Mấy
hôm trước tôi có vài dòng viết về chuyện bánh tét và pâté của Bạch Lan &
Minh Tâm ở Cali, thật tình tôi cũng chẳng dám viết nữa, sợ anh chị em nói mình
“ tào lao” vì chuyện nầy chẳng có gì là lớn mà mình cứ nói mãi… nhưng tôi thì
có cái hơi lạ đời một chút. Phàm có cái gì vui, buồn, hoặc hay hay một chút, cảm
xúc và đưa tới cảm hứng là tôi phải viết và chia sẻ với anh chị em… thôi thì
anh chị em nào đọc và đồng cảm thì “ like” cho một cái mà không đồng cảm thì
tôi chịu là mình “ tào lao” vậy.
Sáng ngày mùng 1 Tết đang ngồi uống cà phê…
chợt chuông điện thoại reo vang, một giọng con gái thật trong “ anh Khánh khoẻ
không? Đố anh biết ai đang nói chuyện với anh vậy… anh đoán hay lắm mà” tôi trả
lời ngay “ phải Ngọc Ánh không ? “ ( vì tôi đang chờ ĐT của NA !), đầu dây bên
kia cười vang và nói “ sai rồi” lại thêm vài câu trao đổi, với cách nói chuyện
đậm chất vùng quê Sóc Trăng pha lẫn một chút tiếu lâm và trêu chọc, tôi gần đoán ra người đang nói chuyện với
mình, thì Cô nầy lại trao máy cho người
khác và bây giờ chỉ cần nghe một tiếng “ alô”
tôi biết ngay là giọng của Chị
Cúc tôi và tôi cũng biết chắc chắn, giọng con gái trong trẻo và đầy chất trêu chọc trước đó là của Bạch Lan.
Thế là chị tôi bắt đầu nói hôm trước có gặp Ân
( Nam Cali ) chị em cũng có trò truyện nhiều… nhưng hôm nay Ân bận không đến
nhà Bạch Lan & Thanh Long chơi được ! rồi chị tôi bắt đầu một cuộc thi đố
cho tôi đoán tên người khi nghe giọng hát trên ĐT… người thứ nhứt thì tôi đoán
sai, đó là anh Mão ( bạn cùng đơn vị với anh rể tôi ngày xưa) mà sai cũng phải
vì từ trước đến nay tôi chưa từng gặp anh Mão mà, lần lượt là giọng hát của
Long ( Anh của Bạch Lan), của Tâm ( ông xã Bạch Lan) tôi đều đoán đúng hết… vì tôi đã từng nói chuyện với anh em nầy trên
ĐT.
Niềm xúc cảm khi nhìn thấy Bánh Tét & Pâté
do Bạch Lan làm ( mấy hôm trước trên mạng) nhất là thấy hình Mẹ Bạch Lan chưa kịp
lắng đọng xuống, thì bây giờ tiếng cười
tiếng hát của những người thân lại làm cho tôi hồi tưởng lại kỷ niệm đẹp tuyệt
vời đầy ắp chân tình của hai gia đình chúng tôi
ngày xưa.
Nhất là khi Long nhắc lại những lần ngủ lại
nhà tôi, Long nhớ rất rõ chỗ mình ngủ… nhớ tới chiếc chiếu mà Má tôi trải cho
Long nằm… nhớ những kỷ niệm thật nhỏ và cũng thật đẹp của gia đình hai chúng
tôi.
Thật sự mà nói ngày xưa tôi ăn rất nhiều bánh
mứt của Mẹ Bạch Lan làm, nhưng thích nhứt là Pâté lúc ấy được gói
bằng lá chuối… nhưng nó chứa bên trong là cả một tấm chân tình !! mà Mẹ
Bạch Lan thường mang ra nhà tôi khi có đám giỗ hay lễ Tết vv,,vv. Xúc cảm tràn
dâng không thể lột tả được hết bằng vài trang giấy… và bây giờ Thanh Long, chị
Cúc, Bạch Lan, Minh Tâm, Phúc… chúng tôi đang cùng nối kết, vun đắp tình cảm hai gia đình, như
những người Cha, người Mẹ của chúng tôi đã từng làm ngày xưa !!
Mặc dù không có mặt tại nhà Long, để cảm nhận
được hương vị tràn đầy tình thân nơi ấy, nhưng nhìn ánh mắt nụ cười của mọi người
được biểu lộ thật rõ nét trên những tấm ảnh được Tâm gởi về, tôi biết rằng mọi
người thật hạnh phúc và tôi lại thấy cuộc sống nầy thật tuyệt vời, nếu chúng ta
biết gìn giữ, trân trọng những tình cảm chân tình mà chúng ta đã dành trao cho nhau, nó vô hình quá… nhưng nó
đi vào lòng mình thật sâu lắng, nó nằm mãi mãi trong ngăn kỷ niệm thân yêu
trong lòng mỗi người chúng ta. Chị tôi… anh
tôi… và những người anh em không cùng họ của tôi, ở nửa vòng trái đất bên kia
đang sống một ngày thật hạnh phúc với vô vàn kỷ niệm đẹp đã qua…. hơn 40 năm. Mặc
dù hiện nay mỗi người trong chúng tôi đều có riêng một cuộc sống, một hoàn cảnh
sống khác nhau. Nhưng không vì thế mà chúng tôi làm mờ đi bức tranh kỷ niệm ấy.
Bây giờ thì tôi mới khen là Bánh Tét & Pâté
của Bạch Lan và Minh Tâm làm là thật sự ngon !!! ngon là vì hai em đã học được
cách làm bánh của Mẹ, nhưng cái tinh tuý nhứt là hai em đã học được cách giữ
cho vị ngon của bánh không phai nhạt theo thời gian và không gian !!
Hay nói hơi cao xa một chút, cường điệu một
chút thì bánh Tét & Pâté tự tay hai em làm đã một phần tạo nên hình ảnh đẹp,
về nỗi lòng của những người con Sóc Trăng luôn nhớ về quê mẹ và ước muốn giữ
gìn cái nét đẹp đầy tính nhân văn của người Việt trên đất khách quê người.
Nguyễn Thành Khánh HD 66-73