Trời sắp vào Đông. Chiều
hôm ấy đầu tháng 12, tuyết chưa rơi nhưng trời khô lạnh. Chuông reo. Ra
mở cửa. Trước mắt tôi là một cậu trai, dưới ánh sáng xeo xéo của ngọn đèn đường,
tôi chỉ nhìn ra dáng dấp gầy gầy dong
đỏng cao, và đôi mắt tròn đen. Tôi khựng
lại bỡ ngỡ, ngạc nhiên dù đã được báo trước buổi viếng thăm nầy rồi. Cuộc đối
diện khá tức cười vì trong trí tôi hình
dung khác hẳn. ‘Dạ mời vào’, cậu nhẹ
bước theo tôi, áo khoác xin treo trên giá, ánh mắt tôi trùng với nhà tôi hòa
điệu.
Phòng khách rộng mở như vòng tay chúng tôi hăm hở đón người thân. Cậu nhỏ nhẹ trao quà mẹ gửi biếu, quyển báo Xuân năm cuối thế kỷ 20. Chuyện trò dòn tan như
quen nhau từ trưóc. Hai cô gái chưa về, người bận hoc thêm, cô còn đang chữa
bệnh. Nhà cửa đầy thùng giấy, cậu biết chúng tôi sắp sửa dọn nhà nên chỉ hỏi
bâng quơ chờ đợi. Tiếng nói nhỏ nhẹ, từ
tốn tuy có hơi gút mắt, miệng luôn cười mỉm khoe hàm răng đều trắng, đôi mắt
tròn to là lạ dễ thương.
Chốt cửa vào khua vang lách tách. Tiếng kẽo kẹt của cửa trong tiếp
theo, tung mở. Cô gái lớn khệ nệ túi
xách bước vào, dừng bước ngạc nhiên. Hai
người chào nhau, tôi bỡ ngỡ giới thiệu:’’ Đây là anh Thinh, con bạn mẹ, bác sĩ, mang quà biếu của
mẹ anh ấy đến thăm’’, và ‘’đây là Phùc., con gái lớn của hai bác.’’ Con bé chưa
kịp hết thắc mắc thì điện thoại reo vang. Quái ác! Bạn gái Bỉ của Phúc gọi, Phúc xin phép được
trả lời.
Lại một phen
chờ đợi. Sao mà không trơn tru gì hết. Chờ cả hơn tiếng rồi còn gì. Cậu ta còn
phải trở về Pháp nữa. Vào bàn ăn. Phúc vốn ít nói nên càng nói ít, con gái mà,
trước người lạ chưa quen, hơn thế nữa trong nghề nên không thích người cùng
nghề, tưởng đâu nồi nào úp vung nấy thế mà hai cô cậu dường như chưa thấy muốn
xáp lá cà.
Riêng hai
ông bà già, để dung hoà hâm nóng tình thế, tỉnh bơ gợi bắt chuyện như không có
khách lạ trong nhà. Không khí dãn dần, dễ chịu vì thật sự chúng tôi có quan niệm rõ ràng về vấn đề luyến ái hôn
nhân. Chúng tôi không tìm người ‘câu’ gả, cũng không ép buộc hay thúc bách con
mình trong vấn đề nầy.
Kinh nghiệm bản thân cũng giúp cho chúng tôi có tầm nhìn phóng
khoáng hơn. Nhớ một trong bốn cái ‘ngu’ mà ‘làm mai’ dẫn đầu, không thích mai mối e làm con mình tức tủi hiểu
lầm làm cao, khó khăn, chê kén, ế
ẩm, lỡ thời. Vì vậy thật thanh thản, không câu kỳ khách sáo, cũng không “a lê
hấp” trao gươm cho chiến sĩ.
Cậu trẻ nầy, bề ngoài không
có vẻ kênh kiệu, vênh vênh tự đắc, ba hoa chích choè, ngạo mạn trịch thượng’ ta
đây’. Vẻ nhu hoà khiêm tốn , chịu khó nghe, thật thà như đếm của cậu ta lắm lúc
làm chúng tôi phân vân. Mặc kệ, đến đâu hay đến đấy, suy nghĩ chi cho thêm bạc
đầu. Tỉnh bơ cho đở khổ, đắn đo làm gì cho mệt bể cái óc. Nói vậy chứ làm sao
không nghĩ mông lung, con người mà, lung
tung, lọạn xà ngầu, quanh đi quẩn lại
cũng không tìm ra manh mối. Đúng là vòng lẩn quẩn như câu: “ỳ nhông, ông kỳ đà,
kỳ đà cha cắc ké, cắc ké mẹ kỳ nhông, kỳ nhông ông kỳ đà...” Nhìn hai trẻ như
hai gà nòi thình lình giáp trận, dò xét ước lượng đối phương. Đây cũng là hai
đôi mắt nhà nghề định bệnh, ước đoán xem đối tượng mấy lần đau?
Rồi những lần viếng thăm
nhiều hơn, riêng rẽ nữa. Phải để cô cậu tìm hiểu nhau, gây gổ, giận hờn rồi làm
hòa, thế mới gọi là ‘thương nhau lắm cắn nhau đau.’. Thời kỳ nầy là đẹp nhất,
ngày tháng không còn phẳng lặng như xưa. Nhìn hai trẻ càng ngày “ tình trong
như đã mặt ngoài còn e “mà nhớ lại thuở nào..Chắc ai trong khúc quanh tình cảm
nầy cũng thế thôi.
Nhớ nhau bằng quà biếu, ghen hờn qua hỏi dò,
ngày nay tiện nghi hơn, hẹn hò nhau bằng điện thoại, e-mail. Sinh nhật em bao
nhiêu năm bấy nhiêu hoa hồng đỏ thẫm, đáp lại cà vạt quàng ấm cổ aó ấp thân
anh. Và hai trẻ săn sóc nhau gần gũi. Đối với chúng tôi, vẫn một mực cháu con,
với các em đâu đó phân minh.
Điều khôi hài nhất là chúng
tôi không ngờ cậu nầy không hiểu tiếng Việt nhiều cho lắm, có thể vì nhà tôi
gốc Bắc nói trọ trẹ khó nghe hoặc bên nhà cậu ta ít nói tiếng mẹ. Quen khá lâu
mà mỗi lần đưa sách báo Việt cho đọc, thấy cậu lờ đi hay đem về cho ba măn. Lúc
đầu chúng tôi nghĩ rằng cậu ta không có thì giờ, về lâu mới tá hỏa là cậu ta
nói được mà nghe khó ‘vì chúng tôi nói nhanh và văn chương’. Cứ thấy cậu ta
chịu khó nghe, cười trừ, nhỏ nhẹ ‘trả miếng’, dạ dạ làm thinh, trả lời chậm
rãi, hoặc chần chừ rồi mới phản pháo, diễn tả khó khăn, chúng tôi tưởng chừng
phe ta đông tấn công quá làm địch thủ thối lui. Rốt cuộc đối phương thật sự
chưa thành thạo tiếng, ngôn ngữ bất đồng. Chính mẹ Thinh lúc đầu cũng có cho
biết nội trong các con, Thinh còn thích tiếng Việt nhất.
Riêng đối với tôi, Thinh gần gũi hơn, cởi mở
hơn. Ngược lại tôi cũng mở rộng lòng mình không chút đắn đo tiếp đón đứa con
mới, dù trong thâm tâm tôi vẫn thấy có điều gì chưa ổn ở Thinh. Chỉ cầu xin một
điều là hai trẻ thành thật thương nhau.
Thường trong gia đình có ba
con trai, cha mẹ khen tôn con cả, cưng chiều con út, đứa giữa hay bị bỏ quên
một cách vô tình, đứa con nầy thèm tình mẫu tử lắm. Thinh rất có hiếu, lo cho
mẹ từ chút, mở miệng ra là nói đến mẹ, bảo gì làm nấy. Ai nói gì cũng so sánh
với mẹ, mẹ lúc nào cũng đúng, như là thần tượng của Thinh vậy. Tôi mừng lẫn
chút ngạc nhiên là còn thấy thời bây giờ, một cậu trai trưởng thành có địa vị
xã hội mà còn một mực nghe lời mẹ hết lòng. Giây liên lạc thắt chặt chỉ chờ
buộc gút.
Gần một năm sau, thình lình tôi phát bệnh. Thinh đã đối với tôi thật đầy
nghĩa tình, ngày ngày gọi thăm. Cảm động biết bao khi biết tôi nằm bênh viện,
không ngại xin nghỉ đến lên tinh thần, khuyên nhủ tôi từ chút một. Có lần cậu
nắm lấy tay tôi ân cần dặn dò đủ thứ. Chắc các bạn cũng hiểu tại sao tôi quí
Thinh vô vàn. Từ dạo ấy, trong thâm tâm tôi,Thinh không còn là người ngoài nữa
mà đã vào khung gia đình rồi. Tôi cũng
không cần tìm hiểu phía Thinh thật, giả, vì bao lần nêu cao lòng tốt của Thinh
với mẹ đều được bà trả lời:’’ Đối với ai, Thinh cũng thế’’. Câu nói vô thưởng
vô phạt nầy càng khẳng định tấm lòng thương người của Thinh rõ nét hơn, tôi càng quí mến cậu ta gấp
bội.
Không đoán trước được tương
lai hai trẻ thế nào chỉ nguyện xin và phó thác. Riêng với chút ân tình không
trả được, xin ghi tâm tạc nhớ thì thầm nhắc gọi ‘’ thằng rể, con tôi’’.
Cô Trần Thành Mỹ