Nhìn hoa ‘xuyên băng’ lá xanh bông trắng như
tuyết khoe mình trong bầu trời khô lạnh, tulipes, violettes rợp màu che đất trơ
cuối Đông, hoa sơn trà nở rộ, mai vàng rực cả góc vườn báo hiệu Xuân sang, tôi
chạnh nhớ đến quê hương mình chỉ có hai mùa mưa nắng. Thế mà quanh năm hoa vẫn
tô điểm đất trời, mỗi loại mỗi vẻ mỗi màu mỗi thứ hương riêng, duy nhất.
Như xã hội phân chia nhiều giai cấp, hoa còn được
nguời đời ví như thân phận nữ nhi nên khi thì thuộc thành phần vương giả cao
sang đài các, thanh tao trí thức, trưởng giả, khi hàn vi, mộc mạc, sơn cước hay
ở bậc thang cuối, hạng bần cùng ‘les Intouchables’, ‘les parias’ của xã hội Ấn
độ thời xưa mà tiêu biểu nhất là hoa bãn hạ hay hoa cứt lợn.
Dạ lý hương
Bông mắc cở còn gọi là hoa trinh nữ, dáng bông
phấn nhỏ màu tim tím vấn vương, lá xếp lại mỗi lần có gì chạm đến. Bông cỏ may không gai nhưng lao động tốt, ghim chặt áo quần bằng những
hạt nhỏ, to bằng nửa hột gạo bể và thường gây ngứa ngáy cho khách vô tình yêu
hoa. Anh hùng nhất là hoa hướng dương luôn quay mặt về phía mặt trời khớng chớp
mắt, không cần kem chống nắng, vẫn không bị mù lòa, quáng gà hoặc bệnh ung thư
da.
Thi
sĩ Pháp Ronsard thế kỷ thứ 16 cũng đã than dùm cuộc đời ngắn ngủi của hoa hồng,
‘’hồng nhan bạc mệnh’’ :
‘Et rose, elle a vécu ce que vivent les roses,
L’espace d’un matin.’
( Và hoa hồng, hoa cũng sống như loài hồng, khoảng thời gian buổi sáng.)
Mai, lan, cúc thuộc hàng tứ quí, hoa sen ‘gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi
bùn’..
Nồng
độ thơm cũng du di lên xuống bao nhiêu bậc, từ thoang thoảng, thơm ngát đến nặc
nồng. Màu sắc thay đổi biến thiên, hình dáng muôn hình
vạn trạng. Mỗi hoa mỗi vẽ, thường nở ban ngày buổi sáng hơn ban đêm.
Người phương Đông cũng như Tây đều ca tụng hoa
nên có bao huyền thoại, chuyện tình thơ mộng, sự tích đau thương, hào
hùng,...quanh hoa. Tuy nhiên kỷ thuật trồng, cắt, ghép, uốn, tỉa tùy thuộc mỹ
thuật, nhân sinh quan riêng. Nhật chẳng hạn nỗi tiếng về bonsai, Trung hoa,
Việtnam về cây cảnh giả sơn, hòn non bộ. Cách thưởng lãm cũng khác nhau. Á đông
ta thường tìm thi hứng, hồn thơ xuyên qua hương sắc của hoa, đó còn là dịp gặp
gở bạn bè họp nhau quây quần bên chun trà nóng, chén rượu nồng nhâm nhi thỏi
mứt gừng, hạt sen vịnh thơ ngâm nga xướng họa.
Qua những khúc phim tài liệu đầy màu sắc, sống
động, thật công phu đề cập đến việc gieo hạt lên mầm đâm chồi nở lộc, cành lá
trổ hoa, ta có dịp thưởng thức diệu kỳ của Hóa công, qua quá trình phát triển
tuyệt vời của hoa. Tuy nhiên muốn nhìn được tận mắt hiện tượng đó bằng ‘xác
trần mắt thịt’, thật không dễ đâu, phải cần bao nhẫn nại, tốn bao công phu. Tỉa
một giò thủy tiên, tước lá mai cho đúng lúc để hoa kịp nở vào Xuân đã là kỳ
công rồi huống hồ nhìn xem cảnh từ nụ nở ra bông. Thế mà người Việt ta đã tìm
ra được kỳ thú ấy đặc biệt ở một loài hoa thơm, chỉ nở về đêm và duy nhất một
đêm thôi, Quỳnh hoa.
Cây hoa quỳnh, hình dáng không cao ráo thanh thoát như ngọc lan, hoa
công chúa, thân không to nhiều cành sum suê như nguyệt quí, không thành bụi cụm
như dạ lý hương hay hoa lài.
Hoa ngọc lan – Hoa
sứ tây
Hoa hoàng lan – Hoa công chúa
|
Hoa
nguyệt quới ( quý )
Dạ lý hương
Hoa xương rồng
Từa tựa thanh long, xương rồng, cao vừa tầm nhìn, cành nhánh mảnh khảnh
khẳng khiu hơn, đong đưa như mảnh xương gảy, lá răng cưa to không đều đặn như
hàm răng khểnh có duyên, dèm dẹp không tròn trĩnh gợi cảm, đẫy đà như thân hình
cô gái đang xuân, càng không vũ trang như hoa hồng, tượng trưng cho tình
yêu :
‘’Hồng nào mà chẳng có gai,
‘’Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng.’’
Giai thoại về sự tích hoa quỳnh cũng lâm ly bi
thiết thần thoại phù hợp với cấu trúc ẻo lả đầy vẽ cô đơn của hoa. Ngày xửa
ngày xưa vì không chịu kết hôn với Võ Hầu kiêu căng theo lệnh vua cha nên công
chúa Quỳnh Hoa bị đày vào rừng sâu. Chết đi hóa thành hoa. Thế mà một ngày kia
khi Võ Hầu nhìn thấy hoa đẹp vừa tầm tay định hái, hoa héo tàn ngay trong
khoảnh khắc. Từ độ ấy hoa chỉ khoe hương sắc vào đêm khuya khoắc mà thôi. Do
đó, muốn thưỏng lảm hoa, phải đoán đúng lúc ngày hoa nở vì hoa chỉ nở có một
lần, đêm nở sáng tàn, khác hẵn với dạ lý hương cũng nở về đêm nhưng chưa tàn vội.
Đây thuộc loài hoa vương trưởng giả nên cần
‘’nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa’’. Vì thế, ngày xưa chỉ có người giàu
sang quyền quí nhàn hạ, các nhà yêu thơ mới có ngẩu hứng vịnh hoa ngâm thơ
xướng họa mà Hội Tao đàn Gò công trước kia là một.
Hoa mọc ở ngách lá, cuống dài, dáng to như sen
súng. Tai hoa úp lại như búp măng. Cánh hoa hồng nhạt ở gần cuống, trắng dần
lên phía trên. Nhụy vàng cọng trắng. Hoa chỉ nở về khuya và mỗi lần ‘’khai hoa
nở nhụy’’, cành lá rung chuyển như người đàn bà trong thời kỳ đớn đau hay hạnh
phúc ? Một mùi hương dịu ngát tỏa ra ru hồn khách thưởng hoa vào mộng.
Nhụy vàng mở rộng rướn cao, tai hoa từ từ xòe ra giương cánh.
Trước kia chưa sử dụng điện, các cụ chỉ dùng đèn
cầy, đèn dầu hay đèn manchon. Giữa khung cảnh tranh sáng tranh tối huyền ảo ấy,
cành hoa bắt đầu nhè nhẹ lay động, in hắt bóng trên tường rọi to lên như khúc
phim trắng đen hoạt họa. Bao cặp mắt háo hức đổ dồn chăm chú nhìn hoa, tim hồi
họp ngập ngừng chờ đợi, hơi thở hỗn hển phập phồng, thời gian tạm dừng trôi,
nghiêm trang tựa tượng đá, thần trí lâng lâng phiêu diêu thoát tục.
Thật sự không một ai thấy hoa trăn trở để nở lúc
nào, thế mà, như vừa tỉnh giấc sau cơn mơ kỳ thú, kia rồi hoa đang dịu dàng nhẹ
nhàng khoe sắc thắm, toả hương thơm ngào ngạt đưa hồn ta trở về thực tại lúc nào không hay. Nở to, hoa
hiên ngang ngẫng đầu cao từ ngách lá, lung linh trong ánh sáng mờ mờ ảo ảo liêu
trai tựa hồ chiếc thuyền ghe đang lướt sóng. Cành hoa rung rung nhấp nhô như
đang dạo nhạc, cánh hoa cong cong thay phong ba sóng lượn, nhụy vàng bật thẳng
không khác hàng lính dàn chào làm ta liên tưởng đến những cuộc đua thuyền sôi
nổi hay đám cưới vương giả huy hoàng của nàng Sissi nước Áo.
Tôi còn
nhớ có lần ba tôi hảnh diện sung sướng trỏ vào nhụy hoa cao nhất mà bảo với một
tấm lòng biết ơn, tôn sùng thích thú :’’Đây là Đức Hưng đạo vương Trần
Quốc Tuấn đang đứng đầu thuyền chỉ huy, khiêu chiến Nguyên Mông’’. Nhìn
tai hoa như tấm thảm nước quanh thuyền, cậu tôi lại nhắc sử :’’ Thuyền nầy
là của vua Nguyễn Ánh bị Tây sơn rượt nà trong bảo táp, nhờ cá ông cứu tử nên
lập đền thờ Cá ông ở Vàm láng Gò công, một trong những địa điêm khác ’’.
Trong khung cảnh êm đềm nầy, mộng và thực như
hòa điệu làm ta liên tưởng đến’’Con thuyền không bến’’ với chiếc ‘Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng, như nhớ
thương ai chùng tơ lòng. Lướt theo chiều gió, một con thuyền theo trăng trong,
trôi trên sông Thương nước chảy đôi dòng...’’
Riêng các ông trong Hội Tao đàn Gò công Lê Quang
Liêm,Trần văn Quảng, Nguyễn Duy Dương, Lê Bằng Ý, Dương văn Lời, Phạm đăng Thà,
Đào Bá Nhẫn, Nguyễn văn Thắng, Nguyễn Huỳnh Mai, ... hồn thơ cũng được thiên
nhiên thôi thúc, nhờ kinh nghiệm đoán đúng ngày hoa nở, các ông họp nhau lại
ngồi quanh chậu cây bông Quỳnh, thưởng thức trà bánh làm thơ.
Cụ nầy xướng lên một câu là cụ khác họa lại một
câu, một cuộc thư hùng ngân nga lên xuống choảng nhau từng vần, từng chữ, từng
câu. Hoặc giả đó là tiếng thanh gươm đoản kiếm chạm nhau trước người đẹp tên
Quỳnh đang run rẩy hay cảnh đấu phép trong tuồng hát bội hô giáng hô thâu. Cuộc
tranh luận trắc bằng sôi sục trang trọng trong đêm thanh vắng như đàn tằm đang
nhả tơ vàng thành sợi giăng mắt võng tình người, ca tụng kỳ công của Tạo hóa vô
cùng.
Tuy nhiên hoa chỉ đẹp về đêm, sau đó cũng tàn
trong đêm. Lúc đến như lúc chia tay vĩnh biệt, hoa vẫn âm thầm thanh khiết như
tiên nữ giáng trần nhẹ gót thảnh thơi. Hoa cũng ung dung khoan thai vén gọn tà
áo cánh từ từ khép kín, hương bay đi như hồn lìa khõi xác, nặng quằn dịu dàng
rũ xuống như chiếc áo ai treo trên giá lạnh buồn tênh.
Vốn thuộc âm, ban ngày nhìn cây quỳnh thật không
có nét gì duyên dáng, bắt mắt, phiến lá lỏng khỏng, chơi vơi, khô khan như
chiếc gạc sơn dương. Hôm trước sướng vui
tìm thấy nụ hoa to chớm nở thì sáng hôm sau lại héo tàn rồi. Vì thế ít ai thích
trồng. Vã lại dân ta phần đông sống về nông nghiệp thường ngủ sớm thức sớm cần
thiết cho công tác đồng áng chăn nuôi. Do đó thú thưởng vịnh hoa thường dành
riêng cho giới trí thức phong lưu. Củng có thể vì trồng nhọc công mà khó được
hưởng nên hoa quỳnh ít được người biết đến và không được phổ biến, kỷ nghệ hóa
như các loại hoa khác nở ban ngày.
Hơn thế nữa, tính cách ’hoa một đêm’ kỳ bí làm
cho ta liên tưởng đến chuyện thần thoại nàng Lọ Lem chỉ trở thành người đẹp một
đêm thôi. Cách giữ tiết sạch giá trong gợi đến hình ảnh của các nữ tu thánh
thiện nói chung và dòng kín Carmélites nói riêng. Ngược lại, bao chuyện dị đoan
xoay quanh huyền thoại quỳnh hoa. Người cho là trồng được hoa quỳnh là phát tài
phú quí, người e rằng âm thịnh dương suy, chia ly, cô quả...
Ngày nay, kỷ
nghệ trồng hoa đã chiếm hàng nghệ thuật cao. Quan niệm tin cũng đổi khác. Chỉ
có hoa đẹp và bao loại còn có tên riêng, đặc biệt tên của các bậc nổi danh hay
hoàng tộc. Ý nghĩa tượng trưng của hoa được chú ý nhiều hơn. Ngay cả Việt nam
ta cũng tùy theo hình dáng hoa mà đặt không cử tên chẳng hạn hoa tim vỡ, trinh
nữ, sầu đông...Riêng hoa quỳnh càng ngày càng được người Việt ta yêu thích vì
với phương tiện dồi dào và kỷ thuật canh tác tiến bộ hiện đại, ai cũng có thể
khai thác hoa không phân biệt giới nào.
Vẫn biết hoa quỳnh không phải là hoa đẹp nhất
cũng không chỉ có một mình hoa mới nở về đêm. Tuy nhiên điểm hay ở đây là hoa
đã gợi cho ta bao điều kỳ diệu, mộng mơ huyền ảo, thanh tao có một không hai.
Riêng tôi, hồi còn nhỏ, chưa biết yêu hoa vì hoa thơm hoa đẹp mà mê nhất là xác
hoa tàn lăn bột chiên dòn.
Xin thành
thật cảm phục người xưa đã tìm được một loài hoa quí, độc đáo duy nhất xứng
đáng là ‘nhất dạ chi hoa’, cùng với thú giải trí, tiêu khiển, nghệ thuật yêu
thích, thưởng hoa vô cùng thanh lịch đưa con người hòa đồng với người và nhập
thể với tạo vật thiên nhiên.
Cô Trần
Thành Mỹ