Tác giả: Ngọc Ánh
.
.
oOo
.
.
Lời Giới Thiệu
Ngay từ đầu trang tác giả đã xác định mình, là con gái trong một ‘gia đình cách mạng’ qua hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ như nhiều gia đình khác tại Miền Nam. Sau biến cố 75, tác giả lúc ấy là cô gái còn rất trẻ chưa qua tuổi hai mươi, nhưng thảm trạng xã hội thời bấy giờ đã khiến cô không thể khoanh tay ngồi yên nhìn đồng bào Miền Nam mình phải chịu bao điều bất công áp bức khốn khổ trong chế độ Cộng sản, đồng thời cô phải sống trong một gia đình cách mạng. Đáng lẽ ra cô chấp nhận cái lý lịch trong sạch có nhiều ưu thế để tiến thân như bao người trẻ khác mưu cầu cho lợi ích cá nhân, thì cô lại thấy mình bị đè nặng bởi sự xung đột về ý thức hệ, mặt trái của Xã hội chủ nghĩa qua lối hành sử và quan điểm chính trị khác với những sự thật mà cô đã thấy trong cuộc sống hàng ngày. Từ đó tính phản kháng bộc phát khiến cô và gia đình có những khoảng cách không thể hàn gắn được khi cô tự nhận mình bơi “ngược dòng” trong dòng thác cách mạng đang tuôn trào và sẽ nhuộm đỏ tuổi trẻ của Cô và bạn bè cô.
Với tinh thần quốc gia vững chắc, lòng bất khuất trước bạo lực, và nhất là sự can đảm dấn thân cho lý tưởng tự do, đánh đổi tuổi thanh xuân trong lao tù Cộng sản với mức án khắc nghiệt nhất trong thời điểm đó, chỉ để đấu tranh dành Tự Do cho đất nước sớm thoát khỏi ách độc tài áp bức mà Cộng sản đã và đang gieo rắc bao tang thương cho dân tộc chúng ta.
Tác giả đã ghi lại một cách trung thực những diễn biến trong bối cảnh xã hội sau ngày Miền Nam bị cưởng chiếm trong cuốn “Nhật ký mực tím” và nỗi đoạn trường của người phụ nữ trẻ trãi qua trong những năm tháng lao tù đầy gian nan khốn khổ đã cho thấy lòng kiên cường và ý chí mạnh mẻ của cô học trò năm xưa dám xả thân vì đại cuộc, khiến chúng ta càng thêm cảm phục và tự hào khi tin tưởng rằng chế độ Cộng sản chắc chắn sẽ bị tiêu diệt và Đất nước Việt Nam sẽ có ngày vươn lên hùng mạnh.
Cuốn nhật ký “Ngày tháng buồn hiu” của tác giả sẽ không còn buồn hiu khi được mọi người đọc và chia sẻ đến trang cuối cùng như một thông điệp nhắc chúng ta nhớ rằng “Chính nghĩa luôn thắng bạo tàn”.
Mỹ Quốc, 30/4/2016
Trần Cảnh Xuân
(Cựu Hiệu Trưởng trường Trung Học Ba Xuyên)
NGƯỢC DÒNG
Ba tôi là một người Cộng Sản, ông đã tham gia cách mạng suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp chống Mỹ, các chị em tôi lớn lên ở Sàigòn, nằm trong lòng “địch” nhưng cả nhà đều là những chiến sĩ xung kích trên khắp các mặt trận ở miền Nam cho đến ngày “giải phóng”. Má thì nuôi dấu cán bộ Việt Cộng, các chị em thì làm giao liên... Sau 30/4/75, ba và chị tôi được đón về từ nhà tù Côn Đảo như những người vinh quang nhất trong ngày vui đại thắng, gia đình tôi là một địa chỉ đỏ của thành phố với nhiều huân chương kháng chiến chống Mỹ được treo đầy tường .. Còn tôi, tôi đã vào tù với cái tội chống kháng chiến chống Mỹ, sự đời có những điều trớ trêu và đau lòng trong cảnh nồi da xáo thịt! Câu chuyện kể ra thì dài, nhưng đại để như lời khai trong tờ lý lịch của ba tôi “...do thời buổi chiến tranh gia đình ly tán, ba tôi gởi tôi cho cô em nuôi ăn học, nay đất nước hoà bình, ba tôi mang tôi về xum họp …”
Nếu chiếc lá chỉ rụng về cội thì có lẽ không có gì để nói, nhưng đằng này tôi lại không giống như những đứa con trung hiếu của ông, mà lại giốngnguỵ (bởi lẽ gia đình cô tôi trước kia là sĩ quan trong chế độ cũ) như lời phê bình của chị tôi - một cán bộ tuyên truyền:
“Con Ánh nó quen thói tiểu tư sản, tại Cô Sáu cưng chìu nó quá nên tính nết nó ngoan cố bướng bỉnh như vậy.”
Và Ba tôi cũng nhận xét trong một buổi họp gia đình:
“Tư tưởng còn lệch lạc, nặng về chủ nghĩa cá nhân, bản thân cần phải tích cực rèn luyện để phấn đấu tiến bộ v.v và v.v ..”
Có lẽ chính vì vậy mà ba tôi đã cố gắng để cải tạo đứa con ngược dòng của mình bằng hình thức kiểm điểm, bất cứ một hành động gì sai trái ở gia đình hay trong cơ quan, nghe phản ảnh lại là ba tôi bắt làm tờ kiểm điểm, kể cả những lúc vô tình hát vu vơ một khúc “nhạc vàng”….Nên suốt thời gian đầu về đoàn tụ gia đình tôi không thấy có một ngày vui, chắc cũng không khác gì những binh lính chế độ cũ bị cưởng bức trong lao tù Cộng sản, ăn cơm bo bo và bị viết miệt mài để nộp cho ba tôi những bản kiểm điểm dài ngoằng, như luận văn để được tốt nghiệp vào trường “Cách Mạng”, dĩ nhiên mỗi lần như thế là tôi đã khổ sở đến độ nào!
Chỉ vài tháng công tác xã hội, sinh hoạt tập thể vớ vẩn, tôi đã được chọn để kết nạp vào Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, điều này lại khiến tôi phản ứng dữ dội, chi đoàn mét về ba tôi và ông đã nổi giận thực sự, ông hét lên: “Con có biết tại sao con được vào Đoàn không? nhờ ba - nhờ lý lịch cách mạng của gia đình mình, con có biết mọi người vẫn mơ uớc được đứng vào hàng ngũ vẻ vang này không, có những anh bộ đội đi suốt từ Bắc vào Nam để chiến đấu, đã đổ biết bao xương máu mà vẫn chưa được kết nạp, còn con, tại sao con không thấy được cái vinh quang đó?”
Lúc ấy tôi đã cố bình tĩnh để nói với ba một câu khẳng khái –“Thưa ba, chính vì con chưa đổ một giọt mồ hôi nào cho chế độ này, nên con không muốn trở thành người Cộng Sản!”
Không khí gia đình như nặng nề hơn kể từ khi có tôi hiện diện. Cái khoảng cách mơ hồ nào đó giữa tôi và những người thân ngày thêm rộng dần ra, tôi càng chán nản hơn khi nhìn vào thực trạng xã hội của những năm đầu mới giải phóng, thành phố đầy những người thất nghiệp, hàng hoá khan hiếm, vật giá đắt đỏ, cuộc sống của từng gia đình bị đảo lộn bi thảm, tâm lý người dân luôn hoang mang giao động, có những sự mất mát không thể nào bù đắp được.
Tôi nhớ đoạn nhật ký của cô em mới 13 tuổi lúc ấy:
“Bây giờ đến lớp buồn quá, bạn bè đứa nào cũng đòi bỏ học vì nhà nó nghèo, ba nó đi cải tạo, mẹ nó tần tảo không đủ ăn, mỗi lần vào lớp cô giáo hỏi ai là gia đình cách mạng, chỉ có mình rụt rè đưa tay lên giữa bao ánh mắt nhìn, tự dưng mình thấy kỳ kỳ, đâu phải tại mình mà ba nó đi cải tạo đâu, tại giải phóng chớ bộ…”
Không riêng con bé thấy kỳ kỳ mà cả tôi, cả bạn bè tôi nữa, chúng nó vài đứa cũng có hoàn cảnh giống như tôi: Ba đi tập kết trở về, gia đình đoàn tụ, tờ khai lý lịch được mở ra trang mới đầy sáng sủa, đi thi -được cộng thêm điểm, đi làm - chỉ cần gởi gấm các đồng chí là yên tâm ngay, mọi việc trong nhà ngoài phố đều êm xuôi thuận lợi .. Và cũng không ít những đứa khác lận đận đủ điều bởi cái tội có người thân là nguỵ. Tờ lý lịch trích ngang như bản cáo trạng giáng xuống hàng triệu con người những mức án khác nhau tùy theo mức độ tội lỗi của cha, của chồng, của con em đã từng tham gia trong bộ máy ngụy quân ngụy quyền cũ.
Bạn bè họ hàng đang thân thiết với nhau, tự dưng cái rào cản lý lịch làm cho mặc cảm mâu thuẫn, thành kiến thế này thế khác, anh em bà con khác chiến tuyến, bất đồng quan điểm chính trị cũng lạnh lùng lướt qua nhau vì sợ dính líu phiền phức, chưa kể những người ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng sản, lén lút cơm áo gạo tiền để gởi vô bưng tiếp tế cho cách mạng, khi xong chuyện, cách mạng đánh tư sản te tua sập tiệm, đang giàu có bỗng chốc thành kẻ khốn cùng, không một bàn tay nào dám đưa ra giúp đỡ sợ bị vạ lây.
Chủ nghĩa lý lịch nó khốn nạn thế đó!
Tôi lại nghĩ đến câu chuyện An Tiêm và những quả dưa đỏ (sự tích của thời còn nhỏ nghe Bà kể chuyện đời xưa) và bâng khuâng tự hỏi tại sao mình không thể có những vụ mùa bội thu mà không cần phép lạ, để chủ nghĩa lý lịch không còn cơ hội tồn tại, không là điều kiện tất yếu để quyết định công hầu khanh tướng cho bọn đương thời? Thực tế của cái thiên đường Xã hội chủ nghĩa đã làm tôi điên tiết chán chường, trong nỗi thất vọng phẫn nộ tôi không biết đặt niềm tin vào ai bây giờ ngoài cách viết nó ra cho đở ấm ức, thế là những trang “Nhật Ký Mực Tím” hình thành trong lao tù cách mạng, cái nhà tù lớn nhất của cả miền Nam từ sau tháng Tư đáng nguyền rủa ấy. Trong đôi mắt của một cô học trò tỉnh nhỏ như tôi lúc bấy giờ hoàn toàn không có một thế lực thù địch nào đứng sau lưng để xúi giục manh động, tôi viết ra tất cả những gì mà tôi biết, tôi thấy khi sống trong chế độ giả trá có quá nhiều bất công và nghèo khổ này, sự cảm nhận có thể chủ quan nhưng không có nghĩa là không trung thực khi vẽ nên bức tranh xám xịt phô bày thực trạng tệ hại của xã hội mà tôi đang từng ngày đối đầu với nó. Tôi đã viết trong nỗi xót xa bất lực của chính mình.
Cuốn nhật ký được chuyển ra nước ngoài năm 1979 và được in làm nhiều kỳ trong tạp chí “Việt Nam Hải Ngoại” tại San Diego, California cùng năm.
Cuối cùng thì tôi thoát ly cái gia đình cách mạng của mình để trở thành vợ tên phản động. Mọi việc xảy ra điều có nguyên nhân của nó. Thật ra tôi cũng chẳng có tham vọng gì về chính trị, chỉ muốn sự công bằng và bình đẳng, đòi hỏi niềm hạnh phúc ấm no thực sự đến với mọi người. Ngay từ đầu, cái lý tưởng Cộng Sản của Ba tôi đã làm tôi thất vọng, thực chất nó chỉ là những giáo điều rỗng tuếch gian dối, Cộng sản đã lạm dụng cái từ lý tưởng để bơm căng bầu nhiệt huyết của chúng tôi khi họ nói “vận mệnh đất nước đang nằm trong tay các bạn trẻ hôm nay..” nhưng đằng sau đó là Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý và nhân dân làm chủ.
Ôi! Những ông chủ tội nghiệp! Họ đang bị phá sản vì một xã hội tồi tệ với những khó khăn nghèo đói hàng ngày.
Sự lừa bịp trắng trợn đã làm tôi chán ngấy, và tôi nghĩ đó là mục đích để tôi quyết định dấn thân khi cùng chồng “Âm mưu lật đổ chính quyền Cộng Sản”. Tổ chức của chúng tôi bị tan vỡ khi mọi việc chỉ mới bắt đầu và hai vợ chồng đều bị bắt …
Giai đoạn còn khai cung, tôi gặp một ông cán bộ già đã giảng cho tôi nghe bài học về luân lý khi ông ví tôi như công chúa Mỵ Châu, đã đem nỏ thần trao cho giặc, để nước phải mất, nhà phải tan, ngồi sau lưng Triệu Đà, bị Thần Kim Quy chỉ vào mặt “giặc ngồi sau lưng mi chứ giặc ở đâu..”
Nghịch cảnh nồi da xáo thịt quả là điều đau xót!
Ngay sau khi tôi bị bắt, Ba tôi đã nghiêm khắc từ con. Tôi không trách thái độ cứng rắn của ông bởi vì ông đã hành động đúng với tư cách một người Cộng Sản “Trung với Đảng, Hiếu với Dân, và chuyên chính với kẻ thù.”
Mặc dù tôi biết Ba tôi cũng rất thương tôi, ông có cái lý của ông và tôi thì không thể chọn con đường nào khác …
Tôi muốn có những quả dưa đỏ như An Tiêm!
Những năm tháng ở trong tù, tôi nghĩ nhiều về những câu chuyện đáng buồn đã qua, thắm thía nỗi đau của sự mất mát, chồng tôi bị tử hình và Ba tôi cũng qua đời sau cơn bệnh nặng. Người chết là hết, chẳng còn oán thù hay giận dữ …
Rồi trong một cõi vô hình nào đó, Ba tôi và anh ấy sẽ gặp nhau, hai người sẽ nói với nhau điều gì về tôi, liệu ba có nói được câu “Ba rất tiếc!” như một nhân vật trong “Love Story” khi mọi việc đã muộn màng.
Vâng, thưa Ba - con cũng rất tiếc, hãy tha lỗi cho con.
An Tiêm!