‘Niềm vui khó mua bằng tiền’ có người nói với tôi như
thế, mặc dù ‘ hơi nhè nhẹ’ vì chắc là ‘ chưa đủ đô’ nên nói hơi thỏ thẻ.
Những năm 2006, có dịp
xem qua quyển Gia phả Hoàng Gia Bỉ, chỉ nhìn cái bìa của nó, cũng nhận thấy giá
trị của quyển gia phả này, tôi mơ ước làm cho dòng họ mình, nhưng là điều khó
thực hiện bởi cả một dòng họ mình, rồi tôi nghĩ chỉ đến gia đình mình, nhưng nhỏ
quá không thể chứa nó hết vào. Khi tôi bắt đầu nghĩ xa hơn là Hoàng Diệu hơn 50
năm thành lập vậy mà?!, vì ngày xưa không như ngày nay, các trường học đều có Kỷ
Yếu của mình, hồ sơ tất cả Thầy Cô học sinh trong ấy hàng năm… nhưng Hoàng Diệu
những thế hệ qua đều chưa thấy trên bất cứ nơi đâu ngoài báo tường hay vài đặc
san chỉ một số người không thể chứa hết tất cả mọi người, điều này không dễ
dàng, tuy nhiên, với sự bắt đầu thì sẽ có kế tiếp dù không là người này thì người
khác sẽ tiếp tục nó. Đó là ước muốn của tất cả ai có tâm huyết này, nói thì dễ
hơn làm.
Tất bật chạy theo
‘kim tiền’ lẽ thường tình đối với giới trẻ, còn ngược lại, cũng có nhiều người
‘khá bận rộn’ mặc dù tuổi chẳng trẻ trung gì. Việc có ích cho ai đó là một niềm
vui cho chính mình, mọi việc rồi lại được ‘bù đắp’ nếu ta không ‘quá tính
toán’, làm với ‘tâm thật’ chắc chắn rằng mọi việc sẽ có sự giúp đỡ xung quanh
mình, một bàn tay vô hình nâng đỡ. Chẳng biết nó đúng không? Nhưng điều chắc chắn
là ‘niềm vui’, mỗi ngày làm cho ‘ ba người cười’ là ta thành công, nhưng hôm
nay chắc chắn rằng có hơn ba trăm người sẽ vui cười, vui vì nó đã đến với gia
đình mình. Cầm quyển Kỷ Yếu nhưng với những giọt nước mắt vui mừng, vui vì nó
trở thành hiện thực, ‘thời gian quí báu’ rồi cũng được bù đắp. Sự giúp đỡ của mọi
người lớn lắm, đến nỗi khó tả bằng bút mực, ngày chị Ánh gửi tôi hình bìa của Kỷ
Yếu, có vui có buồn lẫn lộn, nhưng niềm vui lấn áp đi nỗi buồn, buồn vì nhiều
việc xảy ra xung quanh tưởng chừng như bỏ lỡ giữa chừng vì mệt mỏi.
Một cú điện thoại đầu
tiên gọi đến ‘ sao em không nói để anh
giúp cùng em?’. Cú thứ hai ‘ em ơi chị
muốn giúp em thì làm sao chuyển tiền?’, cú thứ ba ‘ thiệt tình em làm gì chị hỗng hiểu?’ rồi lại cú thư tư ‘ em làm gì vậy?’, cú thứ năm ‘ thầy nhận được rồi thầy vui quá em ơi’
vv và vv…, những lời lẽ này là những ‘niềm vui’ chắc chắn rằng ‘không thể đong đếm được’.
Rồi ngày mai, sau mười năm lật lại trang Kỷ Yếu, nó vẫn
là những bút tích này, hình ảnh này khó mà tìm được, có mua bao nhiêu cũng
không có. Rồi hai mươi năm, ba mươi năm nó vẫn ở đấy ở một góc nho nhỏ khiêm tốn
trong tủ sách của con cháu mình, một ngày chúng mang ra khoe cùng bạn bè chúng
‘ đây là ba má tôi, ông nội, ngoại tôi ngày xưa mấy chục năm rồi’. Nhưng họ đã
làm được, trên cao nhìn xuống ta vui và hãnh diện rằng, trước đây sao mình làm
được?! rồi ngày nay cháu chít mình xem được mà nó vui, mình cũng vui lắm. Cái
quí báu dù có xa xôi diệu vợi, nhưng là một ‘tâm huyết’ và số đông người sẽ ủng
hộ, điều này là chắc chắn, nên làm gì với 'tâm thiện' thì cái thiện đó tự nó
bay xa và vang mãi cho con cháu.
Có bàn tay giúp đỡ nhưng thầm lặng có lòng mà không muốn
phô trương, tâm này còn ẩn và tốt hơn hết. Nhưng niềm vui đến thì chị vui và
vui hơn ai hết. Đó là chị Phượng, chị thấy tôi vất vả và nói
‘ Em à, nghe Cô nói em làm Kỷ Yếu’,
‘ Dạ, em đang sắp xếp hình ảnh và chờ bài vở gửi về và
chuyển đi’
‘Em cần chị giúp không?’ chị tiếp
‘Dạ, nếu chị có lòng cho quyển Kỷ Yếu thì em sẽ cùng
chị làm, vì chuyện này em làm được không sao, lãi thì em giúp cho nhóm còn lỗ thì em chịu, thôi tự mình làm
thì hay hơn là réo gọi’. Tôi tiếp
‘ Em ráng làm cho huề vốn nhe em’ chị nói
‘ Em không biết em đã làm dự trù rồi chắc huề vốn thôi
có thể lỗ nhưng điều cốt lõi là
em đã dám làm, dù nó nhỏ nhưng từ bàn tay và tâm huyết em làm, thì sẽ thành
công thôi’ tôi tiếp
‘ Ừ, em cần gì cứ nói chị sẵn lòng’ chị đáp trả tôi
Tôi cảm thấy tấm lòng là chủ yếu chứ không phải là ‘
tiền bạc’ vì nó quí báu, nó nhỏ so với những gì người khác có thể làm được một
cách phung phí cho những chuyện xa hoa, nhưng nhìn lại thì ‘tâm huyết’ mình được
một người ủng hộ, là niềm vui bất tận, là động lực cho tôi tiếp tục tưởng chừng
bỏ lỡ do mệt mỏi và nhiều áp lực.
Rồi công việc cứ thế mà tiếp tục, công việc và thời
gian dành cho nó, hễ nhớ là phải email réo gọi những ‘ tinh hoa’ viết bài gửi
bài, nhắc hoài và nhắc hoài, người xung phong đầu tiên là chị Minh Giang, chị Tố
Kim vv và vv. Nói chung là viết hoài mà có người hỏi tôi rằng ‘ em định làm
gì?’ mặc dù thông báo ra gần nửa năm. Cũng vui vì có ai đó chẳng quan tâm nó là
gì, và chỉ nghĩ đơn thuần là những quyển báo hàng ngày hay hàng tháng rồi hàng
năm, tôi cứ lặp đi lặp lại cái điệp khúc ‘ Dạ em làm Kỷ Yếu chỉ một lần và chắc
duy nhất một mà thôi’. ‘Vì em hỗng có sức để làm, một mình một chợ mà chị’. ‘
Chị sẽ tranh thủ viết bài cho em, chị bận quá’ nói chung những câu nói như thế
là thường ngày, vì còn trẻ mà không ‘bận rộn’ chắc có vấn đề.
Rồi lại nhắc nhở có người hăng hái viết gửi về, cũng
có người thì không đáp trả, hoặc chị bận quá vv và vv. Và gửi bài đến, rồi lại
giận không muốn tiếp tục hợp tác, buồn nhưng làm sao biết được người ta nghĩ gì
đánh giá gì về nó. Thôi đành chịu đó là quyết định đơn phương rút bài, mình đâu
biết làm gì chỉ tiếc rằng nếu có quyển thứ hai?!
Khi nhận bài hàng đêm phải làm việc với cô Bé, tất cả
các bài đều rất tốt duy chỉ có ba bài cần chỉnh sửa, rồi chuyển đi hàng đêm cho
anh Ân xong, vì anh chịu trách nhiệm thiết kế mọi bề. Và anh thay đổi một số
hình ảnh trên website do anh nói nó không đẹp, hy vọng rằng mọi người yêu quí
hình ảnh của mình mặc dù có thể nhìn ‘không đẹp’. Sau khi gần kết thúc thì đã lỡ
dịp Họp Mặt Hoàng Diệu Nam Cali vì nó không được trình làng đúng dịp tốt, điều
đáng buồn mặc dù có tính trước, nhưng ‘người
tính không bằng trời tính’, ‘ trăm sự tại nhân thành sự tại ta’. Bài vở tưởng
sẽ được có mặt trên quyển Kỷ Yếu vậy mà nó phải rơi rớt lại do hạn chế trang vở,
mong mọi người thông cảm nhất là các tác giả với sự sai sót trong in ấn.
Tự làm chắc chắn phải mất rất nhiều thời gian vào nó,
còn thuê mướn tại Việt Nam thì không khó chỉ trong tích tắc mọi chuyện nhanh chóng hoàn thành, vì
không phải tự tay mình làm mà từ những người khác, rồi mình khách quan phê bình
rất dễ dàng, tâm huyết tự tay mình làm chắc chưa có. Khi hỏi vấn để chuyển sang
hải ngoại và giấy phép, thì ai cũng sợ và tránh né, vì không biết nội dung bên
trong sẽ ra sao?. Sau khi chuyển sang Mỹ in ấn, thì tại Việt Nam có cho biết rằng
không có vấn đề, mọi việc rồi cũng xong, khi xong thì mới nói thì cũng bằng thừa.
Phải liên hệ anh Vân Nguyễn Nam Cali để cứu bồ cho việc
ủng hộ này, anh rất sẵn lòng mặc dù chẳng rãnh rang gì. Anh và Anh Tâm Quách
cũng thế, cũng muốn lúc nào cũng quảng cáo và ủng hộ giúp đỡ cho quyển Kỷ Yếu đến
mọi người anh cũng có lòng muốn giúp cho tôi về mọi việc động viên và ủng hộ là
điều quí giá. Rồi anh Khánh lại làm tôi bất ngờ với ngòi bút của mình, điều tôi
chưa bao giờ nghĩ đến, rồi anh Phong lại ủng hộ bằng lời nói chân thật và quảng
cáo cho giá của quyển Kỷ Yếu lên đến 100 usd, mừng lắm vì giá trị của nó. Nó đã
được nâng niu trong từng giây từng phút từ những nơi xa xôi nhất.
Tâm huyết bỏ vào nó như một tâm tình, nó quí giá hơn bất
cứ điều gì và không thể mua được. Nếu ai là chuyên nghiệp ngành in ấn chắc chắn
cho rằng đây là công việc ‘kiếm cơm’ không gì khó khăn. Đối với tôi đây không
là công việc của mình, chỉ mong ước ai cũng có mặt, mặc dù có những người chẳng
muốn mình có mặt trong một quyển Kỷ Yếu quí báu này.
Cám ơn tất cả mọi người dù xa gần nhưng là tình ‘ đồng
môn, đồng hương, thầy trò’ cố gắng chấp nhận nó’ nâng niu’ nó như một món quà mặc dù còn
thiếu sót, mà chắc chắn rằng tương lai ai đó sẽ tiếp tục tốt hơn hay hơn, là niềm
hãnh diện chung cho mỗi chúng ta. Chúng ta sẽ hãnh diện ngày nó tốt đẹp hơn tiếng
bay xa hơn và hy vọng nó sẽ được tái bản nếu có sự ủng hộ từ mọi người. Lần kế
tiếp nếu có sẽ tốt hơn hoàn hảo hơn. Điều này vẫn là dấu chấm hỏi?.
Những giọt nước mắt rơi, vì quá nhiều áp lực hoàn
thành, ngày tôi cầm quyển KỶ YẾU cũng là ngày chậm nhất so với mọi nơi 01 mars
2013, mình tạo ra nó nhưng nhìn nó sau cùng, nhưng là niềm hạnh phúc, hạnh phúc
không thể mua bằng tiền. Vì có ai đó nói lên điều này nhưng thực hiện nó sao
khó khăn quá, mang
niềm vui cho ai, đó là điều khó làm.
Cám ơn tất cả Thầy Cô dù ở tuổi cao nhưng vẫn vui vẻ
đón nhận và ủng hộ cho nhóm, hy vọng rằng nhóm sẽ làm được nhiều điều thiết thực hơn
cho CHS Hoàng Diệu khắp nơi, dù có mình hay không điều này không quan trọng, vì
không mình thì người khác cũng làm, điều chủ yếu là niềm vui và sự ủng hộ của số
đông người, theo tôi đó là một ‘thành công’.
Cứ cho đi rồi sẽ nhận lại
Món quà này không giá trị gì với người này, nhưng là vô
giá với người kia
Snowynguyen 2013