CÓ NÊN THIỀN KHI VỀ GIÀ


Thiền thường được hiểu là ngồi yên, trầm tư mặc tưởng, phân tích hoặc suy nghĩ về một luận cứ, một bài thơ hoặc một bài kinh. Đôi khi nó cũng được hiểu là ngồi xuống, nhắm mắt lại và giữ cho trí óc không suy nghĩ gì cả. Nhờ vậy giữ cho tâm trí được thanh thản bằng cách tránh thoát các vấn đề. Trên thực tế cả hai cách hiểu này đều không đúng với ý nghĩa đích thực về Thiền. 

Thiền là một sự rèn luyện tinh thần mà giúp ta tự đi tới sự suy tư bình thường để mà có được 1 trạng thái ý thức sâu hơn, sự thấu hiểu và thư giãn có thể xuất hiện. Bài luyện tập này có thể hàn gắn và biến đổi cuộc sống của bạn nhưng thật khó để biết nó bắt đầu từ đâu. Dù bạn là ai, bạn cũng có thể tiếp cận những hướng dẫn tập thiền trong sự vui tươi, lòng tốt và từ bi đối với chính bản thân mình. Mặc dù thiền có nguồn gốc từ những hoạt động tâm linh cổ đại nhưng bạn không nhất thiết phải gia nhập tín ngưỡng nào để được hưởng những lợi ích to lớn từ nó. Ta có thể tập thiền vì những lý do như để thư giãn, chữa bệnh hay để gia tăng các giá trị tinh thần và cá nhân. Hoặc đơn giản là để có một trái tim và tâm trí rộng mở trước mọi sự trên thế gian. Thiền luôn luôn là một cuộc hành trình không có điểm đến. Tất cả chúng ta đều mang theo những kỳ vọng cá nhân, những quá khứ và cảm xúc, nghị lực và cả thể xác vào thiền định. Bất cứ đâu cũng có thể trở thành nơi để bạn ngồi thiền và bất cứ đâu bạn cũng sẽ được kết quả tốt nhất. Theo thuật ngữ Yoga của Ấn, Thiền được gọi là “Dhyana” nghiã là “dòng chảy của tâm trí”. Đây là một trạng thái tinh khiết và tập trung cao độ khi tâm trí xuôi chảy không gì ngăn trở , hoàn toàn đắm mình trong ý nghĩ về Ý Thức Vũ Trụ. Mặc dù, một người mới nhập môn, mỗi lúc chỉ có thể giữ cho tâm trí tập trung vào Thiền trong vài giây mà thôi, nhưng với sự giúp sức của các kỹ thuật Thiền đã được điều chỉnh cho thích hợp với khả năng mỗi cá nhân, người tập sẽ dần dần đạt được tư duy và cảm nghĩ cao cả. Thông thường khi nghe đến chữ thiền người nghĩ ngay đến tôn giáo. Nhưng trong đạo Phật người ta dùng ngữ “thiền định” (Samatha) hay “thiền quán” (Vipassana) cho cách tu tập của Phật giáo. Thiền quán là một pháp môn tu tập của Đức Phật Thích Ca, do chính Ngài dạy cho các đệ tử của Ngài, thiền này mới chính là thiền của Phật giáo. Vì vậy trong bài này chúng ta chỉ dùng đơn giản chữ thiền (meditation) để gắn liền với hoạt động tâm linh và bảo vệ sức khỏe.

Tác dụng của thiền về phòng bệnh, chữa bệnh và giá trị khoa học là những vấn đề vẫn còn gây nhiều thắc mắc và tranh luận. Nên nhân đọc một bài viết về Thiền dưới mắt một y sỹ tôi cảm thấy thiền có ích cho sức khỏe chúng ta nhất là người có tuổi nên vội tìm hiểu thêm về cách hoạt động kỳ thú này.

Trên thế giới càng ngày càng có nhiều bệnh viện mở ra nhưng sao vẫn bị quá tải (overloaded/crowded). Bây giờ đời sống con người càng tân tiến và tiện nghi nhưng họ vẫn bệnh hoạn triền miên. Chúng ta không quên rằng khoa học tiến triển khá xa và y học cũng đang tiến rất nhanh. Các căn bệnh truyền nhiễm càng gia tăng nhưng y khoa lại càng tiến triển nhanh để khắc phục.  Theo BS Đỗ Hồng Ngọc ở Montreal cho rằng rõ ràng sức khỏe không phải là chuyện của y tế mà chuyện của cá nhân mỗi người. Cũng theo vị BS này thì đời sống càng ngày càng tiện nghi, nhu cầu vật chất càng được thỏa mãn thì con người càng xa lạ với thiên nhiên, với chính mình. Stress theo ông chính là nguyên nhân của 90% bệnh lý đưa người ta đến bác sỹ mà BS chỉ chữa đau chứ không chữa được cái khổ, chữa được bệnh nhưng không chữa được hoạn. Nhưng thiền có thể chữa được căn cơ.

Con người, trước mắt vẫn cần phải đối diện với sự thiếu ăn thiếu mặc và bệnh tật, đặc biệt là các căn bệnh trầm cảm (depression). Tại Âu châu có đến 40% dân chúng bị bệnh nầy, ở Việt Nam không kém. Thí dụ tháng 10 năm 1999 chuyến bay MS990 của Egypt Air từ phi trường JF Kennedy New York đi Cairo do phi công phụ tên Gameel Al-Batouti 59 tuổi, phi công chính Ahmed El Habasha 57 tuổi điều khiển trong buồng lái. Ông phi công phụ có đứa con gái út 10 tuổi tên Aya mắc bệnh nan giải đang được chữa trị ở Los Angeles. Ông mắc nợ chồng chất về việc chữa bẹnh cho con gái và ngay hãng Egypt Air phải ứng ra một số tiền lớn cho ông mượn để cứu mạng sống của con gái ông. Ông này đợi phi công chính ra khỏi buồng lái để tiểu tiện thì ông đóng khóa cửa lại nên không ai được vào. Ông gài lái tự động hướng mũi xuống biển. Sau khi gài lái tự động ông quỳ xuống gầm máy bay lần cuối “xin dâng mọi sự cho Thượng Đế” và cầu nguyện cho con gái ông được bình an. Chiếc máy bay Egypt Air đâm xuống biển Đại tây Dương giết chết 217 hành khách vì sự trầm cảm thất vọng của viên phi công phụ. Đầu tháng một năm 2014 một nhân viên hãng điện thoại chúng tôi cũng đã thắt cổ tự tử vì tuyệt vọng, vì áp lực của công việc quá căng thẳng cộng với việc vợ ông vừa chia tay với ông. Những vụ trầm cảm này dễ đưa đến hậu quả xấu cho đến tồi tệ như tuyệt vọng, tự tử. Theo bác sĩ Herbert Benson, có từ 60-90% bệnh do căng thẳng (stress) mà ra. Qua nghiên cứu, ông thấy, Thiền tập có khả năng làm giảm căng thẳng, cho nên nó có thể được áp dụng trong việc điều trị bệnh tật.

Theo BS Đỗ Hồng Ngọc thì khi thiền việc trước tiên là thở. Mà phải thở bằng bụng kia. Cứ nhìn người bình thường khi nằm ngủ ta chỉ thấy cái bụng phình lên xẹp xuống. Mặc dù phổi nằm trong bụng nhưng yếu ớt hơn vì thiếu cơ bắp. Vì thế nên thở bằng bụng giúp phổi khỏe hơn. Thở bằng bụng tự nhiên hơn. Các phương pháp khí công, dưỡng sinh hay yoga đều thở bằng bụng. Ông khuyên nên quán sát và kiểm soát hơi thở vì nó nằm ngay trước mũi mình, dưới mắt. Lúc nào ta cũng phải thở ngay lúc ăn hay ngủ cũng thở. Nhờ quan sát việc thở mà ta giải thoát tâm ra khỏi những vướng mắc lăng xăng, một mặt ta nhận ra ý nghĩa cuộc sống tâm linh. Từ đó buông bỏ bao nỗi lo toan sợ hãi để có cuộc sống khỏe và hạnh phúc. Trong công việc khi bị stress quá độ, lo âu hay giận dử, ta nên tìm đến một nơi yên tịnh vài phút để thở cho nhẹ nhàng sảng khoái. Như vậy hơi thở là sợi dây nhạy cảm gắn liền cái thân và tâm ta. Ta thấy hơi thở còn gắn liền sự sống chết của con người. Khi chào đời em bé khóc hét lên một tiếng thật to để hít không khí vào phổi để rồi khi lìa đời cụ già lại thở hắt ra một cái để trả lại đời tất cả gì mình đã vay mượn! Cũng theo vị BS này thì ngủ cũng là cách làm giảm tiêu hao năng lượng. Thiền còn  giúp giảm năng lượng đáng kể hơn ngủ. Khi cơ thể đang trong trạng thái nhẹ nhàng sảng khoái giảm năng lượng thì tất cả tế bào trong cơ thể sẽ nghỉ ngơi. Thực ra khi một người rành về thiền định thì họ sẽ không cảm nhận mình thở nữa vì hơi thở sẽ kiểm soát họ! Lúc đó họ không còn ý niệm về không gian và thời gian nữa. Tiến trình hô hấp vẫn diễn ra sâu trong các tế bào nhưng ở mức độ thấp nhất và vì vậy nhu cầu sản suất năng lượng không còn đòi hỏi nữa vì các tế bào ở trong trạng thái hoàn toàn tĩnh lặng, nghỉ ngơi. Tập thiền chính là tập kiểm soát bản thân thông qua nhịp thở, động tác và sự thư thái... không đơn giản là đúng động tác, và hướng dẫn là tập được, nếu cứ tập bừa thì sẽ làm cho ta mệt mỏi, căng thẳng hơn dẫn đến ảnh hưởng đến trí não làm cho ta " tẩu hoả nhập ma", thiền là tốt nhưng không phải mọi lúc mọi nơi. Tập thiền nên nhớ là tâm phải tỉnh, trống rổng, nghĩa là không có bất cứ suy nghĩ lan man nào lo toan về cuộc sống, tình cảm của con người hiện lên chi phối ... Phần lớn nhiều người tìm đến thiền vì cuộc sống không được như ý, càng muốn không phiền não thì càng phiền não; không thoát ra được cái quan niệm dung tục thường tình của con người...

Khi nói đến thiền người ta nghĩ ngay đến ngồi. Theo vị BS này khi thiền không nhất thiết phải ngồi. Đi đứng nằm ngồi gì cũng thiền được. Người Nhật người Tây tạng đều có cách ngồi riêng của họ, miễn sao có một tư thế thoải mái, dễ chịu là được. Khi đi đứng các bắp cơ phía trước của hai chân phải co lại để nâng đở cái thân trong khi các cơ phía sau duỗi ra. Giữ lưng thẳng đứng cũng rất quan trọng trong lúc thiền. Ta hay có khuynh hướng chiều theo độ cong tự nhiên của cột sống dưới sức nặng của thân thể do trọng lực và nhất về già dễ dẫn đến cong vẹo cột sống hoặc đau dống cổ hay đau thắt lưng. Ở tuổi trung niên nhiều người mắc bệnh đau lưng, nhưng đấy là bệnh cấp tính. Nghỉ ngơi hoàn toàn và uống thuốc sau vài ngày sẽ  khỏi. Nhưng nguồn gốc sâu xa hơn của đau cột sống, thắt lưng là do stress, nếp sống căng thẳng chịu đựng nhiều ngày, dồn nén lâu ngày. Khi đi bộ lâu thì mỏi chân, ta ngồi xuống xếp bằng và hít thở một lúc sẽ thấy hai chân bớt mỏi nhanh. Cũng theo lời khuyên của vị BS thì trong tư thế thiền cần có sự thả lỏng toàn thân “buông xả” như trôi trên mặt nước. Khi cơ thể chùng xuống , đã giản cơ tức giảm tiêu hao năng lượng một cách đáng kể thì cũng thấy bớt cần thiết phải cung cấp các dưỡng chất năng lượng qua thức ăn. Ăn ít mà vẫn đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng thì cơ thể đỡ vất vả và các tế bào đỡ hùng hục làm việc, tinh thần sẽ sảng khoái. Các nghiên cứu trên sinh vật bị cho nhịn đói vừa phải thấy sống lâu và trẻ hơn. Và các nghiên cứu y sinh học cho thấy các nhà sư có thể làm giảm nhu cầu oxyen đến 40% trong lúc thiền. Các nghiên cứu về sinh lý học trong thiền vẫn còn đang tiếp tục nhưng rõ ràng thiền có khả năng làm giảm stress, giảm huyết áp và tạo sự sảng khoái là những yếu tố quan trọng trong cuộc sống khỏe mạnh khi có tuổi. Thiền càng ngày càng trở nên một kỹ thuật trị liệu hiệu quả trong y sinh học nhất là lãnh vực tâm lý trị liệu. Nhiều nghiên cứu cho thất thiền giúp giảm thời gian nằm viện của bệnh nhân, giảm lo âu và trầm cảm, giảm 50% triệu chứng tâm thần nói chung. Người hành thiền trên 5 năm có tuổi trẻ hơn 12 năm so với người cùng tuổi. Học sinh cấp 2 có thực hành thiền trên 2 tháng có kết quả học tập tốt hơn, có khả năng tập trung, thói quen làm việc, cải thiện hành vi, bớt hung hăng và tự tin, có khả năng họp tác tốt hơn so với người khác. Nhưng để tiến trình điều trị bằng thiền được tốt đẹp và thành công, thì yếu tố cần và không thể thiếu là người hành Thiền phải định được Tâm. Nếu tâm không định thì không có kết quả.

Để bắt đầu thiền trước tiên ta chỉ cần nhắm mắt lại, chừng mười lăm phút hay nửa giờ, tạm thời không quan tâm đến những gì đang xảy ra xung quanh. Làm như vậy không chỉ giúp đôi mắt và toàn thân ta được thư giãn, năng lượng hồi phục, mà khi mở mắt ra bạn sẽ thấy mọi thứ và mọi vấn đề rất khác. Nào, hãy làm ngay bây giờ đi. Khép mắt lại. Thả lỏng toàn thân và cảm nhận nó. Chỉ có nó thôi, đừng nghĩ thêm điều gì cả.

Theo các chuyên gia về thiền, bất cứ ai muốn tập thiền đều được, không có chuyện hợp hay không, nhưng cần chọn thầy giỏi, tâm sáng, đôn hậu để chỉ giúp và kiểm tra kết quả. Khi tập thiền, nên hướng về kiến thức chuyển hóa tâm tính, nhờ đó mà đả thông kinh mạch, minh mẫn khỏe mạnh, yêu thương. Ngược lại tránh đặt ra các ham muốn trong thiền để giỏi hơn, giầu hơn, có quyền năng mà gây ra sự rối loạn khí lực, làm các kênh năng lượng bị đảo cực, gây hoa mắt, bức bối trong cơ thể và các dạng tâm thần.  Trong khi thực tế, khi thân tĩnh thì tâm càng động. Ngồi một chỗ, đầu óc người ta càng có xu hướng nghĩ đến nhiều thứ, lan man, bất tận. Nếu không có một điểm nào đó để hướng suy nghĩ đến, không có người dẫn dắt, người ta càng nghĩ lung tung, tưởng đang tĩnh lại hóa động, tâm trí loạn xạ, và nếu cứ tập kéo dài sẽ dẫn đến nhức đầu, căng thẳng. Ngồi thiền khi chưa biết điều tiết hơi thở càng nguy hiểm. Nếu tiếp tục tự tập, tập lâu còn mang bệnh.

Thiền thực chất là hình thức kết nối giữa ý thức và vô thức. Nó giống như tự thôi miên chính mình. Lúc đó ý thức tự thả lỏng để phần vô thức hiện rõ lên. Nghệ thuật của thiền là giữ cho ý thức tồn tại ở mức tối thiểu cần thiết. Vì nếu ý thức quá mạnh thì vô thức không được khơi gợi và không thể kết nối, nếu ý thức quá yếu thì sẽ không thể kết nối, làm chủ được vô thức dẫn đến những hậu quả khó lường. Thiền là cách con người tự khám phá cơ thể mình qua sự tăng tương tác giữa vô thức và ý thức, không hề có vấn đề tâm linh gì ở đây nên không cần thiết phải đến chùa để tập thiền.

Thiền là một phương pháp luyện tập làm an lạc thân tâm. Tuy nhiên, nếu lạm dụng và không hiểu biết thì rất nguy hiểm. Nhẹ thì rối loạn tiền đình, nặng thì tai biến (tẩu hỏa nhập ma). Cho nên khi ta có tuổi mới bắt đầu tập phải hết sức lưu ý.

1. Do tim mạch người lớn tuổi không còn mạnh mẻ, mà thiền là ngồi bất động nên tim đập nhẹ hơn máu không lên đầu được, thiếu máu có thể dẫn đến rối loạn tiền đình hoặc nhủn não.

2. Nếu kết hợp thở và dùng ý chí dẫn khí thì phải có người hướng dẫn. Dẫn đi không đúng luồng thì làm đảo lộn kinh mạch hoặc đang dẫn chưa đến mà vì lý do nào đó ngưng ngang thì làm tắc kinh mạch, nhẹ thì gây đau đớn, nặng có thể dẫn đến tật bệnh.  Liều lượng tập cũng hết sức quan trọng, cố sức trong khi cơ thể và hệ thần kinh chưa quen ( chưa tương thích) cơ thể sẽ chịu không nổi với sự vận hành của nguồn năng lượng thu được cũng dẫn đến nhẹ thì mệt mỏi, nặng thì gây bệnh (năng lượng rất nóng người chưa quen chịu không nổi, sẻ gây đau đầu, chóng mặt, ghẻ lở, gây viêm một số bộ phận trong cơ thể). Chung lại, nếu bạn ngồi mà nghe có tiếng như côn trùng kêu trong đầu thì nên ngưng ngay, đi đo huyết áp, vì máu không lên não, tất không tốt và tốt nhất là có người hiểu biết hướng dẫn, đặc biệt là dẫn khí.

3. Thiền có thể làm não bộ tốt hơn – Tác giả một bài báo về Mindful Meditation & Brain mà tôi đọc trên tuantinmontreal.com  cho biết khi thiền thì những con đường tiếp nối các giây thần kinh bị mất (we are actually loosening the connections of particular neural pathway). Nghe có vẻ tai hại nhưng không. Vì giữa phía trước võ não là vùng chuyển tải “me center”, các thông tin liên hệ và những kinh nghiệm của chúng ta. Thông thường những con đường chuyển giây thần kinh từ sự nhạy bén của cơ thể và những trung tâm sợ hải của não bộ đến vùng “me center” rất mạnh. Lúc ấy biến cố như sợ hải hoặc giận hờn thì vùng này kích hoạt mạnh làm cho chúng ta sở hải và cảm thấy đang bị tấn công. Lúc ngồi thiền được 20 phút thì sự giao tiếp của giây thần kinh bị yếu. Có nghĩa là chúng ta không phản ứng mạnh đối với các cảm xúc trong vùng “me center”.

Nằm trong khuôn khổ của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF – World Economic Forum) tại Davos (Thụy Sĩ) vào tháng 1 năm 2014 vừa qua, chương trình trò chuyện với các nhân vật nổi tiếng không hoạt động trong lĩnh vực tài chính có quan điểm về một cuộc sống hạnh phúc mà không phụ thuộc quá nhiều vào tiền bạc và quyền lực cũng đã diễn ra. Trong số các nhân vật được mời chia sẻ trong chương trình này năm nay có thầy tu Matthieu Ricard - được biết đến như “người hạnh phúc nhất”, Tiến sĩ Tâm lý và tâm thần học Richard Davidson, nữ diễn viên từng đoạt giải Oscar Goldie Hawn. Ba diễn giả này đều nhấn mạnh vào tầm quan trọng của sức khỏe con người, cả về thể chất lẫn tinh thần, thái độ sống “chia sẻ và cho đi”, đồng thời đi tìm đáp án cho câu hỏi thế nào là một sống tốt đẹp và hạnh phúc.

Trong buổi nói chuyện, thầy Matthieu chia sẻ chánh niệm và thiền tập sẽ giúp mang lại hạnh phúc và sự an lạc cho tâm hồn. Thầy cũng có lời khuyên rằng: “Không nên để công việc lấy đi sự an lạc của tâm hồn. Cuộc sống cũng sẽ trở nên vô nghĩa nếu chúng ta không tìm thấy được chất lượng và ý nghĩa của những phút giây trong hiện tại". Thầy cũng có những hoạt động thiền tập dành cho các đại biểu tham gia diễn đàn này.

Tiến sĩ Tâm lý và tâm thần học Richard Davidson đến từ miền Bắc Hoa Kỳ, đã thực hiện một nghiên cứu mang tính tiên phong khi khám phá ra hiệu quả của thiền tập, thực tập chánh niệm và tác động của công nghệ đối với não người. Ông cũng từng làm việc với ngài Dalai Lama về nghiên cứu này. Ông khẳng định, sống hạnh phúc là một kỹ năng cần được rèn luyện và kỹ năng này có được từ thiền định và sự phản ứng tích cực của mỗi cá nhân trong công việc, cuộc sống. Việc hành thiền chắc chắn sẽ mang lại kết quả và thay đổi đáng kể cho người tập.

Theo nữ diễn viên Goldie Hawn, người từng đoạt giải thưởng Oscar đã sáng lập Quỹ Hawn với mục đích mang thiền đến với các trường học. Bà cũng nhấn mạnh rằng chánh niệm góp phần làm cho thế giới được phát triển ổn định. “Chúng ta cần tạo ra cho mình sự trầm tĩnh, thảnh thơi và lắng nghe nhau nhiều hơn, cần quan tâm đến cộng đồng nhiều hơn để tạo ra một môi trường sống ý nghĩa cho bản thân và mọi người”.

Khi Tổng thống Nelson Mandela đến thăm nước Pháp lần đầu sau thời gian bị giam cầm, một nhà báo đã hỏi: “Ngài mong muốn điều gì nhất?” Thủ tướng Nelson Mandela trả lời: “Được ngồi yên và không phải làm gì cả. Từ khi ra khỏi tù, tôi không có được cái may mắn đó. Tôi quá bận, cho nên điều mà tôi mong muốn nhất là ngồi yên và không làm gì cả.” Có cơ hội được ngồi yên và thưởng thức hơi thở vào ra là điều rất tuyệt vời. Thở vào, thở ra không có gì khó khăn. Mời bạn ngồi cho Nelson Mandela, ngồi cho tất cả những ai đang rong ruổi, cho tất cả những ai không có thì giờ trở về với chính mình để thực sự sống. Trong thời đại này, được ngồi yên là một xa xỉ mà cũng là điều hết sức cần thiết cho việc chữa trị và nuôi dưỡng thân tâm. Giữa bao phiền toái của cuộc đời, để đủ khả năng đối diện chúng, ta cần trở về với chính mình và hơi thở khỏe mạnh giúp ta làm việc đó. Ở đâu, trong tư thế nào, đi, đứng, nằm, ngồi, ta cũng tập thở được. Dù sao, tư thế ngồi vẫn là tư thế vững chải nhất.

Thiền không phải ai cũng làm được. Rất nên thử bởi chắc chắn sẽ có nhiều tác dụng tốt với sức khỏe.


Nguyễn Hồng Phúc – sưu tầm & nghiên cứu

 
ĐỒNG HƯƠNG © 2012 - Xây dựng bởi Blog Thiết Kế – Hỗ trợ bởi Người Áo Lam - Giao diện Rumah Dijual