VẰNG VẶC CUNG HẰNG

                                             



 Bao nhiêu đêm, ngắm trời cao chi chít đầy sao, trăng ẩn hiện lúc mờ khi tỏ, mình cũng thấy hồn lâng lâng theo mây gió bâng khuâng . Nghĩ đến chị Hằng sao mà âm thầm cô đơn quá ! Nhìn chị mà ngẩn ngơ với nét đẹp kiêu sa.

 Mắt chị diệu hiền mơ màng mơn trớn vỗ về như mẹ hiền bên đàn con dại, lòng ngổn ngang trăm mối mà vẻ mặt cứ ung dung. Tình chị không rực cháy như tia sáng mặt trời nóng bỏng, thiêu đốt như nỗi ghen của Hoạn Thư mà rưng rưng, e ấp dịu dàng của cô gái dậy thì còn treo giá ngọc.

Chị thung dung khoe sắc cao sang huyền ảo, tập trung không gây tiếng động như biểu dương sức mạnh thật của mình :
 Seul le silence est grand tout le reste est faiblesse » (Chỉ có yên lặng là cao cả, tất cả còn lại là yếu hèn).(Alfred de Vigny)

        «  Trăng bao nhiêu tuổi trăng già, 
   Trăng bao nhiêu tuổi gọi là trăng non ? ».
Không ai biết chắc tuổi thọ của trăng, « còn người thì tột đầu săng » chứ trăng tồn tại mãi chẳng biết ngày tàn.

Trăng cũng sống hợp thời xuất xử, lộ diện toả ánh sáng lung linh. Cũng e thẹn nép vào mây khuất bóng, khi lưỡi liềm phải trái khuyết tròn.

 Không biết có phải giữ vệ sinh hay làm dáng mà thường thay xiêm đổi áo, khi khoác chiếc « burka » (Afghanistan) mỏng dầy làm tăng vẻ đẹp não nùng, bí ẩn, gợi mơ, khi choàng khăn màu cầu vồng trong suốt, lúc như gót ngọc thanh thoát lướt qua màng tơ trời, yểu điệu, tuyệt thế thoát trần.

Tia nhìn không là hung thần, cháy da bỏng thịt, xoáy tim của kẻ « lấy oán báo oán, oán oán chập chồng ». Ánh sáng ấy như của nữ tu Têrêsa nhỏ người mà đức Thánh.

           Nhìn đêm không trăng, dù sao trời chiếu sáng, vũ trụ như lắng đọng buồn thiu. Bóng tối “phần tối tăm bí mật” của “Hổ nhớ rừng”(Thế Lữ) bao trùm làm không gian như nghèn nghẹn không yên.

           Những cặp mắt sói lang, hùm beo săn mồi thêm rực sáng, đoàn thú nhỏ hiền lành thu hình không dám trở mình im hơi nín thở trên đám lá vàng khô.

          Giang sơn của kẻ bất lương cũng lấy sao đêm làm pháo lệnh, trăng đèn lồng, cả những trận đánh pháo kích tấn công thường xảy ra sau khi mặt trời khuất bóng.

Trăng còn là vệ tinh duyên dáng xoay vần theo quả đất màu xanh, chứng nhân âm thầm quan phòng giám sát, yên lặng lắng nghe ghi nhận lời thề bao chuyện vui buồn riêng tư thầm kín của thế nhân, luyện tâm thiền định vằng vặc không mảy may xao động phân tán khí thần.

          Bàn tay Chị mầu nhiệm không khác chi của Phật tổ Như Lai phẩy xoè nhốt Tôn Hành Giả nghiêm răng, bất thần rọi pha vào hang cùng ngõ hẻm vạch mặt chỉ tên, làm lộ diện bao cuộc âm mưu cướp bóc.

Ảnh hưởng của trăng đong đưa thủy triều lên cao xuống thấp, theo âm lịch, ngày giữa tháng trăng tròn. Cao điểm nhất, rực rỡ thay “khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”, ngày mười lăm, trăng rằm. Tết Trung thu, rằm tháng tám, đèn manchon trời thấp sáng, dưới thế vui theo với bao loại lồng đèn lớn nhỏ đủ thứ hình màu.
Trăng với những cánh cò trên sông

 Có phải chăng trăng cũng biết nũng nịu soi bóng mình qua gương hồ sông nước,   
 “Giao trì nhất phiến nguyệt”

            “ Đối kính họa mi nhất điểm phiên thành lưỡng điểm” (Đoàn thị Điểm)
            “Lâm trì ngoạn mục, chích luân chuyển tác song luân”.( Đến ao xem trăng, một vành hiện ra hai vành.)-  Câu đối lại của Đoàn Doãn Luân, anh của nữ sĩ Đoàn thị Điểm.

 biết hòa mình với tâm sự của người đời,
“Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối,
   Gió thu lọt cửa cọ mài chăn”

 bầu bạn với chinh nhân 
            “Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
       Nửa in gối chiếc nửa soi dậm trường”

    Trăng cũng lấp ló thẹn thùng vén rèm mây tạo mơ gây mộng, trầm ngâm ngắm dáng mình qua đôi mắt nhân gian thì thầm trút cạn tâm tư.

Cái nhìn của trăng thẳng ngay thanh khiết trái với kẻ bất lương, tiểu nhân lăng loàn nguy hiểm, kẻ bất tài hưởng thụ nịnh hót xu thời. Trăng cũng thông hiểu “cao nhơn tắt hữu cao nhơn trị” nên tỏ ra  khiêm tốn , biết ta biết người khác hẳn với con người thường mang mộng độc tôn duy nhất.
            “Trăng khoe trăng tỏ hơn đèn,
        Sao trăng lại phải chịu lòn đám mây”
                                                        

Nguyệt thực ngày3/3/2007

          Cái vẻ đẹp huyền diệu từ lúc mới mọc đến thời kỳ “trổ mã”, chếch bóng đến trăng tà, sự hiện diện “nghìn trùng xa cách”đó,  ánh sáng “mơ huyền” hay nồng thắm ấy, tưởng chừng như chỉ để trang điểm thiên nhiên, gây hứng thú.

           Nhưng không đâu, nhớ ánh trăng chênh chếch thình lình rọi sáng làm thức tỉnh lương tâm rối bời của Jean Valjean, vì sống còn lầm lỗi, trong “Les Misérables” của Victor Hugo, phải công nhận trăng tuy xa mà gần và gắn bó mật thiết với thế nhân.

Mọi sinh hoạt văn hoá nghệ thuật giải trí đều ca tụng, thi vị hoá trăng, mỗi người mỗi vẻ, như Lý Bạch “dám” chết vì Hằng Nga.

 Lưu Trọng Lư : “Dưới trăng vàng thổn thức”,

Thế Lữ qua tâm tình của chúa sơn lâm bị giam cầm trong cũi sắt :
     “Còn đâu những đêm vàng bên bờ suối,
       Ta say mồi đứng uống ánh trăng ta”.

     Hơn thế nữa, nguồn sinh lực của trăng dồi dào cho đến đổi được chào hàng đổi chác : 
        “Ai mua trăng tôi bán trăng cho”.

     Không những chỉ người thành thị, có học, giàu sang mới biết yêu trăng, người đồng quê không kém. Họ cũng biết dung hòa công việc, giải trí với vui chơi, như gánh lúa, đập lúa, giã gạo dưới trăng, cúng đình cúng miểu...                 
               “Hỡi cô tát nước bên đàng,
              Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”    
                                 

Tát nước bằng gàu dai (giai)

     Tuổi trăng, năm tháng không ai nhớ đến chỉ biết rằng duy nhất có một vầng trăng nhưng dáng hình thay đổi.

     Biết đâu có ngày trăng ngủ nghỉ, vắng nhà, đi thăm bạn bè thân thuộc khi ta nhìn lên trời cao lồng lộng toàn thấy hằng hà sa số sao đêm.

Đừng nghĩ trăng chỉ có bề ngoài một mặt tốt xinh, thật sự trăng cũng lạnh lùng phũ phàng, vô tình, thâm hiểm. Trăng chứng kiến tang thương , khổ đau không chút đổi thay xúc động .

 Đường trăng trăng cứ đi, theo quỹ đạo riêng của mình, bổn phận cứ hoàn tất không suy suyển như các bậc tôi trung thờ vua thời trước, ‘quân xử thần tử, thần bất tử bất trung’, con chiên các giáo phái, ‘fans’ của ca nhạc sĩ nổi danh hay đồ đệ của các đảng các băng.

Trần thế có nhiễu nhương, giết nhau cũng mặc, trăng vẫn vô tình soi rọi bằng ánh sáng mơn man đùa ghẹo.
Bấy giờ, quả thật trăng quá quắt, đang ướm khoác trên người lớp áo của kẻ độc tài, bè lũ thực dân xâm lăng vui cười trên xương máu dân lệ thuộc, giới quyền quí cao sang vung tiền mua nô lệ thỏa mãn điên cuồng, túi tham không đáy, với bề ngoài lương thiện của kẻ giả nhân giả nghĩa tốt bụng giúp đời.

 Hoặc trăng như người bàng quan nhìn hồng trần thế sự một cách cao ngạo, trịch thượng, rẻ khinh, yếm thế.

Âu cũng là hình ảnh của các mệnh phụ phu nhân nội tướng, sau bức màn nhung giựt giây điều khiển các đấng phu quân “râu quặp”, như Đắc kỷ mê hoặc Trụ vương, Mira Milosevic làm vận nước đảo điên. Bề ngoài hiền như Phật mà bụng chứa toàn gươm đao.

 Đó còn biểu hiện chế độ không đi sát lòng dân, xa vời quần chúng ‘dân ngu khu đen’, tự cao tự đại suy tôn mình có một không hai, không ai thế được, thay quyền Tạo hoá, ban phúc họa cho con dân.

Bạn thường nghĩ trăng hiền, khờ khạo mà quên rằng trăng cũng biết trả thù, ngang nhiên che cả mặt trời luôn đẩy mình vào hậu trường sân khấu về đêm, nên có hiện tượng”nhật thực”, “nguyệt thực” làm vầng ô tối mặt, nguyệt điện bị phủ kín bằng mảnh y đen.


Ngửa mặt nhìn chiếc gương treo xa vời vợi ấy, con người như thấy hình ảnh mình qua chú Cuội với cây đa.
 Cuội hồn nhiên, đơn sơ, thật thà thơ mộng, cây đa như cây dù, chiếc nón che đở nắng mưa. Cuội như ta, cô đơn luôn ươm mơ ưóp mộng, không thể tách rời khỏi ảnh hưởng của thiên nhiên.

Hình ảnh độc đáo duy nhất nầy phản ảnh kiếp sống trần ai. Có tài giỏi nhất đời, giàu sang tột bực vẫn thui thủi với tâm sự riêng tư, một mình triền miên cô độc, chẳng ai hiểu nổi mình mà mình cũng khó tin ai.

 Ngày xưa, trăng là cung Quảng vàng son, thiên đàng đầy hoa thơm cỏ quý, trái ngon như đào tiên ăn vào trường sanh bất tử.
 Đẹp như Hằng nga, vũ khúc Nghê thường..., ai mà trong đời mình chẳng có một lần ngắm trăng, tưởng tượng, đưa hồn mình lạc lối Thiên thai.

Thế nhưng, thật sự chị Hằng cũng rỗ mặt chằng chịt, chỗ lồi chỗ lõm, ngay cả cung thiềm không bóng dáng sinh vật vãng lai và bặt dạng cả chú Cuội bên gốc đa huyền thoại.
                     
                         
http://bits.wikimedia.org/static-1.24wmf5/skins/common/images/magnify-clip.png
Nhà du hành vũ trụ Buzz Aldrin, ảnh do Neil Armstrong chụp trong chuyến hạ cánh đầu tiên xuống Mặt Trăng ngày 20 tháng 7 năm 1969.

Dù biết thế, con người vẫn không ngừng lột xác rắc mộng gieo mơ, dệt tơ cầu vồng thành mắt võng đu đưa hồn xác mình nhập thể vào lưới trời lồng lộng biến thiên.

Trăng mãi mãi vẫn là nguồn suy cảm vô biên, ngọn đèn trời mang ánh sáng thiết tha, huyền diệu.

 Trăng mang dáng dấp của người bạn trung thành đầm thắm theo bước chân mình dung rủi xẻ chia.

 Trăng là ánh mắt trẻ thơ trong sáng, tầm nhìn trìu mến của các bà mẹ ru con quên nghỉ, vẻ đẹp thoát tục của các bậc tu trì giúp đời thánh thiện, phong vũ biểu giúp bác nông dân nhẩm đoán thời tiết cầu mong sao cho mưa thuận gió hòa.

Nếu ta ví mặt trời là cha thì trăng như mẹ, hạnh phúc gia đình tùy thuộc không những chỉ ở hai đấng song thân thôi mà còn ở đàn con cháu. Kỳ vọng chúng ta biết đoàn kết phát huy, bảo tồn gia sản, môi trường sinh dưỡng, khí trời ta thở để quả đất xanh mãi mãi chan hòa ánh sáng trời trăng .
                                                                                                         


                                                                                              Trần Thành Mỹ     

 
ĐỒNG HƯƠNG © 2012 - Xây dựng bởi Blog Thiết Kế – Hỗ trợ bởi Người Áo Lam - Giao diện Rumah Dijual