- CẦU : cũng như chợ, chúng ta thừa hiểu cầu là gì. Cầu có chiếc to, nhỏ, dài
ngắn... bằng gỗ hay kim loại hoặc đúc bằng xi măng. Mỗi cây cầu to thường mang
dấu ấn lịch sử, thí dụ như Cầu Hiền Lương ngang sông Bến Hải, là nơi chia cắt
đôi bờ nam bắc suốt 20 năm... Ngày nay, khắp bắc, trung, nam đều xuất hiện
những chiếc cầu treo” thế kỷ” như Cầu Thăng Long, Đà Rằng, Mỹ Thuận, Rạch Miễu,
Cần Thơ... Nhưng mà, riêng tại miền Nam, từ xa xưa, cây cầu gợi nhớ hình ảnh
quê nhà phải là cây cầu khỉ bằng tre, bằng ván lắt lẻo, qua câu ca dao dung dị
dễ thương vô cùng
Ầu ơ... ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi, mẹ dắt con đi
Con thi trường
học, mẹ thi trường đời
Trường đời vời vợi
con ơi
Mẹ thi gần hết
cuộc đời chưa xong
Phần con phải ráng
hết lòng
Trau dồi tài đức
mới mong nên người.
Từ những cây cầu, nhiều địa
phương được thành hình, xin lược ghi như sau:
-Cầu Cá Lăng (con kinh nối Saì
gòn, Bình Dương). Cá lăng là thứ cá da trơn, tương
tợ như “cat fish”, rất ngon, hay để nấu canh chua...
Chắc là nơi nầy thuận lợi cho giống cá lăng sinh sản mà thành danh.
-Cầu Vạc (thuộc xả Tân
Hiệp, Long Thành, Đồng Nai). Khi xưa, lúc còn hoang vu, nơi nầy nhiều loài chim
cò, sinh sống trong đó giống ”vạc ăn đêm” khá nhiều nên thành tên luôn…
-Cầu Kinh (sông nhánh ranh
giới giữa thành phố Sài gòn và tỉnh Bình Dương)
-Cầu Bến Mương (xã Trung
Lập Hạ, Củ Chi, tỉnh Hậu Nghĩa cũ)
-Cầu Kè, Cầu Ngang, Cầu Quan
là tên của các huyện nay thuộc tỉnh Trà Vinh
-Cầu Nhím, là miệt Phong Điền
Cầu Nhím thuộc Phong Dinh cũ (nay là Cần Thơ)
-Cầu Lầu: (Vĩnh Long), đây
không phải là địa danh quan trọng hay to lớn, nhưng
là nơi mà cô bác vùng Vĩnh Long, thời còn là học sinh Tống Phước Hiệp (thập
niên 1950’ ) phải nhớ với biết bao kỷ niệm... Từ cầu tàu Vĩnh Long đi
về hướng đông nam, có cây cầu, vào năm 1813, có xây thành lũy, vời
lầu canh gần cây cầu nên gọi là... Cầu Lầu.
Riêng tại Sài gòn,
khá nhiều địa danh như:
-Cầu Bông, (quận Bình Thạnh),
Cầu Muối, Cầu Kho... và cầu Ông Lãnh ... là quần thể tập trung ngay tại
quận Một/Sài gòn. Không cần giải thích, cũng có thể hiểu vì sao có tên nầy.
- Riêng cầu Ông Lãnh, vừa là
tên con rạch, là chợ... lấy tên ông lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng(1798-1866),
người có công xây cầu và chống Tây.
-Cầu Tre” ( thuộc quận Mười
Một). Cũng chính tại nơi nầy năm Mậu Thân (1968)Việt Cộng đã xâm nhập, cố thủ
với quân số ít ỏi, nhưng len lỏi trong nhà dân chúng để bắn phá khiến quân lực
VNCH phải can thiệp, thiệt hại không ít cho dân chúng. Sài gòn còn một địa danh
cũng đáng nhớ là Cầu Hàn, trước thuộc quận Tư (nay là quận Bảy). Vì nơi đây có
cây cầu bị xoi mòn, hư mãi nên cuối “hàn” bít lại luôn, sau con rạch nầy cạn
dần. Cầu Hàn là nơi với “dịch vụ mát mẻ”như miệt Gò Vấp, Ngã Ba Chú Ía. Đây là
nơi”một thời vang bóng” mà các quí ông dễ dàng gợi nhớ chuyện ... năm mươi năm
về trước.! Nhưng nếu lùi về dĩ vãng trên 120 năm, ta sẽ nhớ lại đia
danh “Cầu An Hạ” là tên một tổng thuộc hạt Chợ Lớn,
sau là tỉnh Chợ Lớn, và nay là “thành phố mang tên Bác”. Ngày nay, trên quốc lộ
xuôi về miền Tây, qua khỏi Phú Lâm một đổi sẽ nhìn thấy Cầu An Hạ.(do tên một
tổng mà ra). Ôi, thời gian cứ trôi, biết bao vật đổi sao dời. . .
-TRẢNG: là vùng đất tương
đối bằng phẳng, trống trải, không rừng rú rậm rạp, là nơi mà thời xưa, người ta
thường mượn đường qua lại. Trảng hầu như chỉ có tại các tỉnh miền Đông Nam phần
mà thôi. Các trảng với tên quen thuộc như:
-Trảng Bàng,Trảng Lớn, Trảng
Sụp (Tây Ninh)-
-Trảng Bom ( Biên Hòa) .
- HỐ : là chỗ đất
trủng, mùa nắng khô ráo, nhưng mưa xuống ngập nước, nhưng không sâu, là nơi rau
cỏ dại phát triền, và thú rừng tìm đến ăn cỏ. Ta hẳn còn nhớ hai địa danh như:
-Hố Bò ( thuộc
quận Củ Chi), trước năm 1975 là mật khu của Việt Cộng, là chiến trường diển ra
nhiều trận đánh ác liệt.
-Hố Nai ( Biên
Hòa). Đi xa lộ Thủ Đức, đến ngả ba rẽ về Long Khánh là Hố Nai, nơi định cư của
đồng bào “Bắc di cư”. Đây là một thi trấn khá trù phú, với nhiều nhà kinh doanh
ngành mộc (đóng bàn ghế, tủ). Đặc biệt thị trấn nằm dọc theo quốc lộ với nhiều
nhà thờ nhỏ to. Đặc biệt nữa là nơi nầy, là cứ điểm cầm cự quân Bắc Việt đến
giờ phút chót... Trang lịch sử đã qua, thời xa xưa, nơi nầy là ... hố với cỏ
cây xanh tốt, giống nai tụ về sinh sống mà thành ra... Hố Nai.
-BÀU :
- Bàu Cá ( Long Khánh),
Bàu Cát (Hóc Môn, Sài gòn cũ), Bàu Cò (Rạch Giá)
- Bàu Sen (Sài gòn). Theo tài
liệu ghi lại, khu vực đường Nguyễn Trãi và Trần Bình Trọng cũ, (quận 5, Sài gòn
) xưa có bàu sen. .
-LÁNG :
- Láng Le ( thuộc huyện Đức
Hòa , trên đường giữa Long An và Sài gòn), vì nơi nầy thuận lợi cho giống chim
le le đến trú ngụ.
- Láng Thé ( về sau thành con
sông ở tỉnh Trà Vinh).
_LUNG :
Miền Tây Nam Phần
khá nhiều lung, là nơi cá cua, rùa, rắn. và các loại chim le le, vit nước đến
sinh sống. Ở miệt Cần Thơ giáp ranh Chương Thiện củ, có một lung khá rộng, mang
tên là “Lung Ngọc Hoàng”, thời chiến tranh là căn cứ của Mặt Trận DTGPMN. Việt
Nam thường dùng những nơi hoang vu làm căn cứ, vì vậy họ cũng lựa nơi âm
u như khu rừng tràm Mỹ Phước (quận Thuận Hòa, Ba
Xuyên cũ), đó là “Đám Lá Tối Trời”.
- CÂY:
Là... cây, là thảo
mộc, thường mọc nhiều tại nơi đó hay mang nét đặc trưng, hình thành địa danh
như:
- Cây Mai, Cây Gáo, Cây Gỏ ,
Cây Thị ( Sài gòn )
Trong nầy ta thấy
Cây Mai, thuộc quận Năm, Sài gòn củ.Trên đường Hậu Giang về hướng Phú Lâm, có
trường Cây Mai, là trường tình báo của VNCH.
- Cây Cui ( huyện Cai Lậy,
Tiền Giang) vì nơi nầy có nhiều cây cổ thụ to (cây cui)
- Cây Trường ( huyện Bến Cát,
Bình Dương), nơi có nhiều cây rừng to.
- Cây Gừa ( huyện Giá Rai, Bạc
Liêu).
Ngoài ra, cũng còn
một số địa danh, cũng dùng tên thực vật như:
- Mái Dầm, là tên một xã miệt Long Hưng
Phú Hữu, huyện Châu Thành (Hậu Giang, nay là tỉnh cần
Thơ)
- Xoài Cả Nả ( tên một nơi thuộc Huyện Mỹ
Xuyên, tỉnh Sóc Trăng). Nơi nầy trồng nhiều xoài, đựng đầy cả nả, mang đi. Nả
là một thứ giỏ đan bằng tre có tay xách của người gốc Miên thường dùng mang
thức ăn, trái cây...
- ĐỒNG:
Là vùng đất rộng
chuyên trồng nông sản, ta thấy có:
-Đồng Xoài ( một huyện của
tỉnh Bình Dương, nay là tỉnh lỵ của Bình Phước). Gọi là Đồng Xoài vì nơi đây có
nhiều cây xoài. Người viết có tham khảo lai lịch danh xưng nầy, và tham khảo
vài viên chức từng làm việc nơi nầy đều đồng ý như vậy.
-Đồng Ông Cộ ( Biên Hòa cũ,
nay là Quận Bình Thạnh/TPHCM). Khi xưa nơi nầy là vùng đất lầy lội, gặt lúa
xong phải dùng”cộ” chở về nhà. Cộ là loại ”xe” gồm một khuôn đựng lúa, bên dưới
chỉ là hai thanh cây trơn, không bánh xe, do trâu bò kéo).
- Đồng Dù, tên một vùng đất rộng,
là khu quân sự, trước năm 1975 thuộc Biên Hòa, nay thuộc quận Củ Chi (TP/HCM).
Căn cứ nầy rộng 3 km x14km, có từ thời Pháp, tồn tại thời Hoa Kỳ và VNCH. Đồng
Dù là cánh đồng rộng để lính tập nhảy . .dù.
Lại xuôi về “miền
Tây gạo trắng nước trong”, ta hãy tìm hiểu vài nơi mang chữ Đồng, trước tiên
là:
- Đồng Tâm: Tên một địa
phương, thuộc tỉnh Định Tường cũ (nay là Tiền Giang). Đây cũng là căn cứ quân
sự, bản doanh sư đòan 7/BB của quân lực VNCH... Cũng nhân đây, xin hãy dành một
phút tưởng nhớ đến các chiến sĩ oai hùng của chúng ta, đặc biệt nghiêng mình
với lòng ngưỡng mộ một anh hùng đã giữ tròn khi
tiết , “sinh vi Tướng, tử vi thần”.đó là Tướng Trần văn Hai, tư lệnh sư đoàn 7.
Vào trưa ngày 30/4/1975, ông đã cùng chiến sĩ sư đoàn chiến đấu đến phút cuối.
Than ôi, cuối cùng theo vận nước, quân lực Việt Nam phải buông súng, vị tướng
đã nhắn nhủ anh em sĩ quan và binh sĩ, cũng nhờ thuộc hạ mang về cho mẹ tháng
lương cuối cùng và sau đó tự sát. Chuyện đã bao năm, nay xin ghi lại để cùng
chia xẻ, đặc biệt để con em hải ngoại biết rằng quân lực Việt Nam Cộng
Hòa có nhiều tướng lảnh “sinh vi tướng, tử vi thần”..,
hy sinh đến cả mạng sống vì độc lập tự do cho miền Nam. . . Ngày nay, nơi đây
là một trại nuôi rắn khá qui mô.
- Đồng Cho Ngáp: là vùng đất
rộng giáp ranh 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tây Ninh. Trong bản đồ ghi tên là Mỏ
Vẹt. Vùng đất rộng mênh mông, chó chạy mệt ná thở, mệt quá phải ngáp. Cũng có
nhiều địa phương có đồng chó ngáp, chỉ nơi rộng và thường
hoang vắng.
- Đồng Tháp Mười ( khu đất trủng
mênh mông, lọt vào giữa các tỉnh Đồng Tháp, Long An, An Giang), rộng nhứt Việt
Nam, hàng trăm ngàn mẫu. Đây là lòng chảo thiên nhiên dùng điều tiết mực nước
cho miền Tây. Cũng là nơi sinh sôi tôm cá thật dồi dào cho miền Nam. Đây cũng
là căn cứ kháng chiến của Thiên Hộ Dương thời chống Tây. Rất tiếc, sau ngày
1975, nghe đâu nhà cầm quyền thiếu nghiên cứu, trong việc đào kinh thủy lợi, đã
vô tình tác động xấu vào môi trường sinh thái tự nhiên (sẽ trình bày rõ hơn
trong phần sau)
- Đồng Nọc Nạn ( một địa danh
vô cùng nổi tiếng thuộc Giá Rai(Bạc Liêu,-sẽ giải thích thêm phần dưới).
Tác giả vốn là dân ruộng đồng,
quen việc chèo chống, bủa lưới giăng câu, nên xin bộc bạch đôi điều lý thú về
“nọc nạn”. Nọc là cái cây cấm xuống bùn xìn ( như nông dân mình đi cấy
lúa mùa, có khúc cây khoản 3 tấc, chuốc nhọn, có tay cầm để soi lổ, nhét mấy
gié mạ xuống, đó là cây nọc). Nạn là hai hay vài ba cây noc cùng ghép chéo lại
có dây buộc sẽ không bị lún... Lại kể chuyện thời xưa, xưa lắm khi bọn Pháp cai
trị nước mình, mà dưới họ là một hệ thống quan quyền địa phương làm tay
sai. Bọn nầy gian ác, tham những sách nhiễu lương dân đến tận cùng, nhứt là
dùng mưu mô, bạo quyền cướp đất nông dân. Vào thời ấy, có một nhóm dân tha
phương tìm đến vùng đất hoang thuộc Giá Rai (Bạc Liêu) khẩn hoang. Đây là vùng
đất bùn lầy mới thành hình, dân mình phải dùng cây cấm chéo
làm nạn để cất cái láng ở tạm, rồi thì đào đấp đất cao lên chờ cho khô
lại thành nền nhà... Công lao 10 năm đã được thiên
nhiên đền bù, và rồi họ thu hoạch mùa lúa mới, có cái ăn cái mặc ( như nhóm di
dân trên chiếc tàu May Flower, chuyện về lễ Tạ Ơn của Hoa Kỳ), tức thì tên quan
phủ gần đó đọng lòng tham, dựa vào thế chánh quyền bảo hộ bày mưu tính kế cướp
công... Tay nầy đã cùng tên Mã Ngân ( không phải Mã Ngưu) đem lính đến bắn giết
dân lành, người bị chết hoặc nếu chịu trở thành tá điền thì sống, chỉ riêng ông
Mười Chức không chịu cảnh áp bức, đã cương quyết chống lại, nên từ vợ
con ông, vợ chồng em ông... đều bị chết một cách tức tưởi dưới lằn đạn của bọn
cường hào... Cái tên ông chẳng là gì, và cái chết của gia đình ông cũng
chẳng lo tớn gì, cái to lớn đây là, nhờ sự hy sinh của gia
đình ông mà cái địa danh “Đồng Nọc Nạn” thành bất tử, thành một tấm gương chống
cường hào ác bá, hà hiếp nhân dân. Chúng ta không quên, là dù thời Pháp thuộc
nhưng quyền tư hữu đất đai vẫn còn được tôn trọng, và thời Việt Nam Cộng Hòa,
người dân được cấp quyên tư hữu đất đai, chủ đất dư thừa, sẽ bị tịch biên nhưng
bồi thường thật thõa đáng. Câu chuyện “Đồng Nọc Nạn” đã được Việt Nam dựng thành phim
(khoản thập niên 1990), cũng như bộ phim “Đất Phương Nam”, Nếu có điều kiện,
xin hãy xem để thấy sự tàn ác của bọn cầm quyền và lũ giặc ngoại xâm!!!. Và
cũng chia xẻ cảnh uất nghẹn dâng trào của ”dân oan” thời
đó.
Tiếp theo, xin ghi ra một số nơi mang
địa danh là “Lung, “Đám” “Đầm” như:
- Lung Ngọc Hoàng, một vùng
đất trủng bao la nơi giáp ranh tỉnh Ba Xuyên và Chương Thiện cũ…
- “Đám Lá Tối Trời” để gọi một
nơi thuộc tỉnh Gò Công (cũ), địa thế âm u mà anh hùng Trương
Công Định làm sào huyệt chống quân Pháp. Cũng có “đám lá tối trời” nơi rừng
tràm Mỹ Phước(Quận Thuận Hòa, Ba Xuyên cũ) là nơi trước 1975, Việt Cộng làm căn
cứ .-“Đầm Đơi, là tên một huyện của tỉnh Cà Mau.
Miền Nam khá hiếm đầm, vì thế đất tương đối bằng phẳng và thường là “sông sâu
nước chảy”.
- CỒN:
(là các gò đất nổi
lên giữa giữa các con sông lớn có nhiều phù sa, như:
- Cồn Cát (Sóc Trăng), nơi mà
sau 1975, một số quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa, nhập khóa ”tù cải tạo” đủ
thâm niên đậu bằng “thạc sĩ”.
-Cồn Phụng ( nằm trên sông
Tiền giữa tỉnh Bến Tre và Mỹ Tho), nơi trước năm 1975 có tu sĩ Nguyễn Thành
Nam, tức ông đạo Dừa, xây bát quái đài.lập mối đạo có thể tạm xem như tu theo
phái tịnh độ. Chủ trương của mối đạo nầy là kết hợp giáo lý các tôn giáo khác
đã có sẳn. Ông tu sĩ nầy không phải xuất thế, mà nhập thế, ông đã từng xin phép
chánh quyền VNCH chấp thuận để ông du thuyết ra Hà Nội, sẽ có hòa bình trong
vài giớ. Ông cũng từng định ra ứng củ Tổng Thống, mà nếu ông đắc cử, ba ngày
sau Việt Nam sẽ có hòa bình.? ( Xin xem bài về ông Đạo Dừa, đăng trong đặc san.
Định Tường, phát hành năm . . .
Trương An
Ninh
Mời xem tiếp
phần 5