Sinh ra trong một gia đình nhỏ ở đồng bằng Nam bộ, nơi
chôn nhao cắt rốn của tôi có lẽ trước kia được đàn chim công quí hiếm đến sống
trên vùng đất cao bao bọc bởi biển cả sông ngòi, nên có tên là Gò Công.
Chim công
Qua quá trình lịch sử, đây còn là một quê hương bên ngoại của vương triều
Nguyễn, thêm có đến hai hoàng hậu đức độ khiêm cung Từ Dũ Nam Phương. Cũng đạt
đươc danh thơm « địa linh nhân kiệt » như bao nhiêu vùng lịch sử nổi
danh khác nhưng vì không bề thế chỉ to như một hòn đảo nhỏ nên khi thì mang
danh hiệu tỉnh khi thì bị xáp nhập giáng cấp xuống thành quận, thị xã, một
« tiểu bang » của Mỹ…tho xưa, nay là Tiền giang.
Không biết tổ tiên tôi
từ đâu đến, chắc chắn là không phải theo bước chân chúa Nguyễn Hoàng nghe lời khuyên của ông Trạng Trình« Hoành sơn nhất
đái vạn đại dung thân » xuôi về Đàng Trong miền Nam khai khẩn đất mới, lại
còn xin khẳng định không thể xuất xứ từ những ngưởi Tàu ‘tị nạn’ chống triều
đình Mãn Thanh hay nghèo nàn tha phương cầu thực đến định cư đồng hóa ở đây.
Theo gia phả truyền miệng tôi được biết, lai lịch chúng tôi chỉ có trên dưới 80
năm trở lại đây (năm 2000), thuộc họ hàng vòng vòng đâu bên trời Âu bên
kia bờ Đại Tây Dương.
Lạ thật, chúng tôi gốc gác xứ Gò nước mẵn đồng trơ nầy
thế mà tên họ cúng cơm vẫn trăm phần trăm Phú lang sa « Cerise ». Người
Việt ta cũng có người thích đặt tên Pháp cho con như Rĩ (Marie), Răng (Jean), Rết
(Henriette) nhưng họ vẫn là Trần, Nguyễn, Lê… như Trần văn Răng, Lê thị Rỉ… còn
tên tộc tôi quả thật là tên Tây chính cống được phiên âm Việt là Sơ Ri hay Xơ
Ri.
Điều lạ hơn nữa là từ khi quốc gia đã thoát khỏi cơn
« đập lột » của ngoại xâm giành quyền độc lập tự do rồi, có thời kỳ
ngay cả người Tàu muốn ở lại đây hành nghề sinh sống cũng phải nhập quốc tịch
Việt nữa là. Bạn bè tôi chẳng hạn như bà Pomme, dì Tomate, chú Carotte… cũng đã đổi tên thành Táo ( Bôm), Cà chua, Cà
Tây, Củ cải đỏ… trên giấy tờ lý lịch, trong văn chương. Thế còn tôi, không có họ
Nguyễn, tên cũng không phải là Y Vân mà
vẫn y nguyên.
Vậy cội nguồn xuất xứ của tôi thật sự từ đâu, người
dân Gò không mấy ai để ý đến. Họ chấp nhận sự di tản, tị nạn, trôi giạt của tôi
như một đứa con thất lạc, bị bắt cóc, gặp nạn hoặc gì gì khác không màng biết,
cần đuợc cứu vớt đùm bọc nuôi dưỡng chăm bón phát huy hết lòng.
Người Gò công
thường là như thế đấy, mà thật sự các bạn biết không, tôi không dễ nuôi đâu.
Không trồng bằng trái hoặc hột được, tôi chỉ sống bằng sữa mẹ qua cách ghép,
tháp cành cho đến khi nào « đủ lông đủ cánh » có rễ cái rễ con tự lập
rồi thì mới được « hạ thổ » tách rời thân cây mẹ. Thế là tôi được cha
mẹ nuôi của tôi ngày ngày năm nầy tháng nọ chăm chút chăm lo gầy dựng truyền giống
làm cho chúng tôi tồn tại, nở mặt nở mày cho đến ngày nay.
Như tôi đã trình bày, lúc đầu chúng tôi thật èo uột,
vô tích sự, nhà nào không khá giả là chê ngay vì nuôi tôi tốn công sức hơn trồng
cây Táo ta, Chùm ruột, những anh chị nầy ít đòi hỏi nhu cầu như vô phân tưới nước
thường xuyên, năng suất lại khá cao, sử dụng được vào nhiều việc. Rắc rối hơn nữa
là tôi bị « allergie » dị ứng, nhạy cảm, không phải chỗ nào cũng
thích hợp mà chỉ sống mạnh nơi nào thích nghi với cơ thể mình tức là rất kén đất
trồng.
Gò công lại là vùng nước lợ sáu tháng hằng năm, trong
mùa nắng ráo việc trồng trọt bị hạn chế rất nhiều vì thiếu nước ngọt cần thiết.
Mảnh đất lành mở vòng tay tiếp đón tôi trước kia không phải là vùng phì nhiêu,
canh tác chỉ xảy ra trong mùa mưa.
Do ảnh hưởng pha trộn bởi hai nguồn nước mặn ngọt của
biển cả sông ngòi nên chất lượng có vị ngọt điểm đệm thêm vị mặn đậm đà
« có hậu » thẩm thấu trong cấu trúc cơ thể, cây trái quê tôi tuy
không thật sai quả nhưng hương vị đặc biệt khó nhầm lẫn với một ai như anh chị
Mãng cầu (na), Nhãn, Mía…và sau nầy ngay cả thằng con nuôi sanh sau đẻ muộn
là tôi cũng được thừa hưởng phần gia tài trời cho ấy.
Điều làm tôi thường thắc mắc là không hiểu ai đặt ra
tên tôi như thế ? Nhìn hình dáng bề ngoài, tôi chẳng giống gì cây Sơ ri
chính gốc. Họ hàng Cerise mà người ta gán ghép cho tôi có thân nhánh cành to
cao hùng mạnh chứ không khẳng khiu mảnh giẻ như tôi, lá to dài đứng xa nhìn mường
tượng như cây ngọc lan phong lưu quí hiếm khác hẳn với tôi sum suê tựa như khóm
hoa lài, cụm nguyệt quí. Lá Sơ ri tôi tròn tròn duyên dáng như đồng tiền lúm
sâu trên gò má của ai kia.
Người ta bảo chẳng
hạn cây quít xứ nầy đem trồng xứ khác không còn giữ vẹn nguyên xi từ ngoại hình
đến bên trong, do ảnh hưởng căn bản của khí hậu phong thổ, có thể vì vậy mà tôi
thay đổi dạng chăng, nguyên nhân nầy trong trường hợp tôi xem ra không vững lắm.
Nhớ đến bài hát « Les Cerisiers Roses et
Pommiers blancs»(Những cây sơ ri hồng và cây táo trắng) lời của Jacques Larue,
nhạc của Louiguy 1950, với hoa sơ ri to to xòe cánh trắng hồng nhạt phủ đầy
tàng lá thật thơ mộng quyến rũ, đặc điểm nầy tôi cũng thụ hưởng được một phần
cái « gên » hồng nhan ấy nhưng so với anh chị bên trời Âu mỹ miều khoe dáng ngọc, hoa Sơ ri tôi đúng là hiện
thân của Á Đông nhỏ nhoi khép nép kín đáo, hoa mini, bonsai thật dễ thương. Nếu
có dịp thi tuyển Hoa hậu tất các giám khảo cũng phải phân vân lựa chọn cho điểm
vì « Mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười ».
Còn con cái của chúng tôi thì hoàn toàn khác hẳn. Trái
Cerise Âu tròn, chín mộng có loại màu cam đỏ, loại nâu sẫm với hột tròn cứng
còn đàn con chúng tôi thì lại có hình thù quả cà chua nho nhỏ chia làm ba múi
rõ rệt trong có ba hột xơ xơ nếu có lỡ nuốt cũng không sao.
Chỉ có lớp da, thịt thì cấu trúc gần giống nhau, làn
da mịn màng bóng loáng mộng nước bao bọc lớp thịt dòn dòn chua ít ngọt nhiều, cắn
vào nghe tiếng « phụp », nhai nghe dòn tan, ai đã thử qua một lần thường
ít quên vị hòa hợp đặc biệt chua chua ngòn ngọt mằn mặn của một loại trái cây
lãng tử, di cư bất hợp pháp, vô lý lịch, không biết xuất xứ từ đâu, nhập cảng bằng
đường bộ, thủy hay bay nầy.
Có dịp viếng Gòcông, xin bạn ghé thăm một vườn xơ ri
nào trên đường đi của bạn vào mùa trái cây nở rộ. Xinh xinh thay những chùm
trái cuống dài chụm nhau trên ngách lá cành, tùy tuổi đời đổi màu từ xanh vàng
đến cam rồi đỏ sẫm bao phủ bởi những nét chấm phá hồng hồng phơn phớt tím của
những cụm hoa li ti như đôi môi trái tim cùa các thiếu nữ « mười bảy bẻ gảy
sừng trâu ».
Nhánh cành dẻo dai yểu điệu tua tủa lá tròn xanh như một
bức rèm thêu loáng thoáng hình ảnh của bao thiếu nữ má hồng đến tuổi dậy thì cập
kê e thẹn hé nhìn. Các em gái nhỏ có thể vui đùa làm dáng bằng bông trái sơ ri
thay hoa tai ngắn hay dài đong đưa tùy theo mốt thời trang bấy giờ.
Chắc các bạn cũng biết rõ là cái gì lạ hiếm thường được
trân trọng nâng niu. Tâm lý con người mà, ai mà biết hay khám phá điều gì trước
hơn người khác, dù là chuyện cỏn con không vĩ đại cũng thỏa mản được tính hiếu
kỳ, độc tôn của con người, sáng kiến nào cũng cần được khích lệ phát huy. Do đó
càng ngày tôi được nhiều người ưa chuộng, trở thành sáng giá, đắt hàng hơn.
Người ta lại bảo « cưng như cưng trứng, hứng như
hứng hoa», tôi không được nuông chìu đến thế nhưng trái của tôi dễ dập thối
nhanh. Vì vậy những trái chín đầu mùa hay những « trái chiến » tươi mộng
đỏ thường được nâng niu hái bằng tay, từng chùm hay trái một. Rồi khi đến mùa
chín rộ, tùy vườn cây to nhỏ, người ta hứng lấy tôi bằng cách trải tấm nhựa ni
lông, vải bố dưới đất rộng quanh gốc tàng lá cây xơ ri, dùng tay hái hay cần
móc lay nhẹ cuống cành cho trái rụng. Trái được nhặt cẩn thận xếp vào thúng để
bán lẻ hoặc trong những cần xế to dành cho những bạn hàng buôn sỉ.
Trước kia chúng tôi cũng được theo người dân Gò đi làm
ăn xa, lập gia đình đây đó hoặc những ai có lần đến cư ngụ một thời gian ở đây
mang đi, bao năm qua vẫn chưa có nơi nào thích hợp với nếp sống của tôi. Có nhiều
tỉnh như Vũng tàu, Bà rịa, miền Đông…cũng thử trồng nhưng chất lượng đổi khác
rõ rệt . Cây phát triển nhanh tươi tốt nhưng ở nơi nầy trái lại lạt phèo mất chất
chua hay ngọt, nơi khác thì lại có mùi hăng hắc khó ăn. Thế là ý định cho tôi
đi « lao động » ở vùng đất mới khác bất thành, và có lẽ đó cũng là dịp may cho tôi, tôi trở thành quí
hiếm, đặc sản Gò công.
Rồi từ thập niên 50 trở đi, tôi trở thành món quà biếu
xinh xinh lạ ngon cho bạn bè thân nhân gần xa. Các cậu cô trẻ còn đùa nhau nhại
gọi tên tôi là « Chéri » và thường vui vẻ hát khi thì « Cerise
je t’aime, cerise je t’adore » lúc lại nhẹ cong lưỡi lên du dương
« Chéri, je t’aime… » để diễn tả ý tình mình.
Riêng chúng tôi càng
ngày càng thích hợp với phong thổ vùng nước mặn đồng khô nầy hơn nhiều anh chị
khác chỉ ra trái vào mùa mưa.Tôi không kén ăn khó uống cũng không đòi hỏi cao
lương mỹ vị để chóng lớn. Phân bón không cần thiết hằng năm, chỉ cần tưới nước
đều đặn trong mùa nắng ráo là trái có quanh năm, năng suất cao lên, lợi tức thu
hoạch tăng thêm.
Hơn thế nữa vì quê tôi
chỉ cách Saigon trên dưới 58km, nên mùa nào cũng có mặt, sự đóng góp tích cực của
tôi dần dần được để ý rồi yêu chuộng hơn. Vườn sơ ri tăng lên gấp bội. Người ta
tháp cành ghép nhánh ươm cây phổ biến rầm rộ rộng rãi. Kỷ thuật canh tác chăm
bón cũng được nghiên cứu sâu rộng tăng cường. Việc phân phối thu mua buôn bán
được quy hoạch lại dễ dàng hơn trước.
Hằng ngày, ngoài việc
bán lẻ ra, tôi còn được bạn hàng mối lái đến đặt hàng, trả giá cò cưa tùy theo
thị trường. Khác hẳn với anh chị Mãng cầu, Chuối,…có thể « mua mão »
tức là mua trước cả vườn, cả cây to, Xơ ri tôi thật khó định giá trước vì chỉ cần
một cơn mưa to, bảo tố là có thể thất thu ngay.
Trái cũng thế, vừa chín
tới thì thật dòn ngon nhiều nước nhưng chín rục lại dễ dập đổi vị ngay. Do đó vệc
bảo quản cũng thật công phu. Chủ vườn thường bắt đầu hái trái hườm hườm chín từ
sáng sớm, đến chiều thì bạn hàng đến thu mua đem về vựa. Ở đây lại phân loại lớn
nhỏ dở ngon rồi xe chở hàng lên đường ngay trực chỉ điểm hẹn như Saigon hoa lệ
phục vụ người có tiền thích của lạ.
Dần dần cha mẹ nuôi tôi
còn khám phá thêm ưu điểm khác, ngoài vị ngọt thơm, màu hồng đỏ của chất nước cốt
xem thật mát mắt đáng đồng tiền. Lúc đầu chỉ dùng hạn hẹp làm mứt, nấu rượu phổ
biến trong phạm vi gia đình, trong tỉnh theo cách tiểu công nghệ rồi dần dần được
kỷ nghệ hóa tương đối đại trà hơn dưới dạng nước ngọt xi rô, cao điểm nhất là
Rượu Sơri sản xuất tại hảng Rượu Bình Tây Saigon.
Viếng Gò công một lần
đi bạn, ở đây có câu « Rượu Gò công ai đong nấy uống » các ông có thể
nhấp nháp rượu đế cất nấu tại nhà bằng gạo nếp, nếp than, nhum và nhất là rượu
sơ ri đặc biệt nầy. Các cô sẽ thích thú hái những trái sơ ri mộng đỏ, cắn vào
làm đôi môi rung động má thêm hồng. Chưa hết đâu, trái xơ ri còn xanh có thể
dùng như « mồi » thay ổi, bần, me, kiệu chua…cho các ông nhấm rượu, bạn
gái trẻ thì quây quần bên nhau nhai rôm rốp trái xơ ri xanh dòn, chấm muối ớt đỏ
gay hay quẹt một tí mắm tôm chà, các vị ngọt mặn chua cay hòa lẫn kích thích
giác quan mở rộng tầm nhìn và lòng người hòa đồng bình đẳng.
Qua bao nhiêu thăng trầm
biến đổi, dù chưa được mọi người biết đến, Sơ ri tôi luôn biết giữ phận mình nhỏ
nhoi nhưng luôn cố gắng siêng năng phục vụ bằng khả năng bẩm sinh sẵn có của
mình.
Ngày nay rất
vui mừng hãnh diện được có tên trên danh sách « Cây trái Việt nam »,
dù không có tài cao được trọng dụng như các anh Chuối, chú Cam, chị Quít, cậu
Thanh long chễm chệ trên đĩa quả tử sang trọng, được bao người trong và ngoài
nước trầm trồ yêu thích làm nở mặt nở mày cây trái nước nhà, Sơ ri tôi với khả
năng thường sức mọn không ngớt theo gương người trước, luôn cố « gồng
co », gò nắn mình hầu đóng góp phần nhỏ nào hữu dụng làm vinh dự cho mảnh
đất giàu nghĩa tình đã cưu mang tôi, Gò công.
Tuy nhiên, dù hiện nay
chúng tôi đã có thế đứng khiêm tốn trên mảnh đất tạm dung mà chúng tôi hằng xem
như quê cha đất tổ của mình, nhưng vốn « Cây có cội nước có nguồn »,
chúng tôi luôn mong tìm được gốc gác thật sự của dòng họ Sơ ri.
Nhất là trong dịp Xuân
về Tết đến, nhìn cảnh mọi gia đình rộn rịp tề tựu bên bàn thờ tổ tiên tưởng nhớ
công ơn sinh thành gầy dựng, chúng tôi càng chạnh nghĩ đến thân phận mình hy vọng
có ngày tìm thấy tông tích cội nguồn.
Vì vậy, xin kính nhờ Quý Báo trời, Báo đất vui lòng
cho đăng trên « Mục nhắn tin » giúp chúng tôi
« Tìm gia
phả Sơ ri »
Và cũng kính xin Quý vị trưởng thượng nào có biết về
nguồn gốc Sơ ri chúng tôi, chỉ giáo cho.
Thành thật tri
ân.
Cô Trần
Thành Mỹ