ĐỨA BÉ MỄ TÂY CƠ

Truyện ngắn  Mùa Giáng Sinh

Hôm ấy tôi đến sở muộn hơn thường lệ.  Vào văn phòng tôi mở danh sách những cases phải làm trong ngày, xem xét lại trước khi gọi để verify.  Cú điện thoại thứ nhất reo mãi nhưng không ai trả lời.  Cú thứ hai đường dây bị cắt.  Cú thứ ba một bà nói khan khan “Ông gọi lộn số rồi!”.  Cũng thường khi như vậy.  Tôi xếp đồng hồ sơ lại, chạy qua anh chàng da đen mới được tuyển để tán gẫu đôi câu về trận túc cầu tối hôm trước.  Khi trở lại văn phòng, tôi gọi cú điện thoại thứ tư, một tiếng nói thong thả trong như tiếng thiên thần “Bueno”.  Một đứa bé nói tiếng Tây Ban Nha!  “Puedo hablar con tu mama?” (Tôi nói chuyện với mẹ em được không?).  “No esta a la casa” (Mẹ không có nhà).  Trao đổi với em vài câu, tôi biết em ở nhà có một mình!  Em tên là Alejandra, 4 tuổi (Đứa bé trong hồ sơ)!  Tôi dặn em không được mở cửa cho ai vào, trừ khi đó là mẹ của em, rồi gác máy.  Trong chương trình làm việc của tôi, chuyện gặp các em bé ở nhà với nhau trong khi cha mẹ chúng đi làm là chuyện thường.  Nhưng một bé gái 4 tuoi ở nhà một mình thì không phải chuyện bình thường!  Tôi có cảm tưởng như mình đang thiếu dưỡng khí!  Tôi đi ra ngoài giải lao như để lấy thêm oxygen vào lúc này.  Quay trở lại văn phòng, việc thứ nhất tôi gọi ngay cho Connie, giám đốc sở.  Bà ấy rất ngắn gọn và nguyên tắc như…Mỹ:  “Call CPS [Child Protective Services], this is the number…”.  Tôi không gọi số của Connie cho, mà gọi cho một anh bạn đang làm bên CPS.  Cái hành xử mà tôi chọn lúc ấy cũng hơi “méo mó” đi một chút.  Tôi hỏi người bạn về những hậu quả có thể xẩy đến cho một trường hợp như thế.  Anh giải thích cặn kẽ:  Nếu gọi CPS, họ sẽ cho cảnh sát đến đưa đứa bé đến một nơi an toàn, và chắc chắn người mẹ sẽ được “mời” đi làm việc theo lối…công an VN!

Tôi suy nghĩ về một điều cũ rích năm xưa của nhà hiền triết Pascal “Le Coeur a ses raisons que La Raison ne connait point!” (Trái tim có những lý lẽ mà Lý Trí không hiểu được).  Ngoài triết lý, ông Pascal còn chơi hai chữ: raison viết thường thi có nghĩa là lý lẽ, nhưng nếu Raison viết hoa thì lại có nghĩa là Lý Trí!  Tôi vốn không thích làm nô lệ cho ba cái luật, nên đã tìm cách giải vấn đề theo phương trình…Pascal:
1-    Nếu cứ để mặc đứa bé, không thèm báo CPS.  Chuyện nguy hiểm có thể xẩy đến cho đứa bé với một xác xuất cũng…rất thấp.  Mẹ đứa bé không bị rầy rà.  Hên xui may rủi!
2-    Rất giản dị:  Gọi CPS rồi tụi nó tính sao mặc kệ.  Mình hết trách nhiệm.  Đứa bé an toàn, nhưng mẹ nó có thể bị bắt, mất việc làm, mẹ con họ ly tán!
3-    Tôi nghĩ ra giải pháp thứ ba:  Không gọi CPS!  Nhưng thỉnh thoảng tôi gọi em bé xem nó có an toàn không.  Và cũng để thực hành mớ tiếng Tây Ban Nha của tôi xem con nít nghe chúng có hiểu không?. 
Khi chọn giải pháp 3 này tôi đã tự chuốc phiền vào thân.  Tuy nhiên ai trong chúng ta cũng đã từng có những kinh nghiệm về cuộc sống:  Yên thân đâu hẳn đã là vui?  Bản tính con người là thích làm một cái gì đó hơi “liều lĩnh” một tí cho vui.  Người Việt Nam chúng ta nổi tiếng trên thế giới về lòng gan dạ trong những chuyến vượt biên. Ai chưa từng vượt biên thì được xem là…gan chưa to!.  Suốt ngày hôm đó, hầu như mỗi giờ, tôi lại gọi cho bé Alejandra để vừa làm remote security cho em, vừa thực hành tiếng Tây Ban Nha với Maestra tí hon.  Cám ơn Bề Trên, một ngày bình an qua đi.  Ngày hôm sau, sự chịu chơi của tôi xuống cấp vì bé Alejandra vẫn ở nhà một mình!!!  Dám chơi thì dám chịu!  Hôm nay dù tôi có gọi CPS thì tôi vẫn bị sở nẹc, vì đã không làm ngay theo qui định của sở.  Chơi luôn…Quả nhiên Thượng Đế đã gởi đến cho tôi một sứ giả để tiếp sức trong khi … “Tôi toan chìm giữa khơi!”: Tina Colunga đến thăm tôi!  Cô là một người Mễ Tây Cơ chính hiệu con nai vàng, và là người bạn khá thân của tôi.  Tôi gợi sự tò mò của cô bằng cách cho cô biết tôi đang có câu chuyện rất …hồi hộp, nhưng cô phải hứa là không nói với ai cho đến khi có kết quả tốt.  Cô hứa ngay.  Tôi bắt đầu đề cao văn hóa Hispanic, và tô son điểm phấn cho văn hoá này khiến cô sướng đến hồng cả đôi má lên!  Tôi vào câu chuyện và nhờ cô nói chuyện trực tiếp với bé Alejandra.  Cô nói tiếng Tây Ban Nha dòn như pháo giao thừa.  Tôi có cảm tưởng là hôm ấy cô nói chuyện hay hơn ngày thường.  Xong câu chuyện tôi vào nghề phỏng vấn cô ngay, có lẽ chính tôi hôm ấy cũng trở thành một ký giả chuyên nghiệp:  “Sau giờ làm việc tôi sẽ gọi đến nhà nói chuyện với mẹ của bé Alejandra có gì trở ngại không?  Phải bắt đầu ra sao?  You có sáng kiến gì trong vụ này không?  Nhớ đừng báo cáo với sở cho đến khi có kết quả tốt…”.  Người bạn làm việc bên chúng ta một ngày như mọi ngày, bỗng hôm nay trở nên người bạn đặc biệt, cùng sát cánh bên nhau thi hành một sứ mạng không bình thường:  Lý Lẽ của Con Tim!  Khi hoàn thành mật vụ, người bạn tôi hug tôi một cái thật đậm, trước khi trở về nơi làm việc. 
Đã 7 giơ tối, chắc mẹ của Alejandra đã về nhà.  Tôi cầm cái phone trong tay mà lòng hồi hộp như sắp hẹn hò với người yêu trong mối tình đầu vậy.  Tôi bấm số vì đã thuộc lòng, nhấn call, áp sát vào tai như để nghe từng âm thanh.  Chuông reo vài tiếng, rồi “Bueno”.  Đúng rồi!  Không phải là bé Alejandra nữa, mà là Bé …Bự!  Tôi bắt đầu thuyết pháp hơi loạc choạc, nhưng áp dụng ngay những chiêu thức mà người bạn Hispanic mới truyền cho sáng nay, tôi từ từ làm chủ tình hình.  Lúc đầu cô ta chối quanh và nói là chỉ chạy qua hàng xóm một chút.  Tôi trấn an “Bây giờ là 7 giờ tối, tôi không còn là nhân viên của cơ quan nào hết!  Tôi là bạn của cô!  Yo soy tu amigo ahorra, mi Espanol es limitado pero mi amiga hablo mucho con tu hija esta manana (Tiếng TBN của tôi giới hạn, nhưng bạn của tôi đã nói chuyện với con của cô rất nhiều sáng nay).  Cô ta biết không chối được nữa, và với sự thân thiện của tôi, cô bắt đầu tâm sự về những khó khăn, phải đi làm, và không đủ tiền gởi bé Alejandra, phải nhờ một người chị họ ở cách đó dăm căn nhà trông chừng giúp.  Hai đứa con lớn 6 tuổi và 7 tuổi đã đi học.  Qua sự kể lể của cô, tôi biết ngay cô đủ tiêu chuẩn để ở nhà coi con và được chương trình DFPS (Department of Family Protective Services) trả tiền cho.  Tôi giảng giải cặn kẽ cho cô về chương trình này, và hỏi cô có muốn tham gia không?  Tôi cho cô số điện thoại để nộp đơn tham gia chương trình, tôi nói rõ cách thức làm đơn và những giấy tờ cần bổ túc để được quyền lợi.  Cuộc khủng hoảng đến hồi kết thúc.
Sáng hôm sau tôi gọi thêm một lần nữa cho chắc ăn.  Quả thực, cô ta ở nhà.  Chúng tôi nói chuyện thân mật như hai người bạn đã quen từ lâu.  Cô ta nói tiếng Anh khá giỏi, mặc dù hơi accent, nhưng cô có giọng nói ngọt và hấp dẫn đến mê hồn!  Cô ta hỏi thêm những gì cần làm để bổ túc cho DFPS, và cô không quên hỏi tên tôi, nơi tôi làm việc….


Những ngày lễ vọng Giáng Sinh lặng lẽ đi qua.  Trong tâm hồn tôi vẫn còn phảng phất một niềm vui là lạ.  Một buổi sáng trước Giáng Sinh 3 ngày, tôi cũng đi làm như thường lệ.  Vừa lái xe ra khỏi garage, một con chim bay tới hót líu lo trên cành phong trước nhà đã trụi lá, như để báo tin mừng Con Chúa sắp ra đời.  Tôi vào văn phòng ngồi chưa nóng…chỗ, người thư ký cho biết tôi có client tên Yolanda Martinez cần gặp.  Người tôi nóng ran lên vì tôi đã biết Yolanda là ai!  Tôi ra phòng chờ đợi để xem mặt mũi người mà tôi đã từng counseling đặc biệt, người có giọng nói truyền cảm và vô cùng hấp dẫn ấy ra sao.  Vừa thấy tôi, cô đứng lên khỏi chỗ ngồi.  Một phụ nữ Mễ Tây Cơ tóc hung, không đẹp, nhưng có vẻ lãng mạn vô cùng, cô chạy đến tươi cười  “You are Mr. Nguyen?”  Cô đến để báo một tin vui “DFPS đã chấp nhận hồ sơ của cô, và kể từ đầu tháng 1 cô bắt đầu được lãnh lương về việc chăm sóc 3 đứa con và một đứa cháu của người chị họ (Vì người này thích đi làm hơn là ở nhà trông con!).  Như vậy từ nay Yolanda cứ việc ở nhà trông con và được lãnh lương như người đi làm vậy, bé Alejandra không phải ở nhà một mình nữa.  Cô đưa cho tôi tấm thiệp Giáng Sinh đơn giản như cuộc sống nghèo nàn của cô.  Đây là một trong những tấm thiệp Giáng Sinh đẹp và ý nghĩa nhất trong cuộc đời làm công tác xã hội của tôi.  Đôi mắt cô sáng lên và đôi má ửng hồng như muốn ôm lấy tôi để tỏ lòng biết ơn theo thói quen Mỹ, nhưng nơi đó là chốn công cộng, nên tôi đành…!  Tôi nhận tấm thiệp trong lòng vui sướng vì đã làm được một công việc mà Cha Trên Trời gọi là “Ta đói con đã cho ăn, ta khát con đã cho uống”.  Duy chỉ có một điều mà … Ngài trách tôi, đó là “Em muốn hug mà anh… chẳng chịu!”. 
Phải chăng tôi đã làm một cái gì đó không đúng như luật lệ thông thường?  Tôi đi bám vào vách đá trơn trượt để leo lên tìm một thứ luật lệ…toàn mỹ hơn, giống như cái tinh thần của những người làm luật từ thuở ban sơ “Lex pro hominibus, et non homo pro legibus” (Luật vì con người, chứ con người không vì luật!).  Nhưng trong cái trò chơi này, nếu lỡ có chuyện gì không may xẩy ra, thí dụ lỡ bé Alejandra bị cướp đến hãm hại chẳng hạn, thì bao nhiêu công cán, mưu toan của tôi đã trôi theo giòng nước, rơi xuống vực sâu ân hận!  Thế mới biết “Mưu sự tại nhân mà thành sự tại…MAY!” là vậy.  Cảm tạ Ơn Trên.  Cám ơn sự Bình An của Mùa Giáng Sinh năm ấy. Mong rằng câu chuyện không mấy mặn mà này đem đến cho người đọc một cái nhìn “dí dỏm” về luật pháp.  Phải công nhận rằng trong cuộc sống phức tạp hôm nay, chúng ta cần luật pháp để duy trì trật tự.  Thế nhưng bên ngoài những xã ước, bên kia dãy núi Pyrénées, vẫn có những trật tự nhiều màu sắc (Au delà du Contrat Social, à l’autre côté des Pyrénées, il y aurait des ordres multicolores).  Tôi viết bài này không mong ai đó “bám vào vách đá trơn trượt để leo”, nhưng nên đi trên đường …tráng nhựa, nếu có!

PS.  Tại Mỹ có nhiều chương trình xã hội giúp mọi người tùy theo hoàn cảnh.  Tuy nhiên phải biết để ứng dụng.  Người counselors như chúng tôi được đi học về những chương trình đó, và được “bồi dưỡng” (training) thường xuyên hàng tháng để có thể counseling cho những người cần đến và hội đủ tiêu chuẩn nhận được quyền lợi của họ.  Mơ ước của tôi là một ngày nào đó, khi về hưu chẳng hạn, được làm công việc này trên chính Quê Nhà của mình.

Đồng hương Ba Rinh  N. K. L. USA



 
ĐỒNG HƯƠNG © 2012 - Xây dựng bởi Blog Thiết Kế – Hỗ trợ bởi Người Áo Lam - Giao diện Rumah Dijual