ANGKOK

Nếu ví Taj Mahal là giọt lệ trên gò má thời gian (R.Tagore) thì phế tích Angkor phải là chuỗi tiếng nức nở trong không cùng, của một vương triều một dân tộc. Rã rời trên vùng cao nguyên từ ngàn xưa lảng bảng bóng chiều tà.

Phnom Penh đến Angkor- Seam Reap phải qua hàng trăm cây số đồng không lúa, một vài trảng sen, không hề có những “con đường vào làng nên thơ”. Thi thoảng hiện vài đụn ...rơm với lũ bò trắng giơ xương.

Du khách trắng đen vàng lục tục trên các bus đường dài. Những anh Tây bụi đời đến mức không thể bụi hơn; lonely planet cũng không thể cũ hơn. Những em Islam che mạng chừa 2 lỗ châu mai mắt nhung ngó hai thằng VN chúng tôi lành lạnh.

Các tượng Thần Phật trề môi dầy hơn ngàn tuổi, trầm mặc nhìn đám người kiếp ngắn cúng bái, ngưỡng vọng, chậc lưỡi, chụp hình. Nhìn những kẻ đang trùng tu các góc đổ nát, ngắm bọn thợ vẽ chọn cảnh hí hoáy, dò xét các nhà khảo cổ nước ngoài, và lắng nghe các cặp đấm ngục thùm thụp ở tháp đá.

Bayon là đền lớn của Angkor Thom, thờ thần Ấn Giáo, rồi đến chư Phật của các vua theo Tiểu Thừa. Phù điêu mạnh mẽ như của một chiến lũy ,hào ngoài, thành trong sẵn sàng đợi thù.

Ở Angkor Wat, bích họa gợi nhớ tam cung lục viện đầy phi tần xinh đẹp bên dòng biển sữa, thời khắc khoái lạc sau những trận bình định bốn phương Cao Mên. Những khúc hoan ca đón trăng với các thôn nữ váy sa tanh trong điệu múa đón mùa vàng. Mái đá tảng hàng trăm tấn che nắng cho khách- có tuổi cỡ thành Thăng Long- vẫn nguyên vẹn chống chọi gió sương.

Có gì bất diệt hơn điêu tàn? Trong nhiều góc của lâu đài đình tạ, hồ như tượng đá kia vừa mọc lên trở lại trong đám cổ thụ, trong ánh sương ban mai huyền ảo của một cõi khác. Các gốc cổ thụ xoắn lấy những cự thạch ngàn năm trước, lắc đầu cười ngạo trí tưởng tượng của ai đó vừa nói: ngày sau gỗ đá cũng cần có nhau.

Những tảng bờ tường bên ngoài sụm vỡ do giao tranh? Những thân tượng đá vững chãi gồng mình giữ thân rắn Naga, làm bao lơn cho cầu qua hào sâu. Thềm rêu cao khác thường so với vóc tạng người Miên ngày nay (độ cao từng bậc thềm đến hơn 30cm)-là con đường đưa lễ vật lên tầng cao cúng bái. Những song cửa chạm tạc trên tầng thượng chỉ mẻ chút ít như trêu ngươi bao thế hệ.

Khách Tây phong trần, Tàu con buôn cho đến Phi Mã Việt cùng ngẩn ngơ.
Giống như Colosseum, các tảng đá sắp đặt hoàn hảo đến nghẹt thở vì sự tinh tế, mong manh-tựa như chệch một tí đá rơi xuống đầu. Có nhiều lỗ đục thủng đá để lũ voi vận tải thế kỷ 11 dễ dàng buộc dây vận chuyển. 

Những lổ thủng trên các tảng cửa bốn phía Angkor ngày xưa đính chìm các viên ngọc bích, hồng, lam- khi trăng lên chúng phát sáng lấp lánh soi gót son lớp lớp giai nhân, lúc quân vương thết tiệc hồi triều sau những trận Đông chinh Đồ Bàn hay Tây phạt Korat. Ngọc ngà hay thân xác thanh tân thảy đều tan biến trong bụi thời gian.

Chính trong ánh huyền ảo bi hùng này, dường linh hồn vua Surijavarman II cùng đoàn quân đã lại quay về chống tàn kiếm mơ khôi phục sơn hà nước Miên. Hồn anh hào trút khí uất lên trời cao, buồn cháu con khiếp nhược dưới gót quân xâm lăng.

Tượng đá ứa lệ nhìn lũ bán nước vờ không nghe tiếng xích sắt loảng xoảng của chiến tượng đang nghiến tan cung điện Angkor, dưới những lưỡi gươm cong của muôn quân Xiêm tràn về từ châu thổ sông Chao Phraya.

Vẳng nghe các vũ công mi cong má thắm bên rừng thốt nốt vẫn vô tư hát khúc hậu đình hoa...


Lê Vĩnh Trương NK 82-85 (anh Phan Trường Ân cung cấp)

 
ĐỒNG HƯƠNG © 2012 - Xây dựng bởi Blog Thiết Kế – Hỗ trợ bởi Người Áo Lam - Giao diện Rumah Dijual