HOA ĐỒNG CỎ NỘI

                                                  

                                       


                                        Tác phẩm Bonsai hiếm có của thế giới tự nhiên

 

            Mật thập thò ở cửa trên tay bưng mâm quà nhìn vào trong phòng khách rồi khẽ lên tiếng : «  Thưa bà con mới lên. Má con cám ơn bà về quà Tết và xin gởi kính biếu bà mấy món má con tự tay làm, bánh tráng nước dừa, bánh khoai môn . »

          - Bánh khoai môn phồng mè nữa à, cám ơn má con quá. Bà nội có khoẻ không ? Sao con mang lên nhiều thứ quá vậy ? Tết nhứt mà không để ở nhà cúng ông bà, biếu bà con họ hàng. Hơn nữa, năm nào cũng vậy, bà cũng đã có nhờ nội con đặt mua dùm trước món bánh khoai môn đặc sản quê con đó.

          Bà thích loại bánh nầy rất thơm ngon, dòn sôm sốp không dai bỏ vào miệng không cần nhai vì da bột vàng nâu thật mỏng mịn tan dần mà hương thơm còn vương trong miệng. Thật ra bà cũng chưa bao giờ thấy ở đâu có bán hết, người quê mình bảo là món bánh gia truyền của một tầng lớp gia đình giàu có sang trọng địa phương ngày xưa đặc biệt chỉ làm trong ngày Tết, cách chế biến được giữ riêng không phổ biến kinh doanh, dần dần chắc thất truyền luôn quá, tiếc làm sao.

          À, con về nhà chắc vui lắm phải không ? Các em con chắc ‘trộng đại’ rồi, còn nhỏ mà tụi nó đã dễ thương và phép tắc lễ độ. Thôi con đi đưa quà cho dì hai để cất dùm, con tìm gặp Mai đi, Mai trông con lên lắm.

           Mật vừa ‘dạ’ vừa rút lui nhanh. Mật năm nay 12 tuổi, dáng gầy gầy cao, so với trẻ cùng lứa, Mật có vẻ nhỏ con nhưng lanh lẹ và sáng sủa. Mồ côi cha lúc 8 tuổi, còn ba em nhỏ, ngoài việc đi học còn phụ mẹ việc trong nhà. Mật học đã xong cấp Tiểu học rồi nhưng cũng có phần vì hoàn cảnh gia đình cũng phần theo quan niệm thời bấy giờ, con gái không cần học cao làm chi, học chút đỉnh biết đọc biết viết biết đếm là đủ rồi.

         Thông thường đối với người con gái quê khá giả nghèo nàn cũng thế, việc nội trợ luôn được bà mẹ luôn chú trọng dạy dỗ từ lúc chập chững biết đi. Nhất là trong dịp những ngày cưới hỏi tang giỗ Tết, công việc chuẩn bị đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Gia đình khá giả thì cũng giữ truyền thống công dung ngôn hạnh, quan niệm rằng sau nầy dù giàu có làm chủ đi chăng nữa vẫn phải biết việc biết làm trông nom tính toán để giữ hạnh phúc gia đình qua bao tử, đồng tiền đồng ra, không bị người phụ giúp qua mặt khinh thường, tiết kiệm được tiền bạc. Các cô ít có của hồi môn thì càng phải chịu khó hơn do đó phần đông biết phận mình nhẫn nại, khéo léo, cẩn thận, biết lo.

           Cây nhà lá vườn nên công việc của các bà mẹ quê không bao giờ ngưng nghỉ, con cái họ cũng phụ thuộc vào nếp sống thôn dã nầy. Ngoài việc giữ em, ẳm nách, đưa võng dỗ ngon dỗ ngọt cho em ngủ, Mật thấy một mình mẹ phải lo liệu mọi toan, thương mẹ nên làm gì giúp được mẹ chút nào thì hết lòng trong mọi công việc. Khi thì mẹ gọi

             « Mật ơi, có rảnh hông, giúp má cái nầy đi. »

          Lần khác mẹ lại nhờ « Má đi dọn giỗ sáng nay, nhớ nấu cơm phụ nội cho các em ăn, má cố về sớm rồi mới đi học nha. »

 

             Con bé cũng « túi bụi »  với hai « thằng giặc con » dễ thương của nó, hai đứa nhỏ còn ngán chị hai chúng nó còn hơn má chúng nữa. Chưa bao giờ chúng nó mét lại với mẹ gì cả, vì có nói với mẹ thì có khi còn bị mẹ rầy hơn.

          Mật biết phụ mẹ lựa gạo ra khỏi nếp để mẹ nấu xôi, công việc nầy thường nhàm chán quá lắm lúc làm Mật buồn ngủ, nhiều khi ngủ gật vì trưa nắng chan chan, gió hiu hiu thổi làm má phải nhiều lần khều khều lay dậy mới tỉnh.

 

            Lắm lúc thằng Phận, thừa lúc mẹ không để ý, bứt một sợi tóc, bẻ cong làm đôi, se lại thành giây, đút vào lỗ mũi quậy quậy làm Mật vừa nhột vừa có cảm giác con gì bò trên mặt nên vẫn còn say ngủ, do bản năng đề kháng tự nhiên lấy tay quờ quạo phủi qua phớt lại hay quay mặt qua phía khác. Phận rắn mắt đâu chịu bỏ cuộc, tiếp tục « thọc cù lét » chị cho đến khi nào chị bừng mắt hắt hơi « ách xì » hoặc « chới với » la hoảng lên vừa chùi lia chùi lịa mũi mắt. Thủ phạm vừa chạy ra xa vừa cười vừa trêu : « Lêu lêu là cái chị hai ngủ gật, là cái chị hai ngủ gục hi hi !». Chị Thìn rầy Phận lấy lệ thôi và cả nhà cùng cười xòa.

 

        Mật cũng biết phụ bà nội chẻ bẹ chuối tét thành sợi giây phơi khô để mẹ gói bánh tét ngày Tết, xếp lau lá chuối mẹ rọc chuẩn bị làm bánh ít. Việc nào khó khăn nặng nhọc hơn như rắm gạo, nếp làm bột tẻ, hoặc quết khoai mì làm bánh tráng khoai mì nước dừa, hay khoai môn làm bánh khoai môn phồng mè thì mẹ không nhờ phụ nhiều đâu.

 

          May là còn bà nội già yếu mà còn khá khoẻ mạnh ở chung nhà, sự có mặt của bà nội vẫn là nơi nương tựa tình cảm và tâm lý cho cả gia đình. Ở nhà, dù không làm gì nặng được, bà cũng « lắt xắt » tối ngày, trông nhà đưa võng ru cháu, làm mọi việc lặt vặt bà làm được, sức khoẻ bà cho phép.

 

       Bà thương con dâu bà lắm. Con dâu bà góa bụa trong tuổi còn khá trẻ, đảm đang, gái bốn con mà còn thanh thon gọn gàng, bao nhiêu đám trực tiếp hoặc nói bóng nói gió cưới xin. Thế mà chị Thìn vẫn nhất định không bước thêm bước nữa, không tái giá tục huyền, dù có lần bà có nói là bà để toàn quyền định đoạt đời của con dâu mình. Chị Thìn không hứa không nói gì cả, chị cười cười gật gật cám ơn rồi… cũng không thấy gì xảy ra.

 

          Ngộ là càng ngày chị tỏ ra quyến luyến gần gũi với bà hơn. Có lần chị « cắc ca cắc củm » để dành tiền trong con heo đất

    


                                                  Heo trong tranh Đông Hồ trong ngày Tết

 

hầu mua biếu bà một cối ngoáy trầu bằng đồng thật, cái chày dèm dẹp có cán có núm hình tròn, về nhà, tự tay ngoáy trầu cho bà và vui sướng nhìn xem bà ăn thử không phải nhai trệu qua trệu lại khó khăn vì chị thấy răng của mẹ chồng chiếc còn chiếc rục xệu xạo quá rồi.

                                                               


  

                                              Chày và cối giã trầu

 

          Bà Tám chỉ có một người con trai là ba Mật. Hồi còn sinh tiền, ông Tám cũng quí con dâu mồ côi nhà nghèo nầy, không ganh tị với bạn bè hàng xóm, không ngồi lê đôi mách giỏi dang chịu khó. Không bao giờ thấy chị than van nhất là trong thời gian cha chồng đến chồng rồi đến mẹ chồng bệnh nặng. Và cũng nhờ vậy bà Tám mới có dịp gặp bà Ba.

 

          Thời bấy giờ, bệnh viện chỉ có ở trên chợ tức là trung tâm tỉnh lỵ. Nhớ lại lần bà té nặng thập tử nhất sanh phải đi chuyên trị ở nhà thương lớn ở tỉnh, may nhờ người quen thân giới thiệu xin cho bà tá túc trong những ngày trị bệnh, ở nhà dưới (nhà sau) của ngôi nhà tư của bà Ba. Thế mà bà Ba lại chẳng những để cho bà ở không lấy tiền mà còn tin cậy bà như một người bạn thân không phân biệt giai cấp sang hèn quê thành gì cả.

 

            Cũng là người góa bụa đồng bạn đồng thuyền, bà Ba có hai con, Mai con gái lớn 21 tuổi đã học xong ở trường Nữ công gia chánh được bà chuẩn bị tiếp tục giữ tiệm may của bà. Trung 19 tuổi đã đi du học tự túc ở Pháp. Do đó bà cảm thông hoàn cảnh thiếu trước hụt sau của mẹ chồng con dâu bà Tám. Ngược lại bà Tám hết sức cảm kích biết ơn tấm lòng nhân hậu của người đàn bà giàu có thật khó tìm thấy trong xã hội kim tiền thời bấy giờ. Bà may mắn có quới nhân giúp đỡ trong bước đường cùng cực nầy nhưng vẫn không yên tâm vì biết mình không thể nào trả ơn được.

 

          Tuy nhiên trong những ngày xa nhà, bà nhớ mấy đứa cháu nội của bà quá, thằng Phận thằng Phùng đứa cũng đã 10 đứa được 8 tuổi, bé Thu sắp đi học rồi. Có chúng nó bên cạnh, nhiều khi cũng bực bội vì chúng nó hiếu động, chơi giỡn không biết mệt, ít giữ yên lặng lâu được, trêu ghẹo nhau, gây gổ khóc bù lu bù loa, mét bà, con nít mà, làm trọng tài cho chúng không dễ đâu, kiện cáo tùm lum bà thông cảm chúng. Mà con nhà ở đồng đâu phải không thông minh, bà nghĩ rồi bật cười khan một mình, nhớ những trò chơi sáng tạo hay bắt chước thật dễ thương của giới trẻ thiệt thòi ít có tiện nghi, tiền bạc.

 

            Nhìn thằng Phùng leo thoan thoắt trên cây me, chuyền cành nầy sang cành khác như vượn khỉ con lí lắt, miệng thì huýt sáo, nhại tiếng hót chim cú, trao trảo, chíp chíp chim con. Cứ mỗi lần chị Thìn nhờ con hái dùm lá me non hay trái còn xanh để nấu canh chua, bà hồi họp không dám cản nhưng chỉ đứng nhìn theo sát, miệng cứ nhắc chừng. Phận thích trèo me, nhất là hái được trái me dốt chua chua ngòn ngọt nó có dịp trêu chị Mật nó, vì vừa thấy nó quay đôi môi nhai rôm rốp từng mắt me vàng tươi, miệng chép chép nói nhom nhem là tự nhiên không kềm được nhịn thèm, Mật phải nuốt nước bọt trào lên liên tu và có khi xòe tay năn nỉ xin cho cắn một miếng  .

                    


    

Tổ chim Trao trảo, dòng Dọc

 

           Hai đứa nhỏ còn bắt chước được tiếng mèo ngao chó sủa gây gổ, hai anh em nó có lần làm trò hề đùa cho bé Thu xem, ngồi chồm hổm nhảy qua nhảy lại gầm gừ theo tư thế của hai con chó đang định xáp chiến quyết liệt. Chúng nó nhại cả tiếng gà trống gáy, gà mái bươi đất tìm mồi trùng giun gián gọi gà con, tiếng nghé ngọ trâu về chuồng, tiếng hí vang cả tiếng móng sắt của ngựa trên đường đá chưa lát nhựa, tiếng ễnh ương phình bụng to kêu khi trời mưa nước nổi, tiếng con ếch mà « muốn to bằng con bò », và không quên tiếng nghiến răng của cóc báo hiệu trời mưa :

          «  Con cóc là cậu ông Trời,

          Ai mà trêu cậu là Trời đánh cho ».

          Hai anh em còn dạy bé Thu bài thơ « Con cóc »

          «  Con cóc trong hang,

          Con cóc nhảy ra,

          Con cóc ngồi đó,

          Con cóc nhảy đi.



Hòn Con Cóc -Vịnh Hạ Long

vừa đọc theo nhịp vừa làm động tác kèm theo, vui ơi là vui ! Ôi còn bao nhiêu chuyện khác bà nhớ một lúc không nổi, không gặp được cháu mới thấy cuộc đời bà sao mà trống vắng quá, tiếng nói bi bô la khóc cười của trẻ vẫn là nguồn sinh lực cho các cụ nội ngoại mọi thời.

 

          Khi bà còn ở nhờ nhà bà Ba trên chợ, vài ngày chị Thìn cũng tìm cách vội vã ghé thăm mang chút ít tiền để bà dằn túimua trầu cau, lâu lâu đưa các cháu lên thăm nội. Chưa có cháu, bà Ba cũng rất thích mấy đứa nhỏ mặt mày có vẻ sáng sủa, lễ độ. Biết Mật đã đổ vào lớp Đệ thất trường công tỉnh lỵ mà không được tiếp tục học, bà đề nghị để Mật trọ ở nhà bà đi học và lúc rảnh phụ lặt vặt tiệm may học nghề. Thế là Mật bắt đầu từ giã từ làng quê, nội già mẹ góa em thơ ra tỉnh học lâu lâu mới có dịp về nhà một lần.

 

          Từ ngày ông mất, bà Ba mở tiệm may vừa dạy may, may mướn vừa bán thêm hàng vải. Công việc của bà thật ra cũng bề bộn nhưng nhờ bà có mướn cô Phúc làm thợ chính, bà trước kia cũng là thợ may chuyên nghiệp rồi, bây giờ lại có thêm Mai nên tiệm bà luôn đông khách. Bà còn khéo ăn nói cư xử lại có óc thẩm mỹ trang trí trình bày, vui vẻ chìu khách tùy theo đối tượng khách hàng. Khi các bà lớn, khách sộp đặt may chẳng hạn, thông thường bà hay mang tận nhà riêng trình bày trước một số hàng mẫu để các bà lựa chọn, vừa ý, bà đo ni luôn nếu cần rồi về thực hiện theo sở  thích riêng của mỗi người.

 

          Bà chỉ dạy Mật và các học trò may từng đường kim mũi chỉ, khâu cắt tỉ mỉ. Bà rất yêu nghề nên rất tận tâm trong việc đào tạo con em quê nhà. Tiệm của bà tập trung nhiều cô gái trẻ nên nhiều cậu thanh niên cũng thích lượn qua lượn lại trước tiệm, có khi đứng ở đầu phố, ngả ba chờ các cô về tán tỉnh hẹn hò làm quen. Các bà có con trai cũng gấm ghé để ý xem thử. Hơn thế nữa, thời bấy giờ chưa có người mẫu, bà Ba có khiếu bắt mạch khách hàng mọi tầng lớp nên khôn ngoan ngoài việc trưng bày tác phẩm mới ở tiệm còn trang phục cho Mai quần áo đúng thời trang, một cách quảng cáo rất hữu hiệu.

 

               Vài năm sau, sau khi ra trường về vừa phụ mẹ vừa đi dạy ở quê nhà, Mai lập gia đình theo chồng về Saigon, bà Ba càng thêm bận rộn hơn.Từ đó Mật trở thành như đứa con của bà vậy. Mật tỏ ra tháo vát, chịu khó thông minh lanh lẹ nên bà Ba rất tin cậy thương mến hết lòng. Mật vẫn vừa tiếp tục đi học vừa phụ bà Ba ngoài giờ đến trường. Hàng tháng cũng nhận được số tiền túi để tiêu dùng và đặc biệt số tiền lương nho nhỏ bà Ba gửi về phụ gia đình Mật. Mỗi lần các em lên thăm chị, Mật dẫn các em đi chợ mua quà bánh các em thèm, mua tập sách viết thêm cho các em. Các em Mật không phải đi trọ học vì đã có trường trung học trong quận nhà rồi. Càng ngày lớn lên, Mật có vẻ chững chạc điềm đạm mảnh khảnh nhưng toát ra một sức sống dễ lôi cuốn cảm tình.

 

            Mỗi lần có dịp về vài ngày thăm gia đình, len lén ngắm con xinh đẹp trổ mã mà vẫn hồn nhiên lễ độ siêng năng như ngày nào, bắt tay vào phụ mẹ việc nhà, săn sóc nội, hỏi han về việc học các em, chị Thìn cảm thấy tim mình như oà vỡ,

          Cha mẹ ngảnh đi thì con dại,

          Cha mẹ ngảnh lại thì con khôn. (Tục ngữ )

 để dấu nước mắt đoanh tròng, chị nhìn về phía di ảnh của anh trên bàn thờ nói nhỏ: “Con gái Mật chúng mình đó ba nó ơi ! Thương quá ơi là thương!.

 

           Còn bà Tám thì thôi không khác gì con dâu, bà cũng nghẹn lời cảm động trước sự trưởng thành tốt đẹp của đứa cháu nội gái lớn của bà, chưa bị ảnh hưởng bởi nếp sống hời hợt phù phiếm thị thành quên nếp nhà cần kiệm thảo ngay. Thỉnh thoảng nhớ gì bà tìm cách hỏi Mật lại để có dịp nhìn cô cháu gái bà rõ hơn và cũng để trắc nghiệm xem có đúng như bà nghĩ không. Bấy giờ bà mới thở phào vơi bớt nỗi lo vì trong thâm tâm bà, việc đưa Mận ra tỉnh học nhờ bà Ba tốt bụng vẫn là điều ray rức âm thầm của bà, một hình thức bất lực, bất khả kháng tự nuôi con cháu, một cách khổ tâm hơn như ‘bán cháu đợ con’.

          - Mật à, con có buồn nội không, nội bắt con xa nhà lên ở với bà Ba ? Bà Tám nói nhẹ như ướm lời thú tội xin lỗi.

          - Dạ không không, con không bao giờ dám buồn nội đâu. Nội thương tụi con lắm. Vì tương lai của con mà nội mới cắn răng đứt ruột để cho con đi xa đó. Má con bảo nội hy sinh cho chúng con rất nhiều quên cả tuổi tác và bản thân của nội đáng lý ra cần sự săn sóc và quây quần con cháu. Mận vừa trả lời vừa cảm động ôm lấy tấm thân còm cỏi run rẩy của bà nội già còn sống ngày nào là vẫn còn lo nghĩ cho cháu con.

 

          Ba đứa nhỏ đang xúm xít chơi quanh thấy chị chúng ôm bà nội cũng vội chạy đến gần ngồi dưới chân bà Tám nhao nhao :

            - Con cũng thương nội lắm, con rán ngoan học giỏi đạt nhiều điểm 10 cho nội vui nghe nội, bé Thu thỏ thẻ.

            - Nội ơi, tụi con còn có một mình nội hà, nội mà có la rầy tụi con đi nữa cũng là vì lo cho tụi con, muốn dạy tụi con trở thành người tốt, má dặn đi dặn lại hoài như vậy. Má còn bảo nội la mà tiếng còn lớn, cầm roi nhịp nhịp dọa đánh được là má mừng vì nội còn mạnh khoẻ, Phận tiếp lời.

          - Con còn nhớ mỗi lần con bệnh, mà ở nội trong nhà nầy con hay bệnh số dách, nội biết con ưa uống sữa bò hiệu “Con Chim”, “Ông Thọ”,

 

                                             


 

thế nào nội cũng nhờ ai đi chợ mua dùm. Vậy mà khi nội bệnh, con nói má mua hộp sữa để nội uống cho dưỡng sức, nội rầy rà um sùm xài phí vô ích, không cho khui ra, đưa cho nội để chừng nào nội cần thì uống. Ai dè nội cất đi để rồi đem đi biếu người bệnh khác.Nội không những lo cho con cháu mà còn hay giúp đỡ ai cần, Phùng vừa nói vừa bóp xoa chân bà nội trìu mến.

          - Nội đừng lo cho con nhiều. Con cũng lớn rồi, là chị cả ba đứa em. Con may mắn được ở bên bà Ba, một người đàn bà nhân hậu trên đời. Vì vậy càng được bà tin thương, con luôn cố gắng xứng đáng phần nào với lòng tốt của bà. Bây giờ cô Mai đã mở tiệm may ở Saigon lại sắp có con, cậu Trung học bác sĩ ở Pháp chắc cũng chục năm nữa mới về, bà vui mà cũng cô đơn lắm nội à.

          - Nội đội ơn bà Ba không bao giờ trả được.Nội chỉ biết cầu Trời khẩn Phật cho bà khoẻ mạnh thôi.

          - Bà Ba cứ mong nội có dịp lên thăm ở lâu lâu chơi với bà. Bà bảo tụi con nhờ có đức của nội nên tụi con mới ngoan ngoản như vậy. Bà thích bàn chuyện với nội, gần nội bà cảm thấy yên tâm thư giản hơn. Nếu mà nội không phải giữ nhà thờ từ đường mồ mả ông bà và lo việc ruộng vườn thì bà sẽ mời cả gia đình lên ở trên ấy luôn.

          - Có lần bà có nói mí với nội, nội cũng suy nghĩ thực hư. Nhưng về đến nhà, nhìn thấy má tụi con và mấy đứa nhỏ mừng rỡ rối rít vây quanh, nội không nở lòng nào bỏ đất bỏ làng quê mình được. Thôi thì có bị mang tiếng bội bạc cũng đành.

          Thế là mấy đứa nhỏ la reo: Nhất là nội rồi.Hoan hô nội !

 

          - Mà nội ơi, nội có biết là cô Mai và cậu Trung là con nuôi của bà Ba không?

          - Bậy nà, không, sao con biết ? Có thật như vậy không?

          - Chính bà nói với con sau khi đám cưới cô Mai. Thế là thế nầy, lúc đầu thấy con sau khi đi học, về nhà con không bao giờ dám nghỉ ngơi học bài gì cả, vừa học may vừa chạy chỗ nầy chỗ kia mua nầy nọ, ai sai đâu đánh đấy. Tối đến mới học bài nhưng mệt quá có khi ngủ quên gục đầu trên sách. Bà thình lình phát giác ra, lay nhẹ dậy, khuyên con đi ngủ rồi sáng sớm hôm sau bà gọi dậy học bài. Con sợ bà giận đuổi không cho trọ nữa nên tỉnh ngủ luôn nhưng không dám cãi lên divan nằm khóc rồi ngủ quên tới khi bà sang gọi. Sau đó bà ôn tồn nói:

          - Cháu phải biết là cháu được nội cho ra đây để học chứ không phải làm công, việc chánh của cháu là học, rồi mới làm việc khác lúc rảnh rỗi như học một nghề tay trái. Bà có đủ sức lo cho cháu học, từ đây cháu như là con cháu trong gia đình rồi, như cô Mai vậy, cháu phải biết bổn phận của mình rõ ràng. Ngay hôm đó, bà bảo cô Mai làm thời khóa biểu hàng tuần cho con rồi sau đó từng tháng để cứ theo đó mà làm.

 

          Bà hiểu tâm lý lắm, bà biết con sợ bà và nhớ nhà nên luôn luôn có vẻ săn sóc con hơn và hay kể chuyện nầy chuyện nọ như về cô Mai ngoan ngoản mau miệng và cậu Trung dễ thương mà ít nói hơn, nhưng cả hai có hiếu lắm. Do đó con biết thêm cô cậu thích ăn gì, sợ gì và thích ai nữa. Và cũng vì cậu Trung đi học xa, có lẽ nhớ con nên bà quyến luyến với con hơn. Bà kiểm soát việc học hành của con nếu cần bà còn tìm thầy cho con học thêm nữa. Bà nhờ con viết thư dùm cho cậu Trung, bà đọc con viết, bà bảo chữ con đẹp để cậu đọc cho dễ, chữ xấu cậu lười đọc rồi quên dần tiếng mẹ đi.

Buồn cười hơn bà bắt con học tư thêm tiếng Pháp để rồi trong thư nào cũng có một vài câu ngắn bằng tiếng Pháp cho cậu “ngán” chơi vì ngày còn nhỏ cậu Trung ghét văn phạm Pháp khó quá, cậu cứ càu nhàu là “văn… phạm pháp”.

          - Thật là một người đàn bà hiếm có biết thương người và vì người.

          - Bà nhờ con viết đều đặn, mỗi cuối tuần, Bà kể chuyện nhà, tình hình trong nước, thời trang, văn nghệ, như là bút ký của bà vậy. Bài hát nào thịnh hành, ca sĩ nào bà thích, Thái Thanh với ban “Thăng long chẳng hạn, “ Duyên quê” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ có cậu cháu Thần đồng vĩ cầm tí hon Hoàng Thi Thao, nữ ca sĩ Thúy Nga có mái tóc thật dài và trình diễn với chiếc đàn phong cầm, sau đó trở thành Hoàng phu nhân. Tân nhạc cũng thích mà cổ nhạc cũng mê, đoàn cải lương Thanh Minh Thanh Nga với Con gái chị Hằng”, đoàn Kim Chung hay Tiếng chuông vàng Bắc Việt từ Hà nội di cư vào Nam năm 1954, hát cải lương Hồ Quảng đoàn Bầu Thắng với Thành Tôn, Minh Tơ, Khánh Hồng, hát bội bà kể không chán tuồngThần nữ dâng Ngũ long kỳ, chuyện cô năm Phỉ nổi tiếng như cồnnăm 1931 lần sang Pháp ca diễn, bà Cao long Ngà, Phùng Há Bảy Nam, kịch Kim Cương, Bích Thuận Bích Sơn, hài kịch với Trần văn Trạch, Tùng Lâm,….

 


Hát bội

 

          - Mật, nảy giờ con quên khuấy chưa nói tại sao bà Ba lại kể chuyện riêng tư ấy cho con nghe.

          - Một hôm, thư cho cậu Trung, bà báo tin bà dì xuất gia từ lâu của cậu qua đời ở chùa. Viết đến đấy, con tưởng bà đọc lộn vì con biết bà là con một chẳng có anh em gì nên hỏi lại. Bà ra dấu đừng ngắt lời và tiếp tục kể chuyện nầy chuyện khác con không còn nhớ nổi. Tối đêm đó, bà kêu sang bên bà ngủ, rồi bà trút bầu tâm sự cho con biết.

 

          Ông Ba ngày còn sinh thời rất hào hoa phong nhã, thuộc gia đình khá giả. Ông làm y tá và bà làm thợ may tại nhà. Cuộc sống thật yên vui êm ấm. Bà đã có thai hai lần nhưng đều không giữ được. Ông lại giao thiệp rộng, kết bạn với nhiều người nên thường dự tiệc tùng nhậu nhẹt đánh tứ sắc giải trí với nhau. Ngoài việc gác đêm ở bệnh viện, lâu lâu ông cũng đi đánh bài “đậu chến thường ở nhà các ông bà lớn có địa vị giàu có, ông bà phủ, huyện trong tỉnh suốt cả đêm. Bà xem chuyện vắng nhà của ông là thường tình không có gì phải ghen tuông la ầm lên làm ông mất mặt. Vả lại bà nghĩ ông cũng buồn hiếm muộn chưa có con nên tìm cách giải khuây thôi chứ không lo “cờ bạc là bác thằng bần”, ông sẽ thua bạc nợ nần thụt kết.

 

          10 năm sau, đường con cái như tắt nghẽn. Sức khoẻ của ông bà không có vấn đề gì nhưng lắm lúc ông bà cảm thấy hiu quạnh, buồn thiu. Ai hỏi thăm thì ông bà đều chối phăng cho rằng nhìn quạ ra quốc, chuyện gì đến thì đến, không thì không, lo cũng bằng thừa. Cho đến một hôm, trời mưa như trút, bà chờ ông về ăn cơm chiều như thường lệ, ông vào nhà cởi áo mưa, mặt mày nhợt nhạt, mắt quầng thâm. Bà vội đưa khăn cho ông rồi vội vã đi hâm nóng thức ăn đem ra. Nhưng ông ngăn lại và nói:

          Tôi muốn bàn chuyên với bà, quan trọng lắm, bà ngồi xuống đi, xin bà đừng chận lời để tôi nói một mạch cho hết rồi tùy bà quyết định. Tôi cũng đang rối trí quá nên không biết nên xử sự làm sao. Bà biết, vợ chồng trẻ y tá Sinh Hồng trước kia làm việc ở đây rồi đổi về Mỹ tho. Anh Sinh mất thình lình như bà biết, khi đứa con gái đầu lòng chưa 3 tuổi đứa con trai chưa ba tháng. Vì tứ cố vô thân, hai anh chị đều mồ côi sớm hết, chị Hồng xin nghỉ việc tìm cách sinh nhai khác để có thể vừa làm việc vừa nuôi con.

 

          Hôm nay nhân dịp lên Mỹ tho dự lễ khánh thành một trạm xá mới, nhớ nhà của anh chị ấy không xa lắm nên sau lễ ghé thăm. Bà biết không, vừa thấy tôi, chị ấy mừng đến phát khóc. Tôi ngạc nhiên cảm động nhưng không tỏ gì dù tôi cảm thấy có gì là lạ xảy ra. Chị vội vã mang hai con ra trình diện, thằng bé chưa thôi nôi, tôi thấy hai đứa thật dễ thương nên có lời khen.

             Bất thần chị quì xuống lạy “như tế sao”, khẩn khoản tôi về bàn với bà nhận hai đứa làm con nuôi. Chị cho đứt luôn cũng được, nếu muốn đổi họ sang của tôi, tùy mình thôi. Chị bị bệnh nan y thời kỳ cuối rồi, chắc không sống lâu. Mà có sống bệnh hoạn như vậy làm sao nuôi con nổi. Chị không muốn cho các con vào viện mồ côi, nhưng nếu không có ai cứu giúp xin nuôi thì cũng phải đành thôi. Chị bảo là có lẽ là Trời thương và anh ấy sống khôn thác thiêng nên khiến xui tôi đến thăm đúng lúc ngặt nghèo nầy. Chị còn tiết lộ là chị còn định làm liều, nếu tới đường cùng, sẽ đem hai đứa nhỏ giao đại cho vợ chồng mình vì chị ấy biết chúng mình rộng lượng nhân từ.

 

          Thế là sáng hôm sau ông bà lên gặp chị Hồng để làm thủ tục nhận con nuôi. Bà Ba còn đem chị Hồng về nhà bà một thời gian cùng với hai con trước khi bị bắt buộc phải nằm bệnh viện điều trị tích cực lâu dài. Bà đài thọ mọi chi phí, lâu lâu bà dẫn hai đứa nhỏ lên thăm mẹ nhưng chị Hồng càng ngày càng sa sút tiều tụy quá, chị muốn cho các con giữ hình ảnh đẹp của mẹ nên nhất định xin bà từ từ đừng đưa các con đến thăm.Cho đến khi qua đời, mặc dầu thân xác bị bệnh tật hoành hành đau đớn tột cùng, chị cảm thấy yên tâm thanh thản ra đi vì còn niềm tin vào tình người thật sự.

 

          Lúc đầu cũng có dư luận cho rằng Mai và Trung là con rơi của ông vì thấy ông bà cưng chìu con hết mực .Bà Ba phớt lờ tin nhảm ấy bà cứ đường bà bà đi, bà vui vẻ tuyên bố: “Chuyện gì mình làm được thì làm, chuyện phải nữa thì sao lại không làm. Mình thương lo dưỡng dục ai như con của mình thì đó là con mình rồi. Không mang nặng đẻ đau mà có con thế là hạnh phúc nhân đôi. Phải biết cho mới đánh được tầm mức giá trị của cái tâm cao thấp như nhận được gì rồi cũng phải tự vấn vì sao nguyên nhân, mình có xứng đáng với ân huệ ấy hay không ?

 

          Vài năm sau ông Ba cũng qua đời không có dịp nhìn được thành quả tốt đẹp của các đứa con mà ông bà thương yêu hết lòng. Bà Ba lại một mình chống chèo tiếp tục bổn phận nuôi con, rồi bây giờ thêm Mật. Tuổi càng cao, bà còn sốt sắng hơn trong việc từ thiện, bà cũng thích con cháu quanh bà. Hai đứa cháu con của Mai cứ có lễ nghỉ là đòi về ngoại. Vợ chồng Mai cũng thế luôn luôn sắp xếp việc nhà để có thể thăm bà vì bà bận rộn luôn nhất là trong ba năm Mật đi học Đại học, trọ ở nhà Mai.

 

          Mật tốt nghiệp, bà Ba giao dần tiệm cho Mật như cho Mai trước kia. Mật cũng được bổ nhiệm dạy ở trường trung học công lập bấy giờ. Mấy đứa em của Mật học rất giỏi, Phận năm thứ nhất Y khoa, Phùng và Thu còn học trung học. Chúa nhật nào rảnh, Mật cũng về nhà thăm gia đình, bà nội vẫn còn sống. Vài người mai mối hỏi ý thăm dò, chị Thìn cũng vui nhưng chưa có ý kiến vì chị nghĩ chắc Mật không còn thích hợp với cuộc sống làm dâu ở đồng quê đâu.

 

           Luôn luôn cầu tiến, Mật trau giồi thêm sinh ngữ, để có thể đọc sách báo ngoại, theo dõi sinh hoạt phong trào văn hoá nghệ thuật các nước văn minh, học thêm nghề phụ khác như làm hoa nhân tạo, nghệ thuật cắm hoa trang trí nhà cửa. Mật săn sóc bà Ba từng miếng ăn thức uống, cụ bị sẵn quà bánh trái cây tươi ngon trong vườn gửi biếu gia đình Mai mỗi lần có dịp nhất là từ khi Phận đi học ở Saigon. Mật đã có lần thưa với bà Ba xin cho Mật trở về gia đình khi nào cậu Trung về nước vì Mật đã biết cậu đã học xong xuôi rồi, định xin ở lại thêm hành nghề bên ấy một thời gian để rút kinh nghiệm. Bà Ba không ngăn cản Trung nhưng Mai phản đối quyết liệt yêu cầu Trung phải về vì bà Ba bề ngoài khỏe mạnh nhưng người già như ngọn đèn dầu có thể bị tắt thình lình.

 

       Cả nhà ra phi trường Tân sơn Nhất đón Trung và đưa thẳng về nhà bà Ba. Mật không thể cùng đi đón đưọc vì phần có giờ dạy, phần khác phải lo trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị bữa cơm gia đình đoàn tụ, áo gấm về làng.

 

 Điều mà người ngoại cuộc không bao giờ đoán được là trong bao nhiêu năm thư từ thường xuyên chưa bao giờ bà Ba kể đến tên Mật, Mật biết rõ điều đó vì chính Mật viết thư thay bà nhưng đọc thư của Trung là phần việc riêng của bà Ba và Mai. Ngay cả ảnh của Trung gởi về, bà cũng chỉ xếp vào album gia đình âm thầm thản nhiên vậy thôi, không đem hình ra phê bình bàn tán.

 

          - Cô Mật kìa, anh Phúc ơi, cô Mật đến kìa, Hạnh thình lình reo vang nhảy ra khỏi lòng của Trung rồi lật đật cùng anh chạy nhanh ra cửa.

          Ngạc nhiên lần đầu nghe tên nầy và cũng không hiểu tại sao có sự có mặt hôm nay trong bữa cơm riêng thân mật gia đình, Trung tò mò đi lần theo ra đứng sau cửa sổ. Một cảnh tượng sống động làm mềm lòng người, một cô gái trẻ tóc buộc đuôi gà cao tươi cười một tay bồng bé Hạnh đang quấn vòng tay bé nhỏ quanh cổ cô ép đầu vào má của cô, tay kia nắm lấy tay Phúc đang ngước nhìn lên ríu rít gì nói lung tung không biết rồi cả ba vừa cười vừa đi vào nhà theo cửa hông. Phân vân Trung cố moi óc trong kỷ niệm tìm tên và hình dáng nào giống giống như vậy không. Chẳng lóe một tia sáng nào.

 

          Điều mà Trung thắc mắc hơn là vai trò của cô gái trẻ nầy trong nhà. Dường như cô ta chiếm được cảm tình mọi người, bằng cớ là chẳng những hai đứa cháu mà hiện giờ cậu đang nghe tiếng chuyện trò rộn ràng ở nhà bếp Trung còn nghe tiếng Khải chồng Mai vang vang từ ngoài vườn kêu nhờ:

          Dì Mật ơi, có rảnh tay ra phụ dượng đốn quày chuối sứ “chín cây” nầy sai quả quá và nhân tiện rã từng nải ra luôn, ăn liền được rồi ngon lắm. Nếu để qua đêm nay, e chim mổ ăn hết uổng quá.

 

          Nghe vui vậy thôi nhưng còn hơi mệt vì giờ giấc khác biệt, Trung ngả mình trên chiếc ghế xích đu xưa lâu đời rồi mà còn bóng lộn, đảo mắt nhìn chung quanh phòng khách.

            - Mẹ lớn tuổi rồi, Trung nghĩ, mà đầu óc còn tiến bộ thật. Phòng ốc sạch sẽ trang hoàng thanh lịch, trang trí trình bày tỉ mỉ có nghệ thuật. Hoa tươi được cắm trong những chiếc lọ hài hòa thật mỹ thuật thường chỉ tìm thấy trong tiệm bán hoa. Một bàn ăn dài phủ trên chiếc khăn bàn thêu đã được sắp đặt chén đũa sẵn rồi cho buổi ăn hôm nay.” Bà già” đảm đang khéo léo quá.

Mỉm cười Trung lim dim rồi lịm dần trong giấc ngủ êm đềm cho đến khi cả nhà đã ngồi bàn rồi, bà Ba mới lay gọi Trung.

 

          - Xin lỗi cả nhà. Ngủ quên mà chưa bao giờ ngủ ngon như vậy, Trung vội vã đứng dậy theo bà Ba sang bàn ăn, mời mẹ và anh chị. Ồ các món ăn sao mà thấy hấp dẫn, thịnh soạn quá.

          Không khí gia đình thật ấm cúng thân tình làm sao. Trung cũng mới gặp anh rể kỹ sư Khải lần đầu nhưng thấy quí mến anh ngay. Khải điềm đạm mà vui tính, ăn nói chững chạc khiêm tốn mà hài hước, bà Ba thường hỏi ý kiến Khải trước nếu cần như con trai bà vậy. Cả nhà tự nhiên ăn nói vui vẻ.

          - Món nào cũng được trình bày công phu đẹp mắt lại thật ngon. Ở bên Pháp lâu lâu cũng có đi ăn món Việt chứ đâu dám chi phí nhiều về điều khoản nầy, mà có tiệm nấu hợp với khẩu vị mình, tiệm khác ít hơn, nên dần dần có thèm thì hùn tiền với nhau tổ chức nấu nướng chung hoặc phân công ai biết làm món nào thì nấu đem đến. Tha hương nhớ món ăn quen thuộc lắm, gì cũng ngon.

          - Vậy anh đố cậu biết ai làm đầu bếp chính bữa ăn hôm nay đây, Khải hỏi.

          - Con biết, con biết , Hạnh Phúc tranh nhau đưa tay cao lên, Phúc còn dợm chạy đến Trung để mách cậu câu trả lời nếu Mai không trừng mắt suỵt khẽ.

Trung ngớ trước câu hỏi của Khải nên do dự đưa tay trỏ về phía mẹ rồi phía Mai. Hai đứa nhỏ lắc đầu nguầy nguậy tay chỉ lia lịa về phía Mật làm cả nhà cười ồ lên còn Trung thì mắt miệng mở to mà phát âm nhỏ khào khào gật gật đầu như đã hiểu ám hiệu các cháu “cô đó đó à”.

          Bà Ba cười lên tiếng đỡ lời:

             - Đúng đấy. Hồi này định giới thiệu nhưng thấy con mới thức dậy rồi quên luôn. Mật hiện là giáo sư trọ ở nhà mình, trọ lâu rồi từ lúc còn đi học ở trung học cho đến bây giờ. Ngoài ra Mật còn giúp mẹ điều hành tiệm may nữa. Con chào và cám ơn Mật đi.

Trung nghiêng mình về phía trước vì hai người ngồi cùng một bên bàn ăn nhìn Mật, đưa tay lên cao vẫy vẫy:

             - Chào cô Mật được biết cô. Cô mà được má tôi và chị cả tôi khen tài nội trợ là điều chắc chắn hiếm hoi ít có rồi. Tôi chỉ xin tận hưởng nhâm nhi thưởng thức thôi, cám ơn cô.

          Bình dị tươi tỉnh như thường Mật nhìn đáp lại một cách hồn nhiên Cám ơn cậu rồi đứng dậy cùng với Mai dọn cho bàn trống đi. Phần tráng miệng là đĩa hoa hồng bằng rau câu rất đẹp mắt trông như thật. Kế bên là mâm trái cây nhà, nào là đu đủ, chuối cao, xoài cát, ổi xá lị, trên hết là trái thanh long hồng hồng tim tím.

          - Người Việt mình chẳng những ăn bằng miệng mà còn bằng mắt, hay đúng hơn bằng cả ngũ quan. Món ăn trở thành một tác phẩm nghệ thuật, tuyệt quá, Trung vừa thử ăn món thạch ướp lạnh vừa mát vừa lạ miệng.



 

        Sau bữa cơm đó, ai cũng trở về với công việc thường nhật. Những ngày Trung còn nghỉ, bà Ba ít ra tiệm vì phải ở nhà riêng để đón tiếp bạn bè thân nhân đến chúc mừng. Khi Trung báo tin sẽ trở về nước, bà Ba đã sắp xếp mọi công việc nhà đâu ra đấy, còn về nghề nghiệp của con là để Trung quyết định. Bà mượn thêm một bà giúp việc phục vụ chỉ ở nhà bà, dùng cơm với con và về nghỉ ngơi ở đấy.

 

Mật ở trên lầu tại tiệm may, bà bếp cũ cũng vẫn còn mặt thường xuyên. Khi Mật nhắc lại việc xin trở về nhà không tá túc ở đây, bà Ba khẩn khoản Mật đừng đi, thậm chí bà còn đích thân đến nhà Mật xin cho Mật ở lại giúp bà. Và theo yêu cầu của Mật, bà để cho Mật ra riêng nhưng ở tại tiệm may của bà. Vì vậy bà sửa sang trang hoàng lại căn lầu thật tiện nghi, bà bảo:

           - Trung nó đã về, bà mừng thật mừng. Rồi đây khi cậu ta lập gia đình, bà sẽ để ngôi biệt thự ấy cho vợ chồng nó, bà về lại dưỡng già ở ngôi nhà kỷ niệm nầy của ông bà với con nha. Mà à đâu được, con cũng lập gia đình nữa chớ, con cũng theo chồng như con Mai. Hay là nếu hai đứa con bằng lòng về ở nhà nầy thì hay biết chừng nào.

           Mật cảm động đến tận cùng, chỉ biết ôm nhẹ cánh tay bà ứa nước mắt nói:

          - Bà ơi, gia đình con mang ơn bà sâu rộng không bao giờ trả được, mà bà, bà cũng chẳng bao giờ nhớ kể công đâu. Con có ngày nay là cũng do bao công sức nuôi dạy của bà. Con không dám hứa trước với bà điều gì mà con không biết xảy ra trong tương lai, nhưng nếu có sự việc xảy ra như bà đã nghĩ, thì con cũng chỉ cầu xin như thế để được luôn ở bên bà.

             - Cám ơn con, bà chỉ còn mong con hạnh phúc là bà mãn nguyện rồi.

 

          Vài tháng sau, Trung được bổ nhậm làm việc ở bệnh viện tỉnh nhà. Bà Ba vội vã mở phòng mạch riêng cho Trung. Trung dù mới về nước nhưng với mảnh bằng tốt nghiệp ở Pháp, tướng tá cao ráo dễ nhìn, ít nói điềm đạm tận tâm nhất là còn mang đính bài độc thân, tiếng đồn gần xa, khách bệnh càng ngày càng đông và đặc biệt là danh sách “chiêu hiền thê “do mai mối giới thiệu tự động dài ra.

 

          Mà ở đâu cũng thế, vấn đề hôn nhân luôn là đề tài tranh luận bàn tán phê bình góp ý, có dai như cao su, ngán như cơm nếp mắc mưa thế mà mấy ai thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn đó. Trong một tỉnh nhỏ, có khi chuyện bé xé ra to, tin tức qua đường dây truyền miệng cũng nhanh chóng cấp kỳ “ tam sao thất bổn” từ voi thành chuột, cá hóa thành rồng, thất thiệt.

 

          Bận rộn luôn, Trung ít có thì giờ nghỉ ngơi du lịch giải trí thế mà cũng không được yên trong sở như ở nhà. Nay nhà nầy mời ăn giỗ, ngày khác tiệc mừng viện đủ lý do. Thật ra cậu ta cũng thích, nhưng không biết tại sao chưa có cô nào có thể làm cho cậu tin được, có lẽ bị “trượt vỏ dưa thấy vỏ dừa cũng sợ”. Chỉ có một mình bà Ba được Trung tiết lộ một lần chuyện tình cảm éo le của mình cho mẹ nghe thôi. Do đó dù nhờ Mật viết thư sang Pháp, không bao giờ bà để Mật đọc thư Trung gửi về và không bao giờ nêu tên Mật trong thư. Bà muốn bảo vệ Mật cả Trung, tình cảm con người lắm lúc như con ngựa bất kham không biết lúc nào trở chứng.

 

          Vốn là khi học Y khoa, Trung đã yêu một cô bạn Pháp con một nhà giàu cùng lớp. Cuộc tình thật đẹp thắm thiết sâu đậm. Ba má của Gisèle cũng chấp thuận chàng rể khác chủng nầy không đắn đo kỳ thị. Gần đến năm tốt nghiệp, họ quyết định cưới nhau, Trung mới viết thư về xin phép mẹ và xin ở lại hành nghề bên ấy. Vì Mai không biết chuyện tình của Trung nên quyết liệt phản đối, Trung mới bàn lại với hôn thê. Không ngờ Gigi giận dữ đưa tối hậu thư, một là cưới và ở hẳn luôn bên mẫu quốc, hai là cắt đứt ngay. Trung cố giải thích hết lời vì anh chỉ còn có một mẹ già, bổn phận con cái hiếu thảo là phụng dưỡng mẹ cha và nếu thương anh thì theo giúp anh làm tròn nghĩa vụ ấy. Anh cũng đề nghị là Gigi cứ về thử sống quê chồng một thời gian, không được thì chừng đó tính lại sau. Vô ích, chẳng những không cho Trung gặp lại nàng mà còn để chọc tức Trung, ngang nhiên cặp bồ mới và dẫn thẳng giới thiệu với Trung. Ngán ngẫm tình đời, tình yêu trở mặt, vị bác sĩ trẻ trở về với mẹ, quê hương.

 

          Con đừng lo gì cho má cả. Nếu con thấy phải ở lại thì tùy con, đừng làm điều gì mà sau nầy mình ân hận thì thôi. Bên nầy mẹ còn có gia đình chị Mai và bà con thân thuộc, chỉ thương con xa nhà thiếu thốn tình thương thôi Trung nhớ lại từng chữ mẹ viết và nhận thấy rằng tình bà mẹ Việt nam thật vô bờ khoan dung không ích kỷ, như dòng nước từ nguồn chảy xuôi ra biển chứ không bao giờ thoát ngược trở lộn lại nguồn.

          Khi gặp lại con, nhân lúc chỉ có hai mẹ con, bà Ba nhìn sâu vào mắt con trai thì thầm:

          - Sao con lại về? Con không thương cô ấy nữa à? Có phải vì mẹ không? Lý do nào cũng không vững hết, làm vậy là bất nghĩa con biết không?

          - Hết rồi mẹ à, con sẽ kể rõ cho mẹ sau.

             Thế mà từ đó, Trung cảm thấy như tìm lại dần dần sức mạnh tinh thần truyền qua từ lòng từ tâm hy sinh của mẹ, giúp anh dứt khoát đoạn tuyệt được với cơn thất vọng bị khinh khi phản bội lạnh lùng tàn nhẫn, gầy lại niềm tin vào cuộc sống con người.  

          Không còn gì có thể chận bước anh làm lại cuộc đời hữu dụng và hạnh phúc, không chỉ vì bị một lần ngã ngựa mà mấy người nài cứng cựa lại phải bỏ nghề.



Những người nài ngựa

          Riêng bà Ba, từ khi biết chuyện rõ ràng, thương con bà không bao giờ đề cập vấn đề hôn nhân với con dù bà luôn mong con tìm được người hợp ý. Trong lúc đó bà còn phải đối phó với bao người quen bạn bè nhờ bà về việc làm quen cưới xin cô giáo sư trọ ở nhà bà. Lu bù công việc, quá quen với sự có mặt thường xuyên bên mình, bà quên khuấy mất là Mật đã trở thành một thiếu nữ trưởng thành đàng hoàng đảm đang đẹp đẽ. Bất giác bà nhớ thấy Mật quá, lâu rồi bà chỉ xẹt qua tiệm có khi không gặp Mật, bà trách mình sao mà tắc trách quá vô tình, con gái cần phải chăm sóc hơn mới đúng.

 

          Nghĩ là làm ngay sợ quên, chiều hôm ấy, sau ăn cơm xong, bà rủ Trung sang tiệm may cho biết và nhân tiện mời Mật sang dùng cơm với cả nhà luôn cuối tuần có cả gia đình Mai về thăm.

          - Mẹ ơi, ngộ thiệt, sao mà mẹ con mình nghĩ giống nhau quá! Con cũng định thưa với mẹ sang thăm cô ấy vì hồi sáng nầy có mấy người ở chỗ con làm hỏi thăm Mật đó. Bà y tá trưởng thì bảo con gái của bà thich giờ dạy của cổ, viết chữ đẹp dạy hay mà còn khéo léo tự may quần áo thật chic đúng mốt mà không diêm dúa, sang trọng quí phái.

          - Mà thật đúng như vậy, tụi nó còn chưa biết tài nội trợ của con Mật nếu biết chắc còn khen nhiều hơn.

          - Cô khác nói may áo dài ở tiệm mình, cô Mật làm giáo sư vậy mà thật bình dị vui vẻ khi đo ni khách hàng, cô ấy còn thêm, cổ là con gái mà còn thấy ‘mê’ cái hồn nhiên dịu dàng không điệu bộ của Mật.

Anh y tá đứng bên lại cười cười hỏi con:

          - Tôi đánh cá với cô Tâm là bác sĩ không hảo ngọt, vậy đúng không bác sĩ?

          - Tôi không biết anh hỏi để làm gì nhưng tôi cũng trả lời anh, theo cả hai nghĩa trắng lẫn đen, tôi không thích ngọt lắm, hảo ngọt càng không.

          - Cám ơn bác sĩ, tôi “ăn cá” rồi vì ở nhà của bác sĩ có một thứ hàng quí cao cấp về ngọt là Mật, chữ M viết hoa, mà bác sĩ chẳng hay chẳng biết bất cần không để ý trong khi nhiều người thèm thuồng rắp ranh định nhào vào tán tỉnh làm quen (faire la cour).

Cả hai mẹ con cười ngất rồi vui vẻ sang thăm Mật.

 

          Lần nầy gặp lại, Trung ngạc nhiên nhìn Mật muốn không ra. Trung cũng nói thật ý nghĩ mình và cũng không quên lập lại lời khen nào chỉ liên quan Mật thôi. Không thấy một triệu chứng nào thích thú, hãnh diện gì trên gương mặt đắm thắm khả ái tự nhiên nhiên của cô.

 

         Bà quản gia mang trà và bánh đãi khách. Mùi thơm bốc lên từ tách trà sen nóng hổi cọng thêm hương vị lá dứa nước dừa của miếng bánh bò vàng hực rễ tre rành rạnh, Trung lần đầu tiên sực tỉnh choáng ngợp bởi niềm tin hạnh phúc gia đình có thật mà từ lâu anh mong đợi kiếm tìm vô vọng. Anh nhận chân thêm rằng phải kinh qua cái chết mất của lòng ích kỷ thì tình yêu đích thực chân thành mới có thể đâm chồi nẩy lộc kết trái trổ hoa. Hy vọng !

 


Bánh bò rễ tre

 

            -  Cậu nói rồi em mới nhớ, khách hàng và đồng nghiệp của em cũng hay hỏi em về cậu. Nhiều khi họ bàn tán về cậu, đánh cá cho vui rồi nhờ em làm trọng tài, nhưng tựu trung là khen hơn chê. Mấy chị bạn có lần trêu em là “mình đồng da sắt” chẳng bao giờ bị bệnh hoạn nên chẳng cần đi khám bệnh, bận tâm đến sự có mặt, công việc của các vị “lương y như từ mẫu”.

          - Thế à, chắc cũng là đề tài thường tình thôi. Chỉ tội cho cô em phải bị hạch xách, trả lời vấn đề mà cô mù tịt vì chúng mình có biết gì nhau đâu. Biết rằng cô chẳng quan tâm để ý đến những lời ra vào ấy, cũng cho tôi thành thật cám ơn cô rất nhiều vì tình cảm tha thiết sâu lắng đối với cả nhà chúng tôi. Má và chị Mai còn bảo cô là viên ngọc quí hiếm Trời ban cho gia đình, vì vậy với giá nào mẹ cũng hết sức bảo vệ cô cầu cho cô hạnh phúc…

          Trung ngưng ngang vì thoáng thấy cái nhìn long lanh nước mắt hướng về bà Ba đầy tin yêu. Trung như bị thu hút bởi ánh sáng tuyệt vời của “cánh cửa sổ tâm hồn” thanh cao hướng thiện ấy, lòng anh trầm lại hy vọng rằng từ đây nếu có, thay vì anh chỉ có một vị thiên thần hộ mệnh, anh sẽ có đến hai.

 

          Như để làm dịu bớt bầu không khí căng thẳng, bà Ba đề nghị theo sự góp ý của Khải trước đó, từ đây, nếu Mật không thấy gì trở ngại, gọi Mai là chị, Khải và cả Trung là anh. Vậy mà lạ chưa chỉ nghe nói như vậy Trung cũng hồi hộp tưởng tượng đến cảnh xướng danh thí sinh trúng tuyển trong các kỳ thi ngày xưa và cảm thấy như cơn gió vừa thổi qua làm mát lòng khi Mật tươi cười thưa:

          - Cám ơn Bà và các anh chị.

 

          Thời gian qua. Chẳng có gì thay đổi, Trung vẫn chưa thấy rục rịch gì về việc lập gia đình cứ viện lý do còn lo phòng khám bệnh trước đã. Bà Ba trước sau như một, ai có hỏi, bà cứ lập luận “ ép dầu ép mỡ chứ ai nỡ ép duyên”. Mật vẫn sống thản nhiên bận rộn không ngừng lo cho các em tiếp tục học lên cao, chưa nghĩ đến hạnh phúc riêng tư dù bà nội mẹ nhiều lần rù rì đề cập tới.

 

          Biết Mật thích đọc sách báo ngoại về thời trang, nữ công gia chánh, Trung không quên mua đem sang biếu và cùng bình luận như anh em trong nhà thường là có mặt bà Ba. Ai cũng nghĩ bà đang tìm cho Trung mối nào “ môn đăng hộ đối” xứng thông xứng gia như quan niệm thời bấy giờ. Lầm to, vì bà Ba hiểu rõ tâm tính của Mật hơn ai hết nên quí mến Mật hết lòng, biết mình biết người, biết phận mình mà không than van tị hiềm, phân biệt rõ ràng giữa nhận và cho. Ở cô toát ra một sự hòa hợp cương nhu, một sự thăng bằng hài hòa lý tình. Điều mà bà nghĩ là mình biết chắc chắn nhất, là không bao giờ trong tương lai Mận phác họa cho mình hình ảnh của một mệnh phụ phu nhân, bà bác sĩ chẳng hạn. Còn bà, bà không mong gì hơn là được con dâu như vậy.

 

          Chẳng những bà hy vọng thôi mà cả Mai có lần đã nói với bà “ sao mẹ không cưới Mật cho Trung đi, để lâu mất đó. Tụi nó đàng hoàng quá, không tạo cơ hội gặp gỡ tìm hiểu nhau làm sao mà thành”. Bây giờ bà cũng hơi mừng thầm như đã có sự chuyển biến tự nhiên ở Trung thì phải, bằng chứng là câu chuyện nào trong bữa cơm thường xoay quanh đâu rồi cũng trở về hồng tâm Mật.

 

        Hè năm ấy, cả nhà định tổ chức du ngoạn ở Vũng tàu mời cả 4 chị em Mật trong tuần lễ cuối tháng sáu. Không may bà nội Mật ngã bệnh thình lình trước đó. Vừa nghỉ hè nên Mật vội vã xin phép bà Ba về nuôi bệnh nội. Hay tin, Trung cũng không chần chừ vào sở sắp xếp công việc về sớm rồi lái xe về quê Mật. Từ đó Trung cứ chiều về sáng lên làm việc chờ đến khi nào bệnh bớt hẳn mới ngưng.

 

          Có lần sau khi chẩn mạch xong Trung tươi cười bảo:

          - Nội khoẻ rồi, chỉ còn uống tiếp tục thuốc còn lại cho hết rồi sau đó uống thuốc bổ thôi. Nội sống lâu lắm đó.

          - Cám ơn cháu. Nội chỉ mong sống để nhìn được đám cưới của cháu thôi. Nội cũng có lời khuyên cháu nha, thương ai thì cứ thành thật nói ra, được thì tiến tới, ngược lại thì thôi, sòng phẳng trong tình cảm lúc nào hay lúc nấy đỡ thân khoẻ trí. Bác sĩ trị bệnh người khác đã khó còn chữa bịnh cho mình cũng chẳng dễ đâu.

          - Cảm ơn nội. Từ ngày mai, cháu không đến được nữa, xin phép bà cháu về luôn.

 

          Quay ra vừa bước khỏi phòng Trung chạm vào đôi mắt thật dịu hiền long lanh trong sáng chiếu thẳng vào anh đầy cảm phục tri ân:

          - Mai nầy em cũng phải về để lấy Sự vụ lệnh để đi gác và chấm thi, nội đã bớt bệnh rồi, cám ơn anh thật nhiều.

          - Mình đi ra ngoài nha, anh xin phép mẹ cho anh đưa em về một lượt, chúng mình cùng đi về chung với nhau nghe em.

          - Dạ.

          Trung nắm lấy bàn tay Mật tìm mẹ báo tin dưới bầu trời trong vắt, vầng trăng lưỡi liềm hạnh phúc đã lên cao, những vì sao lóng lánh chớp tắt như đôi mắt e ấp thẹn thùng tỏa sáng ngây thơ cùa người con gái ở đồng tràn đầy sức sống niềm tin vào cuộc đời.

                                                  Cô Trần Thành Mỹ

 

 

          

 
ĐỒNG HƯƠNG © 2012 - Xây dựng bởi Blog Thiết Kế – Hỗ trợ bởi Người Áo Lam - Giao diện Rumah Dijual