THƯƠNG VỀ KỶ NIỆM-7



Sau mấy ngày còn sót lại của chuyến về thăm quê 2 tuần, tôi lại cùng người em rể sửa soạn về thăm quê ngoại. Lần nầy chúng tôi đi bằng xe 2 bánh. Người em rễ nầy vốn không thích đi xe đò, bởi thường hay bị say sóng trên đất liền. Trời thì mưa  nắng bất thường, nên chúng tôi phải mang theo áo che mưa. Lúc đang chạy trên đường, mưa trút xuống, chúng tôi phải tấp vô 1 quán cà phê bên đường để mặc áo mưa vào, tuy vậy cũng bị ướt cả giầy. Bùn văng lên khắp cả lưng tôi, thật là không vui vẻ gì cho chuyến đi.

Sau khi ăn sáng ở Thy Cát, một quán cà phê bên đường Phạm Ngũ Lão của thành phố Cần Thơ, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình dài khoảng 20 cây số vào lúc 7 giờ sáng. Trước khi tới quốc lộ Nam sông Hậu, chúng tôi phải băng qua cầu Quang Trung khá đại, đã được xây cất từ nhiều năm trước đó. Phía bên kia chân cầu, bắt ngang qua con sông chạy vào làng du lịch Mỹ Khánh, là khu đô thị mới của nhiều công ty bất động sản. Tiêu biểu là khu 586 và một số công ty khác mà tôi không nhớ tên, trong đó có khu của bà Diệu Hiền, một đại gia khá nổi tiếng đối với đa số dân cư ở đồng bằng sông Cửu Long và quen thuộc qua cái tên thật mỹ miều, lan qua tới Belverly Hills của Mỹ nữa.

Trên đại lộ Nam sông Hậu, một con đường mới, chạy dài từ trung tâm thành phố Cần Thơ tới xã Đại Ngãi. Tôi dừng lại Cái côn để giải lao, sẵn dịp tìm 1 người bạn mà có nhiều năm không gặp lại. Bạn tên Lý Ớ, cũng là cựu học sinh Hoàng Diệu ngày xưa. Sau khi dọ hỏi vài người xung quanh, tôi được biết nhà và chỗ làm việc của Ớ. Anh đang làm công việc nấu ăn cho các em học sinh trong 1 căn tin lụp xụp, mái lợp lá trong khuông viên  trường trung học cấp 2 và 3 An lạc Thôn, bên dưới chân cầu nối liền quốc lộ.

Chúng tôi vội vã tiến vào cổng trường vì trời lúc ấy đang trút xuống những giọt mưa nặng hạt. Tới căn tin, xuyên qua con đường mòn lầy lội vì mưa gió nhiều ngày không làm khô ráo được. Chúng tôi phải lần bước chậm lên những viên gạch trên con đường mòn, cách khoảng nhau vài ba tấc. Tôi gặp lại Ớ, gương mặt già dặn làm tôi khó mà hình dung ra được sau hơn 20 năm không gặp lại. Xưa biết nhau còn độc thân, nay có mấy con. Đứa con gái độ 20 tuổi đang loay quay trong căn tin, sửa soạn phụ giúp 2 vợ chồng bữa cơm trưa cho học sinh sắp đến giờ. Vợ con Ớ cũng vui vẻ chào hỏi tôi, tuy chưa bao giờ biết.

Ngôi trường khá đồ sộ, mái ngói có nhiều rong rêu vì khí hậu ẩm ướt của quê nhà. Tường vôi cũng phai màu vì sương gió. Sân trường rộng rãi, nước ngập lên cao chừng 1 tấc vì mưa gió liên miên. Cỏ dại xanh lơ, hoà mình trong biển nước, trông giống như một cánh đồng xanh với mạ non.

Hai vợ chồng mời chúng tôi ngồi lên mấy chiếc ghế đẩu, cũ kỹ, xiu vẹo, nằm rãi rác bên cạnh mái hiên của căn tin. Ớ nói đã làm công việc nấu nướng cho trường nầy mấy năm rồi, sau khi đã trúng thầu và trả cho trường vài ba triệu đồng Việt Nam tiền thuê hàng tháng. Trong lúc trò truyện, giờ ăn uống của các em học sinh cũng vừa tới. Từ các phòng học, các em nam nữ, trong màu áo trắng ùa ra ngoài hành lang, tiến về căn tin một cách vội vã, vô trật tự. Tôi nhanh nhẹn lấy chiếc máy camcorder ra thu nhanh một số hình ảnh sống động nầy, với mục đích làm kỷ niệm. Từ đàng xa, tôi thấy một người đàn ông đang đi thẳng hướng về tôi với nét mặt nghiêm nghị. Tôi ngừng quay, vì thấy anh ta muốn nói điều gì đó với tôi. Anh mời chúng tôi bước sang văn phòng của trường trong lúc nói điện thoại với vị Hiệu trưởng.

Vị Hiệu trưởng, tuổi độ trung niên vừa tới văn phòng sau đó mấy phút. Chúng tôi bắt tay nhau, chào hỏi một cách lịch sự. Anh Hiệu trưởng tự giới thiệu, anh hỏi chúng tôi từ đâu đến và tới trường với mục đích gì, trong khi cô con gái Ớ mang tới văn phòng mấy chai nước ngọt và mấy ly nước đá. Không khí có chút ngột ngạt đối với tôi, vì nghĩ mình có làm một số điều gì sai trái với nội quy của trường. Tôi trả lời với giọng bình thản, chúng tôi là Việt kiều vừa về thăm quê, sẵn dịp ghé thăm bạn cũ đã nhiều năm không gặp. Tôi quay một ít phim ảnh các em học sinh để làm kỷ niệm mà thôi, không có mục đích nào khác cả. Anh Hiệu trưởng giải thích. Ngôi trường mới đã và đang được xây dựng chưa xong bên kia đường. Trường nầy đã cũ kỹ và cũng trong giai đoạn trả về cho chủ đất. Anh có ý muốn tôi xoá đoạn phim vừa được quay ban nãy, vì anh không muốn nó lọt ra ngoài, e ngại người ta đánh giá nhà trường không lo chăm nom ngôi trường đã quá cũ. Tôi đoán anh lo ngại chúng tôi là nhà báo hay thanh tra gì rồi. Tôi suy nghĩ một lúc rồi lấy máy ra xoá đoạn video trước mặt anh giám thị. Chúng tôi trò truyện thân mật ít lâu sau đó, anh có cho tôi tên và số cell nữa.

Sau khi bắt tay từ giã mọi người, chúng tôi lên xe tiếp tục cuộc hành trình. Chúng tôi dừng xe tại ngôi chợ bên vàm Rạch Vọp, ngôi chợ năm xưa tôi thường ghé qua mỗi lần về thăm quê ngoại. Nơi đây, Khải, người bạn thuở nhỏ ngày nào còn dưới máy trường tiểu học. Anh ta bỏ học sau khi xong tiểu học, làm nghề mổ heo cả chục năm, nay sang lại sạp bán thịt cho 1 người khác để nghỉ hưu.

Tôi có gặp một anh bà con mà tôi chưa bao giờ biết, tên Tuấn. Anh nhận biết tôi và nói rằng, có 1 cô bạn muốn tìm tôi, vì ngày xưa cô bạn nầy có học chung với tôi, lúc còn theo học ban anh văn, đại học sư phạm Cần Thơ. Anh cho tôi số điện thoại, cô tên Vân và hiện đang định cư tại Sydney nước Úc.

Về tới căn nhà của ngoại, cậu bảy tôi ra đón. Gia đình cậu duy nhất còn ở lại quê nhà với 8 người con, trên phần đất hương quả, tuy có 2 đứa con trai đã định cư ở Úc mấy chục năm rồi. Tôi đi tìm vườn măng cụt để chụp vài tấm hình theo lời nhắn nhủ của chị Minh Giang. Tôi thất vọng, vì những cây măng cụt năm nào nay không còn nữa.
______________________________________________
MÙA THU 2012, VÂN NGUYỄN, NAM CALI

 
ĐỒNG HƯƠNG © 2012 - Xây dựng bởi Blog Thiết Kế – Hỗ trợ bởi Người Áo Lam - Giao diện Rumah Dijual