NHỚ TẾT NĂM XƯA


Trái bưởi có khắc chữ Tài Lợi
Hằng năm ở Âu Mỹ khi thấy nhà nhà phố xá bắt đầu trang hoàng rực rỡ từ đầu tháng 12, người Việt chúng ta biết rằng Tết âm lịch ta sẽ đến. Học sinh sinh viên còn đi học đang lo thi học kỳ rồi sau đó được nghỉ lễ Giáng sinh Noёl và Năm mới dương lịch. Đối với các giới trẻ và thành phần người còn đi làm, Giáng sinh Tết Tây đối với họ là cơ hội vui chơi thoải mái du lịch giải trí hơn. Trái lại người lớn tuổi tha hương về hưu còn vấn vương kỷ niệm ngày Tết quê nhà càng lâu càng sâu sắc tha thiết hơn.

Thật ra Tết nước nào cũng có đêm trừ tịch và ngày đầu năm mới. Xứ nào cũng thế to nhỏ giàu nghèo đều xem ngày cuối và đầu năm là thời kỳ chuyển giao quan trọng nhất hằng năm giữa cái cũ và cái mới mang niềm hy vọng vào tương lai, sự đổi mới cho cá nhân và mọi người. Và tùy theo truyền thống tập tục riêng, Tết cũng là thời gian thích hợp cho việc nghỉ dưỡng vui chơi đoàn tụ kết hợp nhau trở về nguồn.

Vào thời điểm nầy hầu như ai ai cũng muốn trở thành người tốt thiện tâm hơn như Jean Jacques Rousseau đã viết « L’homme est né bon, mais c’est la socìété qui l’a dépravé. » (Con người sinh ra là thiện, chính xã hội làm con người suy đồi ). Vì thế Tết đối với mọi người chúng ta không phân biệt giai tầng xã hội, vẫn là cơ hội làm cho con người tạm quên bớt những lo âu cơm áo gạo tiền thường nhựt, bồi dưỡng chút nào hay chút nấy sức khỏe tình cảm và tâm linh để tạo cho mình nguồn sinh lực mới tiếp tục tốt đẹp cuộc hành trình còn lại trên trần thế nầy.

Và những ai có dịp sống ở nước ngoài càng nhiều năm càng nhận sự khác biệt rõ nét. Giới trẻ Việt ta vì không hay ít có những kỷ niệm hằn sâu trong ký ức nên dễ dàng nhập cuộc hơn vào đời sống mới. Còn thế hệ lớn tuổi đã từng trải qua bao đêm Giao thừa tống cựu nghinh tân, đắm mình trong phong tục nghi lễ xưa rườm rà mà truyền thống, thật khó mà quên cái quang cảnh và tâm tình đón Xuân quê hương được.

Thật ra, Tết nước nào không giống nước nào cả, ngay trong một nước cũng không hoàn toàn giống nhau nữa là, chằng hạn như Tết Hà nội, Huế, Saigon nước ta. Nghi lễ cúng bái chúc tụng quà biếu, trò chơi dân gian, cuộc vui giải trí, ăn uống, … vẫn có điểm khác biệt dù có cùng ngày Tết Âm lịch. Việc tổ chức hưởng Xuân cũng theo qui định từ trước đến nay, tuy nhiên luôn có sự tiến bộ không ngừng, bớt đi những tập tục khắt khe, có khuynh hướng mê tín dị đoan, bày những cuộc chơi giải trí lành mạnh, hiện đại, công cộng, hòa đồng đại chúng, sáng tạo hay áp dụng cho bao ngành nghề khác khoa học kỷ thuật tiến bộ tùy thời...
          
Hơn thế nữa, có lẽ dân ta thuộc dân tộc ăn Tết lâu nhất, trước Tết chuẩn bị cả tháng Chạp, sang năm mới, lễ nầy lại tới lễ khác tiếp tục hưởng Xuân vì « Tháng giêng là tháng ăn chơi, Tháng hai cờ bạc, tháng ba rượu chè… ». Và truyền thống đó dân ta vẫn còn giữ nhưng chúng ta cũng đã biết sàng lọc chỉ giữ những lễ cúng cơ bản, cuộc giải trí cần thiết có tính cách văn minh sáng tạo, mới mẻ hơn.

Từ đầu tháng chạp, chợ nào cũng rộn rịp nhập hàng mới, dựng lên trang hoàng rực rỡ những gian hàng, chiếc sạp đăc biệt riêng quà hàng Tết. Nhà nhà đều lo sắm tết, cho gia đình như y phục giày dép khăn nón mới, nguyên liệu hoa quả thực phẩm để làm bánh, mứt chuẩn bị quà biếu cúng kiến vui chơi. Nhà nảo cũng dọn dẹp sửa sang sơn phết lại nếu cần, ai ai cũng háo hức đi chợ tết, ngắm cảnh trí đổi mới, sản phẩm dụng cụ máy móc nội địa hay nhập cảng được quảng cáo rầm rộ qua tiếng rao hàng, loa phóng thanh, âm nhạc đủ loại, những giàn đèn đủ hình màu chói chan lờ mờ chớp tắt giăng trên đường phố, trước mặt tiền nhà thờ, chùa, rạp hát, tòa hành chánh công sự, biệt thự, khách sạn quán ăn, công viên, tiệm bán hàng tết,…

Tựu trung, về phần trang trí nhà cửa, đường sá phố phường, chúng ta phải công nhận luôn luôn có nhiểu điểm tiến bộ thay đổi cảnh quan Tết kết hợp hòa đồng kỷ thuật mới cũ của các nền văn minh văn hóa khác nhau. 

Ngoài ra nhiều hàng quán ăn đầy thực khách đi chợ Tết, sạp bánh kẹo mứt, xe trò chơi có cả bài bạc như « Bầu Cua Cá Cọp », Hội chợ, chợ phiên. Bao chiếc sạp trái cây tươi rói, sạp trình bày bán lồng đèn đa dạng đa màu, thiệp chúc Tết, báo Xuân mỗi năm mỗi mới, lịch đủ loại đầy màu sắc. Còn có cả sân khấu trình diễn văn nghệ lộ thiên, cho cả khán giả trẻ con, đặc biệt là chợ hoa thể hiện tay nghề kỹ thuật, tài khéo, sáng kiến của nhà trồng trọt, nhà vườn trong việc cắt tỉa ươm uốn lai giống tháp cành, tạo ra những cây con đầy hoa sai trái, những cây ăn trái bonsai thực dụng có thu nhập cao, nhất là trưng bày bao loại hoa tết như hoa mai vàng,  hoa bạch mai chiếu thủy,mai tứ quí, hoa đào, cúc, lan, thược dược, huệ, sen…


Chợ hoa Saigon xưa


Cây đu đủ bonsai
trái cây tươi thơm ngon như dưa hấu, bưởi, mãng cầu, đu đủ, cam quít hồng thanh long…
Trái na hay mãng cầu ta
Có nhiều trái cây được khắc khảm hình ảnh con thú cầm tinh năm mới Âm lịch như năm 2017 năm Đinh Dậu con Gà hoặc lời chúc tết hay tạo dáng mới như hình vuông tròn, trái tim rất lạ mắt đầy sáng tạo.

Trái bưởi khắc hình gà

              Trái dưa hấu với hình Phước Lộc Thọ.
Cũng không thiếu những giây hay phong pháo đỏ cho đêm giao thừa đăng quang năm mới đến, những món quà biếu bao gói mỹ thuật bắt mắt bày bán khắp nơi.

Lồng đèn và pháo
Một nét đẹp văn hóa văn minh truyền thống khác đặc trưng của dân tộc ta luôn được truyền giữ ứng dụng một cách trân trọng mọi thời là sự hiện diện các bánh chưng, bánh dầy, bánh tét, bánh ít hầu để nhắc nhở cho thế hệ con cháu dòng lịch sử cội nguồn dân tộc lâu đời đáng tự hào từ thời 18 đời Hùng vương, thời đại mở đầu dựng nước, đặt nền móng cho nước Việt Nam ta ngày nay trên 4000 năm.

Bánh chưng –Bánh tét
Tết đến lại không thể quên nhắc kể đến Ông đồ già, « Mỗi năm hoa đào nở, Lại thấy ông đồ già, Bày mực tàu giấy đỏ, Bên phố đông người qua… » (Vũ Đình Liên), của thời quân chủ phong kiến « quân sư phụ », « nhất sĩ nhì nông tam công tứ thương », hình ảnh tiêu biểu một nhà trí thức, một nhà giáo, một công dân của một nước nhỏ từng bị lệ thuộc trong mười thế kỷ bởi người bạn láng giềng khổng lồ đông người hùng mạnh mà vẫn không bị khuất phục bị đồng hóa mất gốc, mất tiếng nói, ngôn ngữ, chữ viết.


   Thư pháp : Kê minh đại cát-Nguyễn Hiếu Tín
 Chẳng những thế, nhờ cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỷ 20, từ chữ Hán rồi Nôm sang quốc ngữ, một chữ viết cấu tạo theo hệ La tinh, dùng những mẫu tự La tinh thay các nét gạch sổ của chữ Hán Nho Nôm, tiếng ta mới có sức bức phá tiến bộ nhanh không thua kém các ngôn ngữ mạnh khác mà Thư pháp Việt là một điển hình rõ nét phối họp các cách viết chữ đẹp lâu đời Âu Á.

Do đó ngày nay chúng ta có thể viết những câu đối, câu thơ văn, từng chữ chúc Tết như Phước Lộc Thọ…thay vì bằng chữ Hán Nôm trong khuông vuông tròn cùng với bút lông mực tàu giấy đỏ, mà bằng tiếng Việt ta thuần túy. Hơn thế nữa còn tùy sáng kiến tài khéo tay nghề Thư pháp Việt làm rạng rỡ cách viết tiếng Việt ta, hay viết bất cứ tiếng ngoại nào, qua cách sáng tạo muôn hình nghìn vẻ màu sắc chan hòa.

« Xuân đến mai đào nở,
Vắng bóng ông đồ già,
Nay nhà Thư pháp trẻ,
Vinh danh một thời qua ».
Từ Rằm tháng Chạp, miền Nam lại có tục lệ tước lá mai để hoa mai nở đúng ngày đầu năm may mắn. Và  ta còn có lễ Tảo mộ, khác hẳn với người Hoa với lễ thanh minh vào tháng ba âm lịch, thăm viếng săn sóc mộ phần và để rước mời linh hồn ông bà khuất mặt về nhà ăn Tết với con cháu. Rồi lễ đưa ông Táo về trời báo cáo tình hình gia đình hạ giới ngày 23 tháng Chạp Âm lịch và rước về trần khuya ngày cuối năm trong khi đó lễ rước Ông Bà là chiều cuối năm và đưa đi trước kia là mùng bảy Tết, nay sớm hơn mùng ba mùng bốn tháng Giêng năm mới.

Qua Tết Âm lịch năm xưa, chúng ta ngộ ra rằng đây không phải chỉ là cơ hội vui chơi giải trí thỏa thích mà tổ tiên ta đã khôn ngoan lồng vào lễ hội lòng biết ơn, độc đáo hơn là mối quan hệ giữa người với người, sống và chết, xem ông bà quá vãng như người còn sống luôn độ trì cho con cháu.


    Pháo bông
Tết ! Tết ! Tết ! Vui nhất mà cũng là linh thiêng nhất vẫn là lúc nửa đêm giao thừa pháo nổ lách tách đì đùng rộn vang lung linh trên mọi miền đất nước trong tiếng cười vui hoan hi chào mừng, mọi người chúng ta như toàn tâm toàn ý hướng về những tia pháo bông phóng thẳng lên không gian tạo ra bao hình tranh vẽ, những đóa hoa, vì sao tuyệt đẹp đầy màu sắc, những bức tin điện tử từ những đứa con trần gian nói chung, đất nước ta nói riêng, xin kính dâng lên Đấng Trời Cao những lời cầu khẩn thiết tha cho Việt nam được yên bình, dân chủ tự do, thế giới hòa bình, tình người nở hoa, nơi nơi an lạc. Quả địa cầu chúng ta mãi mãi là hành tinh xanh xinh đẹp đáng sống và xứng đáng với thanh danh Địa đàng trần gian.
                                                                                        
Cô Trần Thành Mỹ 

 
ĐỒNG HƯƠNG © 2012 - Xây dựng bởi Blog Thiết Kế – Hỗ trợ bởi Người Áo Lam - Giao diện Rumah Dijual