KHÔNG CÓ TÔI


                                                          



Lá vàng còn đó mà lá xanh đã vươn lên nhanh rồi. Nhìn các con bây giờ bà mẹ nào lại chẳng nhớ ngày con mình còn bé bỏng thương làm sao má lúm đồng tiền, nụ cười hồn nhiên, miệng sún răng duyên dáng và ngay cả gương mặt bùng thụng bùng thịu lúc hờn dỗi, nhõng nhẽo, cứng đầu. Làm sao nhịn cười được khi con làm nũng, lắc đầu nguầy nguậy, chu miệng đòi mẹ bồng bố bế hay mè nheo vòi vĩnh nọ kia.
          Lớn lên dần, con lẩm đẩm đến trường, đó là bước đầu con tập tiếp xúc với bên ngoài, giao tiếp với bạn bè, thử xa dần với cha mẹ, tự lập khám phá tìm tòi học hỏi. Một thế giới mới lạ như đang chào đón mọi trẻ chập chững vào đời. Nhưng thật ra, từ trẻ cho đến già đầu râu tóc bạc, dù đầy kinh nghiệm đi chăng nữa, con người vẫn là đứa bé luôn bị cuốn hút, ngạc nhiên bởi kỳ diệu của Hóa công biến hóa bất tận khôn lường.
          Mẹ ợi ! Bây giờ con mới thấy thương mẹ vô cùng tiếng trong phone làm bà mẹ ngạc nhiên. Lạ thật, thường ngày con gái mình cũng hay nũng nịu nói thế nhưng hôm nay giọng nói như khác lạ và còn kéo dài thêm chữ ‘vô cùng’. Con bé thường ngày ngoan hiền, líu lo ít nói nhăng nói cuội đùa giỡn lấy lòng đâu. Bà mẹ nghĩ chắc có gì đang xảy ra đây.
          -Mẹ cũng thuơng con lắm, con biết mà. Có chuyện gì vậy con?
          -Lâu nay con cứ buồn ngủ hoài, sáng nào cũng khó chịu buồn nôn. Con ngỡ đau bao tử nên cứ uống thuốc luôn mà sao không thấy hết.
          -Chịu khó đi bác sĩ khám cho khỏi lo, chắc ăn hơn.
Về hưu lại gả con xa, nên việc thăm con thưa thớt dần. Khi cần mới gặp nhau, thường chỉ gọi qua điện thoại nghe tiếng nói hầu yên tấc dạ. Tương lai của cha mẹ nay thuộc về thế hệ con cháu, riêng thân mình cố gắng giữ hai chữ bình an.
Tuổi già ở các xứ văn minh tiến bộ nầy cũng khác nhất là cho những ai sang đây tuổi từ bốn năm mươi. Ai cũng tưởng nghỉ hưu là tự do hưởng cuộc đời còn lại cho thỏa thích. Đi du lịch, gặp bạn bè vui hưởng thú điền viên!
          Ở Việt nam ta với nếp sống đại gia đình, các ông bà nội ngoại con đàn cháu đống giàu sang thì hãnh diện hưởng lễ mừng thượng thọ. Các ông bà mặc áo đẹp, con cháu vây quanh tổ chức một ngày long trọng ‘’ sống’ hầu làm nở mặt nở mày dòng họ phát đạt hiển vinh, áo gấm về làng. Còn 364 ngày còn lại, dư âm tiếng tăm hạnh phúc làm truyền thống gia đình thêm sắc hương. Dù sao thường là giàu nghèo ông bà vẫn được ở gần con cháu, có phúc thì được con dâu rể thảo lo thương. Còn gia đình thiếu trước hụt sau, ông bà cũng đóng một vai trò cố vấn trưởng thượng.
          Còn ở các xứ tân tiến mà mỗi người độc tôn duy nhất nầy, 18 tuổi là đàn chim con bắt đầu rời tổ, sống riêng. Do đó cha mẹ về hưu, còn khoẻ mạnh sống tự túc chuẩn bị chờ ngày vào viện dưỡng lão. Thường tình là thế đấy.
          Liên hệ gia đình ngày nay khác hẳn với truyền thống quê mình. Ông bà già thường như trẻ lại vui sống lâu hơn với đàn cháu nhỏ. Giữ trẻ, ẵm bồng, đưa võng, đứng lên ngồi xuống chạy muốn hụt hơi theo, dỗ dành ru đưa, bao động tác đó còn hiệu lực gấp mấy lần luyện sức khoẻ cá nhân ở các club trung tâm luyện tập thể thao. Vậy phúc cho gia đình trẻ nào còn có nội ngoại mạnh khoẻ để có dịp nhờ vã lúc cần.
          Về hưu, phải có sức mới đi đó đi đây để hưởng thụ nếp văn minh của người đương thời. Du lịch để ‘limer la cervelle contre celle d’autrui’ Ronsard (mài giũa óc mình với óc người khác), mở rộng tầm nhìn thêm kiến thức chứ không phải chỉ đi cho biết đó biết đây mà thôi. Lập luận thông thường của các cụ là tận hưởng những ngày trời cho sống, để đến lúc mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo mà hết xí quách tiếc thay. Đây còn là một nét hội nhập vào xã hội thức thời ngày nay bình đẳng hóa giai cấp, đoàn kết hóa quốc tế.
          Nhưng rồi ngày tháng trôi qua như nước chảy đá mòn. Cái hăm hở lúc đầu cũng bị mai một  dần mất đi những khía cạnh bén nhọn. Vợ chồng già cũng chẳng còn gì thúc đẩy nhịp lòng hào hứng thêm lên. Bệnh tật len lỏi ngấm ngầm từ lâu lại lù lù xuất hiện, mắt bớt tinh anh đeo kính lão hai tròng dầy cộm, cử chỉ hành động chậm chạp nặng nề, răng xệu xạo chân đi chữ bát, nhìn vào gương tưởng chừng như ai khác lạ có vóc dáng quen quen.
          Bạn bè gặp nhau là mạnh ai thống kê tình hình huyết mạch thấp cao, mấy lần giải phẫu chỗ nầy nơi nọ, tổng kết bao thứ thuốc mỗi ngày, toàn là những kinh nghiệm mà con cháu nghe qua phát ớn chẳng buồn để ý, tránh nghĩ đến viễn ảnh tương lai hậu vận của đời người.
          Chỉ có chuyện vui ngày xưa còn làm cho mọi người trong nhà thích thú hưởng ứng lắng tai chăm chú, nhưng cứ được nghe kể đi kể lại như máy hát củ rè kim tà đầu, đến đám hậu sinh thuộc lòng từng tình tiết nhỏ nhoi thì còn hứng thú nào để thâu vô nổi nữa. Các cụ gần đất xa trời là thế đấy kể chuyện xưa bao nhiêu lần rồi mà cứ quên, con cháu có ngáp dài ngủ gật cũng khó mà tắt được đài phát thanh cổ đại hạnh phúc nầy.
          Sống thọ là tốt nhưng ngũ quan đâu vâng lời tuyệt đối lệnh của bộ óc đâu. Cặp kính lão vài năm cũng phải thay đi vì lên độ. Đêm đêm khó ngủ vì hậu quả của ru ma tít sùm( rhumatisme). Tóc có nhuộm nâu đen vẫn hoe hoe khô cứng. Thế mà không phải ai cũng có cơ may sửa sang sắc đẹp. Giải phẩu cũng thuộc giai cấp dư dả giàu sang, tư bản đỏ đen. Những ai già sống bằng tiền còm xã hội, xin chịu khó trầm trồ những người đẹp diễn hành trên báo chí truyền hình mộng mơ cho kiếp sau may ra thực hiện cho nở mặt nở mày hợp với khuynh hướng thời đại.
          Nhìn thấy hình xâm trên tấm thân trần càng ngày càng điêu luyện phức tạp tinh vi, xin khâm phục sức chịu đựng của con người. Những chiếc khoen xinh xắn trên mũi, lông mày, trong lưỡi, bên bờ môi, rún ngực,cùng khắp châu thân, quả là mỗi thời mỗi cách sống. Kìa là chiếc mũi thẳng dọc dừa tái tạo, hàng lông mi rậm cong, lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền, vành môi được xâm khéo léo, mái tóc uốn cắt hợp thời trang làm nhiều cụ lắc đầu tiếc thầm cho mình sanh nhầm thế kỷ.
          ‘Tôi chỉ là người mơ ước thôi,
             Là người mơ ước hão, than ôi !’  ( Thế Lữ )
          Bà hàng xóm khó tính ngồi trên ghế đẩu oang oang chửi đổngỂ con cái nhà ai mà không biết dạy, đầu cổ tóc tai không giống ai, tóc punk quần áo hippy, người ngợm gì mà không thấy lo làm ăn, tối ngày chỉ có giựt gân đớp hít. Thế mà cô cháu gái bà ăn mặc hở hang váy ngắn cũng cỡn đi hia, bà không thấy gì trái tai gai mắt nữa mới thật là chuyện mình thì quáng, chuyện người thì sáng.
          Hơn thế nữa, việc lập gia đình với người khác giống khác đạo là việc bình thường hiện nay, phần đông gia đình nào cũng có. Do đó việc ở chung với con cái càng khó có thể xảy ra.

          -Mẹ ơi, mẹ có thích không, mẹ sắp làm bà ngoại rồi.
Tiếng đứa con gái vang lên trong điện thoại cắt ngang làn sóng hồi tưởng chuyện đời bàn hoài không hết. Bà mẹ nhảy nhổm tưởng mình nghe lầm, hỏi lại:
-Thật à, hồi nào vậy?
-Con vừa mới đi khám thai xong, nhà con mừng lắm bảo con phải báo cho mẹ hay ngay.
-Cám ơn Ơn Trên.Vậy mà lâu nay cứ thấy con ói ựa, cứ lo con loét bao tử, nay thì ra
-Mẹ sắp xếp lên chơi với con ít ngày nghe. Mẹ kể cho con nghe kinh nghiệm hồi mẹ có thai tụi con như thế nào.
-Mẹ sẽ bàn với bố lên thăm con. Cám ơn tụi con đã cho mẹ đứa cháu đầu lòng.Cẩn thận nghe con. Mẹ sẽ báo lại cho bố con hay ngay.
Ông ơi ! Có tin vui rồi. Con bé nhà mình. Ông sắp lên làm ông ngoại đó.
- Chắc anh chị bên ấy mừng lắm, cũng mới có đứa cháu như mình.Nhớ hôm trước đi đám cưới con anh bạn, bạn bè hỏi thăm, ảnh chỉ lấy tay chỉ chỉ mình bảo hỏi mình làm mình tức cười quá.
- Rồi ông trả lời thế nào ?
-- Mình cười to rồi lại chỉ chỉ vào ảnh chỉ trở lại. Thế là mọi người cùng cười, hòa cả làng. Biết con như vậy làm tôi nhớ lại bao kỷ niệm của thời đó. Bà còn nhớ không ?
Bà vợ nhìn chồng vừa e thẹn vừa cảm động. Ông tiếp tục lui về một thoáng giai đoạn tập làm cha.
- Thời của mình không được tự do như ngày nay. Nhìn bà bầu ốm nghén thấy mà thương nhưng chẳng dám hó hé gì với cha mẹ hết. Các bà cũng chẳng dám kêu ca gì, vả lại có con lại là điều tiên quyết trong việc lập gia đình thời bấy giờ. Chẳng những phải có con thôi mà còn phải có con trai nữa dù không phải là con trưởng nối dòng.  Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô mà.
Bà thấy không đến thế kỷ 21 rồi mà cái quan niệm lỗi thời vẫn còn tồn tại ở vài nước Á châu, hạn chế sinh đẻ, một vừa, hai đủ, ba thừa bị phạt, phá thai. Tàn nhẫn hơn là cần con trai để nối giòng, sau nầy nhập ngũ,  trai năm thê bảy thiếp do đó con gái không còn chỗ đứng trong chế độ xã hội như Trung quốc một thời với nạn trai thiếu gái thừa.
Còn ở các nước quá văn minh, không có sự giết chết con gái từ khi mới lọt lòng như trên nhưng việc sanh sản cũng bị giới hạn tối đa. Kinh tế khó khăn cũng làm nản chí bao gia đình trẻ. Chiến tranh, việc làm, nếp sống vội vã hưởng thụ đảo lộn tầm nhìn nghĩ suy của thế hệ đương thời. Không có gì ràng buộc gắn bó thủy chung. Bản hôn thú không còn giá trị quan trọng như ngày xưa. Ly dị không làm cho một ai ngại ngùng. Nhan nhản những ông tai to mặt lớn, vua chúa vẫn ngang nhiên bỏ vợ con thay tình nhân mà không bị ai lên án. Hôn nhân càng ngày trở thành như một thỏa hiệp giữa hai người trên mọi phương diện, một hiện tượng sống chung được điều nghiên cân phân làm sao cho hợp lý hợp tình, quyền lợi của đôi bên.
          -  Trời sanh voi sanh cỏ, mỗi thời mỗi khác và dân số thế giới vẫn tăng lên vùng vụt. Ngày nay, khoa học kỷ thuật tiến bộ giúp cho vấn đề có thai sinh nở phổ biến rộng rãi hơn, dễ dàng tiện lợi, khám phá giảm ngăn được bao triệu chứng về bệnh tật cho bà mẹ lẫn hài nhi, thật đáng ngợi khen. Tuy nhiên, nói thật mà nghe, đau bụng đẻ vẫn là cái điều ngán nhất của các bà bầu. May mà Trời cho đàn bà quên mau những cơn đau thập tử nhất sanh ấy, nếu không
          Ông cười to ngắt lời:
          - Chắc các ông không còn xương sườn nữa quá. Thật ra lúc bấy giờ mấy ai còn lòng dạ nào mà để ý đến hình ảnh xấu xí đến thảm hại của các bà, chỉ lo sợ và thương cảm làm sao. Do đó mới suy ra tại sao các ông ngán đưa bà xã đi sanh lắm. Mà nói ra các bà đừng giận nghe. Có chứng kiến cảnh các bà trước khi sanh, đi đi lại lại trong hành lang Bảo sanh viện, bây giờ nghĩ lại, đúng là một hoạt náo cảnh tiếu lâm trào phúng tuyệt cú mèo mà không họa sĩ tài ba nào diễn tả hết được.
          - Còn các ông lúc nầy quả là nạn nhân chịu trận không dám chống đở, cằn nhằn rầy la. Các bà cũng biết thế nhưng đau quá quên hết. Có bà tốt nết thì đở cho ông xã, mà ông biết không có nhiều bà la rên um sùm nhất định từ nay xin chừa thế mà sinh liền liền năm một. Lúc đau bụng thì bất kể quân thần, làm trò gì cũng được miễn là giảm cơn đau thúc đó đi. Thật ra cũng tùy người tùy tính, không ai giống ai. Có bà chưa kịp đến nhà bảo sanh đã sinh rơi trên đường đi, có bà cứ phải ngồi nhìn xem bao đứa trẻ khóc oa oa chào đời mà phiên mình chưa tới.
             Ngày nay thì đở hơn bội phần. Các ông đã được vào chứng kiến tận mắt hình ảnh các sản phụ lúc sanh bình thản tập trung và sau đó vui sướng ôm con vào lòng không còn quằn quại, nhăn nhó la hét cào cấu ngắt véo như trước kia.
          - Nói cho vui chứ đàn ông chúng tôi vẫn ngán cái cảnh gần đập bầu của các bà. Chúng tôi để trấn an cũng thường bảo là các bà vốn dĩ trời ban tính chịu đau tuyệt vời. Nhìn các cô nhún nhảy, khiêu vũ, múa may quay cuồng trên giày cao gót trên cả tấc phải phục sức chịu đựng gan lì của phụ nữ. Rồi đến lúc mang thai, từ lúc mang chiếc trống cơm đến chiếc trống chầu ít nhất là mười ký, các bà vẫn còn giữ được phong thái nét đẹp riêng khác hẳn với các ông bụng phệ phì nộn chúng tôi.
          Cũng có nhiều ông yếu bóng vía, sợ nhìn máu thất kinh hồn vía, mặt mày xanh như tàu lá, có lúc lăn đùng ra bất tỉnh trong phòng sanh khi vợ bể bầu.
            - Thật tình mà nói, nếu bây giờ ông hỏi tôi đau bụng như thế nào, tôi cũng không trả lời được nữa. Chỉ nhớ là lúc đó cơn đau quặng lên từng chập tưởng chừng như sắp chết đến nơi thôi. Cho đến lúc cơn đau thúc lên cực điểm như không còn chịu nổi nữa thì đứa bé ra đời. Không có gì giải tỏa được người mẹ bằng chính lúc hài nhi chào đờ bằng tiếng khóc oa oa! Đúng là
               ‘ Đàn ông đi biển có đôi,
              Đàn bà đi biển mồ côi một mình.’
              - Trên đời nầy mỗi giới đều có nổi khổ riêng không so sánh được mà cũng không chia xẻ được. Thôi cứ tin rằng Tạo hoá chí công là dẹp bớt một mối lo. Có con cũng là một cái ơn đó. Bao người giàu có tuyệt tự cũng đành thúc thủ bó tay không có ai nối dõi tông đường. Ngược lại nhiều gia đình khố rách áo ôm không cần đi cầu tự vẫn sinh năm đẻ bảy được vuông tròn.
            Ngày nay thì khác hẳn, người ta tin vào khoa học kỷ  thuật có thể giải quyết dần dần mọi nhu cầu thế gian sinh bệnh lão tử. Về giải phẩu chẳng hạn phương pháp gây mê đã thay đổi bộ mặt các vị Hoa đà ngày nay thành lương y như từ mẫu. Việc ngừa thai, phá thai không còn là chuyện phòng the bảo mật dù vẫn còn quốc gia, tôn giáo lên án chống đối cấm kỵ.
          - Ôi cái chuyện sinh con đó là chuyện trời cho. Có bà nào mà nhớ hết được đâu. Quên tưởng để chừa nhưng đố ai biết được chữ ngờ, thường là tái tạo thêm lên. Thôi cũng xin đừng hỏi tại sao vì biết trả lời sao. Mỗi lần sanh là mỗi lần khác, sản phụ cũng thế thôi dù triệu chứng căn bản chung chung ai cũng có  tùy tính tình tâm tư cơ thể mỗi bà. Có nhắc thì nhớ lại thời kỳ bụng phình to giống Sumo Nhật  như kỷ niệm vui buồn đã bay biến dần theo bước chân con.
          Kể làm sao cho hết được những biến chuyển nhiệm mầu trên thân thể và tâm hồn của người phụ nữ khi mang trọng trách làm mẹ. Và không ngoa đâu khi bảo rằng chỉ có người mẹ mới cảm thông được sự thách thức, thích thú, ràng buộc, đớn đau tận cùng giữa bà mẹ với bào thai và hài nhi mới lọt lòng dù các đấng phu quân là người gieo hạt.
          Ở xã hội ta ngày xưa, việc trọng nam khinh nữ được chứng minh qua lệ tam tòng. Rồi chẳng hạn như cho rằng con gái là con của người ta,  nhất nam viết hữu, thập nữ viết không, nhà có con gái như  giữ chình hũ mắm trong nhà dù không tài nào các ông là sản phu được.
          Rồi ông còn nhớ lúc sinh con bé đầu lòng, bác sĩ sản khoa gặp ông ở phòng chờ đợi vui vẻ hóm hỉnh chúc mừng khi ông ngập ngừng hỏi con trai hay gái: Ở trên thì giống cha, dưới giống mẹ cũng như ông ta đã cười cười báo tin cho tôi như thế vì ông ta hiểu mồn một tâm lý truyền thống thích  con trai của dân ta.
          - Quan niệm đó ngày nay cũng có đổi thay nhiều rồi dù chưa dứt hẳn nhất là ở các nước Á châu. Người chồng không còn được quyền  tự tiện bỏ ngang xương người vợ không sinh con trai, luật pháp cấm ngăn. Từ lâu, thế giới đã có bao nhiêu nữ hoàng kế vị vua cha băng hà như Elisabeth đệ nhị ở Anh, Béatrice ở Hòa lan,Tiến bộ hơn nữa hoàng tộc các nước Âu châu hiện nay còn không phân biệt nam nữ, con đầu lòng của người con cả , bất luận trai gái, đều được nối ngôi. Viễn ảnh tương lai, nếu chế độ quân chủ lập hiến còn tồn tại, cho ta thấy có nhiều nữ hoàng như ở Đan mạch, Tây ban Nha, Bĩ. Nhảy vọt hơn, nhiều đạo luật mới sẽ được thông qua như ở Pháp tỉ số dân biểu ở quốc hội  dảnh cho phái nữ được nâng cao ngang hàng với phái nam, lương công nhân nữ như nam bằng nhau
          Hậu quả đau thương nhất có lẽ xảy ra tại Trung quốc Đại hàn hiện nay. Vi thiếu phụ nữ nên sau chiến tranh, đất nước hòa bình, trai thừa gái thiếu. Việc lập gia đình thật khó khăn. Các công việc đồng áng nặng nhọc trước kia do phụ nữ đảm trách không còn người thay thế. Việc nhập khẩu ồ ạt nguồn lao động phụ nữ nước ngoài của các nước nghèo qua mọi cách kể cả trung gian môi giới bất lương buôn người, gây bao thảm cảnh nói không thành lời mà phụ nữ Việt ta là một.
          Câu chuyện bị cắt đứt bằng chuông điện thoại reo vang. Tiếng cô con gái vang vang:
          - Tuần nầy con sẽ về thăm bố mẹ, bố mẹ đừng quên kể lại những kinh nghiệm lúc bấy giờ cho chúng con nghe nha. Nhà con mừng lắm, mặt mày phơi phới thích thú ra mặt. Ông bà nội cũng thế, bà con ai cũng nói sẽ cầu nguyện cho mẹ tròn con vuông.
             - Thời mẹ khác, ngày nay khoa học kỹ thuật tiến bộ, đỡ nhiều rồi. Không có gì phải lo lắng hết. Bây giờ là phải nghĩ đến việc làm má con nít rồi. Thích chưa.
              Nhớ lại trước kia ở Việt nam, việc mang thai sinh sản nuôi con chủ yếu là do các bà mẹ hơn vì phụ nữ thường ở nhà khác hẳn với ngày nay thường có học đi làm. Vả lại, với nền kinh tế càng ngày càng khó khăn, dân trí ngày càng cao, một đầu lương không đủ sống nhàn hạ.
         Chuyện sinh con đẻ cái là chuyện của đàn bà, các ông ít khi phụ giúp. Thế mà các bà cứ sanh dễ dàng năm một thật mắn con. Ngay cả ở thôn quê, xa nhà bảo sanh, các bà mụ vườn cắt rốn trẻ sơ sinh bằng mảnh sành hơ lửa, thế mà có mấy trẻ bị phong đòn gánh đâu, con cái vẫn lớn lên như thổi.
          Khi mang thai cho đến lúc sinh nở, các bà mẹ  vẫn thung dung kiên trì gồng gánh việc nhà với bụng mang dạ chửa, quần quật tối ngày với sức nặng từ từ của chiếc trống cơm sang chiếc trống chầu.
          Nhìn các bà bầu mặc áo dài phủ ngoài bằng áo che thai trên chiếc bụng tròn cao lúp xúp, gương mặt rạng rỡ, chân hơi dạng ra giữ quân bình, tập tư thế của một chị gà mái bảo vệ con trước diều hâu hay nguy cơ bất chợt, thật cảm ơn Tạo hóa đã phú cho các sinh vật cái, mái, gái, nữ khả năng sinh sản độc nhất vô nhị nầy bù lại với vẻ đẹp dành riêng cho phái nam, phái mạnh điển hình sư tử có bờm oai phong lẫm liệt, gà trống có mồng biết gáy ó o hay như chúa sơn lâm oai linh rừng thẩm trong Hổ nhớ rừng(Thế Lữ):
‘ Ta bước chân lên dõng dạc đường hoàng.
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng
Vờn những đám âm thầm lá gai cỏ sắc.
 Trong hang tối mắt thần ta đã quắc,
Là khiến cho mọi vật đều im hơi.
 Ta biết ta là chúa tể cả muôn loài
Trong chốn cỏ hoa không tên không tuổi.’
          Làm sao mà kể được cho các con nghe một cách tường tận cụ thể những cảm giác lo âu, đớn đau oằn oại trong thời kỳ ỡ đi biển một mình ữ đó. Không phải dấu giếm kinh nghiệm vì thật ra chuyện sinh con quả là chuyện trời ‘ kêu ai nấy dạ ‘, không biết đâu mà ngờ, mà đoán.
          Việc mang thai cũng thật huyền diệu vô cùng. Có bà vợ thật nhỏ con mà mang cái bầu trên mươi ký đi một cách thoải mái hân hoan bên cạnh ông chồng bụng phệ to lớn, phục phịch ‘ bậm trợn ‘ di chuyển nặng nề.
          Vậy là cái chuyện mang bầu , ‘ đập bầu ‘ vẫn là chuyện xảy ra từ cổ chí kim, từ ngàn xưa cho đến ngàn sau, từ ‘ thuở trời đất nổi cơn gió bụi ‘ có Ê và bên cạnh A dong, đời đời vẫn là siêu đặc phẩm tạo giống nòi. Cơn đau nào cũng có hồi chấm dứt chứ còn chuyện truyền giống này ắt phải là bất diệt trường tồn.
          Xin các phu nhân đừng quá nhọc tâm lo lắng vì đó là một đặc ân ngoại lệ mà Tạo hoá đã dành riêng cho phái nữ toàn quyền sử dụng, quyết định chứ không hẳn như
‘  Con Tạo đành hanh quá ngán 
 Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.’
 Thế giới văn minh tiến bộ chỉ có thể sản xuất ra robot người máy chứ làm sao mà sáng tạo ra một sinh vật có hồn có óc có tim độc nhất không trùng hợp không thể clônage do bàn tay huyền diệu của Hoá công.
Tuyệt đối hơn, trọng trách nầy chủ yếu luôn được xẻ chia cọng hưởng với các đấng lang quân  thường kể công rằng ‘không có tôi làm sao có nó.’  Nhiệm mầu thay!


               Cô Trần Thành Mỹ

 
ĐỒNG HƯƠNG © 2012 - Xây dựng bởi Blog Thiết Kế – Hỗ trợ bởi Người Áo Lam - Giao diện Rumah Dijual