Ngày xưa ở Việt nam ít người biết đến nhà dưỡng lão. Thời Pháp thuộc ở
Thị Nghè Saigon và rải rác vài tỉnh miền Nam lúc bây giờ cũng có.
Những ngôi nhà nầy thường chỉ dành cho những người già không có thân
nhân nương tựa, tiền của để sống, thành phần đáng thương trong xã hội tạm trú.
Dân ta thường sống đại gia đình, theo truyền thống tốt đẹp nầy ông bà già sống
chung với mấy thế hệ sau, không có bao giờ nghĩ đến chuyện rời nhà từ đường,
nghèo giàu gì cũng thế.
Thời nay, nhất là ở các nước tân tiến, việc xin vào hay được đưa vào
dưỡng lão chẳng những là chuyện bình thường mà cần thiết nữa, con cháu cảm thấy
bớt áy náy lo sợ bất hiếu vô ơn. Càng ngày càng văn minh hơn, nhà dưỡng lão trở
thành ngôi nhà quen thuộc cuối cùng của các bô lão, nơi tập trung của những
người cùng thế hệ thời kỳ thứ ba cuộc đời, có thể sinh hoạt, vui chơi giải trí
có người hướng dẫn, giúp đỡ, săn sóc, đầy đủ tiện nghi. Mục đích là tạo một
không khí ấm cúng từa tựa như trong gia đình để cho người già bớt nỗi cô đơn
nuối tiếc hồi tưởng thời còn trẻ tự do bay nhảy, nhớ con thương cháu.
Phải công nhận các nhà dưỡng lão Âu Mỹ thường rất chu đáo trong việc
phục vụ người già trên mọi mặt, từ cơ sở vật chất đến sinh hoạt hằng ngày, đời
sống tâm linh cho đến ngày qua đời. Phần đông các ông bà cụ khi về hưu, nếu có
tư gia, gia đình riêng thường sống với nhau cho đến khi nào một trong hai người
qua đời và người còn lại nếu thích hoặc đủ khả năng, sức khỏe thì sống một mình
dù góa bụa, cho đến khi nào không tự lo cho mình được nữa mới đành chịu mất tự
do trong phòng nhà dưỡng lão.
Thật ra nếu có dịp viếng nhà dành riêng cho người già, cơ sở vật chất
được thành lập thiết kế càng ngày càng phù hợp với nếp sống và tình trạng kinh
tế của các cụ. Như đẳng cấp các khách sạn được đo bằng một đến năm ngôi sao, bề
ngoài và vị trí ngôi nhà cũng là thước đo phần nào lý lịch thành phần xã hội
của các cụ nội trú. Càng đắc tiền việc phục vụ tất phải tương ứng theo. Phòng
ốc cũng được định giá cao thấp như các chung cư, khách sạn hay phương tiện di
chuyển du lịch, phi cơ, xe lửa hay ghe tàu cruise, tiền nào chỗ ở nấy, giá nhất
định không có chuyện kỳ kèo trả giá bớt điểm nầy bù vào nơi khác, vì danh sách
xin chỗ dài lê thê bít kín có khi trước cả mấy năm liền.
Cơ sở căn bản còn được trang bị thêm một hệ thống tối tân phòng phụ cần
thiết hổ trợ cho việc điều khiển sinh hoạt tốt đẹp hơn như phòng tiếp tân phòng
khách, phòng sinh họat giải trí chung, quầy hàng giải khát ăn uống nhẹ, phòng
tập thể dục .Về sức khoẻ chẳng hạn có cả ê kíp y tá thường trực săn
sóc, liên lạc trực tiếp với bác sĩ khi cần. Tuổi già gần đất xa trời nên trong
nhà dưỡng lão nào cũng có nhà thờ hoăc nhà nguyện để các cụ có thể đi lễ hằng
ngày do một linh mục về hưu hướng dẫn. Nói tóm lại không chi tiết nào người ta
bỏ qua để phục vụ hy vọng an ủi, tìm nguồn vui cho tuổi già hưởng thụ trong
giai đoạn cuối cùng nầy.
Ngoài ra, bao sinh hoạt khác xoay quanh, tổ chức xã hội đoàn thể, hội
đoàn, tạo cho không khí nhà dưỡng lão thêm phần sống động hơn, bớt vẻ hiu quạnh
cô đơn hơn là ở nhà riêng một mình. Các cụ không còn phải lo gì đời sống thường
nhật của mình, từ miếng ăn giấc ngủ, sức khoẻ giài trí tâm linh theo một thời
khóa biểu ấn định phù hợp với tiêu chuẩn của mỗi nhà dưỡng lão.
Thế nhưng có dịp quan sát các cụ còn khỏe mạnh rảnh rang đi quanh quẩn
trong phòng mình hoặc chầm chập như thong dong lui tới trong hành lang trước
phòng, hay đến ngồi ở phòng tiếp tân đọc báo hay trò chuyện, đánh bài đánh cờ,
thật khó mà đoán chắc là các cụ hài lòng với cuộc sống đầy đủ nầy đâu. Có dịp
tiếp xúc nhiều hơn tất được nghe lời tâm sự thường toàn là than phiền, bực
mình, trách hờn con cháu hay phê bình người cùng trọ, nhân viên săn sóc phục
dịch, thực phẩm, ban điều hành, thông tin khí tượng về thời tiết khí
hậu mỗi ngày, tin tức trong ngoài nước, cái gì cũng thường không như ý của các
cụ hết. Càng còn mạnh khoẻ chừng nào càng xét nét tinh vi hơn.
- Ông thấy không, hôm nay có mấy cái cô sinh viên mới tập sự làm hè, sao
mà khác ngày xưa quá, họ không có vẻ e dè, ngại ngùng gì cả, lạnh lùng tự tin.
Lại nhiều người trẻ ngoại quốc nữa.
- Mỗi thời mỗi khác chứ, mà bà có biết là bây giờ khan hiếm nhân viên
cho nhà dưỡng lão lắm không.Tôi mới đọc báo và nghe radio về vấn đề này khẩn
cấp yêu cầu chính phủ tìm biện pháp giải đáp nhanh nữa đó. Ngày còn đi làm, bà
nhớ không, bà trông đến hè để đi du lịch nghỉ dưỡng. Từ đầu năm là bà đã lên kế
hoạch đi đâu rồi, địa điểm ưu tiên phù hợp với túi tiền của mình, nơi xứ nắng
ắm, trượt tuyết ski, chu du nơi nầy nơi nọ cho biết đó biết đây đừng
để thua kém bạn bè, tỏ ra người văn minh có học trưởng giả. Nhân viên ở đây
cũng thế, họ cũng cần thời gian nghỉ ngơi bồi dưỡng, sinh viên cũng cần nên tập
sự đi làm hầu biết giá trị của đồng tiền.
- Tôi cũng như bà chị vậy, mỗi lần thay đổi nhân sự là có sự xáo trộn,
bà cụ khác góp ý. Các cô y tá ở đây cũng không đối xử đồng đều với các cụ đâu.
Thái độ, cách nói năng như bất cần, vô cảm lắm lúc làm buồn lòng nhiều người
nhất là các cụ yếu đuối ít người thân thăm hỏi.
- Đừng trách phiền mà làm chi, không đổi được gì đâu. Ai cũng có hoàn
cảnh gia đình lo lắng riêng, sức khoẻ lên xuống, tình tình khác nhau, Trời còn
không làm cho mọi người vừa lòng, con người làm sao hơn được. Mình già rồi,
sống bao lâu mà làm cho họ ghét, vui ngày nào khi mở mắt mà biết mình chưa tắt
thở, tôi còn thấy bà, bà thấy tôi đôi khi hay cau có một tí, hay rên than trời
lạnh gió nhiều nhưng mình còn có nhau là đáng mừng rồi.
- Bà chị thấy không, các ông là như thế đó, họ dễ dãi rộng lượng lắm,
các ông cứ đổ thừa cho các bà luôn, nào là khó khăn hay bắt bẻ, thích được
nuông chìu, nghi nan số một, ưa ra lệnh, không ai được làm trái ý mình, hay chê
hơn khen, mê lời dịu ngọt, nịnh bợ càng tốt, đủ thứ tật xấu. Lắm lúc tôi nghĩ
mà tức cười, đàn ông hay đàn bà ai cũng vậy, người vầy người thế kia chứ.
- Ông nhà tôi còn hay nhắc câu ‘không nên đánh người phụ nữ dù bằng cành
hoa hồng’, nghe sao bùi tai lãng mạn làm sao ! Vì thế, không bao giờ
hoặc ngại nhờ các nhân viên phục vụ, thậm chí luôn tỏ ra dễ dãi, có vẻ biết ơn
họ nữa là.
Nhớ thời còn đi học, học ngoại ngữ Pháp Anh, ai cũng nhận thấy rằng phát
âm tiếng Pháp dễ dàng hơn tiếng Anh, viết sao đọc gần như vậy. Thế mà ngán nhất
là văn phạm độc đáo của Pháp cầu kỳ tinh vi, rườm rà rắc rối trong chi tiết,
như cách chia động từ, số và giống. Thật ra ngôn ngữ nào cũng có cái hay đặc
thù của mình, tiếng Việt ta cũng thế, vì thế để làm bầu không khí học hỏi bớt
nhàm chán thêm sinh động, và với tinh thần hiếu học hài hước cố hữu, lúc đầu
chúng ta thường phiên âm cho dễ nhớ rồi sau đó nghĩ ra một đề tài nào tiếu lâm
liên quan cho vui.
Nhớ có lần một vị nữ giáo sư chủ nhiệm cười bảo khi các nam sinh trong
giờ sinh hoạt than phiền các thầy hay bênh nữ sinh ít rầy la :
« Học tiếng Pháp, các em biết rằng mạo từ giống đực số ít là
« le » đọc là lơ, đọc theo tiếng Việt là le, giống cái là
« la », đọc giống như tiếng Pháp. Ở đây thêm một bằng chứng cho chúng
ta nhận thấy tiếng Việt ta sao mà đa năng đa dụng và nhất là khả năng
thích ứng thiên phú phiên âm thích hợp. Cái lưỡi Việt ta đúng là :
« Cái lưỡi không xương nhiều điều lắt
léo,
Cái miệng không vành nó
méo tứ tung. »
Do đó các ông thuộc phái ‘ le ‘ (lơ ) nên tất nhiên thường có vẻ hời hợt
lơ là hay làm lơ lắm, ít thắc mắc để ý nhiều đến chi tiết, như trong gia đình
chẳng hạn bà mẹ lo toan từng ly từng tí cứ động một tí là la liền, đến nổi các
ông bố bực mình thường cho là ‘ lo bò trắng răng.
Giống đực còn là phái le nữa, các bạn chỉ cần nhìn quanh là bạn thấy
ngay, con gà trống có mồng như vương miện lẫm liệt bước đi cất vang tiếng gáy
giữa đàn gà mái, con sư tử đực với cái bờm độc đáo.
Làm sao chúng ta quên được không liên tưởng đến chúa tể sơn lâm, hình
ảnh oai phong hào hùng tuyệt đẹp của ông hổ, tượng trưng phái nam :
‘ Ta bước chân lên, dõng dạc
đường hoàng,
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng ‘
Tuy nhiên con cọp Việt còn đặc biệt hơn, ‘đang theo giấc mộng ngàn to
lớn’, anh hùng bất khuất ngay khi cả bị ‘sa cơ nhục nhằn tù hãm’, ‘thời oanh
liệt nay còn đâu’ mà vẫn giữ cái phong thái tiết tháo hiên ngang tự do tự chủ
của một nhà ái quốc chân chính xem thường cả cái bản án chung thân, hành hình,
cái chết trước mắt, không cúi đầu chịu thua hoàn cảnh, thay đổi lập trường, ‘Hổ
nhớ rừng’ của Thế Lữ :
‘Gậm một mối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài trong ngày tháng dần qua.
Khinh lũ người ngạo mạn ngẩn ngơ
Giương mắt bé diễu oai linh rừng
thẩm’.
Hơn thế nữa, ở trong nhà dành cho người già, các cụ ít hoạt động, bửa ăn
đưa tận chỗ, cần gì có người phục vụ, lâu ngày cũng chán, buồn buồn, rồi bực
đọc vô cớ, có lý thôi, con người mà. Ở không ăn rồi lại ngủ, uống thuốc trường
kỳ rồi lâu lâu đi khám sức khoẻ đúng theo nội qui ấn định. Con cháu đến thăm
một lát rồi cũng ra về, hoặc lâu lâu được chiếu cố mời về nhà tư nhân con cháu,
một gợn sóng nếp nhăn hằn thêm trên trán. Ngày nào như ngày nào, các sinh hoạt
diễn ra cũng thế na ná như nhau. Các bình hoa được thay đổi thường xuyên, các
buỗi liên hoan trong ngày lễ, sinh nhật, văn nghệ gây không khí vui nhộn thân
tình cũng không xóa được các kỷ niệm xưa.
Người già là thế họ sống với quá khứ hồi tưởng chuyện đã qua, tương lai
ít khi đề cập đến. Bệnh tật lại ngấp nghé rình rập bao vây, như chiếc xe cũ cà
ràng cà tàng nay bóng đèn cháy, bougie hư, nổ bánh, mai mở máy không lên, bô bể
kêu to xì khói, khi chạy bon bon khi ì ạch nằm đường.. Chuyện thường tự nhiên
mà ai ai cũng biết.
Con đường đời của mỗi người cũng chẳng khác, nếu sống thọ tất phải qua
các giai đoạn trẻ già. Vậy các cụ là hình ảnh trong tương lai của chúng ta
thôi. Có ai kéo được thời gian lùi lại hay dừng bước nhìn thời gian vô tình
trôi qua. Bất lực thay con người thế mà ít ai thích nghĩ tới, khi còn khoẻ ai
cũng tưởng rằng mình có thể là miễn nhiễm nhiều thứ, tội lỗi bệnh tật, tai nạn
và cả cái chết nữa.
Lại có một số người còn quan niệm
‘Ông
cha kiếp trước có tu,
Ngày
nay con cháu võng dù hiên ngang ‘.
Vì vậy mà họ được may mắn, giàu có, quyền lực trong tay có khi vì không
phải do năng lực, tri thức, tài ba riêng, ‘một bước lên bà’, ‘chuột sa hũ gạo’,
cũng không phải vì thừa hưởng gia sản kếch sù của ông bà để lại, ‘thời thế tạo
anh hùng’ thôi. Cái hố xã hội càng sâu thêm giữa các tầng lớp dân chúng khó có
cơ hội lấp bằng, vết nứt của trái đất cũng không nguy hại bằng sự đổ vỡ của
niềm tin, đột quỵ của lương tâm. Do đó hiện tượng đút lót bao thơ hối lộ tinh
vi hay lộ liễu càng ngày càng xâm chiếm đến thượng giới, Thần quyền, đổ xô về
những nơi thờ phượng, chùa chiền, nhà thờ, đình miếu để mưu cầu lợi lộc riêng,
trúng áp phe, trúng số lô tô, đề, thầu, gì gì bất chính cũng không sao.
‘Phú quí sinh lễ nghĩa’, bao nhà tông đường kiến họ đường bệ nguy nga
được xây cất lên cho xứng với tầm mức cao sang quyền thế đương nhiệm, theo quan
niệm mới của thế quyền, không phải để bạch hóa rửa tiền đâu mà là một phương
cách hữu hiệu tạo công ăn việc làm cho người dân trong thời kỳ khủng hoảng kinh
tế toàn cầu nầy, một hành động đạo đức tích phước cho con cháu về sau. Do
đó nhiều nhà giàu có không tiếc vung tiền mua nhà lầu xe hơi, phi
cơ, quần tơ áo lụa, tiền bạc bằng giấy hàng mã để gửi đến ông bà quá cố qua
ngân hàng âm ty trong ngày ma chay giỗ Tết để tỏ lòng tri ân trả hiếu, một
phương cách cầu tài cầu phúc làm gương cho hậu duệ của mình. Hiện tượng nầy
cũng được phổ biến rầm rộ mà không ai cho là ‘mê tín dị đoan’ đâu. Đổi
đời !
Vì thế nếu có dịp đi làm hay có người thân quen ở nhà dưỡng lão
tối tân hiện đại hay ít đắc tiền rồi, thực tế lắm khi làm cho người Việt tha
hương ta suy nghĩ. Phần đông các vị nội ngoại ta thuộc lớp cao niên. Quá khứ
của các cụ đầy ấp kỷ niệm và tập tục xưa quê mình. Kỷ niệm buồn vui gì cũng là
kinh nghiệm sống đã qua. Bao cuộc thay đổi xảy ra, các cụ đã lao tâm lao sức
cải thiện cuộc sống mới do sức lao động bản thân để vươn lên chẳng những cho
gia đình mà giúp được cả thân nhân bạn bè ở quê nhà.
Ngày trước khi nghỉ hưu, ai cũng mong đến thời gian nầy. Nhưng sau một
thời gian thong dong lông bông dưỡng sức, đi đó đi đây, nhiều chuyển biến xảy
tới không ngờ. Thời gian sao mà có vẻ dư thừa nhàn hạ quá, bạn bè sao vắng mặt
lần lần từ từ trong các ngày lễ họp. Tin không vui nhiều hơn vì nay người quen
nầy nằm viện, mai người thân ra đi. Bao bài thuốc trị bịnh, phòng bệnh, an
dưỡng được bạn bè tứ xứ gửi về làm tinh thần các cụ lúc đầu phấn chấn rồi sau
đó loay hoay, rồi dần dần dường như bệnh nào mình cũng có vướng mắc một vài
triệu chứng. May mắn cho cụ nào còn sáng suốt, tỉnh trí, dù sức khoẻ hạn chế
mọi hoạt động cơ thể, chậm chạp, mắt mờ nặng tai, nhưng còn tự xoay sở được các
cụ vẫn thích tự do hơn và không gì bằng là được sống gần con cháu.
Vẫn biết rằng sang sống nước ngoài rồi, ‘nhập gia tùy tục, nhập giang
tùy khúc’ là cần thiết, thế mà cố sống thích nghi với khí hậu khác biệt quê nhà
dù sao còn chịu được, chứ cũng buồn thật buồn phải sống cùng chung trong một
ngôi nhà giữa người lạ khác giống, ngôn ngữ cách ăn uống tập tục truyền thống
khác mình. Vẫn không phủ nhận rằng lực bất tòng tâm nữa rồi, nếu muốn ở nhà
mình tất phải có đủ tài chính để mượn người săn sóc, phụ giúp nhưng vẫn cảm
thấy cô quạnh làm sao. Phần đông con cái vừa bận đi làm vừa dành thời gian cho
gia đình riêng nghỉ ngơi gỉải trí giao tiếp, thêm vào đó bao lo toan khác bất
ngờ không dự trù tính trước nên khó thể nào dung hòa chu toàn bổn phận.
Thường thường người ta còn bảo ‘cha mẹ nuôi con không tính ngày tính
tháng, con nuôi cha mẹ con tính tháng tính ngày’. Đó là chuyện tự nhiên ‘nước
mắt chảy xuống’ thôi, không vì thế mà chúng ta đánh mất niềm tin vào
lòng hiếu thảo và biết ơn của thế hệ kế thừa vì thật ra, chẳng đặng đừng con
cái ta mới đành đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão. Không thể lo trực tiếp được thì
nhất cử lưỡng tiện là gởi các cụ vào một nơi các cụ có thể nghỉ dưỡng an toàn,
ít nhất là là cả hai bên đều yên tâm được phần nào, các cụ cũng cảm thấy quẳng
bớt lo âu mình là gánh nặng khó xử cho con cháu.
Vào đây, cụ nào còn khỏe mạnh có dịp bàn luận trao đổi chuyện đời xưa
nay với bạn bè đồng cảnh ngộ. Ở nước văn minh tân tiến, tuổi nào cũng còn cơ
hội học được hết. Ngoài ra còn có thể mở rộng tầm hiểu biết, giải trí, liên lạc
thông tin trong và ngoài nước qua hệ thống mạng điện tử toàn cầu internet rất
hiệu quả kéo dài tuổi thọ, tiêu khiển, giảm nhẹ nỗi buồn chán chường trống
rỗng. Cái thế giới ảo trên các mạng làm cho các cụ sống lại được trong những
ngày hoàng hôn nầy bao ước muốn, mộng mơ, phiêu lưu kỳ thú thầm kín không ngờ
thực hiện được.
Chỉ đáng buồn cho những người xa quê tuổi đời đã lớn, phải lao động tay
chân ở các nước khí hậu khác biệt, nếp sống vội vã để rồi không còn sức khoẻ,
tiền già eo hẹp, cuộc sống thật như không còn ý nghĩ gì nữa vì vật chất thiếu
thốn còn giải quyết được nhưng bệnh tật biến nỗi cô đơn buồn tủi tăng nhanh gặm
mòn thể xác tâm hồn già xa xứ khó nguôi.
Tuy nhiên, thế giới ngày nay càng văn minh càng có nhiều bô lão vì tuổi
thọ con người dài hơn. Do đó việc lo tìm phương cách chính sách liên quan trực
tiếp với vấn đề an sinh cho thế hệ trước luôn được bảo đãm tốt nhất và cải thiện
không ngừng. Nhà dưỡng lão cũng vì thế thay đổi theo thời tiến bộ khoa học kỹ
mỹ thuật phù hợp với thị hiếu nhu cầu quần chúng. Vậy xin các bậc trưởng thượng
cao niên hãy an tâm sống vui sống khoẻ, lạc quan, hài lòng với khung trời tuỗi
thọ hiện tại của mình, mỗi ngày còn sống là một ngày mới, một tâm hồn thanh
thản hơn chẳng màng nghĩ chi đến cái tương lai gần xa ‘Que sera, sera,’’Biết ra
sao ngày sau ?’. Hy vọng !
Cô Trần Thành Mỹ