TÊN CÚNG CƠM

  
          Ngày xửa ngày xưa, thuở thời tạo thiên lập địa, cây cỏ đều có tên, riêng một cây không biết mình tên gì, bèn lên tấu trình Ngọc Hoàng xin danh tánh.
 Quì gối trước Thiên Nhan định trần tình, Ngọc Hoàng phán hỏi:" Ngươi tên chi?". Ấp úng thưa: "Muôn tâu, thì là..".Chưa dứt lời, Trời bảo:" Thì Là, hãy bình thân." . Thế là cây Thì Là từ đấy chính thức có tên trong ‘Sổ Bộ Đời’ loài thảo mộc. Riêng con người, tạo vật tinh vi siêu đẳng nhất, từ lúc còn là bào thai, cha mẹ đã hăm hở bắt đầu tìm đặt tên con theo qui lệ nước mình.

       Dân ta có khuynh hướng cho rằng tên ảnh hưởng đến vận mệnh cả đời nên rất cẩn trọng trong việc đặt tên con. Thêm vào đấy, do ảnh hưởng chính trị, tôn giáo, địa thế, Việt Nam trở thành nơi gặp gỡ, hoán chuyển trào lưu tư tưởng, văn hóa..., quốc tế. Vì thế tên cũng theo đà tiến bộ văn minh trở nên dồi dào, tự do.

      Tiếng Việt đơn âm có dấu, hầu hết các từ đều có nghĩa lại thêm Nho học bàng bạc thẩm thấu trong văn chương, bao nguyên nhân đó cũng đủ làm trở ngại hay phong phú hóa việc đóng dấu ấn con người.

Khi khai sinh, xin cẩn thận kiểm lại tên con trẻ , nếu không, có khi các ngài Chánh lục bộ vì vô tình thói quen quên bẳng hay đổi ngay dấu nét, tên cả đời rõ thắm thía đắng cay!  Như chữ
 "R" (rờ) thành "D"(dê), ‘dâu’  thành ‘ râu ‘
 Y dài thay I  ngắn, ‘thúy’ thành ‘thúi’,
chữ "giai" mà thêm chơi dấu sắc, giai thành (giái)
‘CH’(chờ) đọc ‘TR’(trờ) "châu" hành "trâu" quả thật là … hết ý!

       Chẳng những thế, theo cổ tục còn cử tên kỵ húy, tên không được trùng với danh tánh ông bà và ngay cả hàng xóm vì "bà con xa không bằng láng giềng gần".

      Tên cúng cơm thường chỉ được sử dụng trên giấy tờ, luật pháp, nhất là ở miền Nam, nên chỉ gọi nhau bằng thứ mà thôi. Cả xóm làng toàn là chị hai, cô ba, bác tư, chú tám.. Và có lẽ đễ phân biệt dễ dàng âm thầm "rờ mọt" vào thứ tạo tên riêng hay hổn danh theo tướng, tật, thói quen, âm vận, nghề nghiệp... Người Pháp có Louis Le Grand ta chẳng kém nào Hai Hòn, Ba Xạo, Tư Xệ, Năm Lùn, Sáu Lé, Bảy Cao, Chín Niểng, Mười Ù,..

Tên Việt ta thường gồm ba chữ: họ, chữ lót, tên. Quan niệm cổ truyền, "nam nữ thụ thụ bất thân" như Lục Vân Tiên nói với Kiều Nguyệt Nga :
’Khoan khoan ngồi đó chớ ra,  
              Đó là phận gái đây là phận trai.’’            
cũng có ảnh hưởng đến việc đặt tên con, Nam Văn, Nữ Thị  chữ lót hầu phân biệt gái trai.

Rồi dần dần để theo kịp trào lưu tiến hóa, tên cũng biết hòa đồng bình đẳng. Tên loài hoa như Hồng, Lan... không còn ưu tiên độc quyền cho giới quần thoa như Phương Trang Nhất Anh Ba Bé không đặc biệt dành riêng cho nữ hay nam. Tên cũng "unisex" không phân biệt gái trai như quần "Jean", giày "Nai kì"(Nike) thể tháo...

Mỗi thứ tiếng đều chuyển mình dũa mài biến đổi, tên cũng theo thời trau chuốt đẹp sang hơn. Bay bướm hơn, phóng khoáng hơn, cách đặt tên không còn gò bó nữa, không màng "văn thị". Căn bản ba chữ được du di dài ngắn, ảnh hưởng ngoại quốc nên hai họ cha mẹ được ghép liền vào trước tên con.

       Phải theo thời mới "síc" không quê, báo hại lắm lúc đầu trên xóm dưới trẻ con trùng tên chỉ khác nhau chữ lót. Tinh thần đoàn kết quả được nâng cao trong gia đình, mạng lưới tên được giăng ra làm sờn lòng bao kẻ địch. Đừng cắt cớ lượn qua nhà người đẹp gọi tên em, chẳng những khó thấy em mà toàn thấy anh mới sợ !

 Ngày xưa, có thể vì mê tín dị đoan, sợ "ông bà quở", nên đặt tên xấu háy hoặc tên khác kêu riêng như Tửng, Cu Tèo, Thị Mẹt,..Ngày nay, để gọi tưng "cục cưng" con, cha mẹ thường dùng danh từ hoa mỹ dễ thưong hơn như Tú ti, Cà Na, Thiện, Mạnh.. hoặc "trí thức" hơn vay mượn nước ngoài "Rĩ" (Marie ), "Răng" (Henri ), "Rắc" (Jacques )...ngộ nghĩnh vui tay ghê!

Rắc rối và buồn cười nhất là việc cử tên, chẳng những không được đặt trùng mà còn đọc trại. Ví dụ tên ‘Đồ’ đọc ra là ‘Đà’, đồ đạc thành đà đạc, đồng hồ ra đồng giờ. Thời quân chủ chuyên chế, trong thi cử cấm phạm húy, viết trúng tên hoàng tộc chẳng những bị đánh rớt mà có khi bị tru di . Dần dần những từ biến dạng ấy trở thành thổ ngữ địa phương.

         Ngoài ra, tên đẹp hay chưa đủ còn tùy thuộc cách phát âm của miền, vùng, địa phương. Như thế là có khi nghĩ đúng, làm đúng, vẫn sai. Ý đẹp, viết đúng, đọc sai, tai hại! Một ví dụ tên Long Các đẹp thế, mà gặp phải người miền Trung xướng lên thì lắm lúc cũng cười ra nước mắt!
Tiếng Việt ta thâm thúy thật, vậy mà đôi khi nghe ra cũng "ngậm đắng nuốt cay thế nào"!

        Do đó, các dấu tượng trưng cho nốt nhạc âm hưởng cũng chiếm phần quan trọng trong việc tạo sắc thái, tính truyền cảm đặc biệt. Vậy viết đọc phải rõ ràng, nếu không, nhầm lẫn, hiểu sai, như  
                                           "Chữ tài liền với chữ tai một vần".
        Chẳng hạn khi nghe câu : con cop cham cham xuong hang, có thể nghĩ ra hai cách: con cọp ...(chấm chấm xuống hàng), hoặc con cọp chầm chậm xuống hang.

        Ngày nay, để hội nhập với đời sống nước ngoài, tên Việt thường được viết không dấu. Nếu không biết trước thật khó lòng mà đọc đúng, và bao hiểu lầm thắc mắc trật đường rầy xảy ra như "Cụ" trơn tru thành "Cu", "Ngũ" quên ngã ra "Ngu"...lỡ khóc lỡ cười !

         Nhớ chuyện tiếu lâm mà có thật : Một du khách Mỹ thấy bảng CAM DAI BAY được treo ở nhiều nơi trong thành phố lớn, vị khách tò mò nầy mới hỏi hảng du lịch: “Ở Việt nam tôi đã thăm Nha Trang Bay, Ha Long Bay, còn Cam Dai Bay nầy ở đâu mà tôi thấy quảng cáo nhiều thế?” . Ngẩn ngơ!

        Ngoài ra xin nên hạn chế viết tắt tên, như người gởI, nguờI nhận trên bao thư chẳng hạn vì phần lớn mẫu tự ta thường đuợc phiên âm hai cách, như chữ T đọc là tê, tờ, nếu không người xướng lên có cơ … á khẩu, người nghe lắm lúc nghẹt thở thộn người:
                                    NgườI gởI : NBM (Anh Bê Em)
                                    NgườI nhận: TQN (Tê Cu Anh)

         Hơn thế nữa, dân ta vốn thích khôi hài thường hay nói lái, lối đá giò lái "tuyệt cú mèo", chưởng phong khó đở, chất xúc tác biến mặt đổi màu nhanh chóng, trắng thành xanh đỏ, đen ra trắng bệch xám ngắt như tờ. Tên đầy nghĩa như ‘’Công’’,"Đức","Nhứt", "Thái", « Đạo », .. chỉ cần thêm chữ đúng vận "hạp nhãn" đứng kề  -  ‘’công ngủ’’, đệ "nhứt cấp", trà "Thái đức", « Đạo cụ »,  là phản ứng xảy ra ngay!
        Vả lại lối nói lái còn có thể áp dụng cho trên hai từ, trường hợp ba từ như Nguyễn Y Vân thành Vẫn như Nguyên hay Vũ Như Cẫn ra Vẫn như Cũ.

        Vì thế chẳng những chỉ phải lưu ý đến tên đặt ra mà thôi mà cần nghĩ đến sự hòa hợp với ngay cả chữ lót và họ nữa. Tên Nghi mà có chữ lót là Đông thành Đông Nghi, nói lái ra thành Đi ngông. Tên Từ không được đi với họ Trần thành từ trần. Thật hi hữu khi đọc trên thiệp mời đám cưới « Hai họ Từ Trần xin làm lễ thành hôn cho hai con Nghĩa Trang… »

         Bạn có thấy tiếng mình sao mà tinh tế lạ, tổ tiên ta thông minh tiến bộ biết dường nào! Bao nhiêu lần bị xâm lăng lệ thuộc, tiếng vẫn còn trau chuốt đẹp hay hơn. Tên ngày cũ « An nam » lưu niệm, "Việt Nam" nay bốn biển biết uy danh ! Vốn đã trót sinh trên trần thế, xin giữ tròn tên tuổi với quê hương. Gắng tiếp nối giống dòng Hồng Lạc, tên ta còn nước ắt mãi tồn vinh.


                                                                                Cô Trần Thành Mỹ

 
ĐỒNG HƯƠNG © 2012 - Xây dựng bởi Blog Thiết Kế – Hỗ trợ bởi Người Áo Lam - Giao diện Rumah Dijual