Những
ai có dịp viếng thăm bãi biển đá nham thạch như Con đường của người Khổng Lồ hay
Giant’s Causeway ở miền bắc Ái Nhĩ Lan sẽ nhận thấy đây là những di sản thiên
nhiên độc đáo được trời ban tặng.
Con
đường của người Khổng Lồ
- Giant's Causeway là vùng bờ biển thuộc
quận Altrim, Bắc Ireland, Vương quốc Anh. Bờ biển này thu hút rất đông khách du
lịch và các nhà nghiên cứu đến đây bởi những cột basalt (nham thạch) khổng lồ
màu đen được xếp ngay ngắn (ước tính có khoảng 40,000 cột basalt đan khóa vào
nhau). Vào thế kỷ 18 đã có rất nhiều tranh cãi xung quanh việc hình thành các cột
basalt này nhưng qua các nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã cho rằng chúng đã được
hình thành cách đây khoảng 50 đến 60 triệu năm trước bởi các hoạt động phun
trào của núi lửa suốt thời kỳ Cổ Thạch (Tertiary).
Altrim
là cao nguyên nham thạch hình thành trong thời kỳ Cổ Thạch, thời kỳ núi lửa hoạt
động mạnh. Với diện tích khoảng 3,800 km2, bờ biển có nhiều vịnh và
các mũi đất với nền móng dung nham, Altrim là cao nguyên nham thạch lớn nhất
còn lại ở châu Âu.
Ở
các vách đá, chiều cao trung bình của các cột basalt ở Causeway lên đến 100m (từ
30m đến 150m), đường kính khoảng 45cm và mặt cắt của các cột bazan là các đa
giác.
Khu
vực bảo tồn còn bao gồm vùng biển gần đó với hệ động thực vật biển, các vách
đá, bờ biển, thực vật vùng đầm lầy. Giant's Causeway được thế giới biết đến và
được ví như là một kỳ quan với các cột ống khói, là ví dụ điển hình nhất về quá
trình hình thành địa chất và nguồn gốc basalt. UNESCO đã đưa Giant's Causeway
và vùng bờ biển Causeway vào danh sách di sản thiên nhiên thế giới vào năm
1986.
Có
rất nhiều huyền thọai về Con đường của người Khổng Lồ (Giant's
Causeway) như người khổng lồ Finn McCool xây con đường cầu này để qua đất
Scotland tiêu diệt kẻ thù Benandonner. Truyền thuyết cho rằng khi vượt đường cầu
sang Scotland hắn thấy Benandonner quá to hơn mình nên bỏ chạy về. Ngày nay ở
phía Scotland vẫn còn sót một phần đường cầu Khổng lồ, cấu trúc địa chất tương
tự như phía Ái Nhĩ Lan. Còn phần cầu bắt liền qua biển đã sập chìm xuống đáy biển.
Nhưng
tại sao những cột trụ hình lục giác này lại không phải là những cột trụ pha lê
nhỉ? Theo các nhà địa chất học thì những cột basalt được hình thành do kết quả
của sự phún xuất thạch nham từ núi lửa. Nham thạch lỏng khi nguội tạo ra cao
nguyên nham thạch, khi co rút lại tạo thành những rạn nứt trên mặt giống như
bùn khô dưới nắng gắt. Nham thạch theo các kẽ nứt chảy xuống tạo thành những cấu
trúc hình trụ. Sự cấu trúc hình trụ
basalt là một hình thái núi lửa thường gặp với hình thù khác nhau tùy theo độ
nguội của nham thạch mau hay lâu, khi tiếp xúc với nước hay không khí lạnh nhanh
chóng nó sẽ bị đông cứng lại. Đương nhiên sự đông cứng bắt đầu từ trên mặt từ từ
xuống lần theo chiều xâu thì các cột nham thạch sẽ dài hơn. Chiều cao các cột
nham thạch sẽ dài hơn tùy theo lưu lượng và chiều dầy của nham thạch nóng khi
chảy.
Cấu
trúc tương tự thấy ở Columbia tiểu bang Washington, Devils Tower ở Wyoming, Organ
Pipes National Park ở Melbourne Úc châu, Gành Đá Đĩa Phú Yên Việt nam…Núi
Devils Tower ở quận Crook tiểu bang Wyoming cao gần cả trăm thước là một kiến
trúc thiên nhiên ngoại hạng. Hiện tượng
cột đá khổng lồ ở Wyoming còn gây nhiều bàn cãi về việc hình thành, xuất xứ vì
các nhà địa chất chưa thống nhất về lý thuyết của sự cấu kết của Devils Tower
này. Nhà địa chất học Carpenter và Russel tìm hiểu kiến trúc của Devils Tower từ
đầu thế kỷ thứ 19 và kết luận rằng Devils Tower được thành lập bằng đá được hâm
nóng bởi lửa. Trong khi đó một số nhà địa chất học khác cho rằng Devils Tower
được tạo ra do một vụ nỗ núi lửa mà làm nên núi Devils Tower. Năm 1907 hai nhà
khoa học Darton và O’Hara cho rằng núi Devils Tower bị ăn mòn bởi nhiều khối đá
lửa chui ra từ lòng đất và chưa bao giờ nhoi lên mặt. Vài lý thuyết khác cho rằng
Devils Tower là một tảng đá lớn nằm đắp miệng núi lửa đã tắt từ lâu. Như vậy nếu
Devils Tower là mảnh đá lắp miệng núi lửa thì nham thạch đã xuất hiện chung
quanh vùng lâu lắm trước đó. Vì thế người ta tìm thấy nhiều nhiên liệu từ nham
thạch trong vùng có Devils Tower.
Ở
Việt Nam cũng có rất nhiều kỳ quan thiên nhiên bằng đá tuyệt đẹp nhưng với tầm
vóc nhỏ hơn Causeway. Nhưng so với basalt dạng cột ở Ba Làng An (Quảng Ngãi),
basalt dạng cột thác Trinh Nữ (Đăknông) thì gành Đá Đĩa ở An Ninh Đông - Tuy An
- Phú Yên là một thắng cảnh kỳ thú nhất ở Việt Nam, một kiệt tác bằng đá được thiên
nhiên ban tặng.
Đây
là một hiện tượng địa chất độc đáo. Cách đây hàng triệu năm, trong quá trình
núi lửa phun trào, những dòng nham thạch chảy ra khi gặp nước lạnh thì bị đông
cứng lại và sau đó bị rạn nứt thành những cột dựng đứng hoặc xiên. Kết quả là tạo
nên gành Đá Đĩa như ngày nay. Qua thời gian, nó được sắp xếp lại như một tác phẩm
nghệ thuật dưới bàn tay của thiên nhiên. Chồng đĩa này rộng hơn khoảng 1km2, nửa
chìm nửa nổi trên mặt biển. Đá ở đây thuộc loại đá basalt có màu đen huyền và
màu vàng sáng. Đá có hòn nặng đến hàng tạ, có hòn nhỏ nhỏ xinh xinh với những
hình dạng khác nhau: tròn, ngũ giác, đa giác… được dựng đứng theo cột hoặc là xếp
khít lên nhau giống như những chiếc đĩa xếp chồng lên nhau. Nơi đây chỉ có đá
và biển, nên mọi thứ vẫn còn nguyên sơ và có một môi trường rất thuần khiết,
không khí trong lành dễ chịu.
Bên
cạnh gành Đá Đĩa là bãi Bàng, có những khối đá nằm lặng yên dưới những tán cây
rợp mát. Đây là nơi thích hợp và khá lý tưởng cho việc nghỉ ngơi, cắm trại dã
ngoại. Đá Đĩa và bãi Bằng còn gắn liền với một địa danh phía trên đó là “Hòn đá
lực lượng”.
Nơi
đây có rất nhiều loài sinh vật biển sinh sống và đặc biệt là loại rong mứt - một
loại rong biển có vị mặn và dai dạt vào ghềnh, bám lại trên đá thành từng mảng.
Mặc
dù đã được công nhận là một thắng cảnh quốc gia vào năm 1998 nhưng cái tên Gành
Đá Đĩa vẫn còn chưa mấy ai biết đến. Khách du lịch vẫn còn thưa thớt vì nơi đây
chưa có đầy đủ cơ sở vật chất cần thiết để mọi người có thể nghi ngơi qua đêm.
Mặt khác, đường đi còn hơi khó khăn là yếu tố hạn chế du khách.
Gành
Đá Đĩa không chỉ là một thắng cảnh quốc gia mà còn là một tài sản quý giá. Do
đó, nó cần được giữ gìn, tôn tạo và khai thác có hiệu quả thành điểm du lịch với
những nhà nghỉ tiện nghi để hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Có
nhiều nhà khoa học trên thế giới tìm hiểu hiện tượng địa chất của những cột
basalt. Theo một nghiên cứu của nhà Vật lý học trực thuộc đại học Toronto
(Science Daily Dec 25, 2008) đã tìm ra lý thuyết để khẳng định hiện tượng kiến
trúc địa chất của những cột nham thạch hình lục giác của Causeway bằng cách làm
thí nghiệm trong phòng lab với những vật liệu cần thiết như bột bắp, ít nước và
nhiệt nóng từ bóng đèn.
“Hình
dạng và kích thước của những cột basalt chênh lệch từ vài inch cho đến vài thước
tùy theo vận tốc chảy lan ra của nham thạch từ núi lửa” theo giáo sư Vật lý học
của viện đại học Toronto Stephen Morris, đang hướng dẫn sinh viên tiến sỹ Lucas
Goehring làm thiết bị thử nghiệm cho dự án TS. Những cột hình đa giác nỗi tiếng
nhất được tìm thấy ở Giant’s Causeway miền bắc Ái Nhĩ Lan. Tổng hợp các tài liệu
từ sự quan sát tại chỗ, thử nghiệm trong phòng lab nhằm mục đích xác định hình
dạng cấu trúc và kích thước của các cột lục giác. Bằng cách pha trộn bột bắp thành
một hỗn hợp với nước để sấy khô – hỗn hợp bột và nước sẽ nứt mẻ khi bị sấy bởi
hơi nóng với sự kiểm soát bằng máy vi tính của việc sấy khô và anh thiết lập tỷ
lệ liên hệ giữa kích thước các cột khi sự sấy khô bắt đầu di chuyển dần. Trước khi
thực hiện thử nghiệm anh Goehring đã tham quan nhiều nơi có hiện tượng tương
đương như Causeway trên khắp thế giới, anh đo kích thước của các trụ cột để suy
luận ra vận tốc chảy của nham thạch và nhiệt độ làm nguội lại. “Tổng hợp tất cả
các dự kiện ấy anh ta suy diễn rằng các cột lục giác được hình thành một cách
giống nhau trên nham thạch cũng như trên hỗn hợp bột bắp và nước” theo anh
Morris. Anh cho biết thêm “chúng tôi có thể tính ra tỉ số liên hệ giữa vận tốc,
kích thước các cột lục giác và vận tốc làm nguội trong cả hai trường hợp đều giống
nhau, người ta nhận thấy rằng nếu việc làm nguội hỗn hợp chậm đi thì các cột sẽ
đông cứng nhanh và lớn hơn”.
Nguyễn
Hồng Phúc (sưu tầm & nghiên cứu)
Tham
Khảo:
1. Science
Daily Dec 25, 2008 – Mystery of Hexagonal Column Formations Such as Giant’s
Causeway Solved with Kitchen Materials
2.
http://whc.unesco.org/en/list/369
Giant’s Causeway and Causeway Coast
3.
http://giantcrystals.strahlen.org/europe/basalt.htm
4.
http://www.google.com.vn/#hl=vi&gs_nf=3&cp=6&gs_id=7j&xhr=t&q=ph%C3%BA+y%C3%AAn&pf=p&output=search&sclient=psy-ab&oq=ph%C3%BA+y%C3%AA&gs_l=&pbx=1&bav=on.2,or.r_gc.r_pw.r_qf.&fp=c7369d8845e03f20&bpcl=38093640&biw=1280&bih=861
http://en.wikipedia.org/Devils_Tower