La
Joconde
Sinh ra bằng tiếng khóc oa oa chào
đời, thế là cuộc sống như được báo trước bởi dấu hiệu không lành, cuộc đời là bể
khổ trầm luân. Cũng có thể là tiếng reo vang vui mừng đến phát khóc vì được
chào mừng ánh sáng trần gian.
Nhìn bào thai trong bụng mẹ, ấm êm trong cung điện tử
cung, hay tiềm thủy đĩnh trong lòng đại dương, hoặc phi hành gia tròng trành
bay lượn trên phi thuyền không gian, nay phải bước qua giai đọan mới, tất nhiên
như chai sâm banh bật nút, tiếng khóc đánh dấu cuộc biến đổi quan trọng từ thể
tĩnh đến thể động, từ môi trường bình yên sang tự lực cánh sinh, từ trạng thái
an nhàn ra đối diện với thế nhân khó lường, bất trắc.
Biết đâu là sau
chín tháng giữ thế thủ, co ro cuốn mình, xoay vần trong bụng mẹ, nay tìm được
sinh khí tự do, sao không mừng đến bật ra tiếng khóc? Hơn thế nữa, bạn cứ tưởng
tượng hình dung một trẻ sơ sinh vừa lọt lòng mẹ mà cười! Cười thế nào? Bao
nhiêu tiếng? Cách nào, mím chi, ha hả, mếu máo, méo xẹo, từng hồi từng chập...?
Như chúng ta biết, cái cười là dấu
ấn đặc biệt của loài người và chỉ có con người mới chào đời bằng tiếng khóc. Đó
là lối giải tỏa, diễn tả tình cảm, dấu hiệu hai mặt chính của cuộc đời. Mừng đến
phát khóc, cười ra nước mắt chứng tỏ khóc còn là cao điểm của cười và ngược lại
“cười là
tiếng khóc khô không lệ”.
Cũng có
thể đi đôi như vừa khóc vừa cười:“Le
rire : la frontière est fragile
entre la comédie et la tragédie. »(Beaumarchais)( Cái cười : ranh giới
mong manh giữa hài kịch và bi kịch.)
Đề cập đến cách thực hiện, tiếng Việt ta thật hàm xúc
phong phú, gợi hình... Chẳng hạn ta có khóc thầm, òa, mếu, giả (nước mắt cá sấu),
nức nở, nỉ non, than, rống, thổn thức, tức tưởi, rưng rức, ấm ức, hờn, tủi, nghẹn,
om sòm, oa oa...
Đối lại, cười cũng không kém, nào là cười mỉm, mím
chi, chúm chím, tủm tỉm, khúc khích, gằn, gượng, méo xẹo, trừ, ruồi, nịnh, dê (
ba mươi lăm) ngạo, lăn, rũ, ‘nghiêng thành đổ nước’, ngất, dòn, trắng trợn, ha
hả, xòa, rùm beng, khì, khẩy, vô duyên, ba phải...Già trẻ còn gặp nhau ở cái cười
hồn nhiên, trẻ chưa có, già chẳng còn răng.
Có những nụ cười nổi tiếng
như cái khóc nổi danh được khắc ghi trong văn hóa nghệ thuật. Trong phép xử thế,
người Pháp có câu :
“Le rire est le propre de l’homme. »
- Rabelais (Cười là đặc tính của con người).
“Le sourire est le chapeau du
charme » (mỉm cười là chiếc nón của sự duyên dáng).
« Un sourire ne coûte rien
Et pourtant il n’a pas de prix »
(Mỉm cười
không tốn kém gì
Tuy nhiên
thật là vô giá.)
Đồng dao Việt,
‘
Nghe như chọc ruột tai làm điếc,
Giận dẫu căm
gan miệng mỉm cười’.
Truyền thống hiếu hòa, chín bỏ làm mười
của dân tộc ta được hun đúc qua ca dao truyền khẩu khuyên răn chứng tỏ cười như
làn gió mát, cơn mưa rào, chất xúc tác hóa giải, một thứ vitamine tẩm bổ, « Cười bằng mười thuốc bổ », một chiếc
đũa thần biến đổi phần nào cuộc đời.
Nhà văn Nguyễn văn Vĩnh cũng
đã ghi rõ nét độc đáo của dân ta trầm tĩnh, chịu đựng, ít bộc lộ rõ rệt, ôn nhu
qua bài « Gì cũng cười » :
“ An nam ta gì cũng cười. Hay cũng cười. Dở cững cười. Nhăn răng hì một
tiếng, mọi việc hết nghiêm trang”.
Hình ảnh đặc biệt
của Ông Địa với chiếc bụng phệ trần và nụ cười toe toét, rạng rỡ, hồn nhiên, vô
tư, càng nhìn càng khó nhịn cười theo.
Cái cười đẹp nghiêng thành đổ nước “Nhất tiếu khuynh
nhân thành, Tái tiếu khuynh nhân quốc” được người Trung hoa truyền tụng thuộc
nàng Tây Thi Bao Tự (1) tuyệt thế giai nhân có khi đã làm nước mất nhà tan.
Riêng Trình giảo Kim thì mừng vì giết được kẻ tử thù
nên đã cười cho đến gục chết luôn ngay trên thây địch còn nóng bỏng.
Trong truyện của Kim Dung, Hồng Thất Công và Tây Độc
Âu dương tỉ thí võ nghệ nhiều lần bất phân thắng bại. Sau đó xóa bỏ hiềm khích
cùng ôm nhau cười và chết.
Tượng Phật
Di Lặc
Phim ảnh Pháp cũng nổi danh với nụ cười khó tả của anh
hề mặt ngựa Fernandel bất hủ.
Thế giới đã ngất ngây chiêm ngưỡng bức họa truyền thần La Joconde của Léonard de Vinci danh họa Ý với nụ cười mỉm “vô hình”, tự ai nấy thấy hình dung tưởng tượng.
Thế giới đã ngất ngây chiêm ngưỡng bức họa truyền thần La Joconde của Léonard de Vinci danh họa Ý với nụ cười mỉm “vô hình”, tự ai nấy thấy hình dung tưởng tượng.
Về khóc, tục lệ cổ Trung quốc buộc người con gái trong
đêm trước ngày xuất giá, phải tự mình khóc lóc nỉ non hoặc mượn người khóc mướn,
kể lể công ơn cha mẹ cách biệt từ đây.
Trong truyện Tam quốc, ta thấy có Lưu Huyền Đức một phần
nào đã nhờ tài khóc như Lưu Bị mà dựng nên nghiệp đế.
Ngày nay, văn hóa nghệ thuật đã góp phần không nhỏ về
vấn đề nầy. Những chuyện tiếu lâm, tác phẩm hài hước, bức tranh hí họa, bi hài
kịch, phim ảnh, hai anh hề clown Pháp mập ốm Laurel&Hardy, Charlie Chaplin
tức Charlot, Eddie Murphy, Bob Hope, danh hài Pháp Louis de Funès, Bourvil, Coluche,
Michel Lebb ... chiếm vị trí quan trọng trong việc tô điểm, chấm phá nét đẹp
riêng cho thế giới văn minh tiến bộ huyền bí không bao giờ ngưng thay đổi.
“Khi con người mới sinh ra
thì khóc và người chung quanh lại mỉm cười. Ngược lạị khi từ giả cuộc đời hãy mỉm
cười trong khi người chung quanh bạn khóc.”
Nếu ví cuộc đường trần là một cây thước
xếp với những đoạn năm đều đặn khi cao lúc thấp như vui buồn lẫn lộn mà khóc là
điểm đầu và điểm cuối, ta có cảm tưởng là đời sướng ít khổ nhiều. Dù biết thế
mà không một ai muốn chết. Vẫn biết cát bụi rồi trở thành cát bụi nhưng có mấy
ai thích nghĩ tới làm chi. Con người luôn có tham vọng cải lão hoàn đồng,
trưòng sinh bất tử kèm thêm mộng độc tôn bá chủ, do đó dễ biến cuộc đời nặng
trĩu đau thương.
Cuộc sống thật ngắn ngủi, bất tường
mà khóc cười như cán cân quân bình, ấn triện của thế nhân. Đời sẽ dễ chịu hơn biết bao khi ta biết trao nhau nụ cười
tiếng khóc, dù trong khoảnh khắc, để lòng người người thơ thới, nhẹ nhàng biến
chuyến đi chung vơi gánh lo âu, cùng nhau san sẻ sánh vai thung dung tiến bước.
Cô Trần Thành Mỹ
(1)Tây Thi thuộc Tứ đại mỹ nhân Trung quốc :
1/ Tây Thi lạc
nhạn (chim nhạn đang bay, thấy nàng buông cánh rớt xuống).
2/Chiêu quân trầm
ngư (cá lặn).
3/Điêu Thuyền bế
nguyệt (trăng mờ đi).
4/Dương quý Phi
tu hoa ( hoa đang nở vội khép lại).