MỘT NÉT ĐẸP TRONG TIẾNG VIỆT, CHỮ NƯỚC.

                            


                     Thác Bản Giốc

Ngưòi ta thường bảo con người có thể kéo dài đói ăn trên mười ngày nửa tháng nhưng khát thì khó quá một tuần. Người Việt ta lại gọi một cách nôm na thân thương quốc gia mình bằng một từ đơn âm Nước còn có nghĩa là nước để uống để dùng. Trong ngôn ngữ toàn cầu khó mà tìm được từ nào mà tượng hình tượng thanh đánh động vào ngũ quan tình cảm tâm hồn một cách tự nhiên thân tình như từ Nước của chúng ta.

Thật ra trên thế giới, nước nào cũng có nhiều xưng danh cho đất nưóc mình. Pháp chẳng hạn là Patrie, état, nation, pays natal, la terre de nos ancêtres, tiếng Việt ta Tổ quốc, Quốc gia, Quê hương, đất nước, tiếng Hán Việt là QUỐC, nhưng chưa tìm thấy tiếng nước ngoài nào mà có từ có dấu ngắn gọn bình dị với võn vẹn bốn chữ cái mà gợi tình lẫn ý quan yếu quen thuộc gần gũi thiết tha như chữ Nước của ta.
Dẫn chứng ta có trong các từ hay thành ngữ Hán Việt như « tận trung báo quốc », « lương sư hưng quốc », quốc nạn, quốc hận,…
Trong bản nhạc « Tình ca » của Phạm Duy « Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời… »
« Tình hoài hương » : « Quê hương tôi có con sông đào xinh xắn,
        Nước tuôn trên đồng vuông vắn »…
 « Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc. »(Trần Bình Trọng)
« Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư. »(Lý Thường Kiệt).
« J’ai quitté mon pays… » (Enrico Macias)
« Pourquoi le prononcer, ce nom de la Patrie ?
Dans son brillant exil, mon cœur en a frémi ; »…(Lamartine- La terre natale)
« Je ne connais de mon pays que des photos de la guerre « …
Un jour, j’irai là bas te dire bonjour, Vietnam. »( Marc Lavoine – Bonjour Vietnam)

Nói về nước, chữ Nho là THỦY, nước còn là nguồn sống cho sinh vật cỏ cây. Trên mặt địa cầu nưóc chiếm 2/3 diện tích chung phần còn lại 1/3 là đất. Không có nước không có sự sống trên hành tinh nầy qua nước mưa, nước suối, ao hồ, sông biển.
Trong thơ văn, ca dao tục ngữ :
« Cây có cội, nước có nguồn. »
« Uống nước nhớ nguồn. »
« Nước non năng một lời thề,
Nước đi đi mãi không về cùng non. » (Tản Đà )
« Đời cha ăn mặn, đời con khát nước. »
« Còn nước còn tát. »
« Nước trong quá thì không có cá,
Người xét nét quá thì không có bạn bè. ».
Sơn tinh Thủy tinh
Bức tranh thủy mặc...

 Vì thế ngay khi đổ bộ lên mặt trăng trước kia hoặc như hiện nay Hỏa tinh, các nhà phi hành gia hay các robot trên các phi thuyền thám hiểm không gian được phóng lên thường có nhiệm vụ đầu tiên đặc biệt là lấy mẫu đất trên hành tinh ấy đem về phân tích xem gồm có nguyên liệu gì nhất là có sự có mặt của nước để chuẩn bị cuộc hành trình định cư trong tương lai.

Hơn thế nữa, thông thường ai cũng biết là người dân nước nào tất hiểu rõ thấm nhuần, sử dụng nhuần nhuyễn tiếng nước mình hơn. Mỗi ngôn ngữ đều có sắc thái đặc thù riêng «nồi nào vung nấy »  do đó rất khó hoặc không thể so sánh cho đúng được dù trong thực tế có tiếng của nước giàu nghèo, nhược tiểu hay siêu cường, diện tích nhỏ to, nhiều người sử dụng hơn.

Chẳng hạn như trước kia, tiếng Pháp được xem như là ngôn ngữ chính yếu trong văn kiện bang giao quốc tế vì tiếng Pháp dễ đọc, rõ ràng diễn tả chính xác qua cách sử dụng khúc chiết Mode và Temps (Cách và Thì ) của động từ. Tuy nhiên, văn phạm Pháp quá phức tạp, chi li còn áp dụng nhiều quy tắc cầu kỳ như Accord du participe passé, cách chia động từ theo mode temps và ngôi thứ quá phân định, do đó viết khó hơn nói, đòi hỏi trình độ thực sự nếu không nhiều lỗi chính tả, sai sót trong lối hành văn. Từ đó tiếng Pháp mất dần sức hấp dẫn và địa vị hàng đầu của mình nhường chỗ cho tiếng Anh thực dụng luân lưu chuyển tải dễ dàng hơn.

Ngoài ra ngày xưa chúng ta hình dung bầu trời rộng mênh mông bao la không thuộc riêng một ai. Rồi càng văn minh luật quốc tế phân định vùng không gian nào trên đầu là không phận của nước đó. Phi cơ phải tuân thủ triệt để luật trên, nếu vi phạm có thể bị triệt hạ như thường. Thế là bầu trời cũng bị con người tư hữu hóa luôn rồi.
Ngày nay môn địa lý chẳng những cho ta biết rõ những những nét đại cương về trái đất, phân định rõ bằng những cộc mốc biên giới vị trí biên giới của mỗi quốc gia. Vậy là đất cũng được bàn tay bộ óc con người chi phối theo luật chiếm hữu của nhân loại.
Còn nước thì thế nào ? Cũng có luật giao thông hàng hải quốc tế, thềm lục địa mỗi nước được tính bằng hải lý. Nhưng giống như không phận vì không thể có cộc mốc biên giới hữu hình rõ rệt như trên đất liền nên có nước lớn mộng bá chủ xâm lăng trong vùng Đông Nam Á chẳng hạn, bất chấp luật quốc tế  ấn định lại mốc biên giới mới ở miền Bắc nước ta ở Ải Nam quan và Thác Bản Giốc và đơn phương ngang nhiên hơn vẽ  « đường lưỡi bò » trên Biển Đông uy hiếp ép đẩy lùi thu hẹp thềm lục địa các nước nhỏ lân cận hay chung quanh gây tranh chấp biển Đông.


                        Đường lưỡi bò

Chúng ta cũng biết là tự ngàn xưa, ngoài sự cần thiết cho đời sống con người như ăn uống vệ sinh, nông nghiệp, ngư nghiệp, chuyên chở vận tải, hải lộ đường thủy còn là đường giao thông đầu tiên nhanh chóng hơn đường bộ để lưu thông, liên lạc khám phá, mà con người đã biết sử dụng bao phương tiện qua đường sông đường biển, lúc đầu bằng những dụng cụ thô sơ như bè, bè mảng, ghe, thuyền, thuyền buồm rồi dần dần đến tàu chạy bằng hơi nước, rồi máy nổ và điện tử, tàu hiện đại ngày nay vượt đại dương, càng ngày càng to lớn tiện nghi, an toàn và thoải mái hơn gấp bội.

Và chúng ta không quên cũng chính nhờ tính phiêu lưu mạo hiểm, tìm tòi phát kiến địa lý vĩ đại mà bao nhà thám hiểm Âu châu đã tìm ra bao đất mới, thế giới mới qua đường bộ hay trên biển qua đại dương.
              Bản sao con tàu buồm Hermione mà Lafayette vượt Đại Tây Dương sang Mỹ 1780
                           


Marco Polo (1254-1324) nhà thám hiểm Ý đầu tiên đã đến Trung quốc bằng « Con đường tơ lụa ».
Christopher Columbus (1451-1506) nhà hàng hải Ý đi bằng đường biển về phía Tây Đại Tây Dương và khám phá châu Mỹ, 12/10/1492 tới San Salvador mà Ông vẫn nghĩ là Ấn độ nên gọi thổ dân đầu tiên là Indian.

Vasco de Gamạ (1460-1524) nhà thám hiểm phiêu lưu Bồ đào Nha đầu tiên đi bằng thuyền từ Portugal tới vùng phía Đông kết nối châu Âu và Á với hành trình xuyên đại dương. Năm 1497, Ông đến Ấn độ vòng qua Mũi Hy vọng (Cap de Bonne Espérance –Cape of Good Hope) cực Nam lục địa Châu Phi.

Hầu tước Pháp La Fayette dùng thuyền buồm Hermione được gọi là « La Frégate de la Liberté » vượt Đại Tây Dương năm 1780 sang giúp Mỹ trong cuộc Cách mạng Hoa kỳ. Và đến thế kỷ 21, một bản sao mới chiếc Hermione được hạ thủy rời cảng La Rochelle đi Mỹ  năm 2015.

Nói đến óc phiêu lưu khám phá maọ hiểm, chúng ta không thể không nhớ đến nhà hàng hải địa lý Pháp mà còn là nhà đại văn hào viết truyện khoa học giả tưởng nổi tiếng từ trước đến nay Jules Verne (1828-1905). Trong các tác phẩm của mình, Ông còn đã tiên đoán hầu hết các phát minh khoa học lớn của thế kỷ 20, cung cấp cả kiến thức khoa học từ Những chuyến bay bằng khinh khí cầu « Cinq semaines en ballon » 1863, Từ địa cầu đến Mặt trăng « De la Terre à la lune « 1865, Vòng quanh Mặt trăng 1870, Vòng quanh thế giới trong 80 ngày « Le Tour du monde en 80 jours 1873,  và Hai mươi nghìn dặm đưới đáy biển « 20.000 lieues sous les mers « 1870.

Cho đến thế kỷ thứ 20, Thor Heyerdahl (1914-2002) nhà nhân chủng học thám hiểm Na Uy còn đã sử dụng chiếc bè Kon Tiki với 6 người thực hiện cuộc vượt qua Thái Bình Dương gần 8000km sau 101 ngày đêm năm1947 an toàn.

                                            Chiếc bè Kon Tiki

Nhà thám hiểm nổì tiếng người Anh Tim Severin  trong phái đoàn đó có Ông Lương Viết Lợi  tham gia cuộc hải hành bằng chiếc bè mảng vượt Thái Bình Dương đi được 5500 hải lý còn 1100 dặm đến Hoa kỳ, phát xuất từ Hong Kong sang Mỹ tháng 3/1993.
                                     


Vậy so sánh ba phương diện trời đất nước, nước vẫn là sinh lộ quan yếu nhất cho mỗi quốc gia.

Ngay con người từ lúc còn trong bụng mẹ, bào thai vẫn tròng trành trong tiềm thủy đỉnh tử cung.

Những con sông kinh đào ao hồ thác nước đều là nguồn mạch sống cho tạo vật sinh linh trên hành tinh xanh nầy. Chính các con sông lớn như Missipsipi của Mỹ, Hằng Hà (Gange) ở Ấn độ, Hoàng hà và Dương Tử Giang ở Trung quốc, Mékong qua sáu nước Á châu đổ ra biển Đông qua 9 cửa sông tại Việt nam, đã góp phần cốt yếu cho sự phồn vinh của đất nước nào sông đã chảy qua.

Do đó biết được điểm tối ư quan trọng ấy, các nước ngự ở thượng nguồn có thể gây khó khăn bắt chẹt các nước nhỏ dọc theo sông nhất là nước ở hạ nguồn mà Việt nam ta là một.

Trong văn chương Pháp có câu
« J’aime la lettre M parce qu ‘on la prononce AIME,
Je n’aime pas là lettre N parce qu ‘on la prononce HAINE ».
(Tôi thích chữ M vì ta đọc là AIME = Yêu thương,
Tôi không thích chữ N vì người ta đọc là HAINE (H câm)= Hận thù).

Người Anh cùng có câu đáng suy gẫm :
«  Believe giữa có chữ Lie,
Friend cuối vẫn có chữ End,
Lover cũng có lúc Over,
Wife trong lòng vẫn có If “.
Ngâm nga các câu tiếng Pháp Anh trên, thật thích thú phát hiện thêm đây cũng là một nét đẹp khác tô điểm chữ Nước ta độc đáo hơn. Thử đánh vần chữ NƯỚC ta có N+ƯỚC (Anh ước), vậy trong chữ Nước có vần Ước mà tuyệt vời thay, Ước mơ, ước nguyện thể hiện hoài bảo của thế nhân, quyền tự do căn bản của mỗi con người, anh cũng như tôi, không phân biệt giàu nghèo mạnh yếu già trẻ và không có ai có quyền cấm cản trừng phạt.

Cám ơn tổ tiên đã thông minh sáng tạo tuyệt vời ngay trong dòng chảy văn hóa dân tộc mọi thời. Dù chữ Quốc ngữ bằng mẫu tự la tinh sinh sau đẻ muộn, một trong những danh từ thuần Việt tiêu biểu như chữ Nước vẫn hiên ngang sát cánh sống theo thời gian thời đại lịch sử, khoe nét đẹp và ý nghĩa toàn vẹn của từ đơn âm nôm na bình dị dễ hiểu gắn bó thắm thiết qua bao thăng trầm của đất nước vượt cả sự cầu kỳ bác học khó hiểu khó viết trong một thời cao điểm của chữ Nho Hán Nôm.

Chúng ta con cháu Rồng Tiên được thừa hưởng thành tựu tinh thần siêu việt ấy, hãy kiên trì tự hào gìn giữ, phát huy hoàn thiện cải tiến nét đẹp, tính đặc thù độc đáo, sự trong sáng của ngôn ngữ mình luôn vì văn hóa còn, Tổ quốc còn theo gương của tiền nhân đã có công gầy dựng đất nước Việt Nam ta trên 4000 năm.

Cô Trần Thành Mỹ








          

 
ĐỒNG HƯƠNG © 2012 - Xây dựng bởi Blog Thiết Kế – Hỗ trợ bởi Người Áo Lam - Giao diện Rumah Dijual