CHIẾC ÁO BÀ BA….




Áo bà ba cái ngắn cái dài
Sao anh không bận, bận chi hoài áo bành tô
Người đẹp ĐBSCL dịu dàng trong chiếc áo bà ba…
Theo báo Dân trí trong nước thì người đẹp Đặng Thu Thảo đến từ tỉnh Bạc Liêu đã được đăng quang ngôi vị Hoa khôi ĐBSCL 2012, nhưng người hâm mộ và những người con xa xứ vẫn mơ màng đến nét đẹp dịu dàng của chiếc áo bà ba mà các người đẹp thể hiện trong đêm chung kết.
Mời độc giả chiêm ngưỡng nét đẹp duyên dáng dịu dàng của chiếc áo bà ba được các người đẹp miền sông nước tôn vinh - một màu sắc rất riêng của Hoa Khôi Đồng Bằng Sông Cửu Long 2012.
Đến với màu xanh của miệt vườn, miền sông nước Nam bộ, chúng ta làm sao quên được em gái với chiếc áo bà ba mộc mạc, duyên dáng và gần gũi quê hương…
Áo bà ba xuất hiện vào đầu thế kỷ 19, kiểu áo Penang của người Mã Lai và được Trương Vĩnh Ký đem về, vẽ kiểu thiết kế được cải cách để trở thành chiếc áo bà ba đầy vẽ Việt nam…. Nhưng theo nhà văn Sơn Nam thì “Bà Ba là người Mã Lai lai Trung Hoa. Chiếc áo bà ba mà người miền Nam ưa thích, vạt ngắn không bâu chính là kiểu áo của người Bà Ba”. Một quan niệm khác lại cho rằng “Có thể áo bà ba ảnh hưởng, cách tân từ áo lá và áo xá xẩu may bằng vải buồm đen của người Hoa lao động, là kiểu áo cứng, xẻ giữa, cài nút thắt... Phải chăng do thời tiết quanh năm nóng bức, họ bỏ luôn chiếc cổ thấp của áo lá và áo xá xẩu, mang thêm áo quanh chân cổ cho chắc. Áo xẻ giữa thay vì cài nút thắt đã được làm khuy, cài nút nhựa do ảnh hưởng phương Tây”. Áo với hai thân trước, thân sau, hai ống tay dài ôm sát người nên trông duyên dáng thùy mị. Áo may đơn giản, khó nhất là cái cổ. Cổ áo thường có hình trái tim, cổ tròn, vuông tùy sở thích. Áo nách ngắn, dài tùy theo tuổi tác. Ở chính giữa đơm hàng nút bóp, thường gồm 5 chiếc ngay ngắn từ cổ đến thân dưới. Hai túi áo to nhỏ tùy theo ý muốn nhưng cân đối với thân áo.
Áo bà ba không chỉ phụ nữ mặc mà còn có cả nam giới nhất là ở lứa tuổi trung niên trở lên và túi áo thường may lớn hơn. Áo bà ba và chiếc khăn rằn quàng cổ là kiểu ăn mặc mộc mạc, chơn chất của người nông dân miền tây nam bộ từ bao đời nay. Người nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long ngày xưa thường vận bộ bà ba đen đi đồng, bởi nó vừa sạch, vừa dễ giặt giũ. Vải may là loại vải một, vải ú, vải sơn đầm... rất mau khô sau khi giặt. Bên cạnh đó, chiếc áo bà ba được xẻ ở hai bên hông làm cho người mặc cảm thấy thoải mái, gần vạt áo có thêm hai túi to khá tiện lợi cho việc đựng những vật dụng nhỏ như thuốc rê, diêm quẹt, tiền bạc... Chính nhờ tính tiện dụng và sự thoải mái đó, chiếc áo bà ba được cả nam lẫn nữ ở đồng bằng sông Cửu Long mặc cả lúc đi làm, đi chợ, đi chơi. Riêng lúc đi chơi, họ thường chọn màu sắc nhẹ hơn như màu trắng, màu xám tro. Còn các cô, các bà thì chọn màu mạ non, xanh lơ nhạt... với chất liệu vải đắt tiền hơn như the, lụa…
Trong sinh hoạt lao động sản xuất, làm vườn, chèo thuyền, trên đồng ruộng, chiếc áo bà ba thích hợp và thuận tiện cho mọi người. Áo không chỉ để mặc trong lao động mà còn để đi thăm xóm làng vào những ngày giỗ, tết… Hàng may áo không phải kén chọn hàng nội hay ngoại, trắng hay đen, trơn hay bông đều dùng được miễn là không dày lắm hay loại hàng nhiều sợi nylon. Màu sắc thông dụng trắng, đen, tím, vàng nâu tùy theo nước da và tuổi tác. Màu đen, tím làm nổi bật nước da trắng. Ngày nay người ta thường chuộng nhiều màu như tím than, vàng mơ, hồng nhạt, đợm hoa, lá….Có một điều tiện lợi nhưng không tốn kém lắm.

Sau này, nhất là ở thời kỳ những năm 1960-1970, áo bà ba truyền thống được phụ nữ thành thị cải tiến, vừa dân tộc, vừa đẹp và hiện đại hơn. Áo dài bà ba hiện nay không thẳng và rộng như xưa, mà được may hẹp, nhấn thêm eo bụng, eo ngực cho ôm sát lấy thân hình. Ngoài ra, người ta còn sáng tạo các kiểu chắp vai, cổ tay, cửa tay, riêng các kiểu bâu (cổ) lá sen, cánh én, đan tôn... là được tiếp thu từ kiểu y phục nước ngoài.

Các kiểu ráp tay cũng được cải tiến. Từ kiểu may áo cánh xưa, liền thân với tay, người ta nghĩ tới cách ráp tay rời ở bờ tay áo. Trong những năm 1970, thành thị miền Nam phổ biến kiểu ráp tay raglan, đã tạo nên vẻ đẹp hiện đại cho chiếc áo dài bà ba truyền thống. Với kiểu vai raglan này, hai thân áo trước và sau tách rời khỏi vai và tay áo, trong khi tay và áo lại liền từ cổ tới nách. Bà ba vai raglan chỉ cần may khít, vừa vặn với eo lưng, không quá thắt như kiểu áo trước đó. Tay áo dài hơn nhưng hơi loe, có khi người ta bỏ cả hai túi ở vạt trước để tạo cho thân áo nhẹ nhõm, mềm mại hơn
Áo và ba trải qua bao đời nay nhưng vẫn còn thông dụng cho người Việt nam. Đó là một nét đẹp văn hóa truyền thống, thắm đậm tình quê hương của Đồng Bằng Sông Cửu Long…

Nguyễn Hồng Phúc (tổng hợp)

 
ĐỒNG HƯƠNG © 2012 - Xây dựng bởi Blog Thiết Kế – Hỗ trợ bởi Người Áo Lam - Giao diện Rumah Dijual