THƯƠNG VỀ KỶ NIỆM P-9



Hàng năm, cứ mỗi độ Noel và tết dương lịch sắp đến, tôi thường gởi ít quà tặng nho nhỏ cho từng gia đình các bảo trợ bên Virginia. Dù chúng tôi đã từ giã họ để dọn về bang Cali nầy hơn 30 năm rồi. Tôi luôn nghĩ về họ, những người ân nhân của gia đình  trong những ngày định cư đầu tiên trên đất nước Hoa Kỳ nầy.

Vợ chồng Jim Bier và Jerryanne được tôi mời sang thăm Việt Nam để du ngoạn và tìm hiểu về đất nước nầy 1 chuyến. Tôi hứa sẽ đài thọ tất cả các chi phí, kể cả vé máy bay từ Virginia sang Cali. Jim thì vui vẻ nhận lời mời vì cũng vừa nghỉ hưu gần 1 năm rồi. Jerryanne còn bận bịu công việc làm nên không thể đi  cùng với chồng bà được. Đối với tôi, đây cũng là cơ hội để  đáp trả công ơn ông ta đã giúp đỡ, chăm sóc gia đình tôi hết sức tận tình trong lúc chúng tôi bơ vơ nơi xứ lạ quê người. Tôi thật sự hãnh diện và vui mừng được hướng dẫn ông về thăm quê hương mình.

Tôi đón Jim ở phi trường Tom Bradly, Los Angeles vào khoảng buổi trưa. Tôi phải đưa Jim trở lại cơ sở kinh doanh của tôi cũng nằm trong phạm vi downtown Los Angeles, chờ cho hết giờ làm việc rồi mời về nhà. Tôi book cho Jim ở lại Cali  chơi 3 hôm, trước khi bắt đầu cuộc hành trình hơn 2 tuần lễ ở Việt Nam. Sau gần 30 năm, Jim mới biết được căn nhà của chúng tôi. Jim cũng khen ngợi cho sự thành đạt của chúng tôi, từ 1 sinh viên còn đang cặm cụi học hành dưới mái trường với 3 đứa con nhỏ lúc dọn về đây.

Tôi đưa Jim đi tham quan khu phố Little Saigon, nơi có nhiều cơ sở kinh doanh của người Việt tị nạn. Nếm qua các món ăn thuần tuý như phở, bánh cuốn, nước mắm nhỉ ..v.v. Jim nói đã thực tập dùng đôi đũa trước đó cũng khá lâu, nay có vẻ thông thạo lúc thấy ông ăn phở.

Sau hơn mười mấy giờ bay, chúng tôi tới phi trường Tân Sơn Nhất vào buổi trưa. Cái khí hậu nóng nực của quê nhà làm Jim ra mồ hôi nhiều, ướt chiếc áo thun thấy rõ. Chúng tôi đón taxi về nhà đứa em ở quận 11 nghỉ ngơi vài ba giờ rồi bắt đầu bằng 1 tiệc nhậu với các thầy và bạn ở một quán quen thuộc.

Ban ngày tôi đưa Jim đi vòng quanh thành phố Sài Gòn bằng taxi. Chúng tôi tản bộ trên các con đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, bến Bạch Đằng… thỉnh thoảng dừng chân ở các tiệm để Jim có dịp mua một ít quà lưu niệm. Buổi chiều, thời tiết mát mẻ hơn, chúng tôi đi xe 2 bánh, dạo quanh các góc phố về đêm. Tới đường Nguyễn Tri Phương, nơi có quán Phụng Vỹ,  bán đủ các thức ăn hải sản. Nơi đây, không khí rất nhộn nhịp, tấp nập dân ăn nhậu, ngồi chung quanh chiếc bàn thấp trên vĩa hè. Jim chụp một số hình ảnh sống động, trong đó có một người đàn bà mang trên mình 1 quầy bằng gỗ, đủ các loại thuốc lá, gọi mời khách sành điệu ăn uống  mua.


Một buổi sáng sớm, tôi cùng Jim ra thăm cơ sở du lịch Suối Tiên. Nơi đây tôi gặp anh Vui, người bạn quen thân, anh là Tổng giám đốc Suối Tiên. Chúng tôi được anh chiếu cố đặc biệt, anh cho 1 xe đưa chúng tôi đi vòng quanh mọi nơi đặc biệt trong phạm vi khu du lịch nầy. Jim hết sức thích thú với các màn trình diễn ngoài trời,  được phép câu cá sấu. Nghe anh nói có hơn 6000 con cá sấu được nuôi ở đây. Chúng tôi từ giã anh để trở lại Sài Gòn và được anh hẹn đãi 1 chầu ở 1 nhà hàng sang trọng ở quận 5 vào lúc 6 giờ chiều cùng ngày. Nhớ lúc anh cùng 1 phái đoàn hơn 15 người sang Cali chơi năm trước, chúng tôi có đãi 1 tiệc linh đình ở 1 nhà hàng Ý. Cái đặc biệt là lúc sang Cali, anh mang theo hơn 50 chai rượu” Suối Tiên đệ nhất tửu”  để tặng bạn bè, một loại rượu không bán cho công chúng, chỉ dùng thiết đãi khách quý mà thôi. Anh cũng nổi tiếng tốt bụng đối với đồng hương Sóc Trăng. Bất cứ ai dân Sóc Trăng lên xin việc làm ở Suối Tiên, anh cũng nhận. Thật ra, anh cũng quê quán Sóc Trăng, anh thường tặng hàng tấn gạo cho các xã nghèo thuộc huyện Kế Sách.

Chúng tôi đón xe đò về Cần Thơ. Trên đoạn đường dài hơn 170 cây số, Jim chụp nhiều cảnh đồng quê, chụp mọi thứ gì Jim cảm thấy xa lạ và tò mò tìm hiểu. Tôi sẵn sàng giải thích mọi chuyện khi Jim hỏi.

Về tới Cần Thơ, tôi phải soạn ra chương trình cho các ngày sắp tới, nếu không, chúng tôi sẽ không có đủ thời gian đi tham quan. Chúng tôi bắt đầu bằng chuyến đi Long Xuyên vào lúc sáng sớm để tham dự 1 tiệc cưới của Dũng, một thanh niên ở Cali về cưới vợ, mà tôi có hứa làm chủ hôn cho anh ta, lúc sửa soạn về Việt Nam. Đám cưới tổ chức tại nhà của người vợ tương lai của Dũng. Jim thích thú chụp ảnh chung với các thiếu nữ nhà quê trong tiệc cưới nầy. Jim cũng hoà đồng với mọi người lúc uống rượu đế khi được khách mời. Mặt Jim và tôi cũng đỏ bừng vì cụng nhiều ly đế Việt Nam, mà người đời thường gọi là “nước mắt quê hương “.

Chúng tôi mua vé tàu đò từ bến Ninh Kiều sang khu du lịch Mỹ Khánh. Đây là 1 khu không rộng lắm, một khu vườn có trồng nhiều cây ăn trái, dọc theo các mương đào nhỏ có những túp lều tranh, dùng làm chỗ ăn uống cho du khách hiếu kỳ. Có nhiều cô gái tiếp viên trẻ đẹp, với nón lá  trong bộ y phục bà ba, phục vụ cho nhà hàng chạy tới chạy lui chào mời thực khách. Nơi đây tôi cũng làm ngạc nhiên Jim ít nhiều. Tôi gọi các món đồng quê như: Chuột đồng quay lu, mùi thơm nghi ngút bay sang một khoảng rộng. Jim nhăn mặt ngó tôi, tôi mĩm cười mời Jim thử 1 cái đùi nho nhỏ. Món ốc bưu hấp hèm còn thơm mùi  cơm rượu. Món cá trạch chiên dòn … Tôi thấy Jim chỉ ăn nhiều món cá điêu hồng nướng muối ớt. Đôi lúc tôi cũng đỏ mặt, lúng túng khi không biết thông dịch các món lạ cho Jim. Một cô gái hướng dẫn viên đưa chúng tôi đi xem ngôi nhà cổ, các dụng cụ xưa của nhà nông, chiếc cối xay bột … Chiều đến chúng tôi ăn tối trên 1 nhà hàng nổi bên cạnh bến Ninh Kiều. Nơi đây có các ban tân và cổ nhạc phục vụ thực khách. Nhà hàng chạy vòng vòng trên sông khoảng 1 tiếng rồi quay về bến cũ.

Sau mấy ngày lang thang từ quán ăn nầy đến quán khác, nếm quá nhiều các món ăn ở Cần Thơ, chúng tôi đón xe đò tới Sóc Trăng cũng vào sáng sớm. Chúng tôi viếng chùa Dơi, chùa Đất Sét, Trường dạy anh ngữ Việt Mỹ … Tôi có chỉ cho Jim ngôi trường Hoàng Diệu, nơi tôi đã trải qua thời trung học. Chúng tôi vào văn phòng trò chuyện với một phó hiệu trưởng và vài ba giáo viên đang thực tập khoảng 1 tiếng.

Thời gian qua nhanh quá, ngẫm lại chỉ còn sót lại có mấy hôm nữa thôi. Chúng tôi tranh thủ viếng chợ Nổi, vài ba cù lao nhỏ  rồi đón tàu tốc hành về thăm quê ngoại. Lúc nầy có Cậu 5 tôi từ bên Úc về chơi, bà mợ tốt nghiệp trường Cordon Blue đãi món vịt xiêm nấu chao ngon tuyệt, vui vẻ cụng ly bên cạnh bờ sông Hậu, có gió hiu hiu thơ mộng. Tôi chỉ cho Jim cái ao cá tra mênh mông mà tôi cho thuê mấy năm trước, bên cạnh vườn măng cụt.

Bữa tiệc sau cùng tại Cần thơ có 2 đứa em, nói đúng ra là các “ní” nhậu của tôi hơn mười mấy năm rồi, là BS Lâm và BS Quỳnh làm việc cho bệnh viện nhi đồng. Họ đãi chúng tôi món “ba ba” nấu mẽ.

Cảm tưởng của tôi đối với chuyến thăm quê nầy rất vui và có ý nghĩa, nhưng  dường như Jim không cảm thấy thích thú trọn vẹn lắm, vì không mấy ai trò chuyện được với Jim bởi ngôn ngữ bất đồng.

VÂN NGUYỄN, MÙA THU 2012.

 
ĐỒNG HƯƠNG © 2012 - Xây dựng bởi Blog Thiết Kế – Hỗ trợ bởi Người Áo Lam - Giao diện Rumah Dijual