XUÂN VỀ TẾT ĐẾN

                                          



                                             

Năm cũ sắp qua năm mới sắp đến, tuổi đời thêm một bậc thang lên cao. Cái chu kỳ bất di bất dịch của Xuân Hạ Thu Đông cũng như cái vòng lẩn quẩn sinh ký tử qui không còn làm cho một ai ngạc nhiên sợ hãi như trước kia nhưng điểm kỳ thú vẫn là niềm tin hy vọng vào ngày mai của cuộc đời nhất là trong thời gian Tết.


Tết đâu đâu cũng được mong đợi, chuẩn bị đón tiếp âm thầm hay rõ rệt. Tết cũng lặp đi lặp lại hằng năm thế vẫn là nguồn sinh lực ngầm trẻ hóa tâm hồn, một tia chớp đánh thức bản năng hội nhập, một ranh giới giữa cái có không, cái còn mất, cái ta và mình, hai điều tương phản, bổ túc, tiếp nối.

Theo Luật Nhân quyền hay luật tự nhiên của Tạo hóa, con người bình đẳng nhau, chỉ có xã hội mới phân định giai tầng, đánh giá thấp cao và từ đó mới phát xuất bất công, chống đối, thù hận. Nếu chúng ta chịu khó mỗi ngày vài phút tập trung sống theo tinh thần Tết thì trái đất nầy biến thành địa đàng rồi.

Về ngày đầu năm, thế giới thường chú trọng đến hai ngày Tết dương lịch và âm lịch. Thật ra thì nước nào cũng có ngày Tết riêng không phải bắt buộc phải vào mùa Đông như Âu Mỹ, hay vào mùa Xuân như Việt nam Trung quốc, nhưng tinh thần hưởng ngày khởi đầu năm mới vẫn như nhau theo truyền thống mức sống phong tục riêng.

Thông thường được sống thêm một năm, thọ lên một tuổi, đó là một niềm vui cá nhân và tập thể, tất nhiên cũng nên được tổ chức ăn mừng. Tính trung thực của niềm hân hoan nầy là luôn được chia sẻ cùng nhau không phân biệt không thành kiến. Rồi dần dần văn minh tiến bộ khôn ngoan hơn thay vì gây đoàn kết giúp đỡ nhau, con người lại tranh giành xâu xé giết hại nhau không tiếc thương. Đau buồn nhất là vì do giác quan và lòng tham sân si khó cưỡng lại được..

Chẳng hạn như để sống tất phải ăn uống. Người giàu nghèo mạnh yếu cũng thế, có hay vô học cũng không qua cái bao tử dạ dày đâu. Biết thế nhưng dù cái bộ phận hủ lô nghiền nát nầy tưởng chừng như vạn năng bất bại ấy từng nuốt cả cát xi măng đá sắt đạn súng xe, ăn cả hàng độc phương hại lâu dài, thúi tha rác rưởi, uống cả rượu nhái, độc giả lậu cấm, cũng không thể làm con người sống bất tử, vô nhiễm với tại nạn bệnh tật.

Rồi cũng vì lo đến nhu cầu thiết yếu hàng đầu của con người ấy, để nâng cao chất lượng dinh dưỡng duy trì cuộc sống, với bộ óc sáng tạo thông minh biết xoay sở cùng với năng khiếu thích nghi và trình độ kỹ thuật khoa học càng ngày càng văn minh tiến bộ, con người cao ngạo như muốn tranh với luật phép của Tạo hóa thiên nhiên và vì thế lắm lúc quá đà đưa cuộc sống thế giới càng ngày hỗn tạp, giết chóc, nghi nan, đầy rẩy âm mưu đòn bẩy mất lòng tin…

Thế nhưng, Tết cũng có ý muốn nhắc cho chúng ta dù có tài giỏi, giàu sang tột bực, quyền thế cao trọng đến mức độ thế nào chăng nữa vẫn không thể bất di bất dịch sống mãi đời đời. Tất cả sở hữu gi chúng ta được thừa hưởng hoặc tạo ra ai giữ được, nằm xuống rồi tay cũng trống không như khi ta khóc oa oa báo lúc mới ra đời.

Dòng đời giống như thời gian là một đường thẳng không ai, gì ngăn cản quay kéo lại được nhưng điểm khác nhau là cuối cuộc đời con người vẫn là cái chết bất di bất dịch. Như mỗi năm cũng kết thúc để mở sang trang mới, đó cũng luật tự nhiên không ai cưỡng lại được. Thế hệ trước đi qua, tất nhiên thế hệ kế tiếp nhất định được thụ hưởng tiếp nối thành quả ảnh hưởng tốt xấu cũng như lành dữ của cha ông.
« Ông cha kiếp trước khéo tu,
Ngày nay con cháu võng dù hiên ngang. »

Xin hãy ngắm xem những hình ảnh lung linh đủ màu chớp tắt tung lên cao uyển chuyển ung dung rơi rơi trên nền trời không bóng trăng sao sau tiếng pháo đì đùng lách tách uy dũng thức tỉnh trong đêm trừ tịch, một vòng quạt hoa trái đặc thù của mùa Xuân Tết đến, tiêu biểu như hoa mai, đào, cúc, vạn thọ, thủy tiên, mồng gà,…cam quít hồng đào dưa hấu bưởi mảng cầu sung,…bao thứ bánh ngọt mặn đậm đà tình mỗi vùng đất nước, đại để bánh ít, bánh tét bánh chưng giò chả, bánh men, bánh kẹp, hạnh nhân, tùy địa phương bao loại mứt, mứt dừa, mứt bí, mứt me, … những trò chơi múa lân kịch nhạc, tất cả đều là chứng tích cho cuộc tống cựu nghinh tân trong niềm hân hoan và tri ân hy vọng ngày mới sẽ tốt đẹp hơn.

Truyền thống của dân tộc ta thiên về tâm linh hơn, có thể một phần vì tin vào huyền thuyết đẹp Con Rồng Cháu Tiên, nên việc bảo vệ gìn giữ mở mang đất nước độc lập tự chủ là điều kiện tiên quyết sống còn trên bốn nghìn năm. Tình yêu tổ quốc thật tự nhiên ai cũng có vì cây có cội nước có nguồn, riêng dân tộc ta còn điểm xuyết thêm bằng lòng nhớ ơn sâu xa tổ tiên chúng ta đã phải chống bao lần nhân tai ngoại xâm hung hãn, hiểm độc, thiên tai trên mọi bình diện trong việc mở đất khai hoang.

Và để thể hiện lòng tri ân và quyết tâm theo gương thế hệ trước bao đời, Tết quả là thời gian thích hợp nhất thiên thời địa lợi nhân hòa. Đó còn là lúc nghỉ ngơi sau một năm kiếm sống cật lực, thời gian tổng kết thành quả, đoàn tụ gia đình, thắm thiết tình đoàn kết giữa bạn bè, hàng xóm xa gần và nhất là thời kỳ giải trí vui chơi bồi dưỡng.

Đây cũng là lúc mà lòng người mở rộng, trầm tĩnh, hướng thiện, muốn chia sẻ. Ngày đầu năm, chúng ta hữu thần nên cũng thường đi chùa nhà thờ lăng miếu để cầu xin Ơn Trên, thần thánh, người khuất mày khuất mặt một điều gì mình mơ ước, hay tai qua nạn khỏi bệnh tật tiêu trừ. Gặp nhau ai ai cũng vui tươi và chúc mừng Phúc Lộc Thọ trong năm mới ngay cả với người mình không thích.

Nét đặc thù khác của phong tục tập quán nước ta là lễ tảo mộ, rước đưa ông bà quá cố về nhà ăn Tết chứng minh rằng chết không phải là chuyện chia ly đáng sợ mà là sự kiện tất nhiên của mỗi đời người ai cũng phải trải qua và cũng là thành phần của cuộc sống thế nhân.

Hơn thế nữa, việc tảo mộ cũng là dịp tập họp những người cùng dòng họ xa gần, cơ hội gặp gỡ láng giềng, bạn bè ngày xưa trong thời gian trước Tết này bên những ngôi mộ thân nhân quá cố.

Theo tín ngưỡng dân gian, tập tục nầy còn chứng minh cho ta thấy thân xác dù không còn nhưng hồn thiêng vẫn duy trì mãi mãi và vẫn về thăm hằng năm từ chiều cuối năm cũ đến mồng 3, 4, 7 đầu năm mới giã từ. Đó cũng là một cách giáo huấn âm thầm truyền đạt ý tưởng nguồn cội con người, bác bỏ mê tín dị đoan ảnh hưởng của thế giới vô hình như quấy rầy thưởng phạt người trần thế còn sống. Cuộc sống bên kia thế giới loài người nếu có chỉ là giai đoạn chuyển tiếp sang một thế giới khác mà thật sự chưa một ai biết được.

Vậy thì không nên bỏ hình bắt bóng, việc cần thiết của mỗi chúng ta là cố sống theo tinh thần Tết xứng đáng là con người trên địa cầu nầy. Như thế, sẽ không còn cảnh bóc lột người, không bon chen thù hận, không tham lam không chiến tranh mà sống nhau bình đẳng tự do tôn trọng nhau và sống  đoàn kết bảo vệ quả bóng xanh nầy. Không quá bận tâm đế đời sống về sau vì ai biết được tương lai, « que sera sera ? » « Biết ra sao ngày sau » và thiên đường địa ngục ở nơi nào ?


Với kinh nghiệm của người đi trước, tổ tiên ta rất thông minh thận trọng trong việc lưu truyền bảo vệ   phát huy nguồn gốc dân tộc và đất nước qua vài tập tục giản dị liên quan đến đời sống vật thể và tâm linh. Tổ quốc không chỉ gồm có đất nước mà cả hồn thiêng sông núi tượng trưng qua hình ảnh tổ tiên quá cố bao đời.

Xuân về Tết đến không những chỉ nhắc nhở ta cuộc đời ngắn ngủi mà chúng ta còn có một đất nước độc lập tự do dân chủ và bổn phận của chúng ta theo gương người trước bảo vệ từng tấc đất, môi trường ta thở nhất là trong thời điểm thiên nhiên và lòng người như hòa hợp tuyệt vời đến thăng hoa.
       
Cô Trần Thành Mỹ






 

 
ĐỒNG HƯƠNG © 2012 - Xây dựng bởi Blog Thiết Kế – Hỗ trợ bởi Người Áo Lam - Giao diện Rumah Dijual