BỆNH DỬNG DƯNG, THỜ Ơ THỜI ĐẠI?

                                        



Thế giới ngày nay thay đổi cực kỳ nhanh chóng trên mọi mặt và cũng ảnh hưởng đậm nét trên mọi tầng lớp xã hội biến chuyển xoay vần bí hiểm loạn xạ không biết đâu là đầu đuôi, tốt xấu đúng sai. Có phải là càng văn minh con người càng trở thành độc đoán, ích kỷ độc tôn ?


Thế kỷ 21 đang toàn cầu hóa dù nhân loại vẫn chưa trút bỏ ảnh hưởng tâm linh của thần linh nên dễ biến con người thành quá khích chia rẽ hơn ngay trong các tôn giáo. Các giáo phái  thành thù kình địch nhau tìm mọi cách mở rộng phạm vi hoạt động, truyền bá bảo vệ đường lối giáo lý của mình không khoan nhượng, sử dụng bất kỳ phương tiện nào bất lợi kể cả sát hại đối phương.

Lá cờ Tự do Nhân quyền càng ngày càng được phất thả bay lên cao, kẻ mạnh người yếu đều hãnh diện hớp sinh khí nầy xả giàn không mặc cảm, ít ai còn để ý đến cán cân xã hội cung cầu, hưởng thụ và bổn phận càng ngày càng lệch lạc hết chính xác mất hướng..

Chạy đua theo nền văn minh hiện đại đề cao không giới hạn khoa học kỹ thuật, sự cạnh tranh cao độ giữa các cường quốc, sự đột phá các nước đang trong thời kỳ phát triển, cao trào phân hóa tột độ các tôn giáo làm tổn thương tâm lý, tất cả chỉ gieo sự nghi hoặc trong lòng mọi tầng xã hội nhất là lớp người lao động chân chính nghèo nàn.

Càng ngày không còn lòng tin vào aì, chính quyền chính trị tâm linh, bạn bè thân thuộc, chiến hữu và ngay cả gia đình mình nữa. Dần dà con người ta cảm thấy bất lực trước bao mũi tên tẩm thuốc độc không ít thì nhiều của mọi vấn đề địa bàn thực tế cho đến nổi ý chí phấn đấu chống cái hiểm họa bất ngờ tuột xuống độ không thành thái độ « ba phải » tuyệt đối thờ ơ.

Thái độ vô cảm nầy ví như là một bệnh cực kỳ nguy hiểm hơn cả bệnh Ebola 2014 ở Phi châu, một loại ung thư trong xã hội loài người, một bệnh truyền nhiểm ác tính truyền bệnh, một thứ dịch vô hình còn nguy hại hơn cả hành động tội ác thông thuờng vì có thể trở thành điểm tựa đồng lõa cho tội phạm mất lương tri, không lương tâm không tình người trong phạm vi rộng lớn hơn.


Thái độ tuyệt kỹ lưng chừng nầy rất thích hợp với mọi thế hệ già trẻ vì ai cũng đều tự trang bị lý do thích đáng bào chữa cho thái độ cực kỳ yếm thế nầy một cách hợp lý hợp tình. Ít ai còn có mặc cảm mình đã vô tình che dấu tội phạm ác ôn đội lớp con cừu. Hoặc giả đổ thừa cho người khác, thời thế, hoàn cảnh riêng hay chung là đất nước.

Ở các nước lạc hậu chưa phát triển như ở Phi châu, chiến tranh giữa các bộ tộc càng ngày càng khốc liệt và lan rộng không dừng. Thêm vào đấy nạn đói vì thiên tai hoành hành làm tê liệt giết chết lần mòn bao dân xứ cùng khổ như những ma trơi giữa sa mạc vùng đất khô cằn. Bao phong trào cứu trợ từ thiện từ khắp nơi trên thế giới vẫn không đáp nổi tình trạng bấp bênh đầy mâu thuẫn, thù địch nhau do truyền thống lịch sử, tôn giáo, chính trị.

Do đó biên giới giữa các nước lân cận bị xâm phạm do đoàn người dân trối chạy bằng mọi phương tiện tìm chút sống còn, tự do. Rồi vấn đề tị nạn « bất hợp pháp » nầy lan tràn gây phiền phức va chạm với dân bản xứ nhất là các nước Cộng đồng Âu châu già nua, ít tài nguyên, đất hẹp người đông, theo thể chế chính trị khác nhau. Hậu quả tất nhiên là tình trạng của người đáng thương cần sự giúp đỡ thiết yếu đó không còn sức hút mãnh liệt lòng từ thiện tự nhiên của con người như trước đây.

Hơn thế nữa, ở đâu có mặt thiện tất có mặt ác vì hai mặt nầy như bóng với hình. Vì thế bao kẻ quyền thế ác ôn, doanh nhân vô liêm sỉ, đầu nậu dẫn mối buôn thần bán thánh lợi dụng không mặc cảm đến tận cùng nỗi thống khổ của con người.

Bao nhiêu chùa chiền, nhà thờ, mosquée,…thật hiện đại đồ sộ được xây khắp nơi, trang bị đầy đủ bất cứ phương tiện tân kỳ tốn kém miễn là thu hút tín đồ càng nhiều càng tốt. Đạo và đời có khác nhau đâu ?

Ngày xưa chiến tranh còn có giới tuyến khí giới còn thô sơ, ngày nay tiến bộ hơn tất cả đều được tối tân hóa trên mọi địa hạt cả trên trời dưới nước, chất hóa học độc hại giết người và đặc biệt là biết vận dụng cả trí óc thông minh sáng tạo, chiến tranh trở thành tên đồ tể phục vụ cho kẻ mạnh kẻ ác, độc tài túi tham lam không đáy. Ngay cả thực phẩm, nước uống, môi trường sinh sống khí trời ta thở, tất tất đều có thể qua cái lò sát sinh của kẻ vô nhân trên mọi địa bàn thế gìới.

Con người vốn đã cô độc rồi càng ngày càng thấy cô đơn hơn. Biết tin ai vào gì bây giờ để có lý do, mộng ước, lý tưởng để sống? Dần dần trở thành thờ ơ, dửng dưng tất nhiên thôi. Dửng dưng không ngừng lại ở thái độ yếm thế, bất cần đời, ủy mị than mây khóc gió, bê tha lêu lỏng, không thiết sống mà leo thang cao lên muốn trở thành  người thành đạt, người anh hùng thời đại. Do đó nhan nhản những tổ chức đảng băng cướp bóc giết người, giả dạng, hảm hại lương dân và ngay cả trẻ con, khủng bố thành hình. Và trong tương lai, « biết ra sao ngày sau » địa cầu xanh của thế giới loài người ?

Bệnh buông xuôi thờ ơ trở thành bệnh vô cảm, căn bệnh nầy không chỉ hoành hành cho cá nhân mà còn trà trộn vào mọi tầng xã hội. Trước hiện tượng đẹp, người ta cũng chẳng còn say mê thích thú, trước cái xấu cũng chẳng phẫn nộ, bực tức chống đối. Không còn biết thương xót thương hại, trái tim như đóng băng đóng kín vô tri vô giác trước sự kiện trước mắt.


So sánh với các bệnh về thể xác còn có thể hy vọng chữa trị, tuy nhiên với cái bệnh vừa vô hình mà vừa vô hình nầy, khi tàng hình lúc lộ diện, vì ma dẫn lối quỷ đưa đường hay « thánh thần » soi sáng ai hiểu được, nếu không kịp thời hướng dẫn ngăn chận, hậu quả có thể nghiêm trọng làm mất cân bằng đời sống con người và thiên nhiên. Và không ai có thể đoán trước được tương lai của con người địa cầu sẽ ra sao ?

Và chính cái thái độ dửng dưng vô cảm đó cũng đã bị Đức Hưng Đạo Vương (1228-1300) kết tội là « khác nào như quay ngọn giáo mà đi theo kẻ thù ». 

                                                                             Cô Trần Thành Mỹ



 
ĐỒNG HƯƠNG © 2012 - Xây dựng bởi Blog Thiết Kế – Hỗ trợ bởi Người Áo Lam - Giao diện Rumah Dijual