Mùa hè chợt đến, sau khi cái semester của mùa
xuân vừa kết thúc cho mấy tháng cặm cụi học hành dưới khung trời đại học Orange
Coast, thuộc miền nam Cali. Tôi đã chuẩn bị khăn gói gọn ghẽ lên đường sang tiểu
bang Oregon hái trái cây mướn. Một khoảng đường dài gần 800 dặm. Bà xã tôi ở lại
trông nom mấy đứa con nhỏ, trong 1 căn apartment 1 phòng thuộc thành phố Costa
Mesa.
Trên chiếc xe buýt của công ty vận chuyển
Greyhound tiện nghi, tôi phải ngồi trên đó khoảng 8 tiếng mới tới được thành phố
San Jose, nơi gia đình ông bà nhạc đang cư ngụ. Tôi xuống xe từ đây để tháp tùng
với ông bà nhạc sang bang Oregon bằng xe
nhà. Một gia đình của 1 người bạn với ông nhạc, đồng hành trên 1 chiếc xe van
khá rộng. Chúng tôi cùng chia sẻ chung 1 căn apartment 1 phòng, ở tạm mấy tuần
lễ cho mùa hái trái cây mướn nơi đây.
Ngày đầu tiên vừa tới nông trại, tôi ngơ ngẩn
trước những cánh đồng bao la bát ngát. Những bụi dâu tây (strawberry) xanh thẫm
tận chân trời, ngăn cách bởi những lối đi nhỏ thẳng hàng trông rất là đẹp mắt. Sau
khi tìm hiểu, tôi biết rằng đa số các ông chủ nông trại trồng dâu ở đây đều là
người Nhật. Họ đã sang lập nghiệp trên đất nước Hoa Kỳ nầy từ trước các thế chiến
thế giới. Có lần tôi nghe 1 ông chủ nông trại kể lại ”. Những ngày mà nước Mỹ bắt
đầu tuyên chiến với nước Nhật, chúng tôi bị chính quyền địa phương khắp nơi đưa
vào các trại tập trung, nhưng chúng tôi không bị hãm hại gì “. Tôi nhận thấy những
cánh đồng dâu tây, dâu xanh (blueberry), dâu đen ( blackberry).v..v, rộng lớn ở
rải rác các tiểu bang khác, phần lớn đều có sở hữu chủ là người Nhật.
Từ sáng sớm, mọi công nhân hái mướn như chúng
tôi, còn có một số các giống dân khác như : Mễ tây Cơ, Á căn Đình, El Savadore,
Guatamala… đứng xếp hàng dài, chầm chậm tiến tới chồng khay (tray). Mỗi người lấy
1 tray và chọn 1 hàng dâu tây để hái mà thôi. Chúng tôi được căn dặn là hái thật
kỹ lưỡng, đừng để sơ sót nhiều. Sau khi tray đầy thì
mang tới 1 xe vận tải. Lần đầu tiên hái dâu, tôi thấy ai cũng ngồi bẹp xuống cái
lối đi nhỏ, hai tay lượm lặt từng trái dâu chín đỏ. Tôi thử ngồi chồm
hổm một lúc, thấy không xong, vì khá mỏi lưng mà hái lại chậm nữa. Tôi lụm cụm,
bỡ ngỡ, ngạc nhiên nhìn thấy mấy người Mễ hái nhanh quá. Họ bỏ tôi khá xa, vì lẽ
họ là những công nhân chuyên nghiệp từ lâu rồi, nên có nhiều kinh nghiệm hái giỏi
và nhanh là lẽ đương nhiên rồi. Đối với chúng tôi, công việc tạm bợ, hơn nữa là
lần đầu tiên.
Một chiếc xe cảnh sát màu trắng lù lù chạy
tới, từ xa xa bên con đường lớn, tôi thấy nhiều công nhân hái dâu chạy hối hả
sang bên khu vườn có nhiều cây rậm rạp ẩn núp, vì sợ bị cảnh sát bắt. Sau đó tôi
mới biết, họ là những di dân lậu sang đây, không có giấy tờ tùy thân như chúng
tôi.
Kỷ niệm vui vui buồn buồn làm tôi nhớ mãi là
lúc tray đầy. Tôi đứng lên để mang tới xe truck, tôi không thể đứng thẳng người
được, chắc chắn là vì ngồi bẹp khá lâu. Tôi bước chầm chậm trong tư thế khum
khum như 1 ông già 80 tuổi ở quê nhà. Tôi bỗng bật cười to khi nhìn thấy cậu em
vợ nhìn tôi cười mủm mỉm.
Suốt 8 tiếng cố gắng trong uể oải, cái lưng, đôi chân cũng mỏi, tôi được trả 40 đô cho tổng
số tray tôi hái được, trong khi 1 anh Mễ kinh nghiệm nhận gần 80 đô, gấp đôi tôi
rồi còn gì. Một thanh niên chưa đầy 30, khỏe mạnh, xem ra không bằng kinh nghiệm
và quen công việc được. Chúng tôi ra xe về nhà, trong bộ quần áo có nhuộm lấm tấm
những vết bùn nhơ.
Sau 1 tuần lễ hái dâu, tôi cũng có chút ít
tiến bộ, nhanh hơn và cũng lãnh thêm lên 1 ít tiền. Chúng tôi nghĩ 1 ngày để xả
hơi, sẵn dịp đi chơi một vòng thành phố Portland cho biết đó đây. Con đại lộ lớn,
chạy song song theo con sông rộng ra tận Thái Bình Dương, đưa chúng tôi tới 1 nơi
có cảnh thiên nhiên đẹp để thưởng thức sau 1 tuần kiếm tiền thật không dễ chút
nào. Khu du ngoạn nho nhỏ, bên trên ngọn đồi thấp, có 1 thác nước nhỏ chảy vòng
quanh và nối lại với dòng sông.Tôi vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy vô số những
con cá cháy đang cố gắng lướt ngược dòng nước suối. Giống như những đàn cá
salmon (cá hồi), cố gắng bơi ngược dòng suối trong mùa sinh sản.Tôi từng chứng
kiến cảnh cá salmon làm mồi cho bầy gấu rừng, trình chiếu ở Discovery Channel. Cái
cảm giác đầu tiên, làm tôi nhớ mấy câu thơ của dân Bạc Liêu, tôi đổi là :
Có ai về xứ Port-land.
Dưới sông cá cháy, trên bờ có
dâu.
Chúng tôi lang thang đi vào 1
building khá lớn nằm bên bờ sông, do bộ Hải quân tiểu bang nầy xây dựng. Lối kiến
trúc hiện đại, có 5 tầng, mà 2 tầng thì nằm sâu bên dưới con sông. Chúng tôi có
thể nhìn thấy được rõ ràng những con cá mập, lươn biển v.v. qua lại xuyên qua lớp
kính dầy.
Trên đường về nhà, chúng tôi ghé
qua 1 công viên, nơi có 1 hồ rộng lớn. Ngày cuối tuần có nhiều người đến đây
chơi. Có nhiều người Mỹ đang ngồi câu cá cháy, loại cá mà tôi đã trông thấy từ
lúc sớm hơn. Tôi thích thú quá, vội đến trao đổi vài câu với 1 người đàn ông
người Mỹ, xem anh ta có thích ăn loại cá nầy không. Anh ta nói:” Chúng tôi
không thích ăn loại cá nầy ví có quá nhiều xương nhỏ, chỉ câu cho vui thôi.”Cái
hồ có quá nhiều cá cháy, bởi nối liền với con sông lớn, thông qua con kênh nhỏ,
nước chảy cuồn cuộn.
Tôi thấy anh ta tay cầm lon bia
Budwiser, tay kia cầm cần câu, kéo liên tục những con cá cháy to lớn lên bờ hồ.
Vẩy cá màu trắng bạc, lóng lánh dưới ánh mặt trời. Tôi thích chí quá, đề nghị trao đổi 1 con cá cháy cho 1 lon bia. Anh ta gật
đầu vui vẻ. Thế là chúng tôi có 12 con cá cháy to lớn cho 1 pack Budwiser.
Tôi thật sự vui quá, vì ngày xưa,
lúc về thăm quê ngoại bên dòng Hậu Giang, mới 6,7 tuổi, nhưng vẫn nhớ mãi cái
hương vị thơm tho, ngọt ngào của cá cháy nấu ngót với cà chua.
Ngoại tôi giăng lưới bắt được rất
nhiều loại cá nầy, tôi nhớ nhất là ăn hết 1 cặp trứng to tướng. Nghe kể lại,
sau đó không lâu, loại cá cháy đã biến mất. Chúng rời khỏi Việt Nam và có duyên
hội ngộ với chúng tôi trên xứ Mỹ nầy. Thời gian đã đi qua hơn hai mươi năm dài rồi. Tôi thì thầm:
Đã mấy mươi năm chẳng thấy mầy,
Bây giờ gặp lại ở nơi đây,
Mùi hương thơm ngát xưa còn nhớ,
NHỮNG NGÀY CUỐI NĂM 2012. VÂN NGUYỄN –NAM CALI.