HIỆN TƯỢNG HÂM NÓNG ĐỊA CẦU (HTHNĐC)


Thông thường mùa hè bên Canada nóng oi bức nhưng mùa đông lại thật lạnh và khô. Nhưng những năm gần đây thì thời tiết nóng lạnh bất thường, hè bớt nóng và đông giảm lạnh buốt hơn. Đầu mùa hè năm nay trời vẫn còn lạnh và mưa dai dẳng. Đến tháng sáu trời trở nên nóng và ẩm ướt. Cuối tháng bảy có vài ngày lạnh xuống đến 19oC ban ngày và 9oC ban đêm. Sự biến đổi bất thường của khí hậu được biểu hiện rõ trong thời gian vừa qua.

Mùa đông năm nay đặc biệt không lạnh lẽo những năm trước. Ở Canada được thấy sự thay đổi khí hậu bất thường như thế thì quá tốt, nhưng tôi linh cãm có cái gì đó không ổn cho nhân loại trong tương lai. Tôi tìm hiểu thêm tài liệu về hiện tượng hâm nóng địa cầu (HTHNĐC) với ảnh hưởng trực tiếp trong đời sống hàng ngày chúng ta. Một đề tài khá quen thuộc trong nhiều thập kỷ qua. Người ta nghe nhiều về HTHNĐC nên trở thành một đề tài nhàm chán, không còn ai màn đến việc dư luận bàn tán cũng như sức mạnh ảnh hưởng tai hại của nó. “Điếc không còn sợ súng mà”. Trong thế kỷ 20 nhiệt độ trung bình của phần không khí bao phủ bề mặt trái đất đã tăng lên khoảng 1oC và nhiệt độ này sẽ còn tăng mạnh lên trong thế kỷ 21, từ khoảng 1.1 oC đến 6.4oC. Đây chì là độ phỏng đoán rất khái quát của tổ chức Tổ chức Liên chính phủ về biến đổi khí hậu IPCC (Intergovernmental Panel On Climate Change) vì sự thay đổi thật sự còn tùy thuộc vào mức độ làm tổn hại môi trường do con người gây ra trong tương lai. Theo IPCC thì những hiện tượng thiên nhiên như tia phóng xạ từ mặt trời hay hoạt động của núi lửa có góp phần làm nhiệt độ trái đất tăng lên, nhưng đó là vào thời kỳ trước kỹ nghệ hóa. Trái đất đang nóng lên là một hiểm họa vô cùng to lớn. Theo Tổ chức Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thì sự nóng lên của khí hậu trái đất không còn đơn thuần là vấn đề môi trường mà đã trở thành vấn đề của sự phát triển. Sự biến đổi diễn ra trên toàn cầu, trong các khu vực, bao gồm cả các thay đổi trong thành phần hóa học của khí quyển, biến đổi nhiệt độ bề mặt, nước biển dâng, các hiện tượng khí hậu cực đoan và thiên tai tăng lên đáng kể về số lượng và cường độ.

Gần đây giới báo chí và các nhà khoa học về khí tượng tường trình nhiều về hiện tượng thay đổi khí hậu bất thường và đưa ra nhiều cảnh cáo để các quốc gia tân tiến nghĩ ra cách đối phó cụ thể. Những lời đe dọa như thế vẫn chưa đủ sức mạnh để các công nghiệp lên kế hoạch dự án tốn kém hầu giúp nhân loại sống trong môi trường tốt hơn. Thí dụ hôm 3 tháng 8 năm 2013 nhật báo The Montreal Gazette – Rising temperature speed Arctic decline có tường trình rằng với xu hướng như hiện nay, nhiệt độ không khí tăng nhanh hơn, băng đá miền Bắc cực tan nhanh làm mực nước tăng cao hơn bình thường và thiên tai bão lụt sẽ xảy ra nhiều hơn, hậu quả làm ngập lũ lụt nhiều nơi thấp trên địa cầu. Ký giả William Marsden của tờ Postmedia News Washington Bureau trích ra một bài tường trình thứ 23 của Hiệp hội Khí tượng Hoa kỳ (American Meteorological Society) bao gồm 384 nhà khoa học của 52 quốc gia) rằng những dữ liệu thu thập được cho thấy quả đất hâm nóng dần trùng với việc khí thải của con người vào bầu khí quyển càng ngày càng gia tăng. Năm 2012 số lượng CO2 đạt đến 392.6 ppm (parts per million) tức tăng 2.1 ppm từ năm trước. Đây là mức đô ô nhiễm cao nhất từ 800 ngàn năm. “Đây là dấu hiệu thực tế gây ra do hiện tượng hâm nóng địa cầu (HTHNĐC), theo bà tiến sỹ Kate Willett  thuộc nghành khí tượng đại học Hadley Centre bên Anh Quốc. Lựơng khí methane thải vào bầu khí quyển cũng gia tăng. Tuy nhiên giới khoa học khó lòng giải thích hợp lý hiện tượng này. “ Tôi không thể khẳng định lý do chính xác về sự gia tăng của lượng methane kể từ năm 2005”, theo Dr Willett. Bà còn thêm rằng hiện tượng này có thể do hoạt động nông nghiệp và sự tan rả băng bắc cực đã gây nên. Bà cho biết thêm là 30% chất methane thải ra do nghành nông nghiệp và 40% từ đại dương. Tổng thư ký Hoa Kỳ của bộ Thương mại và Đại dương tên Kathryn Sullivan cảnh báo chính quyền nên quan tâm về vấn đề hâm nóng địa cầu, cần áp dụng những tiêu chuẩn khắt khe trong những dự án công trình xây cất hạ tầng cơ sở trong tương lai.


Trong bài tường trình dài của báo National Geographic số phát hành September 2013 – Rising Seas cảnh cáo về những thiệt hại nặng nề do mực nước biển càng ngày dâng cao vì những tản đá băng miền Bắc và Nam cực tan nhanh hơn dự định do sự hâm nóng toàn cầu. Tờ báo dựa trên căn bản khoa học cho rằng đến năm 2100 tức cuối thế kỷ thứ 21 thì mực nước sẽ dâng lên từ ½ đến 2 thước. Mực nước biển cao 65 feet so mặt nước biển trung bình. Miền bắc cực với tảng băng đá quanh năm cần hơn một thế kỷ mới làm mực nước biển dâng cao như thế, cao bao nhiêu tùy thuộc vào lượng khí thải mà người sẽ thải vào khí quyển. “Điều chắc chắn rằng vào thế kỷ thứ 21 mực nước biển tăng kỷ lục” theo Radley Horton thuộc viện Nghiên Cứu Trái Đất Columbia của đại học New York. Mực nước biển tăng do 2 nguyên nhân – thứ nhất là 1/3 lượng nước tăng do sự tăng trưởng dung tích bởi nhiệt độ, thứ nhì 2/3 dung tích tăng do băng đá tan dần. Bốn năm trước NASA cho làm một serie các chuyến bay chụp ảnh khu băng đá Thwaites Glacier miền bắc cực. Chuyến bay chụp các ảnh cho thấy những chân sườn núi giữ các tản băng cao 2 000 feet dưới biển từ từ chìm xuống lòng biển. Hiệp Hội Hợp Tác và Phát Triển Kinh tế (Organisation for Economic Cooperation and Development) ước lượng đến năm 2070 thì sẽ có 150 triệu người sống trong những thành phố ven biển sẽ bị nạn lũ lụt với thiệt hại tương 35 trillion đô la (35 ngàn tỷ). Nhà khoa học đại dương tên Malcolm Bowman thuộc đại học Stonybrook, New York đề nghị thành phố New York cần làm thành lũy chống mực nước biển dâng lên sau trận bão Sandy xảy ra vào ngày 24 tháng 10 năm 2012 gây thiệt mạng cho 43 người và 35 người mất tích vì nước biển tràn vào thành phố rồi cuốn trôi đi nơi khác. Thiệt hại 19 tỷ đô la. Ông nói rằng các thành phố lớn đã và đang có những dự án xây thành lũy chống mực nước biển như London, Shanghai, Rotterdam, St-Petersburg và New Orleans…Người Mỹ học được bài học quí giá vô cùng sau trận bão Sandy.


Ảnh – Brooklyn-Battery tunnel bị ngập trong nhiều ngày.

Siêu bão Sandy là cơn bão mạnh nhất tấn công Hoa Kỳ trong vòng 100 năm qua, gây mưa lớn, ngập lụt trên một khu vực trải dài khoảng 1.290 km với 50 triệu dân, trong đó 7,4 triệu gia đình, cơ quan và doanh nghiệp phải chịu cảnh mất điện, 1 triệu người phải sơ tán. Ngày 29 tháng 10, cơn bão này đã tiến nhanh vào bờ đông Hoa Kỳ, mang theo mưa to và gió lớn. Nước biển đã len lỏi vào giữa những khu nhà chọc trời của Thành phố New York, gây ngập các hầm đường bộ, khiến 200 bệnh nhân ở bệnh viện thành phố phải sơ tán. Hệ thống tàu điện ngầm Thành phố New York bị thiệt hại do thiên tai gây ra lớn nhất kể từ khi hoạt động đến nay. Nhà máy điện hạt nhân ở New Jersey bị ngập, trong khi một vụ nổ xảy ra ở nhà máy điện Con Edison ở New York khiến hàng trăm nghìn hộ gia đình và cơ sở kinh doanh bị mất điện. Thành phố New York ngập sâu trong nước bão Sandy đổ bộ, mang những con sóng lớn tràn vào bờ. Tập đoàn Exelon vừa tuyên bố tình trạng “báo động” đối với nhà máy điện hạt nhân New Jersey Oyster Creek do mức nước ngập trong nhà máy cao hơn 2 m. Tập đoàn này cảnh báo rằng nếu mực nước dâng cao hơn nữa, nhà máy điện lâu đời nhất nước Mỹ sẽ phải sử dụng nguồn nước khẩn cấp để làm nguội các thanh uranium. Sở giao dịch chứng khoán New York phải đóng cửa ngày 30 tháng 10 năm 2012. Đây là lần đầu tiên sàn này phải đóng cửa hai ngày liên tiếp do thời tiết, kể từ năm 1888. Ngày 30-10, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã tuyên bố tình trạng thảm họa lớn ở tiểu bang New York. Trước đó, Tổng thống Hoa Kỳ cũng đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở các tiểu bang Massachusetts, Connecticut, Rhode Island, tiểu bang New York, New Jersey và Pennsylvania.  Tháng 6 vừa rồi thị trưởng thành phố New York ông Michael Bloomberg đề nghị một dự án tốn 19.5 tỉ đô la để xây thành lũy che chở thành phố trong trường hợp siêu bão tương tự Sandy hay mực nước biển dâng cao trong tương lai. 


Giới khoa học và dư luận lo ngại là cuối năm nay ông Bloomberg sẽ mãn chức vụ và tự hỏi với một trận bão có đủ sức nặng để làm thay đổi chính sách quốc gia về công cuộc bảo vệ và đề phòng thiên tai do sự hâm nóng toàn cầu gây ra chăng? Hãy nhìn lại kinh nghiệm nước Hà Lan ngày xưa phải mất hơn 60 năm dằn do bàn cải về việc lũ lụt mới làm chính quyền thay đổi chính sách quốc gia.

Hiện nay đã có rất nhiều sách vở và tài liệu nói về hiện hâm nóng địa cầu. Nhiều buổi hội họp có tầm vóc quốc tế cũng như nhiều hiệp ước giữa các quốc gia tân tiến để bàn bạc những phương án làm giảm khí thải, v.v…Cùng với sự nóng lên toàn cầu, nước biển dâng, sự thay đổi về mưa và sự bốc hơi là sự suy thoái của tầng ôzôn bình lưu làm tăng bức xạ cực tím mặt trời trên trái đất, gây ra những ảnh hưởng lớn cho loài người. Bài viết này chỉ tóm tắt HTHNĐC từ đâu ra như khí thải bởi ô nhiễm môi trường, hiện tượng nhà kính, ảnh hưởng HTHNĐC vào đời sống hàng ngày của chúng ta và những nỗ lực mà mỗi cá nhân có thể đóng góp hầu làm chậm lại hiện tượng khó tránh khỏi này.

Hiện tượng chính gây nên sự hâm nóng địa cầu

Khí thải CO2 SO2- Sự gia tăng của khí nhà kính trong bầu không khí trong thế kỷ 20 là kết quả của việc sử dụng ngày càng tăng của năng lượng và sự phát triển nhanh nền kinh tế toàn cầu. Hơn một thế kỷ hoạt động công nghiệp tăng 40 lần và lượng khí thải của các chất khí như carbon dioxide (CO2) và lưu huỳnh dioxit (SO2) đã tăng gấp 10 lần. Lượng CO2 trong không khí tăng từ 280 phần triệu theo thể tích (ppmv) vào đầu thế kỷ đến 383 ppmv vào cuối năm 2007. Tháng 8 năm 2013 mức CO2 tăng gần 400 ppm, mức kỷ lục từ 3 triệu năm nay [3]. Lượng CO2 thay đổi trong mỗi năm là kết quả của các chu kỳ trong quang hợp và quá trình oxy hóa. Trong các thành phần khí nhà kính còn chứa methane (CH4) được hình thành bằng cách phân hủy khí các chất hữu cơ, tăng từ nồng độ khí quyển tiền công nghiệp khoảng 700 phần tỷ theo thể tích (ppbv) khoảng 1 789 ppbv vào năm 2007. Khí nhà kính quan trọng khác bao gồm các oxyde của nitơ, oxyde đặc biệt là nitrous oxyde (NO2) và Halocarbons bao gồm cả chlorofluorocarbons (CFC) và các hợp chất tương trong nghành điện lạnh.

Sự gia tăng của khí nhà kính trong bầu khí quyển làm thay đổi sự cân bằng bức xạ của khí quyển. Ảnh hưởng thực là làm ấm bề mặt trái đất và khí quyển càng ngày càng mỏng hơn vì khí nhà kính hấp thụ một số bức xạ nhiệt ra của trái đất và phản chiếu ngược về bề mặt. Sự hâm nóng địa cầu từ năm 1850 đến cuối thế kỷ 20 tương đương với khoảng 2.5 W/m2; CO2 đóng góp khoảng 60 phần trăm con số này và CH4 khoảng 25 phần trăm, với N2O và Halocarbons cung cấp phần còn lại. Hiệu ứng ấm lên là do kết quả từ việc tăng gấp đôi lượng CO2 so với mức tiền công nghiệp được ước tính là 4 W/m2.

Ozone  - Năm 1985 ông Joe Farman thuộc cơ quan Khảo Sát Nam Cực của Anh quốc công bố một bài báo cho thấy sự suy giảm của hàm lượng ozone phía trên Nam Cực trong thời gian đầu những năm 1980. Câu trả lời là rất rõ ràng: các chương trình khoa học quốc tế quy mô lớn đã được gắn kết để chứng minh rằng chất CFC (được sử dụng như chất làm sạch trong công nghiệp và khí nén trong các thiết bị điện lạnh) là nguyên nhân chính. Thậm chí quan trọng hơn là hành động quốc tế vạch ra lập tức để hạn chế sự phát thải khí CFC. Sự sụt giảm hàm lượng ozone trong tầng bình lưu ở Nam Cực trong tháng Chín và tháng Mười là kết quả của quá trình hóa học phức tạp. Sự trở lại của mặt trời vào cuối mùa đông gây ra các phản ứng quang dẫn đến việc phá hủy ozone trong tầng bình lưu. Tháng 10 năm 1985 lượng ozone đã giảm tới 70 phần trăm so với năm trước. Cái lỗ thủng ozone với kích thước đã tăng lên đến hơn 25 triệu km2 (gấp đôi kích thước của Nam Cực) vào năm 2000. Ở miền Bắc Cực sự phát triển dần dần của sự suy giảm ozone hàng năm trong những năm 1990 là một xu hướng đáng ngại. Tổng quát hơn, trên những vĩ độ giữa phía bắc nồng độ ozone ở tầng bình lưu đã giảm từ năm 1979, tăng 5.4 phần trăm trong mùa đông và mùa xuân, và khoảng 2.8 phần trăm trong mùa hè và mùa thu. Vẫn chưa có xu hướng rõ rệt trong các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.

Với tầm vóc quy mô và suy giảm đột ngột của lớp ozone gây sốc cho thế giới khoa học, và dẫn đến Công ước Vienna năm 1985 về bảo vệ tầng ozone và Nghị định thư Montreal năm 1987 lần lượt nhiều năm sau đó ở Copenhagen và Cancun trong đó các thành viên đồng ý sửa đổi bổ sung để loại bỏ chất CFC trong sản xuất công nghiệp điện lạnh. Nhờ kết quả của hành động này đã nhanh chóng làm giảm việc tiêu thụ CFC toàn cầu giảm 40 phần trăm trong vòng năm năm và mức độ hóa chất chứa chlorine trong khí quyển đã bắt đầu giảm rõ rệt. Trong khi đó sự tàn phá đáng kể của ozone trong tầng bình lưu ở Nam Cực trong tháng Chín và tháng Mười vẫn tiếp tục.

Aerosol trong bầu khí quyển có thể làm thay đổi khí hậu bằng hai cách quan trọng. Đầu tiên nó sẽ phân tán và hấp thụ tia bức xạ mặt trời và tia hồng ngoại và thứ hai, nó có thể thay đổi tính hóa học và vi sinh vật microphysical các đám mây và có thể vỉnh viễn ở mức độ cao. Tia phóng xạ từ mặt trời xuyên qua bầu khí quyển có thể được hấp thụ và phân tán bởi một số khí trong bầu khí quyển, nhờ đó có thể giữ hơi ấm cho bầu khí quyển. Sự đóng góp của con người về lượng aerosol (được hiểu như lọ khí nén dùng để xịt như thuốc trừ sâu bọ chẳng hạn) trong khí quyển dưới nhiều hình thức. Bụi tiết ra từ nông nghiệp. Việc đốt sinh khối (biomass) tạo ra  sự kết hợp của những giọt hữu cơ và các hạt bồ hóng. Công nghiệp sản xuất hàng loạt các bình xịt aerosol tùy thuộc vào quá trình sản xuất. Ngoài ra khí thải xe từ giao thông vận tải tạo ra một loại hóa chất chứa đầy ô nhiễm tạo nên aerosol hoặc được chuyển biến bằng phản ứng hóa học trong khí quyển để tạo thành các aerosol ngay trong khí quyển. Nồng độ của hạt nhân đọng tụ ở Bắc bán cầu cao hơn ở Nam bán cầu khoảng ba lần.

Hoạt động của con người kể từ cách mạng công nghiệp đã làm tăng số lượng các khí nhà kính trong khí quyển, làm tăng lực bức xạ từ CO2, methane, ozone tầng đối lưu và CFC trong điện lạnh. Nồng độ CO2 và methane đã tăng khoảng 36% và 148% kể từ giữa thập niên 1700. Đốt nhiên liệu hóa thạch tạo ra khoảng 3/4 lượng khí CO2 tăng thêm từ các hoạt động của con người trong vòng 20 năm qua. Hầu hết các đóng góp còn lại là do thay đổi mục đích sử dụng đất đặc biệt là nạn phá rừng. Từ giữa thế kỷ 20 trở về sau nguyên nhân chính khiến nhiệt độ trái đất tăng lên là do sự gia tăng của các khí thải nhà kính (green house gases) từ những sinh hoạt của con người như việc sử dụng khí đốt cơ khí, máy lạnh và nạn phá rừng khai thác. Các khí thải nhà kính và phản ứng nhà kính (green house effects) tự nó không phải là điều đáng lo ngại mà trái lại cần thiết để giữ độ ấm cho tầng khí quyển bao quanh trái đất xem như một nhà kính vĩ đại. Tia phóng xạ từ mặt trời xuyên qua bầu khí quyển có thể được hấp thụ và phân tán bởi một số khí trong bầu khí quyển, nhờ đó có thể giữ hơi ấm cho bầu khí quyển. Nếu như không có phản ứng này thì nhiệt độ trái đất có thể xuống đến 15oC. Những khí thải nhà kính gồm hơi nước, carbon dioxide (CO2), methane (CH4), ozone (O3) và nitrous oxyde (NO2). Tuy nhiên khoảng một trăm năm gần đây những sinh hoạt của con người đã làm cho lượng khí nhà kính này tăng lên. Nói cách khác bầu khí quyển trái đất đã được giữ ấm trên mức cần thiết từ đó dẫn đến những tác hại nghiêm trọng đến môi trường sống của con người cũng như các sinh vật và cây cối.

Những biến đổi khí hậu trong 10 năm gần đây cho thấy diễn biến khí hậu thay đổi theo chiều hướng bất lợi cho con người, diễn biến khí hậu tự nhiên bất thường, như nhiệt độ ngày càng gia tăng và càng khắc nghiệt hơn, lượng mưa cũng thay đổi không bình thường, những biến đổi về thủy văn như mực nước dâng cao 2cm, diễn biến này cho thấy nguy cơ nước biển ngày càng dâng cao, lấn chiếm vào đất liền và ảnh hưởng nghiêm trọng đất canh tác lúa, vật nuôi cây trồng khác, thường sự biến đổi khí hậu tác động mạnh đến nhóm dễ tổn thương thể hiện trầm trọng nhất là trẻ con và người già của nhóm nông dân sống vùng ven biển tại Đồng Bằng Sông Cữu Long. Nói một cách bình dân giản dị thì ảnh hưởng hâm nóng hoàn cầu này như băng Bắc cực tan nhanh hơn mực nước biển tăng nhanh làm ngập nước các vùng thấp như Florida, Đồng Bằng sông Cửu Long, các hòn đảo thấp Thái Bình Dương, thay đổi lượng mưa, hạn hán làm tăng diện tích sa mạc, khí hậu khắc nghiệt và bất thường gây lũ lụt và bão tố, v.v…

Những núi băng và những tảng băng bắc cực như núi Alpes, Alaska, và Montana sẽ dần dần biến mất. Điều này cũng có nghĩa là môi trường sống của động vật Bắc cực sẽ mất đi, gây nguy cơ diệt chủng. Những tảng đá băng tan (glacier) cũng sẽ thải ra nhiều khí methane hấp thụ tia phóng xạ từ mặt trời làm nhiệt độ trái đất tăng lên và băng đá lại tan nhiều hơn. Mực nước biển tăng làm mất dần phần đất thấp trên mặt đất như tiểu bang Louisianna, North Calrolina, Florida, Cà Mau, đảo Tavutu ở phía bắc Úc châu sắp biến mất. Lượng mưa mất cân bằng gây hạn hán, sông ngòi khô cạn ở một số nơi hay làm lũ lụt nhiều hơn ở những nơi khác. Điều này chẳng những ảnh hưởng đến muông thú hoa màu mà có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người. Một vài tiểu bang bị thiếu nước như California, chính phủ kêu gọi người dân tiết kiệm nước. Tại các hồ giữ nước người ta có thể thấy những viễn cặn (bathtub rings) là dấu hiệu của mực nước đang từ từ giảm xuống. trong khi đó những trận giông bão, mưa lũ đánh vào các tiểu bang ven biển như Texas, Louisiana, New York, New Brunswich, Florida, v.vv.. càng ngày càng có cường độ mạnh hơn khiến cho điều kiện sống và sinh tồn của muông thú, cây cỏ và con người tại đây rất khắc nghiệt.

Khí thải methane - Hiện tượng khối băng giá tan thảy ra khí methane tại Bắc Cực có thể đẩy nhanh tốc độ biến đổi khí hậu và gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu. Đây là cảnh báo của một nghiên cứu đăng trên báo Nature ngày 24/7. Nhóm chuyên gia thuộc hai trường đại học Cambridge Anh Quốc và Erasmus của Hà Lan đã sử dụng mô hình kinh tế để tính toán mức độ thiệt hại cụ thể trong trường hợp khối băng vĩnh cửu dưới biển Đông Siberian, vùng biển ở Bắc Băng Dương, tan chảy và giải phóng 50 gigatonne khí methane, với điều kiện nhiệt độ toàn cầu duy trì tốc độ tăng hiện nay. Ngoài ra cây cối thối rửa trong các hồ trở thành chất hữu cơ phân hủy cũng thải ra một lượng khí methane không nhỏ.

Theo nhà nghiên cứu Chris Hope, nếu không có những biện pháp giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng giải phóng khí methane nói trên có thể gây thiệt hại tới 60,000 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu.

Khoảng 80% mức thiệt hại trên sẽ "đổ" lên vai các nước đang phát triển, nơi sẽ phải đối phó với những hình thái thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán cũng như tình trạng sức khỏe cộng đồng suy giảm. Nghiên cứu cảnh báo con số thiệt hại có thể lớn hơn nếu tính đến những yếu tố khác như quá trình acide hóa đại dương, song cũng có thể giảm, nếu các chính phủ kịp thời có hành động đối phó với biến đối khí hậu. Methane trong khí quyển là một hiện tượng gây nên hiệu ứng nhà kính. Ở môi trường áp suất lớn dưới đáy đại dương, methane tạo ra một dạng sàng rắn với nước, được gọi là methane hydrate. Nếu Trái Đất nóng lên đến một nhiệt độ nhất định, toàn bộ lượng methane này có thể một lần nữa bị phóng thoát đột ngột vào khí quyển, khuếch đại hiệu ứng nhà kính lên nhiều lần và làm Trái Đất nóng lên đến mức chưa từng thấy. Theo nghiên cứu, hiện tượng trên, nếu xảy ra, sẽ đẩy thời hạn nhiệt độ trung bình Trái Đất tăng vượt quá ngưỡng 2oC đến sớm hơn, trong khoảng 15-35 năm tới.

Trong các buổi hội họp thượng đỉnh giới khoa học đã cảnh báo mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu cần giữ dưới 2oC để ngăn chặn những tác động nguy hiểm như mất mùa và tan băng.

Ảnh hưởng đến cuộc sống chúng ta

Sức khỏe - các dân tộc sống gần biển bị thiên tai sóng thần ở Fukushima Nhật năm 2010 và trận bão Sandy ào tới cuối tháng 10 năm 2012 miền đông Hoa Kỳ ảnh hưởng quan trọng đến tính trạng sức khỏe. Ở các nước nghèo như  Phi và Á châu sự xuất hiện trở lại của các bệnh do vi khuẩn SARS, H5N5, etc… do ảnh hưởng của hâm nóng địa cầu.

Cung cấp lương thực - Theo tính toán bên Mỹ thì năng suất cây trồng ngô, lúa mì và bông hoa ở vùng thung lũng trung tâm California sẽ giảm đến 30% trong vài thập kỷ nguyên tới. Nguyên nhân được biết là do sự tăng lượng carbon trong không khí, sự sụt giảm số lượng loài ong dẫn đến quá trình thụ phấn bất thành…Ngoài ra sự biến đổi khí hậu cũng sẽ ảnh hưởng đến giá thành chế biến, lưu trữ và vận chuyển lương thực, đẩy giá lương thực tăng cao do tăng nhu cầu về nước và năng lượng.

Khủng hoảng năng lượng -  Từ năm 1970 nhu cầu sưởi ấm toàn cầu giảm trong khi đó nhu cầu làm mát tăng. Nhiệt độ sẽ ngày càng tăng lên trong các thập kỷ tới cộng với sự tăng dân số toàn cầu cũng kéo theo việc sử dụng năng lượng tăng vọt. Điều này góp phần thúc đẩy sự phát triển việc xây dựng các nhà máy điện, điều gây ra sự biến đổi khí hậu. Lượng nước ở vài nơi làm giảm năng suất thủy điện. Do đó khủng hoảng năng lượng có thể trở thành ác mộng.

Phá hỏng cơ sở hạ tầng của các nhà máy điện nguyên tử ở Fukushima, Nhật và New York như trận bão Sandy hồi cuối tháng 10 năm 2012.

Việc cung cấp năng lượng và giá năng lượng sẽ là các yếu tố chi phối kinh tế toàn cầu trong những thập kỷ tới. Các công ty dầu mỏ lớn đã chuẩn bị đầu tư cho các nguồn năng lượng mới, nhiều nước đã đặt mục tiêu năng lượng tái tạo để thay thế phần lớn hoặc hầu hết điện năng vào năm 2050. Có nhiều cơ hội cho các ngành kinh doanh ít carbone như những nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời lớn trên thế giới sẽ được xây dựng. Rất nhiều quốc gia Âu châu và Mỹ đang tiến triển việc dùng năng lượng mặt trời.


Nạn hạn hán - Hiện nay các xứ Phi châu và Trung quốc lâm vào nạn hạn hán nặng nề gây bao thiệt hại cho nông nghiệp. Phi châu thỉnh thoảng nhờ đến kỹ thuật của Hoa Kỳ để làm mưa nhân tạo bằng cách rải chất hóa học iodure d’argent trong tầng mây ở cao độ 10 ngàn feet hay 3.3 km. Chất gas này có tác dụng khi gặp mây sẽ làm nóng lên và mậy động lại thành hạt nước. Phương pháp này có mức độ thành công khoảng 85% giới hạn trong một chu vi nhỏ mà thôi. Nạn hạn hán hoành hành ở nhiều nơi gây nguy hiểm cho việc phát triển nông nghiệp. Theo các nhà khoa học về khí tượng thì nạn hạn hán càng ngày càng trầm trọng hơn gây mất mùa ở nhiều xứ Á châu. Theo thống kê, các thập kỷ gần đây hạn hán có xu hướng gia tăng hơn so với các thập kỷ trước.

Tại Hoa Kỳ con sông Colorado sắp cạn nước cũng như hồ Mead Lake ở bang Arizona cũng sẽ khô cạn trong tương lai. Hồ Mead cung cấp nước cho 22 triệu dân bang Arizona sẽ cạn nước vào năm 2021 theo dự đoán của các nhà khoa học. Có nhiều gia đình ở bang Arizona dùng máy bơm nước từ lake Mead sẽ bị cấm sử dụng để duy trì nguồn nước. Trong khi sông Colorado cung cấp một phần cho cư dân California. Theo các nhà khoa học thì vào năm 2050 thế giới sẽ không còn đủ nước để cung cấp cho mọi người. Dân số sẽ tăng lên 9 tỉ người tức thêm 2 tỷ người cần thực phẩm và nước uống. Thiếu nước là một đe dọa lớn cho dân Trung Đông như Ba Tư, Do Thái, v.v…Trong khi Canada với nhiều hồ nước có nguồn dự trữ nước ngọt tương đương 20% lượng nước ngọt của thế giới. Trong tương lai nếu có một thế chiến giữa các quốc gia sẽ không phải vì lý do tranh chấp về dầu hỏa hay đất đai mà là vì nước uống.

Lụt lội - Theo Thời Báo Canada ngày 24-08-2013 phúc trình rằng một nghiên cứu bởi các chuyên gia của Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) ngày 18/08/2013 báo động rằng năm 2050 thì 136 thành phố ven biển lớn trên thế giới có thể bị thiệt hại tới 1 nghìn tỷ đô la Mỹ bởi lũ lụt nếu không có các biện pháp đối phó thực tiển. Sài gòn, Thiên Tân (China), New York và Miami bị xếp vào nhóm thiệt hại với con số 1.9 tỷ đô la. Theo họ thì các thành phố giàu có nhiều khả năng đối phó với lũ lụt hơn những thành phố nghèo luôn bị thiên tai tàn phá. Thí dụ thành phố Amsterdam Hà Lan là một thành phố ven biển giàu có và nổi tiếng với các biện pháp phòng chống nước biển hiệu quả song vẫn mất đi 3 triệu đô mỗi năm vì nạn lũ lụt. Chuyên gia kinh tế Hallegate cho biết 136 thành phố cần đầu tư hằng năm 50 tỷ đô la để cải thiện các biện pháp phòng chống lũ lụt nhằm giảm thiệt hại hằng năm xuống còn từ 60 đến 63 tỷ đô la. Trên đây chỉ là những số liệu nghiên cứu về nguy cơ do lũ lụt cho những thành phố ven biển. Tuy nhiên lũ lụt nặng nề đã và vẫn xảy ra khắp nơi trên thế giới thường xuyên hơn dữ dội hơn không hạn chế cho các thành phố duyên hải. Đầu hè năm 2013 người ta đã chứng kiến sức tàn phá ghê gớm bởi những trận lũ lụt đổ xuống khắp vùng đông và nam Âu suốt nhiều tuần. Đâu đó bên Trung quốc, Philippine, Bangladesh hay Pakistan và Nga những trận lũ lụt liên tiếp hoành hành cướp đi sinh mạng và cuộc sống hàng nghìn người. Theo tiên đoán của họ về mực nước biển dâng cao sẽ thì 5 thành phố lớn sẽ chịu thiệt hại nặng nhất về dân chúng là Sài gòn, Quảng châu, Dhaka, Mumbay và Calcutta và năm thành phố thiệt hại về tài sản là New York, Miami, Thượng Hải, Dhaka, và Calcutta.

Biện pháp tạm thời…

Đây là vấn đề nhân loại đã nhận thấy và tìm hướng giải quyết cách đây vài chục năm. Nhưng đến nay những biện pháp mà nhân loại đưa ra để giải quyết vấn đề nói trên vẫn chưa đem lại kết quả, mặc dầu có hẳn một nghị định thư được thông qua với sự tham gia của nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có những nước đóng vai trò quan trọng trong việc làm cho khí hậu toàn cầu nóng lên. Một khi mà các nước lớn do những quyền lợi về kinh tế của mình mà không thực hiện theo đúng những gì mà Nghị định thư Kyoto, Copenhagen đã đề ra là cắt giảm phần lớn lượng khí gây hiệu ứng nhà kính, thì các nước đang phát triển- những nước đang và sẽ đóng góp vào quá trình làm nóng lên của khí hậu toàn cầu vì những yêu cầu phát triển cũng như phải đuổi kịp sự phát triển chung thế giới ( phát triển ở đây gần như là phát triển không bền vững) mà gần như phớt lờ đi những gì mà nhân loại cho rằng vấn đề cấp bách. Như vậy, nếu ngay từ bây giờ con người không có những giải pháp và nhưng kế hoạch mang tính thực tế và nghiêm khắc hơn thì vấn đề được nêu ra ở trên khó mà giải quyết được.

Tình trạng địa cầu hâm nóng đang và sẽ tiếp tục diễn ra, tuy nhiên sự ảnh hưởng của nó khó có thể nhìn thấy cụ thể trong một thời gian ngắn. Mặc dù mọi quốc gia trên thế giới đang nỗ lực tìm phương cách đối phó với tình trạng này nhưng tình trạng có thể được cải thiện hay không đều phụ thuộc vào ý thức mỗi cá nhân, đặc biệt là các nhà lãnh đạo quốc gia cũng như chủ nhân các tập đoàn đại công ty khí đốt và cho ra lượng thải khí đốt cao.

Cuộc khảo sát năm 2007–2008 của Gallup Poll đối với 127 quốc gia. Hơn 1/3 dân số thế giới đã không ý thức được hiện tượng ấm lên toàn cầu, đối với các nước đang phát triển thì mức độ nhận thức thấp hơn các nước phát triển, và châu Phi là ở mức thấp nhất. Về vấn đề nhận thức, các nước dẫn đầu ở châu Mỹ Latin tin rằng sự biến đổi nhiệt độ là hậu quả do các hoạt động của con người trong khi châu Phi, các vùng của châu Á và Trung Đông, và một vài quốc gia thuộc Liên Xô thì không cho là vậy. Ở phương Tây, các quan điểm về khái niệm và phản ứng cũng có 2 luồng khác nhau. Nick Pidgeon thuộc Cardiff  University nhận thấy rằng "các kết quả cho thấy có những giai đoạn khác nhau về hiện tượng ấm lên toàn cầu ở hai bờ Đại Tây Dương ". Ở châu Âu tranh luận về các phản ứng của môi trường là thích hợp còn Hoa Kỳ tranh luận rằng liệu biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục diễn ra hay không…Các cuộc tranh luận cân nhắc đến lợi ích của việc giới hạn phát thải khí nhà kính công nghiệp so với chi phí thiệt hại mà các biến đổi này có thể gây ra. Sử dụng ưu đãi kinh tế, năng lượng thay thế và tái đạo đã được đặt ra để giảm lượng phát thải trong khi xây dựng cơ sở hạ tầng. Các tổ chức thương mại như Competitive Enterprise Institute, các nhà bình luận bảo thủ, và các công ty như ExxonMobil dựa trên các kịch bản biến đổi khí hậu của IPCC, đã tài trợ cho các nhà khoa học không đồng tình với quan điểm khoa học, và cấp chi phí cho các dự án riêng của họ nhằm kiểm soát chặt chẻ hơn. Một số công ty nhiên liệu hóa thạch đã cố gắng giảm quy mô sản xuất trong những năm gần đây, hoặc kêu gọi áp dụng các chính sách giảm hiện tượng ấm lên toàn cầu. Một số nghiên cứu còn liên hệ gia tăng dân số với lượng phát thải và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. HTHNĐC xảy ra ngoài ý muốn chúng ta. Những bất thường về mưa, chế độ mưa, bão rất khó chống lại, mà chỉ có thể ngĩ đến phương án giảm thiểu mà thôi.

Kết luận - Cụ thể, muốn chống lại HTHNĐC phải đi từ việc giảm phát thải khí nhà kính, vận động trên toàn cầu về phát triển công nghiệp nhưng không gây hại môi trường, nhưng điều này đòi hỏi thời gian dài và nhiệt tâm của các doanh nghiệp lớn, ngay cả chính phủ các quốc gia mà mỗi cá nhân là một thành phần trong đó.

Một số điều căn bản mà mỗi cá nhân có thể làm để góp phần nhỏ của mình trong cuộc sống hằng ngày là việc dùng vật liệu tái chế (recycled material), tiết kiệm nước, săng cộ, chọn mua xe hybrid hay electric, check up thường xuyên hệ thống điện lạnh trong nhà, dùng bóng đèn high efficiency… Khi ra đường hay tắm nắng chịu khó đội mủ, bôi kem để bảo vệ da.

Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á với hơn 3 000 km bờ biển và hơn 3 000 đảo lớn nhỏ. Khí hậu Việt Nam chịu ảnh hưởng của gió mùa nhiệt đới nóng và ẩm, là một trong những nước chịu nhiều thiên tai nhất thế giới. Những vùng kinh tế trọng yếu nằm ở đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long lại là những vùng chịu ảnh hưởng nhiều nhất của các thiên tai về nước.

Những thiệt hại do thiên tai gây nên cho nhân loại trong tương lai sẽ vẫn tiếp tục. Tất cả hậu quả đó đều do con người gây ra. Có điều là chúng ta không đoán được hậu quả của thiên tai ấy ra thế nào và vào năm nào mà thôi. Tất cả chúng ta sẽ có dịp chứng kiến các tai hại do thiên tai xảy ra mà chỉ biết nhìn đau sót và lắc đầu tội nghiệp cho họ. Trong số các nạn nhân đó biết đâu họ là những người thân của mình…

Nguyễn Hồng Phúc – sưu tầm & nghiên cứu


Tham khảo:
1.     http://www.ipcc-wg2.gov/publications/SAR/SAR_Chapter%209.pdf
2.    http://www.wmo.int/pages/themes/climate/main_climate_change.php
3.    National Geographic – September 2013 – Rising Seas by Tim Folger

4.    National Geographic – September 2004 – Global Warning by Daniel Glick

 
ĐỒNG HƯƠNG © 2012 - Xây dựng bởi Blog Thiết Kế – Hỗ trợ bởi Người Áo Lam - Giao diện Rumah Dijual