Những ngày cuối năm, trời chưa có tuyết, nhưng cái rét lạnh lẽo
bắt đầu bao trùm lên vùng núi Rocky Mount thuộc bang Virginia. Gia đình tôi
cùng gia đình ông nhạc bắt đầu từ giã vùng đất mến yêu với nhiều kỷ niệm nầy. Cuộc
hành trình hướng về miền nam Cali, dài hơn 3 ngàn dặm đường và chúng tôi phải mất
3 ngày 3 đêm láy xe.
Chiếc Cadillac Sedan de Ville của tôi chở đầy các thứ, quần áo, vật
dụng cho nhà bếp, chiếc bàn ăn bằng gỗ được xếp gọn lại, 1 cái tivi 19 inches
trắng đen kồng kềnh. Cậu em vợ tháp tùng với tôi, nâng tổng số lên 6 người trên
xe sedan 2 cửa, 8 máy. Trong túi có được 200 đô vừa mượn từ người dượng để đổ
xăng dọc đường. Xe được chạy lòng vòng qua các nơi quen thuộc, dường như để ngắm
lại lần sau cùng những cảnh cũ trước khi ra xa lộ. Tâm tư tôi bồi hồi, trầm tư
trong lặng lẽ về những kỷ niệm nào đó như còn lảng vảng đâu đây.
Lần đầu tiên, trên xa lộ xuyên bang số 40, tôi có chút hồi hộp, bởi
vì hơn 8 tháng sinh sống nơi đây chưa có lần nào lái xe ra xa lộ cả. Tôi ngạc
nhiên, thích chí ít nhiều, vì trên xa lộ không có đèn xanh đỏ như ở trong đường
phố, tốc độ xe cũng nhanh hơn nhiều. Tôi bám theo xe của ông nhạc phía trước, mắt
lúc nào cũng chăm chú màu xe của ông, vì sợ bị lạc mất ông. Ông tới đâu thì tôi
tới đó, ông quẹo đâu thì tôi quẹo đó, lắm lúc ông dừng lại ở các trạm
xăng, các nơi có bán thức ăn, các trạm nghỉ xả hơi (rest area).
Một kỷ niệm làm cho tôi không bao giờ quên được trong đời, là lúc 2 xe chúng tôi cùng dừng lại bên lề xa
lộ. Thời buổi đó không có điện thoại di động như bây giờ. Tôi vừa mở cánh cửa để
bước ra ngoài, một đoàn xe vận tải 18 bánh cũng vừa phóng nhanh tới, sức gió
quá mạnh bạo suýt kéo tôi văng ra khỏi xe. Tôi cố bám chặt cánh cửa, chờ đợi
cho đoàn xe cả chục chiếc đi qua. Cánh cửa bị hư một phần làm cho lúc đóng lúc
mở rất khó khăn. Tôi tái cả mặt, hoảng hồn hoảng vía, tưởng chừng như đã bị mất
mạng rồi. Tôi thoát nạn trong gang tất của tử thần.
Ngày thứ 2, sau khi đã đi qua một số tiểu bang. Tôi phải cho xe
dừng lại bên lề xa lộ, vì một lý do nào đó không đầy 1 phút. Lúc tiếp tục cho
xe lăn bánh trên xa lộ thì xe ông nhạc đã đi xa tít. Không còn nhìn thấy được
xe ông, tôi cố gắng cho xe chạy nhanh hơn tốc độ ấn định. Tôi giữ tốc độ 90 dặm
một giờ cho hơn mấy mươi phút mà vẫn không tìm thấy được xe ông nhạc nữa. Tôi
cũng có chút hồi hộp. Một chiếc xe phía sau tôi có đèn màu xanh bên trên nhấp
nháy liên tục. Tôi nhìn thấy rõ qua kính chiếu hậu, nghĩ thầm xe cứu thương muốn
qua mặt xe tôi. Tôi không màng sang lane khác cho đến khi cậu em vợ cảnh báo
tôi,”coi chừng mình bị xe cảnh sát xa lộ rồi đó”. Tôi giảm tốc độ, từ từ sang
qua lane bên phải, chiếc xe phía sau tôi cũng tiếp tục bám theo sát xe tôi cho đến khi xe tôi dừng hẳn lại bên lề
xa lộ. Một người đàn ông cao lớn da đen, trong bộ sắc phục màu đen mở cửa bước
ra ngoài, tay cầm baton bảo tôi bước ra khỏi xe và hai tay ôm trunk xe. Tôi
nhìn thấy ông ta dường như muốn đánh tôi khi chiếc baton được nâng cao lên. Ông
ta vội hạ baton xuống, có lẽ nhìn thấy mấy đứa con nhỏ của tôi bên trong, nên dịu
sự phẫn nộ. Ông ta lấy đi bằng lái xe của tôi, thay vì viết 1 giấy phạt, ông cho tôi tấm biên nhận lưu giữ bằng lái xe thôi.
Tôi biết chắc đã lạc mất xe ông nhạc cho tới khi màn đêm buông
xuống. Tôi ghé qua 1 trạm để nghỉ đêm nơi đây, tình cờ tìm thấy xe ông nhạc đã
đậu lại đây nghỉ qua đêm rồi. Sáng sớm, chúng tôi gặp nhau, kể lể, nói cười hớn
hở như đã có hẹn hò gặp lại. Tôi vốn lái xe dở về đêm, có lúc mệt mỏi, lạng quạng
qua lại như con rắn trên xa lộ vắng lặng tối mịt.
Một buổi sáng đẹp trời, trên xa lộ cong queo, cao thấp của những
cái đồi xanh biếc xa lạ. Xe đổ xuống dốc thăm thẳm, tôi thấy tốc độ xe hơn 75 dặm,
nhưng cố tình không muốn chậm lại. Xe tôi bị chận lại bởi 1 xe cảnh sát núp bên
cạnh chân cầu mà tôi không thể nhìn thấy trước được. Bằng lái xe không có, anh
ta cũng cảm thông, bớt cho tôi 5 dặm trong giấy phạt.
Sau 3 ngày 3 đêm, chúng tôi tới được vùng đất Cali. Trời Cali buổi
sáng có nhiều sương mù vào cuối tháng 12, có lúc dầy đặc đến nổi không đọc được
bảng tên đường trong các phố. Cậu em vợ thứ tư đã dọn từ bang New Mexico sang
Cali nầy hơn 1 năm rồi. Sau khi xem lại bản đồ và địa chỉ đã có sẵn, tôi cũng
muốn làm cho cậu ta ngạc nhiên, là tìm ra được nhà mà không cần gọi điện thoại
công cộng báo trước. Sau mấy tiếng khỏ cửa, một người đàn bà người Mỹ da trắng
bước ra hỏi tìm ai. Tôi ngạc nhiên, bối rối vì biết mình đã nhầm lẫn địa chỉ rồi.
Con số nhà, cái tên con đường cũng đúng. Tôi thầm nghĩ chắc là cậu ta đã dọn đi
chỗ khác rồi. Sau khi gọi điện thoại cho cậu ta, tôi mới biết rằng, số nhà, tên
đường thì đúng, chỉ sai ở cái tên thành phố mà thôi. Thật là một kinh nghiệm
cho một kỷ niệm vui vui…
NHỮNG NGÀY CUỐI NĂM 2012-VÂN NGUYỄN NAM CALI.