Đọc nhiều diễn đàn
trên mạng cũng như báo chí hải ngoại với những phê bình và nhận định về việc
phát triển kinh tế của VN làm ta cảm thấy một nỗi buồn nhẹ nhàng nhưng tha
thiết và xót xa. Việt Nam đã an bình từ gần 40 năm nay mà vẫn chưa tiến triển. Tôi
tự hỏi những yếu tố nào làm VN vẫn đình trệ so với các quốc gia lân cận như Mã
Lai, Singapore, Indonesia, Thái Lan, Đại Hàn,v.v....
Gần đây có một bài bình luận về Việt Nam của Cao
Huy Huân trong báo mạng VN Express. Có người cho rằng sự đánh giá của Lý Quang Diệu
rất đúng trong điều kiện của những quốc gia bình thường, tác giả Cao
Huy Quân nói : “Nói thế nào đi chăng
nữa, Lý Quang Diệu cũng chỉ là
người ngoài, không phải người Việt Nam.” Là người VN, trong hoàn cảnh hiện
nay, người dân trong và ngoài nước đều biết rõ rằng trong chế độ hiện
thời, giới lãnh đạo không cốt hết lòng cho dân no áo ấm và
phát triển quốc gia. Người có khả năng không phải ít nhưng nhà nước không biết
thu phục sử dụng tài năng của họ, nhiều người có tấm lòng phục vụ QG nhưng
họ không có cơ hội để phát huy khả năng của mình. Những
chương trình mà nhà nước gọi là "phát triển chỗ này chỗ
kia, cải cách v.v.. “, họ chỉ làm cho lấy lệ để cốt mượn
ngoại tệ và đa phần rất ít số tiền được chi vào trong những chương
trình mà chỉ chi cho có lệ, nhiều khi chương trình bỏ dở dang không
cần biết, điều quan trọng là miễn sao các "lãnh đạo"chụp được
"thời cơ'' cho cá nhân, gia đình họ mà thôi, tiền gọi
là để là đầu tư phát triển cho QG, nhà nước chỉ mong chạy vào trong
túi của họ. VN ngày nào còn những người lãnh đạo như vậy
thì cho dù có đủ những yếu
tố "thiên thời địa lợi v.v..." nhưng thiếu "nhân
hòa" thì VN sẽ mãi còn ì ạch ...
Trong khi đó một
cựu GS Trung học HD Sóc Trăng đã chia sẻ nhận định về tình trạng kinh tế và
phát triển của 2 nước Singapore và VN. Theo GS thì điều may mắn nhất của
Singapore vì họ là một thuộc địa của Anh. Singapore đã hưởng di sản ngôn ngữ và
văn hóa Anh trong lúc đó VN bị Pháp đô hộ và bị đánh đuổi mới chịu ra đi và để
lại một nước VN điêu đứng bị tàn phá vô cùng cực. Người Anh đi đến đâu là họ
tạo nên một quốc gia văn minh phồn thịnh như Mỹ, Canada, Australia, Nam Phi và
New Zealand...Điều may mắn thứ hai của Singapore là có một ông Lý Quang Diệu
lãnh đạo tài ba lỗi lạc mới đưa nước Singapore nhỏ bé không có tài
nguyên lên ngang hàng với các quốc gia phát triển trên thế giới ngày
nay. Còn VN sau khi Pháp ra đi thì chiến tranh anh em tương tàn
bởi áp lực từ bên ngoài. Chế độ mới áp đặt một chế độ khe
khắt áp bức thì khó mà tiến bộ.
Những ý kiến này nghe thoáng
qua rất đúng nhưng là một việc đau lòng. Chúng ta nên đi sâu hơn để tìm hiểu
những lý do gì đã làm đình trệ nước VN. Chúng ta sẽ làm một cuộc du lịch tham
quan những nước đã hay trên đường phát triển để tìm hiểu phân tích tại sao họ
phát triển mà ta hầu như dậm chân tại chỗ so với những con rồng Á châu như Nhật
Bản, Singapore, Đại Hàn, Indonesia, Đài Loan, Mã Lai, Thái Lan, Ấn Độ và vài
quốc gia tây phương điển hình như Hoa Kỳ, Anh quốc, v.v.... [1]
Singapore là một trường hợp hi hữu. Nó là một thành phố
thương cảng hơn là một quốc gia với diện tích chưa được phân nửa của Sài gòn 716km2
và một dân số chưa đầy 5.4 triệu. Quốc gia này được thành lập từ đầu thế kỷ 19
bởi một người Anh, bắt đầu từ 1 làng đánh cá với khoảng hơn 100 người.
Singapore được hoàn toàn tự trị dưới sự giám sát của người Anh tương tự như
Hồng Kông từ năm 1959 và được độc lập từ 1963. Chính quyền nằm trong tay một
quốc hội từ bầu cử tự do và quốc hội chỉ định thủ tướng. Đảng Nhân Dân Hành
Động cầm quyền từ ngày độc lập đã sử dụng những biện pháp không mấy lương thiện
để tiếp tục nắm chính quyền, chẳng hạn như trợ cấp cho những khu nào bầu cho
đảng cầm quyền. Ngược lại các đảng đối lập không bị cấm, người đối lập không bị
bỏ tù, báo chí hoàn toàn tự do do tư nhân nắm giữ. Đảng cầm quyền dùng các biện
pháp bất chính để thắng cử nhưng họ không cấm đối phương ứng cử và không gian
lận kết quả trong các cuộc bầu cử. Singapore có luật lệ khe khắt nhưng được áp
dụng đứng đắn cho tất cả mọi người. Con người sống ở đây không có mục đích nào
ngoại trừ việc làm giàu; điều mà con người mong muốn là được tự do và làm ăn,
và họ đã đạt được. Nhu cầu dân chủ chỉ là chuyện phụ. Trong những năm gần đây
cựu TT Lý Quang Diệu, người có công dẫn dắt Singapore trong hơn 30 năm trên con
đường đi đến phồn vinh, đã lên tiếng nhiều lần đề cao “những giá trị châu Á”
với giọng điệu bài bác chung chung các giá trị của phương Tây. Vì tự do dân chủ
và nhân quyền là những giá trị phương
tây nên những phát biểu của họ Lý được hiểu là không thuận cho tự do,
dân chủ và nhân quyền. Có điều là Singapore cũng chỉ là một thành phố trung
bình và dù ông Lý Quang Diệu có thành công đến đâu chăng nữa ông cũng chỉ có
kinh nghiệm của một thị trưởng. Ông có thể dùng kinh nghiệm của mình để cố vấn
cho một thành phố thương cảng như Sài gòn, Đà Nẳng hay Hải Phòng nhưng ông
không thể dạy bảo một quốc gia với những vấn đề mà ông chưa bao giờ biết tới.
Thứ hai nữa là Singapore là một quốc gia bị Tây phương hóa nặng nhất. Mọi người
Singapore đều thạo tiếng Anh và đa số không viết thạo tiếng Tàu. Tập tính của
người Singapore là tính buôn bán, tôn giáo của Singapore là của cải vật chất,
cái Khổng giáo của Singapore mà ông Lý đề cao chỉ là Khổng giáo đô la vì trong
suốt cuộc đời hoạt động của ông Lý, ông đã dồn mọi cố gắng để bắt chước phương
tây. Chỉ đến khi về già ông mới bầy tỏ một sự lưu luyến muộn màng với nguồn gốc
Trung Hoa của ông. Người ta có thể hiểu ông nhưng không thể lấy những lời nói
của ông làm tiền mặt.
Trường hợp Anh quốc. Từ sau khi vua John Lack Land
(Jean Sans Terre) ký Đại Hiến chương Magna Carta năm 1215 [2] nhìn nhận những
quyền tự do lớn cho giới quý tộc, đã không còn là một nền quân chủ tuyệt đối
trung ương tập quyền nữa. Sự áp bức vẫn còn nhưng ở cấp lãnh chúa địa phương
không đủ mạnh mà thôi. Họ phải dựa vào dân chúng do đó cần người dân và phải nể
nang người dân. Đặc điểm của Đại Hiến Chương là định chế hóa đối thoại chính
trị buộc nhà vua phải tham khảo với nghị viện. Nó cũng nhìn nhận cả quyền nổi
loạn chống bạo quyền. Hơn nữa nét đặc thù của nước Anh từ trước thế kỷ 17 khi
hiện tượng phát triển bắt đầu xuất hiện một cách rõ rệt là một không khí cởi mở
phóng khoáng và tự do. Nước Anh có nền dân chủ tự do đầu tiên trên thế giới rất
lâu. Anh quốc là một đảo nhỏ về diện tích nhưng cho tới thế kỷ 16 là một lãnh
thổ bao la khoảng 4 triệu dân. Cuộc sống tản mác trên một lãnh thổ phì nhiêu
đồng đều đó không cho phép ra đời một chính quyền trung ương mạnh. Cuộc sống
hải đảo biệt lập cũng không làm nảy sinh ra những tham vọng quyền lực táo bạo.
Hơn nữa con người sống với biển cả cũng không dễ chấp nhận cuộc sống phục tùng
tuyệt đối như những kẻ nô lệ. Cuộc sống thủy thủ đã đem lại cho họ tập quán yêu
thích buôn bán. Người Anh có đặc điểm rất thích sự kết hợp ngoài chính quyền,
của những người có cùng mục đích và chấp nhận một luật chơi. Chính họ đã phát
minh ra các Club (Câu lạc bộ) và football/soccer. Vì thế xã hội dân sự tại Anh
xuất hiện rất sớm. Tất cả những yếu tố ấy đều là đặc tính của một sinh hoạt dân chủ. Lý do ấy đã khiến một
dân tộc với vài triệu dân trên một hòn đảo vào thế kỷ 16 trở thành bá chủ hoàn
cầu hai thế kỷ sau đó.
Hoa
Kỳ - Sự khai thác châu Mỹ tiến triển mạnh ngay sau khám phá của Columbus, nhưng chỉ giới hạn ở vùng "châu
Mỹ La Tinh" thuộc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Vùng đất phía Bắc thuộc Hoa Kỳ
và Canada lúc ấy vẫn bị bỏ hoang. Anh và Pháp cạnh tranh nhau khai phá vùng đất
này nhưng cả hai nước đều gặp nhiều vấn đề nội bộ lúc đó ở mẫu quốc, và lại còn
bận chống nhau nữa, nên không đặc biệt chú ý đến châu Mỹ. Việc di dân và khẩn
hoang vùng đất này không nằm trong một chính sách quốc gia nào mà do sáng kiến
của những công ty tư nhân. Từng đòan người lẻ tẻ trên những con tàu mong manh kéo
nhau tới đó. Trong đại bộ phận họ là những người bị phân biệt đối xử nên phải
ra đi chứ không phải vì Pháp hay Anh thiếu đất. Nước Pháp vào thế kỷ 16 tuy là
nước đông dân hạng nhì thế giới (sau Trung Quốc nhưng trước Ấn Độ) nhưng chỉ có
khoảng 20 triệu dân mà thôi. Nước Anh lúc đó không có tới 4 triệu dân. Những người
ra đi đều là thành phần nghèo khổ và bị hất hủi, phần lớn là người Anh; nước Pháp
trong suốt tiến trình di dân chỉ gửi qua Quebec sáu ngàn người và một số ít hơn
tới Louisiana. Con tàu Mayflower cập bến ngày 9 tháng 6 năm 1620 với 100 người
di dân trên cả lãnh thổ Hoa Kỳ bao la chỉ có khoảng hai ngàn người da trắng.
Những người di dân tới đây không có một chính quyền nào. Họ quá ít để triều
đình Anh chú ý trong khi những người chủ bỏ tiền cho họ vượt đại dương thì ở quá xa và cũng chỉ quan
tâm lấy lại vốn cộng thêm lời của số tiền đầu tư bỏ ra, còn lại thì để mặc họ
muốn làm gì thì làm. Khoảng 40 người trên tàu Mayflower rủ nhau đi lập nghiệp
tại Princetown bang Massachusetts. Đến nơi họ thảo chung với nhau một kế ước
sống chung. Kế Ước Mayflower (The Mayflower Compact). Tình cờ thú vị là họ đã
làm một hành động sáng tạo đầu tiên vĩ đại nhất lịch sử nhân loại về tuyên ngôn
thành lập một xã hội tự do dân chủ và pháp trị. Tinh thần Mayflower đã mau
chóng trở thành tinh thần nền tảng của xã hội Hoa Kỳ. Đặc điểm nổi bật là quốc
gia này không hề biết một chế độ nào khác ngoài tự do và dân chủ. Năm 1776, khi
tuyên bố độc lập, dù đã tiến bộ rất nhiều, họ mới chỉ có hai triệu rưỡi dân nghèo
đói, trình độ văn hoá thấp, phần lớn không biết đọc biết viết và hơn nữa rất xa
lạ với nhau. Chính sự dân chủ và tự do đã dần dần đem đến sự gắn bó, ý thức quốc
gia, sáng kiến và sức mạnh. Tân quốc gia Hoa Kỳ đã lôi cuốn những người yêu chuộng
tự do dân chủ tại châu Âu di dân ồ ạt vào đất Mỹ. Lòng tin vào tương lai đã cho
họ một tỷ lệ sinh đẻ cao. Một thế kỷ sau, năm 1890, họ là quốc gia tiến bộ nhất
và hùng mạnh nhất thế giới với 63 triệu dân. Bước vào thế kỷ 21 và thiên niên kỷ
thứ ba, họ là siêu cường độc nhất của thế giới với hơn 300 triệu dân. Thế kỷ 21
sẽ còn là thế kỷ Hoa Kỳ, sự hơn hẳn sẽ còn
gia tăng lên chứ không giảm đi trong nhiều thập niên. Trường hợp Hoa Kỳ chứng tỏ
tự do và dân chủ không đòi hỏi một trình độ văn hóa hay kinh tế nào, trái lại còn
là lý do thúc đẩy phát triển kinh tế và văn hóa.
Nhật
Bản – Vua Minh Trị lên ngôi năm 1867, lúc mới 14 tuổi. Phải mê tín dị đoan
mới có thể tin một cậu bé bằng ấy tuổi và được nuôi nấng trong hoàng cung có
thể có cả một dự án canh tân đất nước. Thực ra Minh Trị lên ngôi vào đúng lúc
quyền bính nước Nhật rối loạn hoàn toàn, các sứ quân liên kết với nhau lật đổ
và chấm dứt chế độ chúa công (shogun) được thiết lập từ thế kỷ 12 theo một mô
hình tương đương như vua Lê chúa Trịnh tại nước ta. Lúc đó nước Nhật đã tiếp
xúc với phương Tây từ hơn ba thế kỷ, từ năm 1543, nghĩa là cùng một lúc với
Việt Nam. Câu chuyện sau đây đủ nói lên mức độ phát triển của nước Nhật trước
khi người phương Tây đến. Một người Bồ Đào Nha, tên là Pinto, đến nước Nhật vào khoảng cuối thế kỷ 16 đem theo
một cây súng. Ông ta khoe hiệu lực của cây súng hơn hẳn những thanh kiếm của các
hiệp sĩ Nhật, rồi cho mượn. Vài tháng sau, khi ông ta ra đi, người Nhật đã chế
ra được 500 khẩu súng giống hệt như vậy. Hai năm sau trên toàn nước Nhật có tới
300 000 khẩu súng Pinto. Kỹ năng của người Nhật đã tiến tới một trình độ rất
cao ngay từ thế kỷ 16. Sự mở cửa của Nhật về phương Tây từ năm 1853 (tức 14 năm
trước khi Minh Trị lên ngôi) khi phó đề đốc [comodore] Perry chỉ huy một đòan
chiến hạm Mỹ tiến vào cảng Đông Kinh đưa tối hậu thư buộc Nhật mở cửa khẩu cho
tàu bè phương Tây, và Nhật nhượng bộ. Thực ra, một cách không chính thức, Nhật đã
mở cửa cho phương Tây và đã tiếp thu rất nhiều kỹ thuật và phương pháp phương Tây
từ ba thế kỷ trước rồi. Người Nhật nhượng bộ vì sự hiểu biết chứ không phải vì
nhát sợ. Họ đã quen sử dụng lịch phương Tây từ lâu, cho nên năm 1873 họ bỏ hẳn
lịch Tàu để chỉ dùng lịch Tây. Họ cũng mở những trường học về y khoa và khoa học
cơ bản từ 3 thập niên 1720, nổi tiếng nhất là Trường Hòa Lan (người Nhật quả
nhiên biết chọn thầy !). Năm 1744, họ xây một đài quan sát thiên văn với hai
kính viễn vọng lớn. Từ năm 1810, họ tổ chức một cơ quan chuyên môn dịch
sách khoa học kỹ thuật phương Tây. Ngày 7 tháng 1 năm 1870, đúng ba năm sau khi
Minh Trị lên ngôi, bức điện tín đầu tiên được đánh đi từ Tokyo. Nước Nhật đã rất
tiến bộ khi người phương Tây đến. Chính nhờ tiến bộ mà họ đã nhận thức được sự
hơn hẳn của phương Tây và đã hấp thụ rất mau chóng các kỹ thuật phương Tây. Xã
hội Nhật do các lãnh chúa thống trị dựa trên giai cấp hiệp sĩ. Các lãnh chúa và
các hiệp sĩ cực kỳ kiêu căng không thèm hoà trộn với dân chúng mà để mặc quần
chúng tự tổ chức lấy cuộc sống của mình, miễn là nộp đủ thuế. Trong tình trạng
ấy, quần chúng Nhật tuy ở sát nhưng thực ra lại sống rất xa giai cấp thống trị.
Họ không thể tổ chức thành chính quyền nếu không muốn lãnh búa rìu và họ phải
tìm cách sinh sống với nhau trong đồng thuận để tránh những can thiệp của bọn
hiệp sĩ. Một cách thầm lặng, một sinh hoạt tự do đã hình thành giữa quần chúng
với nhau, dưới sự giám sát từ xa của các lãnh chúa. Đó là lý do khiến xã hội Nhật
đã phát triển, rồi chính sự phát triển gây áp lực buộc giới cầm quyền Nhật
nhượng bộ dần dần.
Mã
Lai cũng không khác Singapore bao nhiêu về quan hệ với tây phương. Đây cũng
là một quốc gia hoàn toàn do người tây phương lập ra, lãnh thổ tạm ổn định từ
năm 1963. Lịch sử quốc gia này với diện tích 330 000km2 tương đương
với Việt Nam bắt đầu từ thế kỷ 16. Trước đó bán đảo Mã Lai chỉ là một vùng rừng
núi hoang vu với một số nhỏ thổ dân và là trạm dừng chân của các đoàn thuyền
buôn từ phương Bắc phần lớn từ Ấn Độ tới Sumatra. Những người Bumiputra tự coi
là chủ nhân của đất Mã Lai chỉ bắt đầu đến Mã Lai từ thế kỷ 8. Dấu vết ghi nhận
đầu tiên được ghi nhận là một vương quốc nhỏ bắt đầu được thành lập ở phía Nam
bán đảo đầu thế kỷ 15. Khi một số người Bồ Đào Nha đến chinh phục mỏm Malacca
năm 1511 họ chỉ gặp một sự kháng cự của những bộ lạc lẻ tẻ. Chính người Bồ Đào
Nha đã đóng góp làm sinh họat thương mại phát triển mau chóng. Hơn một thế kỷ
sau người Hoà Lan hất cẳng Bồ Đào Nha để cai trị đất Mã Lai và sau đó đến lượt
người Anh năm 1795. Lúc này Hòa Lan phải nhường bán đảo Mã Lai và vùng bắc
Borneo cho Anh để rút về cố thủ quần đảo Indonesia. Sự khác biệt lớn giữa hai
đế quốc Anh và Pháp trong thế kỷ 19 là ở chỗ Pháp cố gắng phá vỡ mọi giềng mối
quốc gia có sẵn để dễ thống trị trong khi người Anh cố thành lập ra những quốc
gia ngay cả ở những nơi khác không có quốc gia để có đối tác kinh doanh. Trong
suốt một thế kỷ họ đã tạo dựng ra nước Mã Lai bằng cách kết hợp liên bang Mã
Lai năm 1891, mở rộng dần lãnh thổ và quyền tự quản trị của người địa phương
rồi trả độc lập cho Mã Lai năm 1957 sau khi ký một hiệp ước quân sự. Cũng chính
người Anh đã sát nhập vùng phía bắc đảo Borneo vào liên bang Mã Lai năm 1963.
Lịch sử Mã Lai cho ta thấy nó hoàn toàn được tạo lên do người tây phương cho
nên tinh thần và nền tảng của nó không thể khác với tây phương. Quốc gia này
gồm 55% người Bumiputra nói tiếng Mã Lai, hơn 30% gốc Trung Hoa và 10% gốc Ấn.
Người Hoa tuy ít hơn Mã Lai chính cống nhưng hơn hẳn họ về kiến thức và tài
sản. Người Hoa nhường nhịn người Mã Lai Bumiputra và họ chấp nhận người Hoa vì
người Hoa là giống dân chỉ thích buôn bán làm giàu hơn là thích quyền lực chính
trị. Nhờ tập tính hiếu hòa chăm làm giàu và không ham quyền lực của người gốc
Hoa là bí quyết của sự phát triển của Mã Lai sau này và đồng thời cũng là lý do
khiến Mã Lai đứng vững cho đến ngày nay. Mã Lai hoàn toàn không phải là bằng
chứng cho rằng một quốc gia có thể phát triển mà không cần tự do dân chủ. Ngược
lại đây là bằng chứng rằng dân chủ và tự do có khả năng biến một quốc gia tân
lập với dân trí thấp và chủng tộc phức tạp thành một trong những quốc gia giàu
mạnh vùng Đông Nam Á.
Đại Hàn hay Nam Cao Ly là quốc gia nhỏ bé với diện tích 101
400 km2 chưa bằng 1/3 nước Việt Nam với dân số 49 triệu trong ba thập niên đã vươn lên từ địa vị một
nước nghèo và bị chiến tranh tàn phá thành một cường quốc thứ 11 thế giới.
Trong hơn 30 năm từ 1960 đến 1993 Nam Cao Ly được các tướng lãnh cai trị cho
nên dưới mắt thế giới đó là một nước độc tài quân phiệt nhưng lại thành công
phát triển kinh tế ngoạn mục. Các tướng lãnh thay phiên nhau lên làm tổng thống
Nam Cao Ly chắc chắn không phải là những người yêu chuộng dân chủ và nhân
quyền. Pak Chung Hee (Phác Chính Huy) đã bắt cóc và định thủ tiêu lãnh tụ đối
lập Kim Dae Jung (Kim Đại Trung) và tướng Chun Doo Hwan (Toàn Đầu Hoán) đã tàn
sát hàng trăm sinh viên tại Kwangju. Họ là những tay võ biền và chính tình hình
căng thẳng do sự hiện diện của một chính quyền quân phiệt hung dữ tại bắc Hàn
đã đưa họ lên cầm quyền. Nhưng họ không áp đặt được chế độ độc tài. Nam Cao Ly
vẫn là một nước dân chủ với đầy đủ những yếu tố của một chế độ dân chủ như tự
do ngôn luận, tự do kết hợp bầu cử và ứng cử. Trải qua những năm 1960 và 1963
Nam Cao Ly có vài vụ xuống đường biểu tình rầm rộ để phản đối tướng Syng Man
Rhee (Lý Thừa Vãn) gian lận trong các cuộc bầu cử. Năm 1967 tướng Pak Chung Hee
lại tái thắng cử vẻ vang do sự thành công về kinh tế. Như vậy Nam Cao Ly là một
nước dân chủ từ thập niên 1960 – 1990 nhưng chưa hẳn là nền dân chủ thực sự.
Các tướng lãnh chủ trương áp đặt chế độ độc tài và trí thức Nam Cao Ly phải
tranh đấu gây go để đánh bại họ và bảo vệ dân chủ. Nam Cao Ly chỉ thực sự phát
triển mạnh sau khi loại bỏ chế độ độc tài Syng man Rhee (Lý Thừa Vãn), từ đó
tiến hẳn lên nhờ dân chủ và tự do. Ngày nay trên thế giới người ta biết đến Đại
Hàn với những sản phẩm điện tử và điện thoại cầm tay Samsung hay xe hơi hiệu
Hyundai, KIA.v.v…
Thái Lan – Quốc gia này may mắn
nhất Đông Nam Á, có lịch sử khá lâu đời và không bị ngoại thuộc, ngoại trừ thời
gian ngắn ngủi bị Nhật chiếm đóng nhưng không gây đổ vỡ. Thái Lan đã kháng cự
một cách rất hình thức trong vòng vài giờ rồi đầu hàng và sau đó cũng chỉ bị
Nhật chiếm đóng một cách hình thức cho đến khi Nhật đầu hàng. Thái Lan cũng may
mắn có một hình thức dân chủ thật sớm, ngay từ 1932 khi một cuộc đảo chính buộc
vua Thái chấp nhận chế độ quân chủ lập hiến, nhường thực
quyền cho một chính phủ xuất phát từ một quốc hội do dân bầu. Các tập đòan tướng
lãnh đã thay nhau cầm quyền dưới một chế độ dân chủ trong hình thức nhưng độc
tài quân phiệt trong nội dung. Một khi một nhóm tướng lãnh cảm thấy đủ sức mạnh,
họ đão chính lật đổ đám tướng lãnh đang cầm quyền và nhóm tướng lãnh bị hất cẳng
quay ra làm thương mại hoặc cạo đầu đi tu chờ cơ hội trở lại cầm quyền. Những
cuộc đảo chính không đổ máu kế tiếp nhau trước sự dửng dưng thụ động của quần
chúng. Tình trạng này chỉ thật sự chấm dứt vào tháng 9-1992, khi tập đòan quân
phiệt phải nhượng bộ, sau khi đã đàn áp đẩm máu mà không dẹp được những cuộc xuống
đường rầm rộ đòi dân chủ. Chế độ độc tài quân phiệt Thái Lan đã kéo dài suốt sáu
mươi năm bởi vì nó dựa trên một liên minh rất vững chắc giữa quân phiệt, tài
phiệt và nhà vua, nghĩa là một liên minh vừa có bạo lực, vừa có tiền lại vừa có
tính chính đáng do lịch sử và truyền thống. Chưa kể là nơi mà Phật giáo ngự trị
rất ôn hòa và thụ động. Các cuộc đấu tranh giành dân chủ đều do sinh viên chủ
động, mà sinh viên thì không thuộc một thành phần kinh tế nào, còn gia đình họ
thì hầu hết thuộc thành phần quân phiệt hoặc tài phiệt, nghĩa là những thành phần
được ưu đãi và đáng lẽ phải gắn bó với chế độ. Người ta không ghi nhận một cuộc
đấu tranh có động cơ kinh tế nào trong suốt thời gian này. Các sinh viên đã chỉ
xuống đường vì những lý tưởng tự do, dân chủ, nhân quyền do ảnh hưởng của văn hóa
và truyền thống. Mọi cuộc biểu tình của sinh viên đều bị đàn áp thẳng tay, mỗi
lần vài chục sinh viên thiệt mạng, trong khi những cuộc đảo chính quân sự rất
ít khi có người chết hay bị thương. Mùa Xuân 1992, sau một cuộc bầu cử gian dối,
lực lượng sinh viên xuống đường mạnh gấp bội những lần trước, không phải vì cơ
cấu kinh tế đã thay đổi mà vì sự sụp đổ của bức tường Bá Linh và khối CS đã đẩy
thế giới vào kỷ nguyên dân chủ mới. Khí thế đấu tranh cho dân chủ đạt một cường
độ chưa từng có, trong khi tập đòan quân phiệt Thái vừa lung lay như mọi tập đòan
độc tài trên thế giới, vừa mất lý cớ cầm quyền để chống nguy cơ CS. Chế độ quân
phiệt Thái cáo chung. Về mặt kinh tế, Thái Lan đã chỉ phát triển chậm chạp cho tới
giữa thập niên 1960, sau đó Thái Lan, nhờ vị trí làm hậu cần cho đòan quân Hoa
Kỳ tại Việt Nam, đã nhận được một khoản viện trợ lớn và kinh tế đã có phần khởi
sắc, tuy vậy Thái Lan cũng vẫn còn thua xa láng giềng Mã Lai. Phải chờ đến sau
1992, khi chế độ quân phiệt chấm dứt, kinh tế Thái Lan mới thực sự cất cánh. Từ
đó trở đi Thái Lan phát triển mạnh sau khi dân chủ hóa và người ta mới biết đến
Thái Lan như con rồng mới.
Trong cuộc lượt duyệt ngắn
ngủi ở trên chúng ta bỏ qua 4 nước Miến Điện, Lào, Campuchia và Việt Nam. Cả 4
nước này đều phải chịu đựng từ lâu chế độ độc tài, đều là những nước nghèo khổ
và tụt hậu trong vùng mặc dù cả 4 nước đều đạt được một số tiến bộ đáng kể trong
những năm gần đây sau khi chính quyền nới rộng một phần nào tự do, kinh tế thị
trường. Quan sát các quốc gia phát triển ngày nay cho phép chúng ta có cái nhìn
rõ rệt và rút ra vài kết luận. Phát triển đã nảy sinh tại một số quốc gia khi
do sự tình cờ của hoàn cảnh lịch sử, bộ máy chính quyền trở thành vắng mặt hay
gần như vắng mặt, quần chúng được một không gian tự do hơn hẳn và vì thế đã tổ
chức cuộc sống cộng đồng trên căn bản đồng thuận và tương kính. Hoặc vì không
muốn hay không được phép họ không tìm kiếm uy quyền để khống chế lẫn nhau mà
chỉ đua nhau làm giàu trong một cuộc chơi công bằng.
1. Một chế độ tự do dân chủ. Chúng ta thấy khuynh hướng mới
nổi lên vào những năm cuối thập niên 1989 và 1990 sau khi khối Đông Âu xụp đổ
như Liên Sô, Bức tường ô nhục Bá Linh, Ba Lan, Tiệp khắc và Hung Gia lợi. Nền
kinh tế của họ từng bước chậm tăng trưởng khá mạnh như ta thấy ngày nay. Mặc
dù nhân dân những quốc gia này chưa có
100% dân chủ nhưng họ được tự do kinh doanh làm giàu. Chính quyền cũng có đảng
đối lập. Để có thể kinh doanh dễ dàng, doanh nhân cần có trật tự và an ninh, tự
do hoạt động và được luật pháp bảo vệ và luật pháp không thay đổi một cách tùy
tiện. Họ cũng không thể bị trói buộc bởi quá nhiều qui định, quá gò bó trong những
kế hoạnh quốc gia cứng ngắt và không bị sách nhiễu bởi tham nhũng, một căn bệnh
trầm trọng của chế độ độc tài. Hạnh phúc của một dân tộc
không phải chỉ là lợi tức trung bình trên mỗi đầu người, càng không phải là tỷ
lệ tăng trưởng 5 hay 10% mỗi năm. Còn những điều cao hơn nhiều. Đó là phẩm giá, là quyền được nói và làm
điều mình muốn, là quyền được sống mà không sợ bị bắt giam vô cứ, được phát
triển khả năng của mình mà không cần được đút lót, và được tham dự vào những
quyết định quan trọng cho cộng đồng. Những điều này chỉ có một chế độ dân
chủ mới có thể đem lại. Nhận
xét này đúng với Anh quốc, Hòa Lan, Hoa Kỳ và ngay đến Nhật bản, nếu ta nhìn
lịch sử nước Nhật một cách đứng đắn. Sự phát triển đã đến sau khi xã hội trở
thành tự do và dân chủ. Chúng ta hãy nhìn lại nền dân chủ của Pháp và Hoa Kỳ.
Nước Pháp có nền dân chủ rất sớm nhưng vấn đề của nước Pháp là nền dân chủ
không hoàn toàn 100% vì TT có quá nhiều quyền lực trong tay, khác với Hoa Kỳ
với nền dân chủ hầu như 100% như đã bàn ở trên. Ở Pháp các quyền lực tập trung ở Trung Ương có
nghĩa là mọi quyết định phải qua Trung Ương và TT. Một chế độ quá gò bó rườm rà
làm đình trệ phát triển khác với Hoa Kỳ là quyền quyết định do tiểu bang đãm
nhận, nhanh chóng và dân chủ hơn. Chúng ta không quên rằng trong mỗi quốc gia
đều có sự khác biệt từng vùng như dị chủng, văn hóa và kinh tế. Trung Ương
không thể ép các vùng phải rập theo một khuôn khổ cứng ngắt. Thí dụ hệ thống
giáo dục bên Pháp quá kềnh càng có tới hơn 1 triệu công chức trong bộ giáo dục,
do đó rất khó cải tổ. Nước Pháp có một tổ chức giáo dục mà mọi người đều nhận
định là lỗi thời và cần cải tổ, nhưng hễ chính phủ nào cải tổ giáo dục là sẽ bị
đánh đổ nhanh chóng, lý do là vì cải tổ nào cũng đụng chạm tới quyền lợi của
một thiểu số người và bị chống đối. Người ta có thể đồng ý trên 90% những biện
pháp cải tổ nhưng bất mãn với 10% còn lại và như thế là đủ để xuống đường phản
đối. Nhiều vấn đề tương tự về nông nghiệp, an ninh xã hội và hệ thống vận chuyển
công cộng rất khó khăn để được cải tổ cũng vì trung ương (centralized).
2. Yếu tố thứ hai về phát
triển kinh tế là một vấn đề tâm lý và văn hóa. Tâm lý là một trong những yếu tố
quan trọng trong việc phát triển. Người lãnh đạo cũng như người dân có thực sự
muốn quốc gia phát triển hay không. Phát triển rất dễ mà lại rất khó. Rất dễ vì
nó không đòi hỏi một lý thuyết phức tạp hay một kế hoạch cao siêu nào. Rất khó
vì đòi hỏi một tâm lý mới và văn hóa mới. Có ai hay dân tộc nào chấp nhận văn
hóa của mình tồi tệ hay kém cỏi đâu, ngoại trừ dân tộc đó đã tiến hóa rất xa.
Chính vì khó thay đổi tâm lý và văn hóa mà dân tộc ta ngày nay vô cùng cơ cực
mặc dù mỗi chúng ta đều có cùng khối óc 1600 gam như nhau. Chúng ta khó có thể
thay đổi văn hóa vì nó là một phần của chính chúng ta. Thí dụ thế hệ con cháu
chúng ta sinh trưởng ở Hoa Kỳ, Pháp, Úc hay Canada thấm nhuần văn hóa tây
phương, có tâm lý như dân địa phương. Chúng không sợ nói ra sự thật phải trái,
tự do trong suy nghĩ và hành động, không sợ phát biểu ý kiến và sáng kiến, dám
mạo hiểm để thử thách phương án mới trong công việc và nếp sống... Tôi nghĩ ai
cũng nghĩ là văn hóa VN chúng ta cao siêu, không muốn thay đổi. Như thế tại sao
chúng ta vẫn thua kém thê thảm so với phương Tây như ngày nay. Chúng ta phải
chấp nhận là chúng ta vẫn còn khư khư ôm lấy một nền văn hóa cũ kỷ độc hại và
lặn ngụp trong sự thấp kém. Các tiến bộ kỹ thuật đã giải tỏa chúng ta khỏi ách
nô lệ của đê điều. Còn lại là di sản tâm lý do quá khứ để lại. Chúng ta phải
quyết tâm sống như những con người tự do mới có khả năng sáng tạo.
Lập luận thứ hai là các lãnh đạo trong nước tin rằng phát triển kinh tế
nên phó thác cho các nhà làm kinh tế chứ không phải là công việc của nhà
nước.Quan niệm sai lầm này cần gở bỏ vì vấn đề là không thể có phát triển nếu
không có dân chủ và tự do. Kinh nghiệm sống, học hỏi và làm việc với tây phương
cho ta niềm tin chắc chắn rằng con người tây phương không hơn con người đông
phương. Sở dĩ các nước tây phương phát triển và giàu mạnh hơn các nước khác vì
xã hội của họ được xây dựng trên những giá trị đúng mà họ tình cờ được đẩy tới
gần và sau đó nhờ cố gắng mà đạt tới. Họ đã tìm ra lối đi ra khỏi sự nghèo khó
và dẫn tới sự phồn vinh, tại sao chúng ta không nhanh chóng chọn lựa lối đi đó
nhỉ? Theo chúng ta tây phương đi trước,
đông phương chạy theo sau và làm những cố gắng phi thường để bắt kịp như Trung
quốc, Ấn và Nhật bản như ta thấy ngày nay. Lần duy nhất mà đông phương tưởng
rằng mình đã đi trước tây phương là khi một số các quốc gia đông phương đi theo
chủ nghĩa CS, tưởng rằng mình đã tìm ra các tổ chức xã hội tương lai của nhân
loại để rồi vỡ mộng nhận ra rằng đó chỉ là một ảo tưởng đẫm máu. Lý do của sự
thua kém dai dẳng này là sự khác biệt về văn hóa. Văn hóa tây phương tôn trọng cá nhân và do đó phát triển được tối đa ý
kiến và sáng kiến trong khi văn hóa đông phương đều coi thường con người và làm
thui chột trí tuệ. Tâm lý đông phương biện hộ rằng một người làm quan cả họ
phải được nhờ vì thế trong xã hội này sẽ có nhiều người nghèo và người thật
giàu vì kinh doanh là sự bốc lột. Điều mà phương Đông phải học hỏi trước hết
của Tây phương là điều họ cố phủ nhận: chủ nghĩa cá nhân tự do và công bằng.
3. Xã hội ổn định - các nước chưa mở mang cũng là những nước mà
các định chế chính trị như luật pháp, chính phủ, quốc hội, các tòa án, v.v...
còn mới và yếu ; một chế độ dân chủ trong bối cảnh này sẽ cần một chính quyền độc
tài để bảo đảm sự an bình cho phát triển. Lập luận của chế độ độc tài là cho phép
người cầm quyền thay đổi luật pháp và lấy các quyết định một cách rất tự tiện.
Nay cho phép, mai cấm đóan. Đó là chưa kể người cầm quyền không cần tôn trọng
những luật pháp mà mình ban hành, khi không giải thích chúng một cách tuỳ tiện.
Trong một bối cảnh bấp bênh không tiên liệu được như vậy, ai có thể yên trí để
làm những dự án đầu tư? Các chế độc tài không thể bảo đảm ổn định xã hội được
chỉ có dân chủ pháp trị mới làm được. Một điều rất cũ, nhưng cũng cần được nhắc
lại vì quá quan trọng: các chế độ độc tài đẻ ra tham nhũng. Đó là một quy luật
bắt buộc. Tham nhũng là lợi dụng công quyền làm lợi cho cá nhân ? Càng nhiều
quyền thì càng dễ tham nhũng. Cho nên các chế độ độc tài dù quyết tâm chống
tham nhũng đến đâu đi nữa cũng bất lực, tham nhũng chỉ tăng lên chứ không giảm
như ta đã thấy trong trường hợp Việt Nam. Muốn giảm tham nhũng thì trước hết phải
giảm quyền lợi nhà nước, muốn chống tham nhũng thì trước hết phải tôn trọng quyền
tự do, tách quyền tư pháp ra khỏi sự kiểm
soát của chính quyền, tóm lại phải có dân chủ. Có thể nói tham nhũng là 90% trở
ngại của phát triển. Muốn tránh tham nhũng thì trước hết phải giảm vai trò của
chính quyền. Cũng phải nhận xét rằng thủ tục đẻ ra thủ tục bởi vì nó tạo ra những
công chức sống nhờ thủ tục và cố gắng tạo ra thêm càng nhiều thủ tục càng tốt để
củng cố địa vị.
4. Vai trò người phụ nữ
trong xã hội phát triển – chúng ta phải nhìn nhận trong các nước tân tiến ngày
nay, vai trò và sự đóng góp của người phụ nữ được đánh giá rất cao. Thí dụ như cựu
thủ tướng Vương quốc Anh Margaret Thatcher một thời làm mưa làm gió trên chính
trường, Thủ tướng Đức quốc bà Angela Merkel, Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, phu
nhân cựu TT Hilary Clinton, v.v...Trung quốc là một quốc gia theo Khổng giáo/Nho
giáo lâu đời nhất và cũng là quốc gia phát triển sớm nhất và bị đứng khựng lại
sau khi triết lý Nho giáo ngấm vào máu người dân quốc gia này nhiều năm. Cái triết
lý này dạy cho con người bao nhiêu giá trị đạo đức Á đông rất tốt như con cái kính
trọng cha mẹ và anh em, vợ phục tùng chồng. Ngược lại nó cũng gây ra không biết
bao nhiêu văn hóa hủ lậu. Mục đích chính của triết lý Khổng giáo là tôn thờ vua
chúa. Trong xã hội Khổng/Nho giáo chỉ có 2 thành phần quân tử (vua chúa) và tiểu
nhân (dân chúng). Kẻ sỹ được đào tạo cốt để làm quan lại phục vụ cá nhân vua
chúa chứ không phải để phục vụ quốc gia. Nho giáo còn quàng lên cổ người đàn bà
cái luân lý tam tòng tứ đức. Thế là người phụ nữ không có tiếng nói trong xã
hội Khổng/Nho giáo. Vì thế biết bao nhân tài Trung quốc bất mản vua chúa nhất
là kẻ sỹ và phụ nữ không có cơ hội phụng sự quốc gia, bỏ về quê ẩn thất hay tu
hành. Vì thế trong xã hội nặng về Khổng/Nho giáo khó có thể có vấn đề tiến
triển được. Cách đây không lâu lắm, vào cuối tháng 11-1998, tôi được xem một
phim tài liệu về một bộ lạc trên đảo trong quần đảo Nam Dương [Indonesia]. Trên
đảo có một số bộ lạc làm nhà trên cây và ăn thịt người. Ngày nay họ khá tiến bộ
như đã mặc quần áo do các hội từ thiện cấp nhưng vẫn còn giao chiến giữa các bộ
lạc và vẫn thích ăn thịt tù binh là bình thường vì những tù binh biểu tượng tội
ác. Tiêu diệt họ là việc làm chính đáng. Các viên lãnh chúa xem việc ăn thịt
người là một văn hóa cần phải gìn giữ. Cũng như các dân tộc văn minh Trung Hoa quàng
lên cổ người đàn bà cái luân lý tam tòng tứ đức cho là một truyền thống đẹp.
5. Người dân cần có óc thương
mại vì thương mại luôn là động cơ của mọi tiến bộ. Xã hội Hy Lạp nguyên thủy xem
thương mại là hoạt động cao quí nhất, họ đặt giai cấp kỹ sư và thợ thủ công dưới
giai cấp thương nhân. Thương nhân là những con người có bản lãnh nhất, giao thiệp
nhiều, hiểu biết rộng, nhiều sáng kiến và dám chấp nhận rủi ro. Người Á đông từ
lâu công nhận là "phi thương bất phú" (không làm thương mại thì không
thể giàu có). Từ chối thương mại tức là từ chối sự giàu mạnh. Các chế độ độc tài
đều sợ thương nhân, vì thế họ dùng bạo lực để đàn áp thương mại hoặc dùng ngôn
luận để phỉ báng thương gia. Thực tế cho thấy các sự tiến bộ kể cả dân chủ đã
xuất hiện tại các trung tâm thương mại như bên Anh, Hoa Kỳ, Canada, Úc và Tây
Âu…Sẽ có người phản bác rằng muốn làm kinh doanh lớn thì cần có nhiều vốn
luyến. Chúng ta đều đồng ý về vấn đề này, tuy nhiên phương tiện kinh doanh không
phải chỉ là vốn. Trước hết là một nguồn nhân lực có phẩm chất, hạ tầng cơ sở và
các phương tiện giao thông và truyền thông tốt, một hệ thống ngân hàng đắc lực
khi cần vốn luân chuyển. Vốn đầu tư chỉ là một
trong những phương tiện và cũng không phải là phương tiện quan trọng nhất.
Tư bản có trí khôn và lo-gích riêng của nó, ở đâu kinh doanh có lợi vốn sẽ tự nó
tìm đến. Yếu tố quan trọng nhất vẫn là những con người cần mẫn và có kỹ năng.
6. Kinh
tế thị trường – có nghĩa là sản xuất những gì thị trường đòi hỏi. Có thể tiên
liệu những nhu cầu của thị trường cho năm nay hay mười năm sắp tới, hay xa hơn
nữa nếu có thể, nhưng không thể bắt thị trường phải tiêu thụ những sản phẩm mà
nó không cần. Trên thực tế, điều đáng tiếc là các chế độ dân chủ không hành
động theo lý thuyết gia phán đoán. Phần lớn các nước dân chủ, giới chủ nhân
thường hay dựa vào những kẻ hở của luật pháp và thế yếu của giới công nhân,
nhất là tại những nước có tỷ lệ thất nghiệp cao, để giữ lương bổng ở mức độ thấp.
Họ chèn ép công nhân trong mục đích đạt tới tỷ lệ lợi nhuận cao nhất với hy vọng
tái đầu tư vào việc bành trướng xí nghiệp mà không ý thức được sự cần thiết phải
gia tăng sức mua của quần chúng. Đây là cái nhìn thiển cận mà nhà nước cần điều
chỉnh vì lợi ích của giai cấp công nhân và vì chính lợi ích của giai cấp chủ
nhân. Sau bao nhiêu năm bị lôi cuốn vào những lý luận về phát triển, các quốc
gia đã khám phá ra là rằng đầu tư vào y tế sức khỏe và giáo dục là đầu tư hiệu
quả kinh tế cao nhất. Ngược lại đầu tư vào những kỹ nghệ nặng như trích sắt
thép mà kỹ nghệ tiêu dùng chưa dùng đến là một phí phạm ngân sách. Tóm lại đầu
tư vào y tế, giáo dục và nâng cao dân trí và mức tiêu thụ của quần chúng không
những không tai hại mà còn là điều nên làm và phải làm. Đây là một trong những
khám phá quan trọng nhất của hai thập niên cuối thế kỷ 20 là không những phát
triển còn cải thiện dân sinh.
Việt Nam ngày nay – những năm gần đây
người ta thấy có nhiều sự tiến bộ trong nước như điện đã về đến nông thôn, xa
lộ cao tốc, xe điện ngầm đang được thi công tại Sài gòn, nhiều shopping mộc lên
nhan nhãn ở các thành thị, condomimium và cao ốc mộc lên như nấm ở Sài gòn, Hà
Nội, Cần Thơ Đà Nẳng , v.v…
Nhiều trường trung tiểu học, đại học dạy bằng ngoại ngữ hoặc hợp tác
ngoại quốc nổi lên khá nhiều. Trước năm 1975 các trường đại học chỉ có ở Sài
gòn, Huế và Cần Thơ ở miền Nam trong khi ở miền Bắc chỉ có ở Hà Nội và Hải
Phòng. Ngày nay ở các tỉnh lớn hầu như có các trường đại học hoặc tỉnh nhỏ thì
có trường Cao Đẳng. Nói chung kinh doanh ở các thành phố lớn rất ư nhộn nhịp,
dân chúng vô tư làm ăn và làm giàu mặc dù bộ máy hành chính còn rất rườm ra và tạo
nhiều rắc rối. Cần nhắc lại là ngày nay chính quyền VN cho nhiều sinh viên du
học hải ngoại về những nghành chuyên môn
theo nhu cầu thị trường. Đây là một sự tiến bộ đáng kể.
Vai trò chính của nhà nước là vai trò của một trọng tài, bảo đảm pháp luật,
trật tự và an ninh, diệt trừ tham nhũng và tạo những quan hệ ngoại giao tốt đẹp
đồng thời thông tin chính xác về sinh hoạt kinh tế thế giới để giúp doanh nhân
tìm thị trường và tránh những sai lầm tai hại. Muốn giúp doanh nhân tìm thị trường
xuất cảng thì phải bổ nhiệm ở các toà đại sứ những tùy viên thương mại có khả năng nhất, nhưng đó không phải là một vấn đề
kinh tế mà chỉ là vấn đề làm việc đứng đắn, không tham nhũng, không phe đảng.
Kinh tế phát triển là do những tiến bộ về khoa học và kỹ thuật làm gia tăng
năng suất, nhưng gia tăng năng suất là một vấn đề của các chuyên viên trong các
xí nghiệp. Kinh tế cũng phát triển nhờ tìm được các thị trường mới hoặc cải
thiện các thị trường có sẳn, trong cũng như ngoài nước. Nhưng trong một nền
kinh tế thị trường cố gắng này là của các công ty chứ không phải của nhà nước.
Vai trò của nhà nước trong hoạt động kinh tế là tạo điều kiện để doanh nhân hoạt
động dễ dàng và bảo đảm cạnh tranh công bằng. Chỉ có thế.
Về tổ chức chính quyền, nên để giao nhiều quyền hành cho địa phương
(decentralized). Lãnh thổ Việt Nam thống
nhất trong sự kết hợp các vùng. Chính quyền trung ương chỉ giữ độc quyền về quốc
phòng, ngoại giao và tiền tệ. Mỗi vùng phải có chính quyền riêng do dân chúng bầu
ra. Các chính quyền vùng không được có quân đội và tiền tệ riêng, không được ký
kết những hiệp ước với nước ngoài và với các vùng khác, không được làm chủ các
cơ sở có mục đích kinh doanh. Chi tiết về biên giới các vùng và cách tổ chức
chính quyền vùng sẽ do một đạo luật riêng do quốc hội biểu quyết.
Dân chúng trong nước hầu như được tự do vào mạng để chat, khác với Trung
quốc những mạng công cộng như Facebook, Twitter đều bị cấm đoán. Biểu tình hiện
hữu nhưng giới hạn. Tháng 5 năm 2014 khi quân đội Trung Quốc đem tàu hải quân cưởng
ép hay đâm phá các tàu đánh cá VN trong vùng đảo Hoàng Sa đã làm dân chúng
trong cũng như ngoài nước tức giận và xuống đường chống đối ồ ạt. Những sự cố
tương tự đã làm một động cơ cho người VN đến gần với nhau hơn. Hơn thế trong
nước người dân có quyền dùng luật sư biện hộ cho mình đã là một bước đầu tiến
bộ về mặt dân chủ phần nào.
Trong lúc viết bài này thì phong trào xuống đường đòi dân chủ đang rầm rộ
bên Hồng Kông. Khi Hồng Kông được trả cho Trung Quốc năm 1997 Anh và Trung Quốc
đã cùng ký kết một hiệp ước. Theo đó Trung Quốc cam kết sẽ cho phép Hong Kong
quyền tự trị cao cấp bao gồm việc bầu cử dân chủ để chọn đặc khu trưởng. Nhưng
thỏa thuận hầu như không thực hiện từ 17 năm nay. Bắc Kinh mới đây tuyên bố
người dân Hong Kong chỉ có thể bầu ra lãnh đạo mới từ các ứng viên mà Bắc Kinh
đã lọc ra từ trước. Vì thế một sinh viên 17 tuổi tên Joshua Wong nỗ lực chiến
đấu đấu tranh đòi dân chủ với phong trào Scholarism. Phong trào này tiến hành
những cuộc biểu tình ngồi vạ và khích động sinh viên bãi khóa. Đây là hành động
có ảnh hưởng lớn vì HK là nơi coi trọng giáo dục. Phong trào Scholarism này đặc
biệt được thế giới chú ý vì nó được thành lập bởi những người trẻ thế hệ 9X và
nhất là sinh viên trẻ tuổi Wong này không chịu lùi bước « người dân không
nên sợ chính phủ của mình. Chính phủ phải sợ người dân của mình. »
Hiện nay đất nước VN tuy thống nhất về mặt hành chính nhưng vẫn còn rất
chia rẽ trong lòng người, chia rẽ vì quá khứ chính trị, chia rẽ về tôn giáo, sắc
tộc, v.v... nhưng nặng nề nhất là chia rẽ Bắc-Nam. Với sự phân vùng và tản quyền
như đề nghị trên, mối chia rẽ Bắc-Nam sẽ không còn nữa, bởi vì sẽ không còn miền
Bắc, miền Nam mà sẽ chỉ còn vùng này và vùng nọ. Các sắc tộc ít người sẽ có trọng
lượng lớn tại các vùng thượng du miền Bắc và cao nguyên miền Trung, đồng bào gốc
Khmer sẽ có tiếng nói đáng kể ở miền Tây Nam phần. Các tín đồ Cao Đài, Hoà Hảo
sẽ có một chỗ đứng quan trọng ở các tỉnh Tây Ninh và Long Xuyên. Tinh thần địa phương là bước đầu của tinh thần quốc gia dân
tộc nếu được phép phát huy một cách tự nhiên họ sẽ không còn muốn đòi ly khai
nữa.
Công việc khó nhất hiện nay là người VN trong cũng như ngoài nước có rất
ít suy tư về quốc gia và dân tộc. Có lẽ
VN là dân tộc duy nhất trên thế giới gọi quốc gia này là « nước VN ».
Hơn nữa yếu điểm của Việt Nam ngày nay là tinh thần đoàn kết quốc gia hầu như
không hiện hữu. Dân trong nước chỉ mong có tự do làm ăn để lo cho miến ăn miến
mặc. Phong trào đòi dân chủ rất yếu ớt trong nước và người Việt hải ngoại thì
xem VN giản dị là một đất nước với đất và nước, là sông núi và những yếu tố
hoàn toàn vật chất và địa lý. Khi nói đến một quốc gia thì trong đó có khái
niệm tinh thần về tương lai dân tộc, quan tâm muốn cùng chỉa sẻ sự tiến bộ của
đất nước. Chưa kể có nhiều thành phần bất mãn với chế độ mới khá đông.
Nước Nga trở thành một chế độ dân chủ từ sau thập niên 90, mỗi năm cán
cân thương mại đều dư thừa (có nghĩa là xuất cảng nhiều hơn nhập khẩu) nhưng quỹ
ngân sách họ lại thiếu hụt trầm trọng. Vì sao? Bởi vì người dân Nga thiếu tinh
thần quốc gia, họ chỉ muốn làm giàu khi nước Nga mở cửa, gian lận trốn thuế,
thủ lợi cho cá nhân và chuyển tiền ra ngoại quốc. Thu nhập quốc gia thiếu hụt
những khoản tiền lớn để có thể phát triển nghành giáo dục, y tế và những hạ
tầng cơ sở, v.v…Tương tự, chính vì lòng
yêu nước quá yếu của người VN mà chúng ta vẫn chưa hình thành được một lực
lượng dân tộc để chấp nhận thách đố của một đảng cầm quyền để đấu tranh cho tự
do dân chủ. Hiện nay chúng ta chỉ có một chế độ độc tài không thua không kém.
Vì thế sự tồn vong và phát triển của đất nước bị tụt hậu giữa trào lưu tiến bộ mãnh liệt của các sứ con rồng Á châu cũng là điều dễ hiểu...
Nguyễn Hồng Phúc
Fall 2014
Tham Khảo:
[1] Trích từ VNExpress - Cao Huy Huân
Trong thế kỷ 21,
có những điều mà trong thế kỷ trước không ai nghĩ rằng sẽ có nhiều thay đổi đến
vậy. Giờ phút này, một công dân trẻ như tôi ngồi đây, viết những dòng chữ này
thì đất nước Việt Nam, nơi tôi đang sống, làm tôi thất vọng về trình độ phát
triển. Sáng nay tôi được đọc một bản nói rằng năng suất lao động của người Việt
chỉ bằng 1/5 của người Malaysia, 2/5 của người Thái Lan và tệ hơn, chỉ bằng
1/15 của người Singapore.
Singapore, một đất
nước nhỏ bé về diện tích, đang ám ảnh những công dân Việt Nam ở thế kỷ 21 này.
Những khu dân cư, những trung tâm thương mại, những thành phố mới được xây
dựng… tất cả đều được “ăn theo” mô hình và kỹ thuật của Singapore. Nhưng tại
sao lại là Singapore? Chẳng phải những mô hình, những kỹ thuật đó Singapore
cũng đã học tập từ những quốc gia phương Tây tiên tiến hay sao? Tại sao từ một
làng chài kém phát triển trên bán đảo Malay, Singapore đã phát triển thành một
quốc gia đứng thứ 2 ở châu Á về mức sống? Câu trả lời có thể dẫn đến nhiều
nguyên nhân, nhưng căn nguyên nhất vẫn là yếu tố con người.
Lý Quang Diệu,
nhân vật đã thay đổi và biến làng chài nhỏ bị dịch bệnh triền miên trở thành
đất nước có nền kinh tế phát triển hàng đầu của châu Á. Singapore là nơi mà
những kiến trúc hiện đại cùng chung sống với thiên nhiên chan hòa, nơi cả thế
giới ngưỡng mộ về chuẩn mực môi trường xanh sạch, nơi có làn sóng di dân ngược
từ châu Âu sang châu Á. Nhưng trong những ngày đầu lập nước vào thập niên 60
thế kỉ trước, Lý Quang Diệu, thủ tướng đầu tiên của Singapore, đã từng nói
“hy vọng là một lúc nào đó Singapore sẽ phát triển giống như Sài Gòn”. Thật
đáng kinh ngạc khi có một thời chính nhà lãnh đạo của Singapore đã mơ
tưởng và bị ám ảnh về sự phát triển của Sài Gòn.
Còn bây giờ thì
sao? Sau hơn 30 năm, chính người Việt Nam đang thèm thuồng được như
Singapore ngày nay. Sau khi Mỹ rút khỏi miền nam Việt Nam, chính Lý Quang
Diệu, người từng có tuổi thơ sinh sống tại Biên Hòa, đã nắm ngay lấy cơ hội đó
để biến thời cuộc thành lợi ích cho Singapore. Sau năm 1975, tất nhiên Mỹ và
phương Tây đóng cửa với Việt Nam, mọi giao thương với châu Á đều dành cho đồng
minh của họ. Singapore được Lý Quang Diệu phát triển thành cảng trung chuyển
đường biển lớn nhất tại khu vực. Và đúng theo quy luật về thương mại - kinh tế,
Singapore được thừa hưởng những đặc quyền của một cảng biển lớn, một cửa ngõ
hướng vào Đông Nam Á và cả châu Á.
Lý Quang Diệu cho
rằng, cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ là tiền đề quan trọng cho sự phát
triển của những nước phi Cộng sản ở châu Á. Rõ ràng là trước khi tuyên bố như
thế, Lý Quang Diệu đã nhanh chóng nắm lấy cái “tiền đề quan trọng” đó để biến
Singapore từ một quốc gia non trẻ kém phát triển thành một đất nước giàu có. Lý
Quang Diệu nhận định rằng, sau khi Mỹ rút khỏi miền nam Việt Nam, lập tức những
đồng minh của Mỹ ở châu Á tranh thủ thời cơ để trở thành 4 con rồng châu Á, và
sau này có thêm sự xuất hiện của 4 con hổ Đông Nam Á. Bốn con rồng được nói đến
là Singapore, Nam Triều Tiên, Hong Kong và Đài Loan. Bốn con hổ là Malaysia,
Thái Lan, Philippines và Indonesia. Vậy Việt Nam đã biến đi đâu trong bản đồ
khu vực? Và lý do gì Việt Nam lại tụt hậu một cách nhanh chóng như vậy?
Lý Quang Diệu từng
nói rằng lẽ ra vị trí số một ở châu Á phải là của Việt Nam. Theo ông, vị trí
địa lý chiến lược, tài nguyên thiên nhiên phong phú là hai yếu tố hàng đầu có
thể đưa Việt Nam trở thành người khổng lồ ở châu Á. Ông cho rằng, đất nước Singapore
nhỏ bé với diện tích và dân số chỉ xấp xỉ Sài Gòn, hoàn toàn không có tài
nguyên thiên nhiên, chỉ có một ít đất để xây dựng và ngay cả nước sinh hoạt
cũng phải nhập từ nước bạn Malaysia, nhưng Singapore đã phát triển trở thành
đất nước có GDP cao thứ hai ở châu Á chỉ sau Nhật Bản. Lại nói đến Nhật Bản, Lý
Quang Diệu cũng chỉ ra những bất lợi của quốc gia này, đó là một quốc gia bại
trận sau Chiến tranh thế giới thứ hai, không giàu tài nguyên, quanh năm động
đất và sóng thần, nhưng chỉ vài năm sau khi chiến tranh kết thúc,
Nhật Bản là người khổng lồ châu Á. Lý Quang Diệu cho rằng, sự thành công
của một quốc gia bao gồm ba yếu tố: điều kiện tự nhiên (vị trí chiến lược và
tài nguyên thiên nhiên), con người và thời cơ. Trong đó, để có yếu tố thời
cơ, thì yếu tố con người phải vững và nhanh nhạy. Lý Quang Diệu đánh giá rất
cao điều kiện tự nhiên của Việt Nam, nhưng ông không đánh giá cao yếu tố con
người trong sự phát triển chậm chạp này. Tôi hay đọc các bài viết trong nước ca
ngợi sự thông minh, tính cần cù, chịu khó của người Việt. Xin lỗi, tôi không
thấy được sự thông minh và cần cù đó. Xin nhắc lại, năng suất làm việc của
người Việt Nam chỉ bằng 1/15 của người Singapore, tức là một người Singapore
làm việc bằng 15 người Việt Nam. Dân số Singapore là 5 triệu dân, dân số Việt
Nam là hơn 90 triệu dân. Vậy tức là năng suất làm việc của 5 triệu dân
Singapore chỉ mới bằng 75 triệu dân Việt Nam, thế nhưng GDP của Singapore là
gần 300 tỷ USD, trong khi GDP của Việt Nam là khoảng 170 tỷ USD. Đó chỉ là một
so sánh chung chung, chưa tính đến dân số ở độ tuổi lao động của hai quốc gia.
Một khi yếu tố con người đã yếu kém như thế thì yếu tố cơ hội cũng sẽ chẳng có
nhiều.
Lý Quang Diệu tiếc
vì Việt Nam không biết trọng dụng người tài, ông nói rằng người tài ở Việt Nam đã
định cư ở nước ngoài hết rồi. Tôi đồng tình với quan điểm này của Lý Quang
Diệu. Tôi thường nghe nói về cậu bé thần đồng Đỗ Nhật Nam và cũng thường xem
các video thi hùng biện tiếng Anh của em. Báo chí và truyền thông Việt Nam cũng
hay đề cập đến em, nhưng tuyệt nhiên không thấy có một động thái nào của chính
phủ Việt Nam dành cho Đỗ Nhật Nam. Phải chăng đối với chính phủ Việt Nam, cậu
bé ấy không phải là nhân tài cần đầu tư và phát triển? Chưa kể là trong một lần
phát biểu về truyện tranh, cậu bé ấy đã bị những người lớn Việt Nam công kích,
chỉ vì em không thích đọc truyện tranh mà chỉ thích đọc sách khoa học. Thật trớ
trêu. Đỗ Nhật Nam chỉ là một trường hợp thần đồng được báo chí ưu ái, nhưng
cũng bị chính phủ thờ ơ. Vậy còn những thần đồng thầm lặng khác ở cái đất nước
hơn 90 triệu dân này thì sẽ nhận được hỗ trợ gì từ chính phủ? Trong mọi sự phát
triển, yếu tố con người luôn tối quan trọng. Thật đáng tiếc.
Nói thế nào đi chăng nữa, Lý Quang Diệu cũng chỉ là
người ngoài, không phải người Việt Nam. Thế nhưng những nhận định khách quan
của ông cũng đáng để suy ngẫm về sự phát triển của một quốc gia nhiều thuận lợi
như Việt Nam. Tôi thường thấy Việt Nam rất tự hào về lực lượng lao động trẻ với
giá nhân công rẻ của minh. Tôi cảm thấy đó là một điều đáng xấu hổ. Giá nhân
công rẻ chẳng qua là do trình độ, tay nghề kém nên chẳng thể đòi hòi được trả
công cao. Gần đây, quốc gia láng giềng với GDP thấp hơn Việt Nam là Campuchia
cũng đã tự chế tạo được xe hơi. Ngược lại, khi hãng điện tử Samsung đưa ra danh
sách những mặt hàng có thể đặt gia công với các doanh nghiệp Việt Nam thì mới
vỡ lẽ là Việt Nam chưa thể sản xuất nổi cái sạc pin, usb và ngay cả vỏ nhựa cho
điện thoại di động. Tất nhiên, Việt Nam đã đánh mất cơ hội gia công cho hãng
này. Việt Nam còn sẽ đánh mất nhiều cơ hội như thế cả về quy mô và số lượng nếu
cứ tiếp tục tự hào với những cái thuộc về quá khứ và không nhận thức được một
cách thấu đáo và nghiêm túc rằng mình đang ở đâu trên bản đồ khu vực và thế
giới. Lý Quang Diệu nói phải mất 20 năm nữa Việt Nam mới bằng Malaysia, vậy thì
20 năm nữa Malaysia sẽ phát triển ra sao và mãi mãi người Việt Nam sẽ bị ám ảnh
bởi sự thua kém của mình hay sao?
[2] Tổ Quốc Ăn Năn – Nguyễn Gia Kiểng – Báo
Thông Luận Paris