CHIẾN SĨ KHÔNG CHIẾN TUYẾN

              



      Hằng năm ở Âu châu lễ Các Thánh xảy ra ngày 1-11 và cũng là lễ tảo mộ thân nhân quá cố. Nhìn nghĩa địa được chuẩn bị sạch sẽ, trang hoàng đẹp đẻ, tràn ngập hoa nhất là hoa cúc đủ loại đủ màu, ta nhận thấy con người luôn nhớ đến tiền nhân bao đời. Mỗi nước có tập tục khác nhau, nhưng lòng nhớ ơn tổ tiên cội nguồn vẫn thế.
      Ở đây, người ta chẳng những viếng mộ người thân mà còn tỏ lòng ngưỡng mộ tri ân những bậc anh hùng dày công với đất nước hay những văn thi ca sĩ lưu danh tiếng thơm tên tuổi. Ngay cả nghĩa trang quân đội của các nước đồng minh trong hai trận thế chiến I, 2 cũng được bảo quản duy trì truy niệm. Người ta thường bảo’’ mất là hết’’ nhưng có những mất mát cần được lưu dấu đến ngàn sau.
      Thật ra, chiến sĩ vô hay hữu danh vẫn là anh hùng đã góp phần xương máu mình vào việc bảo vệ quê hương. Và bất cứ trong cuộc chiến nào tất có hai phe thắng bại, địch thù,  ‘thắng là vua, thua là giặc’.
Mặt trận đời đâu phải là đường một chiều thôi mà còn là song hành mà thắng bại khó đội trời chung. Chống giặc ngoại xâm chẳng hạn, mọi chiến sĩ luôn được kính trọng tiếc thương, lưu niệm. Ngược lại trong cuộc nội chiến, thân phận của người vỉnh viễn ra đi hay còn lại cũng tùy thuộc thế thời. Nằm xuống rồi, người được vinh danh, bia đá bảng vàng, người cũng vì tổ quốc mà ‘thân bại danh liệt’.   
Lịch sử nước ta cũng đã bị hoen ố bao lần vì sự tương sát tương tàn tranh giành quyền lực, trả thù tàn bạo, đào mồ cuốc mả, đem tro tàn hài cốt rải rắt trên sông…Lòng thù hận được biểu dương như là một bài học của quyền lực chính trị ‘cạn tàu ráo máng’, ‘nhổ cỏ thì phải nhổ cho tận gốc’.
Hơn thế nữa, con người vốn hay đảng trí, thường nghĩ đến mình trước đã, chỉ để ý đến hiện tại mà quên dần dần quá khứ. Chuyện đã qua thì nhắc lại ít đi nếu không có liên quan trực tiếp. Người ta dễ quên những ân huệ đã nhận như lời hứa lúc hàn vi.
Chẳng hạn thường cầu khẩn nhiệt thành Trời khi gặp điều lo lắng không may, hứa đủ điều rồi quên mất bẳng đi. Hứa cuội tưởng chừng như không ai nghe thấy, chỉ mình biết mà thôi. Cũng có thể là không đến nổi tệ bạc như thế, lâu lâu cũng có tiếng vọng khe khẽ của lương tâm, nhưng lần lựa chần chờ mãi rồi …vô tình quên như người mắc ‘nợ như chúa Chổm’ luôn tìm cách hẹn vờ lờ quịt.
           Chiến tranh nào cũng có hậu quả riêng, mất còn không thể tránh. Phần người nằm xuống dù có đầy huân chương cũng đã qua rồi. Thương thay cho thân phận người còn sống, gia đình tử sĩ cô nhi và đặc biệt là thương phế binh. Chính sách có ưu đải thế nào đi chăng nữa, sự mất mát không thể lấp bằng cho phe thắng như thua.Thân tàn phế sống như chết dỡ.
           Oái oăm hơn là trong cuộc nội chiến nồi da xáo thịt, anh em một nhà mà quay mặt hạ nhau. Phe thua trân nằm xuống không yên mồ mả, thân sống còn mất cả hy vọng niềm tin. Bạn bè đồng cảnh ngộ cũng nhìn nhau câm nín, nỗi đau nầy không biết tỏ cùng ai ngay cả Trời cao. Tương lai gia đình là tuổi trẻ đàn con, thân không trọn thì lấy gì chống đở. Tay quờ quạng nhìn đời bằng nửa mắt, nạng gỗ tre khập khễnh vang dội giữa lòng người. Tội cho đám con có lý lịch nặng oằn, vì cơm áo bớt sử kinh lăn lóc.
Sau 75, nhan nhản phế binh khác tuyến bên kia Bến Hải miền Nam chẳng những hình hài xác xơ không toàn vẹn mà cả vốn liếng sống cũng tiêu tan.
Sống ở đâu cũng phải bảo vệ đất mình, nhiệm vụ công dân đâu ai thoát khỏi. Bất cứ ở nước nào cũng thế đại cường hay kém mở mang, việc nhập ngũ động viên là việc chung. Nước có còn mới có tên, đã dựng nước phải góp phần giữ nước.
 Người lính là người thừa hành thực thi bổn phận và quyền lợi. Việc giữ nước đâu phải của riêng ai, chỉ có kẻ độc tài có mộng xâm lăng bành trướng ảnh hưởng lảnh thổ mới ép buộc con em mình thành lính thuê giết mướn, sát nhân. Bằng chứng hiển nhiên nhất là trong quá trình chiếm đóng nước ta, nhan nhản những binh sĩ của các nước bị Pháp đô hộ hội tụ nhiều sắc dân đen trắng vàng, lính lê dương đáng sợ trong đó có cả dân thuộc địa Việt Nam.
Ðau đớn hơn là trong cuộc chia rẽ, gần đây như ở Ðài Loan Trung quốc, Nam Bắc Hàn, Việt Nam, cùng giống dòng tổ tiên, vì ý thức hệ mà trở thành thù địch. Thương cho những người chiến sĩ của hai vùng khác tuyến một sống một còn chống đối lẫn nhau.
Nhìn nghĩa trang sau cuộc chiến, vết thương như rỉ máu thêm. Người ta như muốn xóa hết dấu xưa tích cũ, đập tan cho hả cơn giận dữ biểu hiện tầm vóc và quyền uy của chiến thắng. Ðối với kẻ xâm lăng đô hộ, đó là điều dễ hiểu tất nhiên. Mục đích lý tưởng là bành trướng lãnh thỗ, tìm thị trường kinh tế mặc dầu luôn mang chiêu bài đạo đức là giúp đở, đem ánh sáng tự do văn minh cho các nước nghèo kém mở mang.
Việt nam ta đã chẳng dưới trướng của Tàu trên mười thế kỷ, tưởng chừng như bị đồng hóa khó ngóc đầu lên nổi, “Ðồng trụ chiết, Giao chỉ diệt”, gần trăm năm biến miền Nam thành thuộc địa, Bắc Trung dưới quyền bảo hộ thực dân Pháp.
 Nhiều di tích lịch sử bi phá hủy, mồ mả đập tan, người chiến bại yêu nước bị tử hình, phơi thây ‘hù’ dân chúng, ở tù ‘rục xương’, nhốt trong ‘chuồng cọp’, hành hung cho đi ‘máy bay’ ‘tàu lặn’ đày ra đảo xa…đó là chuyện nói lên thú tính độc ác của con người khác giống. Ðau thương hơn vẫn là cảnh người hành hạ người cùng nguồn gốc quê hương.
Lịch sử thế giới cũng đã cho ta thấy rõ điều đó và nỗi bất lực của con người không dứt bỏ tận gốc rễ tính cao ngạo độc tôn, thù hận, người giết người, nguy hiểm hơn lại tỷ lệ thuận, leo thang theo tiến bộ văn minh. Mộng xâm lăng chẳng hạn cũng thu hình biến thể từ vật chất, ngoại hình sang ý thức nội tâm. Cụ thể hạn hẹp nhất như trên võ đài, cuộc tranh tài đụng độ nẩy lửa giữa các trường phái quốc tế cũng đâu phải nhỏ.
Hậu quả chiến tranh Việt nam sau 75, hàng triệu người rời bỏ quê hương gia đình bằng mọi cách, chết trong bụng cá, đói khát trên đại dương, hành hình do hải tặc, bơ vơ trên đất lạ để đổi lấy tự do.
Nhưng đáng thương hơn vẫn là những người còn ở lại, những người ‘chiến bại’ cùng huyết thống chịu hình phạt nặng nề. Tre già khóc măng mà nghẹn ngào không dám khóc, mất chồng con mà không được quyền hé môi tiếc thương. Trường hợp thương phế binh mới ‘ngậm bồ hòn’ tuyệt vọng.
Nhớ lại vụ ‘tru di tam tộc’ trong vụ án Thị Lộ đối với đại công thần Nguyễn Trải mới thấy luật trả thù giết người từ trong trứng nước được áp dụng rộng rãi đến ba đời. ‘Vendetta’ ở Tây ban nha, lối trả thù không đội trời chung chỉ giữa hai dòng họ thôi mà cũng được truyền tụng xem như là dai dẳng độc ác vô tâm.
Tưởng đó là chuyện ngày xưa, tầm nhìn còn hạn hẹp, thế mà ngày nay, ở thế kỷ 20  người ta khai quật Kim tự tháp ở Ai cập huyền bí, khám phá bao hành tinh mới Titan, Pluton, lập trạm không gian, mà tội cha, con cháu chắt vẫn phải đền, tài năng lại bị đánh giá bằng tờ lý lịch.
 Chiến tranh ý thức hệ nổ bùng như vết dầu loang làm thế giới lo sợ châm ngòi thế chiến thứ ba. Vừa tan rã mà đã manh nha sôi sụt thánh chiến. Kỷ niệm thảm khốc của quá khứ, viễn ảnh tàn sát nhau như thế vẫn không làm cho các cuộc nội chiến tương tàn tương sát, nồi da xáo thịt như ở Irak, Congo,…giảm đi khí thế. Lửa tàn bạo tung ra bao chiêu mới, bắt cóc làm con tin, cảm tử thiêu thân giết càng nhiều càng tốt để được lên thẳng chốn thiên đàng riêng.
Những tưởng đã đến thế kỷ 21 rồi, đời sống vật chất đến tâm linh đâu còn như ở thời kỳ ăn lông ở lỗ, hòa bình như mở hội thế mà lòng người tráo trở chưa chịu chung vui.
 Ðáng thương nhất là những anh em thương binh phe chiến bại chỉ làm nghĩa vụ của mình, vì thời thế không được đáp đền săn sóc. Gia đình quả phụ cô nhi cảm thấy như thuộc thành phần giai cấp bị bỏ rơi, tách rời, sống trên đất nước mình mà không khác người dưng nước lã, thật đáng thương.
 Ảnh hưởng tâm lý đó đeo đẳng thâm sâu ray rứt giết chết bao nguồn sinh lực cần thiết cho đất nước đáng lý được xây dựng phục hồi hàn gắn sau chiến tranh trong tinh thần tương thân tương trợ quên hận thù đổ máu của kẻ thắng người thua..
Chiến tranh Nam Bắc Mỹ khốc liệt đã nhờ bàn tay Abraham Lincohn can đảm rộng mở, tinh thần hiếu hòa thức thời, thống nhất hai miền, hòa hợp sức mạnh dân tộc đã đưa nước Mỹ thành một khối đoàn kết siêu cường.
 Lịch sử cũng cho ta thấy hình ảnh của nước Ðức với một quá khứ hùng mạnh, nhà độc tài Hitler tàn bạo không thua Tần thỉ Hoàng Trung quốc, một đại cường quốc đại bại sau thế chiến thứ hai bị chia đôi bằng bức tường Bá linh. Thế mà họ đã vượt trên mọi đố kỵ thống nhất đất nước, phá hủy tường Bá linh năm 1989, giúp nhau xây dựng tiến bộ, hàn gắn vết thương chiến tranh.
          Truyền thống của dân tộc ta : « Thương người như thể thương thân ».
                  « Nhiễu điều phủ lấy giá gương,Người dân một nước phải thương nhau cùng. » cũng được thể hiện từ ngàn xưa.
            Hình ảnh của nước Ðức còn rành rành đó, gương sáng rạng ngời của nhà ái quốc Abraham Licohn thống nhất hàn gắn Bắc Nam Mỹ không đổ máu mất tình đoàn kết, vinh nhục giữa thắng thua. Hành động yêu nước cao trọng nầy đáng được truyền tụng đề cao noi gương.
            Việt nam ta với di sản truyền thống của dân tộc hiếu hòa nhân ái, kinh nghiệm máu xương chống ngoai xâm của chiến sĩ anh em hai bờ chiến tuyến hy sinh vì quê hương, cần nhận thức điều đó, biết xóa bỏ thù hận thắng thua để cùng nhau xây dựng lại đất nước đã quá khổ đau vì chiến tranh vươn lên.
        Cố Giáo sư Nguyễn ngọc Huy đã viết vinh danh những chiến sĩ không chiến tuyến nằm xuống vì tổ quốc quê hương:

Họ là những anh hùng không tên tuổi
Trong loạn ly như giữa lúc thanh bình.
Bền một lòng can đảm chí hy sinh
Dâng đất nước cả một đời trong sạch.
Tuy công nghiệp không ghi trong sử sách
Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên,
Tuy mồ hoang xiêu lạc dưới trời quên
Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật.
Nhưng máu họ đã len vào lòng đất
Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông.
Và anh hồn chung với tấm tình trung
Ðã hòa hợp làm linh hồn giống Việt
.

                                Cô Trần Thành Mỹ
                                        



 
ĐỒNG HƯƠNG © 2012 - Xây dựng bởi Blog Thiết Kế – Hỗ trợ bởi Người Áo Lam - Giao diện Rumah Dijual