị rết cắn, ong đốt, mụn nhọt, lị...Ở Mexico, cây dền hạt cũng được dùng trị bệnh nhuận tràng, sử dụng làm chất kết dính trong công nghiệp dược. Rau dền đã gắn bó với cuộc sống lam lũ của người Việt Nam nhiều thế hệ và ghi dấu ấn trong văn học dân gian cũng như hiện đại:

    Lỡ duyên em phải ưng anh
    Tiếc con tôm bạc nấu canh rau dền.
    Trời mưa cho ướt lá dừa
    Cho tươi liếp cải cho vừa lòng em.
    Cho em hái đọt rau dền,
    Nấu tô canh ngọt dâng lên mẹ già
Cải Tàu (Chinese cabbage/Bok Choy): Loại cải này là một vũ khí mạnh chống ung thư vú nhờ vào chất brassinin (ngăn chặn các cục bướu vú) cộng thêm các chất indole và isothiocyanate (giảm mức estrogen). Một cóng chứa 158mg calcium (16% nhu cầu vể can-xi mỗi ngày) giúp chống bệnh loãng xương. Một cóng (rau đã luộc) chứa 20 calori, 0g chất béo và 3g chất sơ. Xắt các đọt cải xanh và ngọt rổi xào như rau dền.

Rau diếp cá (romaine lettuce) là loại rau lá xanh có chứa nhiều vitamin A, giúp hồi sinh da đồng thời kích thích tăng trưởng tế bào da mới. Diếp cá hoặc rau Giấp là món ăn ưa thích của bà con miền Nam.  Cách đây mấy chục năm, dân cư miền sông Hồng, núi Ngự vào giao lưu với Cửu Long Giang là rất lắc đầu “nhăn mặt” vì vị tanh tanh “lợm giọng” khi ăn phải cọng rau này. Vậy mà bây giờ, Nam Trung Bắc một nhà, nhiều người cũng đều ưa thích diếp cá. Nhưng cái tanh tanh, béo béo của diếp cá lại rất “hiệp nhất” với cái tanh của những miếng cá còn tươi. Phải chăng đây là duyên tiền định với tên “diếp cá”. Trung Quốc gọi diếp cá là “Ngư Tinh Thảo” và tiếng Anh gọi là Fish Mint. Ở nước ta, diếp cá mọc hoang khắp vùng đất ẩm thấp và cũng được trồng làm rau ăn hoặc làm thuốc trị bệnh. Diếp cá có thể ăn sống hoặc dùng làm gia vị chung với các rau khác trong bữa ăn. Có người hầu như ghiền với diếp cá, thiếu nó như thiếu người tình hơi “bị” cho là chanh chua nhưng dễ thương. Lá diếp cá ăn vào rất mát, có thể làm trĩ hậu môn xẹp xuống. Ngoài ra, diếp cá cũng được y học dân gian tại nhiều quốc gia dùng làm lợi tiểu tiện, hạ cao huyết áp, giảm ho, tiêu diệt vi khuẩn. Nghiên cứu tại viện y dược Toyama, Nhật Bản, cho hay diếp cá có chất chống oxy hóa rất mạnh quercetin có thể ngăn chặn nhiều loại ung thư và tăng cường tính miễn dịch..

Trong Lĩnh Nam Bản Thảo, danh y Hải Thượng Lãn Ông tóm tắt:
Ngư Tinh Tảo gọi cây rau Giấp
Ấm cay, hơi độc, mùi hôi tanh
Ung thũng, thoát giang với đầu chốc
Đau răng, lỵ ngược chữa mau lành
Ớt đỏ (red pepper) và brussels sprout cả hai đều giàu vitamin C.

Gừng (Ginger): Gingerol làm dịu cơn buồn nôn. Còn có những hợp chất khác chống bệnh nhức nửa đầu và viêm khớp bẳng cách ngăn chặn các prostaglandins gây viêm. Một muỗng nhỏ củ gừng tươi giã nhỏ chỉ có 1 calori, 0g chất béo và 0g chất sơ. Gọt lớp vỏ nâu cứng bên ngoài rổi xắt lát hay nghiền vụn.

Hạt trái lựu (promegranate seed) có chứa hai tác nhân giúp chống da bị hư hại.

Cà chua cung cấp chất lycopene (C40H56) giúp ngừa bệnh tim mạch, cholesterol cao và ung thư. Lycopene còn tác dụng ngăn chận tia mặt trời, không để tia tử ngoại làm cho da nổi đốm, khô và nhăn nheo. Nhớ ăn nhiều cà chua để có được hiệu năng chống lão hóa tối đa. Lycopene, một trong những chất carotenoid mạnh nhất, động tác như một chất chống oxy-hóa. Nghiên cứu cho thấy là cà chua nếu ăn đều mỗi ngày có thễ giảm đi phân nửa rủi ro ung thư bàng quang, dạ dày và kết tràng. Một trái cà chua chứa 26 calori, 0g chất béo và 1g chất sơ. Rưới dầu ô-liu trên các lát cà chua vỉ lycopene được hấp thu tốt hơn khi có mặt một chút chất béo.

Cà rốt có nhiều chất vitamin A, chất dinh dưỡng này cần thiết cho một da đầu lành mạnh và một mái tóc óng mượt trẻ trung. Những năm gần đây, các nghiên cứu y học đã không ngừng chứng minh rằng: cà chua, cà rốt và các loại rau màu xanh, màu vàng có tác dụng phòng ngừa bệnh ung thư. Trong củ cà rốt có chứa nhiều carotene (tiền vitamin A) có khả năng chuyển hóa thành vitamin A. Nghiên cứu phát hiện thấy, những người thiếu vitamin A có tỷ lệ ung thư cao gấp hơn 2 lần so với người bình thường. Ngoài ra, cà rốt còn chứa nhiều chất xơ, rất có lợi đối với cơ thể. Chất lycopene (C40H56) trong quả cà chua cũng là chất chống oxy hóa, có thể trung hòa được các gốc tự do, rất có lợi trong việc phòng chống các bệnh ung thư vú, ung thư dạ dày và ung thư đường tiêu hóa.[5]

Tảo bẹ (kelp) có chứa nhiều vitamin C và E.

Dưa chuột tốt cho da. Chất silica ở vỏ dưa giúp giảm da nhăn.

Rượu nho đỏ, làm từ vỏ và hạt nho, có nhiều chất polyphenol, một loại chất chống ốc xít hóa. Nếu không biết uống rượu bạn có thể tìm mua nước nho.

Dark chocolate giúp bảo vệ răng và có chứa nhiều flavonoid.

Nước trái quất (cranberry juice) giúp răng không bị đóng vôi, do vậy răng không bị vàng. Ngoài ra flavonoid có trong nước cranberry cũng giúp chống lại vi trùng sâu răng. Cẩn thận nhớ đừng uống nước cranberry coctail có chứa nhiều đường.
Hành Tây (Onion): Quercetin là một trong những chất chống oxi-hóa thiên nhiên mạnh nhất giúp chống lại ung thư. Một cóng hành tây thái nhỏ chứa 61 calori, 0 g chất béo và 3g chất sơ. Ăn hành thái nhỏ để có tối đa các chất dinh dưỡng thực vật, nếu sợ cay mắt thì chiên với ít dẩu ô liu rồi ăn với cơm hay rau.

Trái Chanh (Lemon/Limes): Trong chanh có các chất limonene, furocuramin, và vitamin C tất cả các chất này đều giúp chống ung thư. Một miếng chanh chứa 2 calori, 0g chất béo và 0g chất sơ. Vắt chanh lên sà lách, cá, đậu, và rau tăng thêm vị cho món ăn.

Rau cresson (Watercress- Cresson): Các chất phenethyl isothiocyanate cùng với beta carotene và vitamin C, E có thể gíúp kiểm chế bệnh ung thư. Một cóng xà lách-son chứa khoàng 4 calori, 0g chất béo, 1 g chất sơ. Đừng nấu chín, nên để sống cho vào bánh sandwich hay sà lách

Đậu bắp! Đại bổ [2]     

Giảm cholesterol, vừa giảm đường. Những lợi điểm trong việc ăn đậu Bắp
* Ổn định lượng đường trong máu
* Làm giảm lượng cholesterol
* Tránh được chứng táo bón
* Giữ cho việc tiêu hóa được điều hòa.
* Nuôi dưỡng các vi khuẩn lành trong cơ thể
* Có một người bạn thân rất đau khổ vì bệnh táo bón từ 20 năm nay, gần đây lại thêm bệnh ợ chua. Anh ta không biết có một cách trị bệnh thật đơn giản - đó là đậu bắp (OKRA).
Anh ta bắt đầu ăn đậu bắp từ 2 tháng nay và từ đó không phải dùng thêm một thứ thuốc nào khác. Mỗi ngày, anh ta ăn 6 trái đậu bắp.
Anh ta trở lại bình thường với lượng đường trong máu giảm từ 135 xuống 98 , kiểm soát được cả độ cholesterol lẫn bệnh ợ chua. Sau đây là vài nghiên cứu về Đậu Bắp (theo nghiên cứu của Bà Sylvia Zook, Tiến Sĩ Dinh Dưỡng), Đại Học Illinois:
Đậu bắp và những lợi ích thiết thực
Khi dùng đậu bắp để chế biến, nhiều người chỉ quan tâm đến việc các món ăn của mình sẽ ngon hơn nếu có thêm đậu bắp, ít ai chú ý đến giá trị dinh dưỡng chứa trong thứ quả con con, rẻ tiền này.
Lợi ích của đậu bắp: Đậu bắp rất dồi dào chất xơ, cả chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan. 1/2 chén đậu bắp nấu chín có thể cung cấp khoảng 2g chất xơ, đậu bắp còn tươi nguyên cung cấp nhiều hơn, 1 chén khoảng 3,2 g.
Chất xơ mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm cả việc thúc đẩy giảm cân, kiểm soát lượng đường trong máu, ngăn ngừa táo bón và bệnh trĩ, cải thiện tiêu hóa; giảm mức cholesterol nên giúp phòng bệnh cao huyết áp, nhồi máu cơ tim; giảm nguy cơ ung thư ruột kết.
Chất nhầy chứa trong đậu bắp còn có tác dụng nhuận tràng, giảm đau, giảm vết loét trong chứng viêm sưng. Nó còn được xem là loại thực phẩm “lý tưởng” nhất cho những người có dạ dày nhạy cảm.
Đậu bắp cũng chứa nhiều axit folic. 1/2 chén đậu bắp nấu chín tương đương với 36,5 mg axit folic.
Một chén đậu bắp sống chứa đến 87,8 mg axit folic. Đây là chất dinh dưỡng cần thiết cho nhiều chức năng của cơ thể, đặc biệt đối với những phụ nữ mang thai, axit folic cực kỳ quan trọng vì giúp phòng ngừa khuyết tật ống thần kinh và các dị tật bẩm sinh khác ở thai nhi.
Bên cạnh đó, đậu bắp cũng thích hợp cho những người muốn giảm cân do cung cấp ít calo (khoảng 25 calo với 1/2 chén đậu bắp nấu chín và 33 calo cho mỗi chén đậu bắp sống). Ngoài ra, đậu bắp còn chứa nhiều vitamin A, vitamin C, canxi, kali, magiê giúp duy trì sự khỏe mạnh cho da, tóc và đôi mắt, tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể.
Đậu bắp dễ ăn, có thể xào, luộc hoặc nấu chung để tăng hương vị cho các món canh chua, súp… Để nhận được lợi ích dinh dưỡng tốt nhất từ đậu bắp, khi chế biến, nên nấu chín ở nhiệt độ thấp, vừa phải, không nấu, nướng đậu bắp ở nhiệt độ cao, tốt nhất là hấp chín.  Trong đậu bắp chứa rất nhiều chất dinh dưỡng cần cho nhu cầu cơ thể: canxi oxalate, pectin, chất xơ. Thường xuyên ăn đậu bắp có lợi cho tiêu hóa, tăng cường thể lực, bảo vệ gan, dạ dày và ruột.
 Đậu bắp còn chứa các thành phần đặc biệt như một loại thuốc bổ, là một loại rau dinh dưỡng giàu kẽm, selen và nguyên tố vi lượng khác được ví như viagra. Không chỉ ngăn ngừa được ung thư mà còn làm trắng da.
 Tuy nhiên, vì đậu bắp cò tính hàn, nên với những ai đang đau bụng, rối loạn tiêu hóa nên hạn chế ăn loại rau này. Đậu bắp càng nhỏ càng ngon, càng giàu dinh dưỡng.
Đậu bắp: Giàu dinh dưỡng nhưng có thể giảm béo
Thuộc loại thực phẩm giàu protein, nhiều dinh dưỡng, không có cholesterol, đậu bắp luôn có mặt trong thực đơn giảm béo, giúp cơ thể bài trừ độc tố, bảo vệ sức khỏe, làm đẹp da.
Các thành phần dinh dưỡng trong đậu bắp đều cao hơn các loại rau quả củ nói chung, đặc biệt là các vi chất như: canxi, kali, vitamin B6, ma giê, folate và axit alpha - linolenic. Những vitamin này sẽ giúp “nâng cấp” sức khỏe khá toàn diện.
Ngay đến cành non của đậu bắp cũng có hương thơm và mùi vị đặc trưng, luộc ăn giúp tiêu hóa tốt, chữa trị loét dạ dày, bảo vệ gan.
Ăn đậu bắp thường xuyên sẽ giúp cơ thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì và cả ung thư.
Đậu bắp rất dễ ăn, có thể luộc, xào, nướng hoặc sấy khô đều được. Uống nước đậu bắp luộc hàng ngày, trong nhiều tháng còn giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường, có làn da đẹp, đặc biệt là rất tốt cho phụ nữ sau khi sinh.

Xin mời xem tiếp phần 2
Nguyễn Hồng Phúc
(tổng hợp từ Internet)

Tham khảo:
[1]  Người Việt. Tác Giả: Triệu Phong/ Thứ Tư, 21 Tháng 3 Năm 2012 18:54
[2]  Saigon Echo  sưu tầm   Thứ Ba, 20 Tháng 3 Năm 2012 23:22
[3]  Saigon Echo sưu tầm   Thứ Bảy, 24 Tháng 12 Năm 2011 10:36
[4] http://www.ykhoa.net/yhoccotruyen/baiviet/29_317.htm
[5] http://www.thuvienhoasen.org/ac-thucanchayphongchongungthu.htm

 
ĐỒNG HƯƠNG © 2012 - Xây dựng bởi Blog Thiết Kế – Hỗ trợ bởi Người Áo Lam - Giao diện Rumah Dijual