Một người bạn vui mừng báo tin
được sắp sang Mỹ không phải theo diện HO hay theo diện đoàn tụ gia đình mà lập
gia đình với người Việt ở Mỹ. Thoạt tiên tôi cũng lây cái hạnh phúc của bạn, hy
vọng tìm đúng con đường thoát khỏi nghèo túng, một tương lai tốt đẹp hơn, giúp
đỡ rỡ mặt gia đình.
Nhưng rồi
trong thâm tâm, thành thật mà nói, dựa qua bao kinh nghiệm sống một phần tư thế
kỷ ở nước ngoài, bao câu hỏi được đưa ra thật đa dạng khó khăn và nhiều vấn đề
không giải đáp. Chị lại xin ý kiến nhưng chị đã quyết định rồi thì bàn ra bàn
vô còn có ích lợi gì ? Vả lại, hoàn cảnh khác nhau, xứ định cư không giống
nhau, lời khuyên bây giờ chẳng giúp ích chị nhiều hay chỉ như ‘nước đổ
lá môn’.
Nhớ lại trước kia, sinh viên du học tự
túc thường là con nhà giàu có, học sinh xuất sắc tuyển chọn được học bổng quốc
gia, quân nhân công chức đi quan sát tu nghiệp nước ngoài nên thường được người
bản xứ trọng nể. Sau 75 ai cũng được xem là dân tị nạn cần giúp. Những quốc gia
rộng lớn giàu có và nhất là có liên quan trực tiếp với chiến tranh Việt nam,
những nước đồng minh của Việt nam Cộng hòa thì có dự trù phương án đặc biệt
giúp đỡ người tị nạn, các nước nhỏ ít tài nguyên cũng không quá thờ ơ trong
việc nhân đạo nầy. Tuy nhiên, cái nhìn của các nước ngoài càng ngày càng thay
đổi vì tình hình chính trị và kinh tế thế giới.
Khí hậu của Âu Mỹ càng ở lâu càng thấm
thía tính thong dong của dân Việt ta. Ở đây, mỗi mùa mỗi loại y phục cần thiết
thích nghi. Phương tiện di chuyển như ô tô cũng điều hòa không khí mùa hè, mùa
lạnh có máy sưởi ấm. Nhà cửa tất nhiên phải trang bị cho thời tiết nầy. Do đó
tổn phí nhu cầu đó cần được dự trù và điều nghiên luôn. Không trả tiền điện
nước ga điện thoại quá thời hạn qui định thì bị cúp ngay. Người ta thường kháo
nhau là điện ga cúp thì không chết đói thì cũng bị chết teo.
Có dịp sang một lần ở các nước của lục
địa già cổ Âu châu chẳng hạn, bạn sẽ nghiệm ra câu « Đông Tây khó gặp
nhau » không phải hoàn toàn vô lý nhất là đối với những người lớn tuổi mà
cuộc đời đã hằn sâu phong tục truyền thống, kinh nghiệm và kỷ niệm hơn phân nữa
cuộc đời. Nhìn chung từ hình thể, cách sống suy tư, đến cách làm việc, tất cả
như đều khác nhau. Không dễ gì trong một vài tuần vài tháng cả vài năm mà quên
cái quá khứ của mình được, chỉ cố gắng thực hiện « nhập gia tùy tục, nhập
giang tùy khúc » vì tương lai con em.
Hơn thế nữa, cuộc khủng hoảng kinh
tế toàn cầu cũng gây bao xáo trộn trong cuộc sống hiện nay. Phải an cư rồi mới
lạc nghiệp. Thế mà tiền mướn nhà cũng leo thang và giá cả cũng thừa thắng bay
cao. Tiền vay ngân hàng theo lãi xuất di động làm cho người vay nghèo bất thần
không kịp trở tay có khi buộc lòng dời chỗ ở hoặc bán nhà đi tìm nơi nào khác
sống dễ hơn.
- Chị biết không, nhiều lời khuyên
trái ngược nhau lắm, chị tâm sự qua điện thoại. Người thì nhất định là nước
ngoài bây giờ dù sao cũng là thiên đàng hạ giới, đại hay tiểu thôi. Bà bạn nầy
kể vanh vách tiểu sử của một đứa cháu gái nghèo ‘rớt mồng tơi’ sau vài năm lấy
chồng Việt kiều ở Mỹ, trời đất ơi giàu
lắm, gửi tiền về nhà xây cất cho cha mẹ nhà lầu mấy tầng, đầy đủ tiện nghi hiện
đại. Về xứ, nữ trang vòng vàng y phục sang trọng ai cũng trầm trồ ngợi khen.
Nghe bán tin bán nghi mình cũng lựa lời hỏi thêm về nếp sinh sống bên ấy.
Người ta cho biết rằng nghe đâu ông
chồng vượt biên sang đó trên 20 năm, học thêm có bằng cấp cao thạc sĩ tiến sĩ
gì lận, giám đốc hảng điện tử ở Thung lũng Xi li côn nổi tiếng nhất của Mỹ đó,
giỏi lắm. Chị biết đó chứ, người Việt mình thông minh, chịu gian chịu khó, giỏi
đánh Mỹ, Tây, …gì gì còn thắng thì việc đánh giặc nghèo đâu phải là chuyện mò
kim đáy bể, làm giàu chắc dễ như trở bàn tay. Con cái lớn lên rồi cũng có địa
vị ông nầy bà nọ cả, cho nên cô gái nầy may mắn như ‘ chuột sa hũ nếp’.
- Còn tuổi tác, vợ con ?
- Chuyện đó ăn thua gì, ông nầy
lại góa vợ nữa. Thông thường điều kiện ‘đầu tiên’ là ‘tiền đâu’ để giải quyết
mọi việc, đấy mới là tiên quyết. Người Việt ta lại chẳng bảo :
« Áo dài chẳng nệ quần
thưa,
Tám mươi có của cũng vừa mười
lăm. » ( ca dao )
Có lần một anh bà con khá lớn tuổi góp
ý :’’ Tôi cũng biết một gia đình khác cũng có con ở nước ngoài, thực tế
hơn cho rằng ở đâu cũng phải làm mới có ăn. Không có nước định cư nào trợ cấp
mãi vô điều kiện người tị nạn. Mà nếu chỉ trông cậy vào tiền xã hội, trợ cấp
gia đình làm sao có tiền dư được ? Trước kia trong những năm đầu, nhiều
người tị nạn cũng hưởng trợ cấp nhưng còn có dịp ở nhà lãnh lương rồi tìm cách
làm việc đen nghĩa là không khai, nên tích trữ lâu dài, có tiền. Bây giờ, Nhà
nước kiểm tra chặt chẽ hơn, việc qua mặt đó khó áp dụng nữa.
- Cũng có nhiều người muốn giàu nhanh, đốt
giai đoạn lao thân vào casino, vé số, lô tô.
Thường chỉ thua cháy túi hơn nhưng còn bám hy
vọng, biết đâu « nếu có một ngày » Thần tài gõ cửa. Liều hơn nữa như
« điếc không sợ súng » thì nhập vào thế giới bất hợp pháp, buôn lậu,
hàng giả, trồng cây cấm như cây canabis ma túy. Bị phanh phui thì bị kết án nặng
nề, phất nhanh mà phá sản cũng nhanh. Vậy đừng tin ai nói rằng ra nước ngoài là
tự nhiên trở thành giàu liền, nói dóc tổ ».
- Chị thấy không, bao ý kiến trái
ngược nhau, người nào cũng có lý, phản ảnh phần nào sự thật, tôi cũng biết thế,
nhưng bây giờ đã đâm lao rồi chắc phải theo lao thôi. Ở nhà hoài cứ bán tín bán
nghi, chi bằng mình quyết định một lần, sau nầy cũng không phải hối tiếc gì cả,
vậy một ăn một thua. Vả lại hiện có một vài cái phao đang nhấp nhấp, cố tính
sao cho đúng lúc giật mạnh cái cần câu vì bây giờ « Một con cá lội, mấy
người buông câu ». Việt kiều Mỹ cho đến thế kỷ thứ 21 rồi vẫn còn có
giá hơn nhiều đám cưới với dân Nam Hàn, Đài loan, Trung Quốc.
- Chị nói đúng thôi. Ở đâu cũng phải làm để
sống, nhưng ở các nước giàu có văn minh thì tùy sức và may mắn của mình, hy
vọng vươn lên được. Nhìn người Việt tị nạn, ít có gia đình nào mà không phất
được đâu, ít nhiều nếu chịu khó làm thôi. Bằng cớ là số tiền ngoại gửi về hàng
năm, hoặc số người về thăm quê hương thì cũng thấy người xa quê giỏi dang như
thế nào. Chẳng những thế tính hiếu học của người Việt ta cũng phải làm cho
người ngoại quốc nể nang.
Chị có dọ hỏi hoàn cảnh gia đình
của anh bên ấy không ? Con cái thế nào ?
- Thật ra, theo chị bạn giới
thiệu thì thấy không có gì trở ngại cả. Con cái của ông ấy đã lớn hết rồi, có
gia đình, có công ăn việc làm khá giả, hai ông bà sống một vợ một chồng từ
trước đến nay, bà chẳng may qua đời cũng cả gần mươi năm rồi, nay nghe nói đến
mình mà trước kia ông ta cũng có biết nên mới nhờ chị bạn mình dọ hỏi cho ông
ta liên lạc. Qua một thời gian điện đàm, ông ấy nhất định xin về cưới rồi bảo
lãnh sang Mỹ, vấn đề kinh tế đừng lo.
-
Cuộc hôn nhân nầy, theo tôi nghĩ, không phải vì tình, tiếng sét ái tình,
mà theo chị kể sơ sơ đầu đuôi gốc ngọn cũng không hẳn là do kinh tế. Vậy lý do
sâu xa nào chị quyết định lên xa hoa, từ biệt mẹ già, anh chị em vào tuổi hưởng
nhàn nầy ?
- Chị hỏi câu hay quá mà đánh
trúng ngay chỗ chấn thương của tôi. Thật sự tôi cũng chẳng bao giờ dám tự hỏi
lòng câu đó mà chỉ lo giải đáp vòng vòng vấn đề bên ngoài. Chị biết tôi từ
trước đến nay, « Dù ai nói ngã nói nghiêng,
Thì ta cũng vững như kiềng ba
chân. » (Ca dao )
Không phải có
ý xuất gia đi tu vì tôi quan niệm
« Tu đâu cho bằng tu nhà,
Thờ cha kính mẹ hơn là đi tu ».
Thật ra đã là
con người, ai cũng hy vọng có một gia đình riêng, hạnh phúc, tôi cũng vậy thôi.
Và để đạt được mộng ước đó, mỗi người đều có phương cách trang bị cho mình dù
vẫn nghĩ rằng cuộc đời luôn bị chi phối bởi bao nguyên nhân, hoàn cảnh không
biết căn do người ta đổ cho số mệnh, may mắn, kiếp trước,…
Có lẽ mình « số cao » nên
độc thân đến ngày nay vậy.
- Tụi mình hiểu nhau quá mà, tụi nầy
cứ kháo nhau bà thờ chủ nghĩa độc thân, bà khép kín lòng mình dù bà có nhiều
dạm hỏi cưới xin. Vì vậy quyết định của chị thật bất ngờ.
- Phần tôi, đây là một bức phá cuối
cùng cuộc đời. Như chị biết, từ trước đến nay, tôi luôn cố sống lương thiện
bằng sức của mình giúp người thân trong gia đình để rồi mấy lần bị bạn bè lường
gạt đến gần phá sản, bị hăm dọa thưa kiện thiếu điều tù tội. Cái họa nghèo thời
điểm nầy đã biến tôi thành một người khác hồi nào tôi không biết được, tôi cũng
phải sống và bảo vệ tiếng tăm gia đình nữa, tôi phải cứu mình bằng mọi giá trừ
bán thân mình là tốt rồi. Chị cũng đã nghe cảnh đáng thương của bao thiếu nữ
lao động xứ người.
Có lần vay tiền ngân hàng làm ăn
không gặp thời thua lỗ, cái thiếu nầy chồng chất cái nợ kia, càng cố vùng vẫy
thì càng thêm thấm mệt, thôi đành buông tay cho rảnh trí. Tôi e làm khổ không
những cho riêng cá nhân mà còn cả gia đình thân quyến mà hối hận hơn là không
trả được nợ người đã từng giúp tôi qua truông trong lúc gặp nạn đã hoàn toàn
thương tin tôi không một tiếng trách hờn. Đáng buồn hơn là tôi biết rõ hoàn
cảnh khó khăn của họ cũng rất chật vật nuôi con cho đến thành người.
- Lạ thật, chị rất bươn chải, siêng
năng, bắt việc nầy sang việc kia, chị lại sống độc thân chị đâu phải có tiền để
nuôi ai cũng không cần làm giàu mà chi, tôi không hiểu nổi khi biết chị đã phất
lên trở lại được rồi mà bây giờ lại quyết… ra đi ‘có đèn có lộng’ nữa.
- Nhiều người cũng khuyên bảo người
lớn tuổi ở ngoại quốc buồn lắm, con cái đi làm, cháu đi học. Cha mẹ cảm thấy cô
đơn hơn có khi còn thấy bơ vơ như bị bỏ rơi vì các con không thường xuyên thăm
viếng vì bận rộn hay ở xa nhau quá. Tôi chưa có kinh nghiệm sống như thế đâu mà
biết được, chứ tôi thấy nhan nhản các bà về nước người nào cũng sung sức trắng
hồng, sang trọng. Họ hàng bà con hãnh diện ra mặt, đúng thôi.
Đáng chán là những người sợ bà con
nghèo xin tiền lẻ mà thích làm việc nào cốt ý như để khoe khoang danh phẩm
người từ nước ngoài. Làm việc thiện thì tốt, biết chia xẻ cho người cần người
thiếu thật đáng hoan nghênh nhưng ta có câu « của cho không bằng cách
cho » mà nhất là thời bây giờ cần phải biết rõ đối tượng cần giúp. Nhiều
khi thấy các ông bà kiểu cách, làm bộ làm tịch, chê bai đủ điều đủ loại, thấy
ứa gan luôn. Ngược lại ở bên đây, cũng không thiếu gì gia đình có thân nhân
ngoại gửi tiền về phủ phê, họ sống phè phỡn làm chơi ăn thật, tiền đẻ ra tiền,
thật cũng là cảnh trái tai ngứa mắt quá.
Nhiều ông về một mình, giả thật
không ai biết, mà thôi ông nào ông nấy cũng tuyên bố rêu rao giàu có nứt vách,
giám đốc hảng nầy nọ, áo quần bảnh bao, đi đâu cũng kè kè chai nước lọc ngán bị
‘Tào Tháo’ rượt, buồn cười hơn nữa mười ông chín ông tuyên bố không thôi vợ, vợ
bỏ, thì sắp ly dị ly thân, mới vừa góa vợ đang đi tìm người an ủi cho đến hết
cuộc đời sung túc sung…sức. Có lẽ vì thế các bà, dù là Hoạn thư đi nữa vẫn ngán
để các ông về du lịch một mình ênh nên đi kè bên sát nút e các ông mê tơi nét
« duyên dáng » thời mở ngõ lạc vào các động tiên huyền, nâu,
thần Bạch mi hay lạc vào ‘vườn khế ngọt’ mất nhẵn túi tiền và quên cả đường về.
- Thế hệ trẻ nước ngoài về thì thế
nào ?
- Thành phần nầy thì có biết chút ít
hay không để ý gì về tình hình đất nước đâu. ‘ Ăn phải chỗ, ở đúng thời’ để dễ
bề hội nhập vào cuộc sống mới, chỉ cố gắng học hầu chiếm được mảnh bằng có địa
vị trong xã hội, báo hiếu cha mẹ hãnh diện với đời và hưởng thụ theo khuynh
hướng thời đại. Du lịch là cốt yếu theo phong cách sống mới các nước văn minh
để mở rộng tầm nhìn kiến thức, hòa đồng thân thiện với mọi dân tộc trên quả đất
xanh cần bảo vệ cho loài người chúng mình. Thế thôi.
- Chị nhớ chuyện con sư tử con
được sống với bầy dê. Ngày ngày nó cũng gậm cỏ non, uống nước bên giòng suối
trong mát, chơi đùa nhảy cỡn kêu be be như các dê nhỏ khác, giống như con em ta
sang các nước định cư nói tiếng trôi chảy cư xử như trẻ con bản xứ vậy thôi.
Quá khứ của cha mẹ tổ tiên đâu có dịp khơi lại, mà có nhắc đến cũng không thể
nào hiểu được vì môi trường sống khác hẳn xa rồi. Ở trường ai đề cập tới đất
nước, các em cũng có sinh hoạt riêng bù đầu bù cổ để kịp theo bước văn hóa văn
minh hiện đại. Người lớn cũng không dành thì giờ để lo hoàn toàn cho con cái,
ai cũng cố làm ra tiền để lo cho gia đình bên nầy bên kia. Rời đất nước, người
Việt ta đều có gì để lại và mang theo trong tâm hồn, tình cảm, vật chất, một
người thân, một ngôi mộ, một mối tình, một lời thề,…
Tuy nhiên mặc dầu thanh thiếu niên
ngày nay tự do hơn nhưng cũng hiểu rằng muốn hội nhập vào xã hội phải được trang
bị bằng tài năng cá nhân và lòng kiên trì quyết vươn lên. Không ỷ lại được như
cô nương cậu ấm ngày xưa hay các công tử « con ông bà lớn »ngày nay
vung tiền vào các cuộc vui chơi hưởng thụ hay bạch hóa núi « tiền
dơ » của cha mẹ trùm tư bản đỏ đen. Do đó tất nhiên cán cân lệch một bên,
quan niệm về đất nước, tình hình trở nên mơ hồ không quan tâm. Rồi càng ngày
mài miệt vào việc hội nhập, vô tình càng ngày càng xa dần văn hóa tập tục nước
nhà. Phụ huynh cũng nhận ra điều ấy nên đâu đâu ngày nay cũng cố gắng khuyến
khích người trẻ biết cội nguồn.
Còn các con của anh ấy có ý kiến gì
không ?
-
Mình chỉ biết điều anh ấy kể thôi, tất cả đều có gia đình hết rồi ở
riêng, nên cho rằng việc anh ấy lập gia đình trong lúc nầy rất cần thiết và
nhất là tìm được người đàng hoàng thì thật là đáng mừng. Chỉ cần mình đồng ý
thì anh ấy sẽ về ngay tổ chức đám cưới rồi làm giấy tờ cần thiết để bảo lãnh
mình càng sớm càng tốt, chúng mình không còn trẻ gì đâu.
- Còn bên gia đình chị thì thế
nào ?
- Tôi quyết định một mình rồi mới cho
gia đình hay. Chắc chắn là không ai vui lắm đâu vì đến từng tuổi nầy tôi mới
« lên xe hoa » và lần đầu tiên tôi lại đi xa biết ngày nào gặp lại.
Hôn nhân là chuyện vui thế mà trở thành việc bất thường vừa lo ngại vừa mừng
ngầm cho mọi người thân nhưng chuyện đã xảy ra rồi. Không ai nỡ lòng dập tắt
mộng ước hạnh phúc cuối đời của một con người dù sợ e rằng đó có thể là mộng
tưởng ảo ảnh ?
Tôi cũng biết hiện giờ chị cũng
bó tay không ý kiến, chị có thương tin mình chị cũng chỉ lặng thinh trước cái
quyết định bất ngờ bề ngoài có vẻ đầy cân nhắc, nhẫn nại mà chị không cách nào
hiểu được. Thôi thì chị chúc cho đứa em gái nhỏ của chị may mắn đi trong cuộc
hành trình nầy dung rủi do Bà Nguyệt Ông Tơ ?
Đúng vậy biết làm gì hơn bây
giờ ? Khoảng cách, hai bến bờ, Đông Tây tuy xa mà gần mà cũng gần mà xa
tùy cơ may, số phận nhưng căn bản vẫn do chính mình thôi mà thật ra quyết định
thế nào là hợp lý ?
Người xây mộng có thể bị hành quyết
bức tử nhưng riêng hồn mộng thì không một ai có thể tước bỏ hủy diệt được và
niềm hy vọng có một ngày… mãi mãi trường tồn !