Quảng cáo Việt nam 1971
Hàng tuần, nhìn xấp giấy quảng cáo đủ màu nhét nghẹt thùng thơ
ngoài cổng, cảm thấy thương trẻ em các nước khó nghèo ngày ngày phải bươn chải
bươi lượm trong bãi rác ngút ngàn. Ngược lại ở đây, bây giờ tất cả như dư thừa,
hỗn độn, phí hoang.
Thật vậy, ngày nay, bước ra đường, đâu đâu bạn cũng bị thu
hút, bao quanh bởi những tấm bảng nhỏ lớn, đủ tầm cỡ, màu sắc, hình vẽ, ánh
sáng đập vào mắt gây chú ý. Bạn không muốn nhìn cũng thấy, không muốn đọc cũng
không thể làm lơ. Dần dần như quen thuộc, gần gũi, nhập thể ăn sâu vào tiềm
thức bạn lúc nào không ngờ được. Về đêm, những ngọn đèn đủ màu sặc sỡ, chói
chang, chớp tắt, dạ quang chỉ cần lướt qua bạn có thể đoán ngay đề tài, nội
dung, vị trí.
Quảng cáo như gắn chặt vào cuộc sống người dân, nhất là ở
thành thị. Thật ra chẳng có một ai dửng dưng nổi với tiến bộ nầy. Lúc đầu chiếm
địa vị lặt vặt nhỏ nhoi ở trang cuối cùng tờ báo, co giãn theo thời, rồi dần
dần biến thể, phát huy, lan rộng sang địa hạt truyền thanh, truyền hình.
Đây là cách giới thiệu, mời gọi, rao hàng, thông tin, chỉ
điểm, một tên thám thính đi đầu, tiên phong, tiền đạo, thông tín viên truyền
tin nhanh chóng. Nghề này, hợp thời đúng mốt, còn đắt giá hơn cả bao nghề nhẹ
nhàng thanh lịch hốt bạc khác như làm mẫu, minh tinh lolita.
Thử quan sát chung quanh một tí, bạn sẽ thấy ngay chính mình cũng
không thoát khỏi vòng phong tỏa muôn màu muôn sắc đó, từ đầu đến chân, sợi tóc
móng tay, sự hiện hữu bàng bạc, mật thiết, trực tiếp với mọi hoạt động, đặc
biệt là “hồ bao” túi tiền chúng ta. Cũng chính nhờ thế, khung nhìn của bạn mở
tầm phóng cao xa hơn, nhiều đề tài mới đầy triển vọng sôi động nới rộng vòng
đai bè bạn thành “club” thành “băng”, con người mới văn minh hiện đại.
Thoạt nhìn, tưởng chừng như ảnh hưởng quảng cáo hời hợt, không
có chiều sâu. Nghĩ lại, chỉ cần căn cứ vào vài sự kiện thông thường mới nhận
chân không có phạm vi, ngành nghề nào mà không thông qua “bộ tham mưu”, trung
tâm chỉ huy nầy. Sức mạnh như phong ba, lớn thuyền lớn sóng, biển to sóng cả.
Cũng có thể ví như giòng nước ngầm thẩm thấu vào óc sáng tạo con người.
Sử dụng được đủ cả các giác quan thật khó có ai thoát khỏi
vòng tay tâm lý nầy dễ dàng. Thúc bách tính tò mò, kích thích óc tưởng tượng,
triển khai phát huy tiềm năng, gây suy tính, tập phê phán, tạo cơ hội hành động
thi thố sức tài. Không khác chi gia vị cuộc đời, lối xây mộng trên “plan” sơ đồ
giấy, kiểu chọn âm thầm cho mỗi cá nhân một hướng đi riêng, vòng quạt rộng đề
tài, vườn hoa khoe sắc thắm mà người hái mua phải biết chọn đúng sở thích khả năng
mình.
Theo thời gian, quảng cáo không ngừng thay đổi nhất là nhờ
sự phối hợp chặt chẽ với văn hóa, khoa học, kỹ thuật. Đây cũng là thước đo
trình độ văn minh căn cứ trên sáng kiến phát minh, cuộc đánh giá cán cân kinh
tế, mức sống nhu cầu phồn vinh mỗi nước. Chỉ có nước nghèo mới còn tìm thấy trẻ
em bươi nhặt rác, lượm giấy kiếm tiền độ nhật mưu sinh. Chỉ cần nhìn nước nào
mà vở tập học sinh còn bao bìa bằng giấy báo, đất nước nầy chưa thoát
khỏi đói khổ khốn cùng.
Rồi đâu có phát triển là có cạnh tranh, có tranh giành là có đối
thủ. Cường độ cũng tăng cùng mực độ tiến lùi, sang hèn, khôn dại. Không từ bỏ
phương cách, sáng kiến, kỹ thuật, mánh lới nào ngay cả tráo trở, gian dối quỉ
quyệt nếu cần, sự cạnh tranh sống còn, ráo riết không nương tay nầy lắm lúc
biến thành chiến tranh tiến bộ.
Ngày xưa, người Việt ta lấy khiêm nhượng làm đầu, Tàu “xính xái”,
nay, mục đích là làm thế nào cho số thu đầy két mà thôi. Không còn lối
“Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”,
mà phải
“Dare to be great” (Dám trở thành vĩ đại),
bằng không
“ Người ta lớn bởi vì ta quì xuống” vậy.
Nói đi rồi cũng phải nói lại, không có quảng cáo thì kinh tế cũng
khó phồn vinh. Một ví dụ nhỏ minh chứng, đài truyền hình to nhất thế giới của
Mỹ CNN hiện nay cũng không ngừng quảng cáo liên tục, vì thật sự có quảng cáo
mới có người chi sponsor.
Vả lại, quảng cáo là lối chào hàng , tất nhiên chỉ hé mở cho khách
phần nào cần phơi bày, tốt khoe xấu che. Thật khó lòng mà nhắm mắt tin, phân
biệt giả chân. Có tiếp cận, đụng chạm, thực hành rồi mới rõ trắng đen. Lắm lúc
thấy vậy mà không phải vậy, hoặc như J.J.Rousseau nói “Hãy làm điều gì tôi
nói mà đừng làm điều gì tôi làm”. Vẫn
biết “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” nhưng làm thể nào để phân biệt gỗ tốt? Tất cả
mặt hàng đều được khoa học kỹ thuật tô son điểm phấn, nghiên cứu hóa trang kỹ
lưỡng, bọc gói mỹ thuật, tốt xấu không ranh giới, dễ dàng đánh lận con đen như
“mà” cặp mắt bình thường.
Thử lướt qua vài quảng cáo, bạn học được nhiều điều mới lạ.
Bạn thâu thập ngay từ cơ bản đến cao điểm, ngay cách sử dụng từ cũng đòi hỏi
lắm công phu. Quán ăn chẳng hạn, bạn biết được nhiều món nổi tiếng từng vùng,
chưa nếm qua, có tên tuổi, lắm lúc làm cho bạn cảm thấy nhớ món quen thuộc đến
cồn ruột cào gan.
Nhìn các cô gái xinh đẹp, bạn tưởng như thoang thoảng mùi son phấn
nước hoa thơm phức trên da thịt của các thiếu nữ đang xuân. Muốn đẹp có thẩm
mỹ, đừng lo bệnh đã có bác sĩ Đông, Tây, dân tộc gia truyền. Ăn khó nhai, nha
sĩ với máy móc tối tân sửa chữa răng thật, trồng răng giả như khuôn. Chuyện đâu
còn đó, lo chi con bò trắng răng, phí công, mọi việc đã có quảng cáo chỉ điểm.
Ngày nay, ngay cả trẻ con cũng là đối tượng quan trọng. Đồ
chơi bây giờ phải kể là thuộc hàng kỹ nghệ có tầm vóc lớn, theo khuynh hướng
thời đại, có tính cách giáo dục, hợp lứa tuổi...
Và ngay chính bộ môn quảng cáo nầy cũng phải theo luật tiến hóa
biến chuyển không ngừng, lắm lúc mất đà đi sai lệch mục tiêu lạc hướng. Đối với
giới trẻ chẳng hạn, tâm hồn trí óc như trang giấy trinh nguyên, cuộn băng còn
mới, nên dễ thu thập mọi mới lạ, đổi thay. Thường theo xu hướng nhất thời,
nhiệt tình dễ chấp nhận mà cũng không ngại vứt đi. ‘Gần mực thì đen gần đèn
thì sáng’ cũng có thể áp dụng trong trường hợp nầy.
Với ngôn từ hình ảnh được phóng đại tối đa, hào quang chói lọi của
ngành “rêu rao” phô trương bày vẽ nầy, người ta bị lòa mắt dễ rơi vào cạm bẫy
êm đềm tự nguyện lúc nào không hay, khó có lối thoát ra mà không bị trầy vi
tróc vẩy. Càng ngày, có thể ví như chiếc áo lâu năm bạn bè quen thuộc, vứt
tiếc, gặp hoài lờn mặt, vắng thì nhớ, bỏ vương thương tội.
Nghĩ cho cùng, quảng cáo muôn màu muôn mặt, gợi hình gợi cảm, lôi cuốn, mời gọi quyến rũ như người phụ nữ “mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười “, như người mẫu, minh tinh được điểm tô săm soi chăm chút do sự phối hợp của bao ngành vệ tinh liên hệ trước khi trình làng ra mắt. Tung ra thị trường, qua tay bao nhiêu khách đủ giới, rồi thì cái được cắt lộng kỷ niệm đến đầu bạc răng long, cái rách bươm nhầu nát, bị vứt bỏ không tiếc thương bay lang thang theo cơn gió trên đường phố, trong sọt rác, hoặc trôi giạt qua sông vào biển, hay phất phơ nuối tiếc bám chắc vào cây cành khoe sắc màu lần cuối!
“ Xưa sao phong gấm
lũ là,
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường. »
Như thân phận con người, có sinh tất có tử, như việc rủi may là
chuyện tất nhiên. Hãy chấp nhận cuộc sống được trao, tự tạo cho mình niềm tự hào đã là tinh hoa của đất
trời, an tâm dung bước.
Cô Trần Thành Mỹ