THƯƠNG VỀ KỶ NIỆM –PHẦN 5



Trên chuyến bay trung chuyển từ bang California hướng về Virginia, vợ chồng tôi cùng 3 đứa con còn nhỏ, cùng ngồi  theo 1 hàng ghế ngang. Với chiếc áo chống lạnh và tuyết, dầy cộm, xồm xoàm khi cử động, được cấp phát từ lúc phi cơ ghé bang cali. Tuy trời sắp sang mùa hè, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy cái lành lạnh của xứ Mỹ nầy, đối với những người mới đến như chúng tôi.

Sau nhiều giờ bay đi qua, trên vùng trời xanh lơ thật là bình yên. Tôi ngắm nhìn bên ngoài xuyên qua khung cửa kiếng nhỏ, bên dưới là mây trắng lững lờ, đôi lúc loãng rồi dầy đặc mịt mù. Trong lòng tôi lâng lâng với cảm giác là lạ. Thật vậy, từ xưa tới giờ chưa bao giờ được ngồi chễm chệ trên 1 chiếc máy bay khổng lồ, xa hoa và đẹp lạ lùng như vậy.

Thỉnh thoảng tôi cũng lim dim, như say chợt tĩnh, trong khi các con tôi ngủ vùi sau khi được phi hành đoàn cho mỗi người một phần ăn nhẹ. Tôi không thể hình dung được là máy bay sẽ đáp xuống một nơi nào đó, nhưng tôi có thể đoán là chúng tôi sẽ được sự giúp đỡ nhân đạo của người Mỹ.

Máy bay đáp xuống phi trường Roanoke, một thành phố lớn của bang Virginia. Chúng tôi theo chân hành khách, chầm chậm rời khỏi máy bay, tay xách túi hành lý nho nhỏ, trên áo có dán bảng tên họ, để người bảo trợ có thể nhận dạng dễ dàng hơn. Bên cạnh cổng ra vào, một người da trắng cao lớn, với bộ râu rậm rạp gần như che cả miệng, đến chào hỏi và bắt tay tôi, giới thiệu ông là một trong số những bảo trợ cho gia đình chúng tôi. Ông tên là Jim Bier và Jerryanne, vợ ông. Ông cũng giới thiệu tôi với Bà Valerie Gue, quản lý nhà thờ Saint Peter’s Episcopal Church,bà cũng là bảo trợ chính như ông Jim Bier. Sau mấy phút nói chuyện thân thiện, vui vẻ, chúng tôi ra xe để hướng về nhà thờ.

Chúng tôi ngồi trên xe Bà Valerie, còn 2 vợ chồng ông Jim láy 1 chiếc xe khác. Trên xe, mọi người yên lặng ngắm ra hai bên đường có nhiều cây to rậm rạp, cảnh vật quá xa lạ và đặc biệt là tôi chưa từng thấy một người đàn bà ở tuổi trung niên, lái xe hơi từ lúc còn ở quê nhà.

Bà Valerie cho xe ngừng lại trước sân 1 biệt thự to lớn có nhiều cửa ra vào, thì trời cũng sập tối. Chúng tôi được tạm trú ở đây 1 tuần lễ, chờ đợi một chổ ở khác cho việc định cư đầu tiên trên đất Mỹ.

Thật sự, đây là nhà khách riêng thuộc nhà thờ, bên trong có nhiều phòng ngủ, có nhà bếp, tủ lạnh thì đầy các thứ, như bơm, nho, thịt, trứng, sữa tươi v.v.

Ban đêm, chúng tôi khó ngủ quá, vì lẽ thời giờ có khác biệt đối với lúc ở bên Nam Dương. Bà Valerie nói rằng, những thứ trong tủ lạnh nầy là của chúng tôi và có thể dùng bất cứ lúc nào. Chúng tôi vui mừng và cám ơn tất cả tấm lòng tốt của bà và vợ chồng ông Jim.

Tờ mờ sáng hôm sau, tôi mở cửa ra sân ngắm xung quanh khu vực, tiếng chim hót vang từ trên tàng cây cao lớn xung quanh ngôi biệt thự. Tôi tìm thấy mấy gói đồ cũng khá to, trong có nhiều giày còn khá mới, lớn nhỏ, quần áo chống lạnh cũng còn khá mới, đồ chơi cho trẻ con v.v. Tôi chắc đây là quà tặng của ai đó trong nhà thờ nầy.

Hôm ấy là ngày chúa nhật, sau khi tạm trú ở đây 1 tuần. Chúng tôi được hướng dẫn tới nhà thờ, để được giới thiệu với mọi người. Tôi được biết thêm một số người bảo trợ nữa như: vợ chồng ông bà Richarles Nelson, giáo sư tại Ferrum College, nơi mà tôi đã được theo học cho 2 simester, Ông bà Ovan, ông Maxey là Pastor cho nhà thờ và có dạy môn tôn giáo cho Ferrum College, tôi cũng có lấy 1 lớp Relegion 100 do ông Maxey giảng dạy, tuy không phải có đạo thờ Chúa. Ông bà Custer, phụ trách dương cầm trong nhà thờ …

Gia đình chúng tôi được di chuyển đến 1 căn hộ 2 phòng ngủ, cũng khá tiện nghi trong khuông viên trường đại học Ferrum. Đúng ra những căn hộ như vậy chỉ được cấp cho các giảng viên của trường mà thôi, nhưng đối với chúng tôi là một ngoại lệ. Bởi lẽ, các vị bảo trợ cho tôi đều là giáo sư giảng dạy ở đây từ lâu rồi, nên nhà trường có phần đặc ân cũng nên.


Ông Jim, giáo sư tiến sĩ hóa học, người bảo trợ chính cho gia đình tôi, mang đến cho tôi 1 chiếc xe đạp còn khá mới, 1 check book có in tên tôi trong đó. Ông nói, chiếc xe đạp dùng cho việc di chuyển tới chỗ làm và đi học tại đây vào tuần tới. Cuốn check book với số tiền nhỏ trong đó, do các vị hảo tâm trong khu vực xung quanh đây đóng góp làm quà cho những người mới tới định cư trên xứ sở nầy. Tôi cảm nhận họ là những người tốt, hiền lành, có vẻ chất phác ở vùng ngoại ô nầy.

Tôi có việc làm part time cho 1 công ty may mặc, có tên là Virginia Apparel Corp, cách xa trường khoảng 5 cây số. Sau giờ học buổi sáng xong, tôi chạy thẳng tới chỗ làm từ 1 giờ trưa tới 5 giờ chiều. Công việc cũng nhẹ nhàng, nhưng mới mẽ đối với tôi. Tôi quen dần với công việc trong xưởng,  đôi khi làm nhanh quá, khiến mấy người khác không theo kịp, đến khi người supervisor khuyên, nên tôi làm việc chậm lại.

Một kỷ niệm làm tôi suy nghĩ mãi không ra là, lúc thi final cho semester thứ 2 tại đây, với môn luận văn chương anh ngữ 101, một bài thi thật là khó hiểu đối với tôi. Bài nói về show Oprah, vốn có trên đài truyền hình hàng tuần. Tôi cũng cố gắng suy nghĩ vòng vo để viết, có lúc tôi chẳng hiểu tôi viết về đề tài gì nữa. Thông thường, tôi thích viết các bài nói về phong tục tập quán có liên quan đến lễ cưới, đám hỏi ở quê nhà, hoặc là các chợ, các quán v.v.

Tôi cũng có ít nhiều hồi hộp, lo âu cho đề tài, một cái show trên truyền hình, mà tôi có ít thời giờ để xem để tìm hiểu. Có 1 lần, ông Jim nói với tôi rằng, một bà khoa trưởng rất thích thú về các phong tục, tập quán của người Việt Nam, như trong các bài luận văn tôi đã viết trong suốt 1 semester. Sau cùng, tôi hết sức vui mừng, vì được cho đủ điểm  D để đậu, trong khi có 7 sinh viên bản xứ bị rớt trong cuộc thi final nầy.


FERRUM COLLEGE, FERRUM VIRGINIA 24088 , VÂN NGUYỄN, SEPT 2012.

 
ĐỒNG HƯƠNG © 2012 - Xây dựng bởi Blog Thiết Kế – Hỗ trợ bởi Người Áo Lam - Giao diện Rumah Dijual